Con ngựa quý của ông thủ tướng - Dân Làm Báo

Con ngựa quý của ông thủ tướng

Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Dương Chí Dũng chọi "quả lựu đạn" 500 ngàn đô la Mỹ, ngay vào mặt ông quan cộng sản mang hàm Thứ trưởng Bộ Công An - Phạm Quý Ngọ, làm toàn bộ thiên hạ từ trên lề (bất kể trái, phải) cho đến những người đang ở ngay lòng đường, đều lặng người vài phút rồi ùn ùn kéo nhau ra coi những miểng đạn văng tới đâu và trúng vào những ai. 

Sở dĩ gọi "gói hối lộ" là quả lựu đạn, bởi vì 500 ngàn đô Mỹ thật ra không phải lớn nếu nói về nghĩa đen khi đem ra so với nhiều vụ liên quan đến tiền và càng không thể xem là quả bom, nếu nói về nghĩa bóng, khi cái chức thứ trưởng bộ Công an cũng chưa phải là gì quá ghê gớm, so với những cái ghế cao nhất ở thượng tầng kiến trúc xã hội cộng sản.

Tuy nhiên, câu chuyện làm không khí lạnh lẽo cuối năm trở nên nhộn nhịp hơn, ồn ã hơn đối với bá tánh và xôn xao hơn, nháo nhác hơn đối với phần còn lại mà lâu lắm rồi trong cái thể chế - ông thủ tướng vừa đòi đổi - buồn tẻ, bất công và tàn bạo lại có dịp chứng kiến công khai. 

Nếu những bộ quần áo cùng cảnh trí, trang thiết bị hiện đại tại Việt Nam hiện nay được thay bằng những gì của 500 năm về trước, có thể làm nhiều người giật mình để ngẫm nghĩ, đó chẳng qua thể hiện bối cảnh một triều đại phong kiến đang rữa nát chính từ sự suy đồi về mọi mặt của nó gây ra. Bất kỳ độc giả nào còn nghi ngờ, xin mời xem bài viết dưới đây [1], để thấy những con người hiện đại ngày hôm nay, bàn luận câu chuyện thuộc thế kỷ 21, vẫn chẳng chút ngại ngần viện dẫn những tư tưởng thuộc phạm trù đạo đức phong kiến đã quá lạc hậu để biện minh cho một vụ án thời hiện tại. 

Từ Phạm Quý Ngọ... 

Khi vụ án gia đình anh nông dân Đoàn Văn Vươn nổ ra, có lẽ nhiều người còn nhớ ông thủ tướng tuyên bố nghiêm trị việc chống người thi hành công vụ, sau đó tiếp tục "chỉ đạo giải quyết nghiêm vụ việc (Đoàn Văn Vươn), các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc, càng để lâu càng không có lợi" [2]. Tuy nhiên sau đó, cũng chính ông Nguyễn Tấn Dũng lại xoay chiều đột ngột để kết luận sai phạm thuộc về phía công quyền, lại còn trực tiếp đề nghị tòa địa phương xem xét giảm nhẹ tội trạng cho gia đình người nông dân này. 

Một trong những nhà báo đi đầu để lên tiếng cho gia đình nông dân khốn cùng, đó là nhà văn Nguyễn Quang Vinh. 

Ông Nguyễn Quang Vinh, trong quá trình lên tiếng, đã tiếp xúc trực tiếp với Trung tướng Phạm Quý Ngọ lúc bấy giờ. Trong cuộc trao đổi này, ông Vinh cho biết [3], lúc đầu ông Ngọ xem mọi sai phạm đều thuộc về gia đình Đoàn Văn Vươn, nhưng sau đó cũng "...chính ông Ngọ báo cáo lại với Thủ tướng, chính quyền Tiên Lãng làm trái luật". Đánh đổi bằng thao thức "trằn trọc cả đêm", tướng Ngọ mới có được "báo cáo" vì dân đến thế (!). 

