Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Thời Minh mạt, Khấu sinh, người thôn Khì U, huyện Thanh Lương, Quảng Đông là người hay chữ. Lúc sáu tuổi đã làu thông bốn sách năm kinh, lên tám đã vang tiếng thần đồng. Đến tuổi trưởng thành, phong nghi lại đẹp đẽ hơn người nói năng khiêm cung lễ độ, lại xuất khẩu thành chương, “bảy bước thành thơ” tài danh xuất chúng, chữ lại đẹp như rồng tiếng nổi như cồn, xứng danh là danh sĩ.
Thế mà Khấu lại chẳng lai kinh ứng thí. Có người hỏi – Công tử bút khí hơn người, chỉ cần một bước là đến chín tầng mây, rạng danh tiếng tổ, giúp ích cho đời, can cớ chi lại lãng phí thờ gian như vậy? Khâu đáp: Thời này làm quan cần gì phải có chữ cơ chứ? Khoa kỳ chẳng qua là để che mắt thiên hạ, lao vào đó vàng đá bất phân, nước đâu rữa sạch?.
Và cứ thế ngày ngày sơn thủy vui chơi. Đi đến đâu bút mực tràn tràn, lời lời châu ngọc, có ngày tuôn ra hàng trăm bài thơ, hàng trăm bài phú, ý tình thấu đến trăng sao khiến cho hoa rụng tuyết rơi gió mây thẩn thờ.
Tiếng đồn đến tai La Đại nhân, tân huyện lệnh Thanh Lương bèn mời sinh diện kiến gọi là tỏ lòng mến mộ. La huyện lệnh bút tài cũng chẳng phải tay vừa tánh lại phóng khoáng hơn người. Cả hai gặp nhau như cá gặp nước đối đáp ngày ngày tạc thù tháng tháng, tình như thủ túc chẳng bằng.
Lưu lại huyền đường chỉ mấy mùa trăng mà thơ phú vạn bài rựu rót muôn chai. Trước khi giã từ, La huyện lệnh kính cẩn nói: Tiên sinh là danh sĩ một đời khó gặp chẳng hay trước khi chia tay có thể phóng thần thủ lưu lại viên môn một câu đối chăng? Thế là nghiên hoa bút ngọc bày ra, thoát một cái đã xong hai vế, một bên như phụng một bên như rỗng La huyện lệnh vô cùng đắc ý bèn thưởng năm mươi lạng bạc gọi là chút quà lưu niệm.
Mỏi bước giang hồ lòng du tử bỗng nhớ quê xưa, nhớ tri kỷ La huyện lệnh, tiện bước đường về định bụng ghé thăm, nhưng vừa bước chân vào địa hạt huyện xưa thì sao quang cảnh khác hẳn lúc giã từ, ruộng đồng vắng kẻ cấy cày cỏ mọc như lau, trên cây chim muông không tiếng hót, bốn bề chẳng khách bộ hành, vài đứa trẻ quần áo rách bươm đang ngồi uể oải trong những căn nhà rách nát. Đang bang hoàng bổng một cụ già bước tới Khấu vội hỏi sự tình, cụ ngồi bệt xuống đất thở ra đáp mà lòng như oán hận:
- Làm sao mà dân tình không điêu đứng khi mà kẻ làm quan hung dữ như hổ đói, xem dân như hoẵng như hưu, dân còn da thì muốn lột da, dân còn thịt thì rấp tâm xẻ thịt, Khấu hỏi: Cụ nói vị quan nào vậy? Ông cụ nhếch môi: Ta ở huyện Thanh Lương không nói La huyện lệnh thì nói ai? Khấu trố mắt ngạc nhiên: La huyện lệnh là người thấu suốt đạo thánh hiền, đã từng lấy nghĩa trị dân kia mà, Ông cụ ngữa mặt lên trời đau khổ mà nói:
- Đạo lý thánh hiền ư? Lấy nghĩa trị nhân ư? Hườm…! Lúc trước cũng tại thằng danh sĩ có mắt mà như mù có tai như điếc kia đã làm hàng ngàn bài thơ ca ngợi công đức tên La huyện lệnh này đến nỗi một năm sau nhậm chức có quan khâm sai tuần du chúng ta dâng sớ cáo trạng dân tình nhưng khi hồi kinh quan khâm sai tấu rằng chúng ta là lũ vũ phu thất học vô cớ tố gian bởi đã có hàng ngàn bài thơ của một danh sĩ ca tụng công đức của hắn rành rành. Ngài khâm sai còn bảo những danh sĩ cầm bút luôn có lòng tự trọng nào dám viết bừa nhất là sau khi ngài đọc hai câu đối trước nha môn huyện đường: “Dĩ nghĩa dĩ nhân, nhất huyện phong hòa vũ thuận – Thi ân thi đức, tứ phương lạc nghiệp an cư” – Nói xong ông cụ “hứ” một tiếng như ai oán rồi bỏ đi.