Ở đấy, người quan sát nhận thấy "sự trùng phùng" về ý tưởng của ông thủ tướng và ông trung tướng công an gắn kết không cần che giấu. Nói cách khác, Phạm Quý Ngọ đã trưng bày rõ tư cách cố vấn đầy tín cẩn và tin cậy đối với Nguyễn Tấn Dũng. 

Nếu không tin lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa về việc Phạm Quý Ngọ mật báo ông Nguyễn Tấn Dũng chuẩn thuận bắt giữ và điều tra, thì cũng thật khó tin một ông thủ tướng công khai một cách vô pháp, khi đề nghị tòa địa phương xem xét giảm nhẹ tội trạng cho gia đình Đoàn Văn Vươn. Rất tiếc, thực tế đã xảy ra. Một sự thật hiển nhiên khác: Ông Nguyễn Tấn Dũng là một cử nhân luật (!). Trong lịch sử "pháp lý" của chế độ cộng sản Việt Nam, cho đến giờ phút này, chưa có một ông thủ tướng nào lại đi làm một việc kỳ quặc (mà có thật) như ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm trong vụ án Đoàn Văn Vươn. 

Đến "phao chuyên dẫn ngọc" [*] và "dương đông kích tây" 

Chuyện quan hệ giữa Dương Chí Dũng và Phạm Quý Ngọ đã râm ran trên mạng khá lâu, trước khi Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia. Người có quan tâm thời cuộc cũng biết việc đồn đoán này, làm sao nội bộ cấp cao của CSVN lại không mảy may chú tâm? Đó là điều quá đỗi bình thường. 

Nhiều người gắn kết mối quen biết này với câu hỏi: Tại sao đã có nghi ngờ mối quan hệ này lại còn phong hàm Thượng tướng cho Phạm Quý Ngọ trong khi Dương Chí Dũng đã bỏ trốn? Trả lời cho câu hỏi đó, một số người xem nó như thỏa hiệp hay dàn xếp "ấm êm" giữa các phe phái để trình diễn màn "đại đoàn kết" trước công luận mà ông Nguyễn Phú Trọng từng phát ngôn [4]: "Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ". 

Thật ra, điều này có thể lý giải theo góc độ kế sách "phao chuyên dẫn ngọc" trong "chiến tranh chính trị" giữa những người gọi nhau là đồng chí. Kế sách này coi như ném một "hòn gạch" (nghĩa là phao) ra để dụ địch nhằm đoạt cái lợi lớn hơn (viên ngọc). Mục đích của kế sách này thật dễ hiểu: đẩy phía địch vào thế huênh hoang vì nhầm tưởng "miếng nhỏ" đó là lớn, từ đó càng chứng tỏ "ta đây" uy tín đầy mình dễ dẫn tới chủ quan và sơ hở trong phòng bị mà thất bại. 

Nhìn lại vụ án Dương Chí Dũng kể từ lúc khởi tố, bỏ trốn, bị bắt cho đến trước ngày ra tòa, điều đáng lưu ý: Cái tên Phạm Quý Ngọ hoàn toàn không xuất hiện trên các mặt báo. Trong khi vụ trốn chạy diễn ra, người đọc biết, bên cạnh việc "Thủ tướng chỉ đạo rất sát sao vụ bắt giữ Dương Chí Dũng" [5], nhưng đồng thời lại [6] "yêu cầu báo cáo quá trình truy bắt Dương Chí Dũng" (?!). Thông tin tréo ngoe như thế vẫn được báo chí "vô tư" cập nhật (!). 

Khi Dương Chí Dũng đã bị bắt, người ta cũng chỉ thấy "Bộ trưởng Công an khen vụ bắt Dương Chí Dũng" [7] đồng thời "...kêu gọi những ai có hành vi che giấu, tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, nếu ra tự thú, sẽ được hưởng khoan hồng". Đó phải chăng một "sự bắn tin" cho "phía đối phương" mà rằng: Chúng tôi biết hết cả rồi nhé! 