Khấu chết lặng người, thất thểu bước đi mà không biết về đâu khi mặt trời gác bóng đầu non, sương chiều chớm lạnh lòng lữ khách. Đến một ngã ba đường đang tần ngầng băn khoăn, bỗng nghe sau lưng có tiếng hát, lời hát vừa căm hận vừa cao ngạo, Khấu quay lại nhìn rỏ một tráng sĩ, vai mang cung tên vai vác đùi nai, mày rậm râu dày nhưng vẻ mặt hiền hòa, Khấu lên tiếng: Dám hỏi nhân huynh đây là đâu? Tráng sĩ thoáng nhìn Khâu rồi lần lượt chỉ tay về hai ngã đường đáp: - Hướng này còn mười dặm nữa thì tới Khì U thôn, hướng kia về Sài Nha thôn, còn xa lắm, Khấu mừng khấp khởi cảm tạ rồi vội bước đi, nhưng tráng sĩ ngăn lại: - Mười dặm đường núi phải mất khá lâu mà nhìn công tử tướng mạo phong lưu làm sao chống lại răng sói miệng hùm, nếu không chê mái tranh vách cỏ xin được mời bữa cơm đạm bạc uống chén rượu suông. Khấu cả mừng bèn theo tráng sĩ về nhà, đó là một sơn lư mái, phên cỏ chõng tre, một bếp lữa giữa nhà, vật dụng đạm bạc, Khấu ái ngại hỏi ra được biết tráng sĩ họ Từ, tổ phụ vốn là tiên phuông của Triệu tướng quân nhiều năm chinh chiến nếm mật nằm gai giữ vững biên thùy, thế mà rốt cuộc phải bị vạ vì bè lũ hoại thần ngày đêm mặc đẹp ngủ ngon nơi tướng phủ kề cận mình rồng dùng miệng lưỡi cú mèo mượn bút giết người hãm hại trung thần.
Từ tráng sĩ nói: - Công tử hỏi tại sao tôi chọn nơi núi cùng hang tận gửi thân? Người xưa bảo “chính sự hà khắc còn đáng sợ hơn cọp dữ” Tên quan Huyện Thanh Lương này còn đáng sợ hơn nọc rắn nanh hùm! ba năm trước có tên danh sĩ họ Khấu được hắn cho ăn rượu béo cho uống rượu ngon, mập mờ liêm sĩ chẳng biết thị phi bèn tuôn bút mực tán dương công đức mà dân tình phải điêu đứng lầm than, khiến người người phải tha phương cầu thực kẻ hiền phải chạy trốn lên non. Khấu hiểu ra mọi sự nghe như dao bén cắt da, lòng đang hổ thẹn thì Từ tráng sĩ tiếp:
- Lưỡi gươm tuy bén thường nhuộm máu người nhưng chỉ phần nào tạo mối oan khiên bởi thường là máu quân thù máu phường gian ác, nếu lỡ tay một nhát vô tình thì cho cùng cũng chỉ một kẻ vong mạng, Còn ngọn bút tuy mềm nhưng làm nên những chuyện vô cùng tùy theo kẻ có lương tri hay phường vô lại, với kẻ có trái tim trong sáng thì bút có thể tạo ra hào quang như ánh sáng mặt trời, vẽ nên bao la của biển cả của sông xanh nuối biếc hoa lá diệu kỳ bút tạo nên sức mạnh của người chiến binh nơi biên địa bút cũng tạo nên ánh đuốc sáng ngời đưa thiên hạ vào chốn trật tự yên bình thịnh vượng.
Ngược lại với kẻ tâm đen như lọ, lương tri như chất tanh hôi thì ngòi bút sẽ tạo ra biết bao ngang trái bao nỗi bi thương, bút sẽ tựa như móng vuốt lang sói hút máu dân lành xé xác lương dân, bút sẽ như đám mây mù che khuất vầng thái dương đẩy trăm họ lê dân vào bóng tối, Thế mới biết:
“Kiếm tại nhất thời – Bút lưu vạn đại” kẻ cầm bút nếu không cẩn trọng đánh rớt lương tri thì tai họa khó lường…
Khấu nghe qua, lòng hối hận tận cùng, suốt đêm không sao chợp mắt, sáng ra suối rửa mặt, kinh hoàng khi thấy một kẻ tóc trắng phau phau từ đáy suối nhìn lên, Khấu trừng mắt kẻ ấy cũng trừng mắt, Khấu thẳng tay chỉ kẻ ấy, kẻ ấy cũng thẳng tay chỉ lại, còn nghe như có giọng thét lớn:
“Kẻ cầm bút như mi chính là kẻ tội đồ” - Khấu cả kinh ngã nhào úp mặt xuống nước. (Lược soạn từ: Kha Tiệm Ly).