Ở góc độ ngược lại, ban đầu "phía đối phương" vẫn bán tín bán nghi, khi không có dấu hiệu nào cho thấy Dương Chí Dũng bị bắt thật tại đâu đó, vì ngay cả quốc gia mà ở đó Dũng ẩn nấp cũng không được nêu ra cụ thể, thay vào đó là một tấm ảnh photoshop, nó tỏ ra như trò "rung cây nhát khỉ". Thế là, "chúng ta" nên ngồi im và quan sát cùng với nỗi thắc thỏm một chút, bởi đừng để "có tật giật mình" làm bộc lộ ra nhiều điều cho "chúng nó". 

Song song câu hỏi trên, thêm một thắc mắc chính đáng: Tại sao không những phong thượng tướng lại còn giao Phạm Quý Ngọ làm "Trưởng ban chuyên án vụ Vinalines" (tạm gọi Ban A)? Chẳng lẽ thượng tầng chính trị kia ngây ngô đến mức ấy? Thật ra, việc bổ nhiệm này hoàn toàn trong phạm vi của ông thủ tướng, nó diễn ra trong sự im lặng của "phe bên kia" như hàm ý đồng thuận tuyệt đối để tạo thêm một "sự tín nhiệm" cần có, nhằm dụ "địch" dính sâu vào bẫy hơn. Điều này có thể lý giải tiếp: đó là một trong các kế sách, tạm gọi "dương đông kích tây". 

Mặt khác, với Ban A công khai, chính danh như thế, thử hỏi Phạm Quý Ngọ làm gì tốt hơn là tỏ ra phớt lờ cùng một vài lời đôn đốc và báo cáo đâu đó mang chất chiếu lệ? Lý do Ban A không thể xăng xái, cật lực truy lùng, bất chấp có lệnh truy nã (do Trần Duy Thanh - một nhân vật cũng do Dương Chí Dũng khai có hối lộ - trực tiếp ký tên), cũng dễ hiểu: hành động càng nhiệt tình càng... chết, nó có khác gì tự Ngọ đang ra lệnh vây bắt mình? Vào lúc Ngọ tỏ ra tảng lờ, cũng là lúc dính bẫy càng sâu, bởi đó tạo lý cớ quá chính đáng để một "Ban chuyên án ABC" (tạm gọi Ban B) buộc phải hình thành. 

Chính hai kế sách: "phao chuyên dẫn ngọc" và "dương đông kích tây" lý giải thêm những nghi ngờ đang râm ran trên mạng: bên cạnh một "Ban chuyên án ông Ngọ" (nghĩa là Ban A), có vẻ song song, xuất hiện một "Ban chuyên án ông ABC" (nghĩa là Ban B) hoạt động lặng thầm quyết truy bắt cho bằng được Dương Chí Dũng. 

Hãy thử hình dung, dù Phạm Quý Ngọ đang bị nghi ngờ, nhưng trước muôn ngàn cặp mắt, ông ta vẫn được thăng hàm, vẫn được tin tưởng giao làm trưởng ban chuyên án thì có phải, ông ta và phe cánh, tựa như đang đi vào một mê hồn trận với cả một "vùng trời bình yên", có gì mà cần quá lo lắng? Tất nhiên, Ban B này hoàn toàn được lập ra trong thầm lặng của một nhóm mà chỉ có ít người được phép biết lúc bấy giờ, đến độ chẳng cần phải báo cáo ông thủ tướng cũng như không cần đếm xỉa gì đến ông Ngọ? 

Nếu độc giả nào hoài nghi lý luận này, có thể nhớ lại ông Bùi Văn Nam được thăng chức thứ trưởng Bộ Công an, nhưng lại do ông Tô Huy Rứa trao quyết định từ Bộ Chính trị. Đó không phải chỉ dấu nghiêm trọng lấn quyền thủ tướng, cũng như nó bộc lộ cho dân chúng thấy, người cộng sản sẵn sàng dẫm lên tất cả văn bản luật pháp vì mục tiêu đấu đá, tranh giành quyền bính trên hết? 

Thêm vào đó, dù Ban A có biết Ban B được âm thầm lập ra, họ cũng buộc phải tảng lờ như không hay và càng không thể dò la, dù một chút tin tức nội bộ từ Ban B, bởi có khác gì "lạy ông con ở bụi này"? Tóm lại, Ban A và phe Phạm Quý Ngọ hoàn toàn rơi vào thế bị động, nghe ngóng và chờ đợi, sau khi đã cắt liên lạc hoàn toàn với Dương Chí Dũng vào ngày 17/5/2012. Đó là thất bại tất yếu không tránh khỏi từ một kịch bản không thuộc loại đặc sắc lắm mà Ban A có thể đã viết ra. 

Kết. 

Cuộc "tác chiến" nào cũng cần có vài phương án. Ở đây, câu chuyện trở nên giản dị hơn khi Ban A, dù công khai lại trở nên vô hiệu quả và vô hình chung bị vô hiệu hóa với "vết chàm" lúc ẩn lúc hiện, thì phương án đẹp nhất cho ông Ngọ trong tư cách trưởng Ban A: im lặng, phớt lờ, xem như chuyện chẳng có gì ầm ĩ và cứ để nó trôi tuột theo lệnh truy nã. Đến lúc nào hay lúc đó, cũng chẳng dám chắc chắn 100% bắt được Dương Chí Dũng. Dù có bắt, cũng chưa chắc suy suyển đến mình, như lời ông ta trả lời với báo chí, dù trong giọng nói có chút lắp bắp và hơi mất bình tĩnh [8]: "phải chứng minh". 

Cứ tạm coi là chẳng có chứng cớ nào từ lời khai Dương Chí Dũng, câu hỏi khác đặt ra cho Phạm Quý Ngọ: Trách nhiệm đến đâu và hiệu quả ra sao của Ban A từ ngày thành lập "Ban chuyên án" đến khi bắt được Dương Chí Dũng? 

Phạm Quý Ngọ thật khó trôi chảy trong vai trò "Trưởng Ban chuyên án Vinalines". Đó là thất bại không chối được với tội danh có thể thành lập "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 285 Luật hình sự với mức án từ cải tạo không giam giữ cho đến 12 năm trong trường hợp "Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng"? 

Riêng ông thủ tướng, có lẽ mất một "con ngựa quý" cũng tiếc một chút, nhưng sá gì, vì trước đây một chú "bạch mã" dù hơi già cỗi một chút nhưng còn "chiến" hơn, cũng đã giã biệt "chiến trường". Quanh ông thủ tướng vẫn còn nguyên một "đàn ngựa" "khủng", chỉ có điều có vẻ dễ thấy hình ảnh: Một con ngựa đau cả tàu vẫn... ăn cỏ trong vô tư. Âu đó cũng là cách sống theo "văn hóa cộng sản" (!). 

Cuối cùng, một chi tiết nhỏ mà rất quan trọng trong vụ án lùng nhùng này: Người cộng sản vẫn hành xử trên mọi phương diện như thuở chưa biết đến bốn chữ "Hội nhập quốc tế". Đó cũng là cái giá phải trả cho những bộ mặt càng thêm lem luốc của bên này hay bên kia, dù thắng hay bại hoặc tiếp tục hòa cho những "ván cờ chính trị" vẫn đang tiếp diễn. 

Ông Nguyễn Tấn Dũng là một người tạo ra quá nhiều ân oán, ngay đối với các đồng chí. Một năm mới đầy chông gai có lẽ đang chờ đón ông ta với những vụ án lớn khác. 



_____________________________ 


Mời đọc thêm: 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo