Trọng Thành (RFI) - Cuối năm 2013, một tác phẩm mới hoàn thành của nhà văn Hoàng Minh Tường, mang tên « Nguyên Khí », bị cơ quan quản lý xuất bản Việt Nam ra lệnh đình chỉ xuất bản. Nhà văn Hoàng Minh Tường nổi tiếng với tiểu thuyết « Thời của thánh thần » bị thu hồi năm 2008, ngay sau khi sách được phát hành. Nếu như « Thời của thánh thần » nói về giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội Việt Nam đương đại với hai cuộc chiến tàn khốc, thì « Nguyên Khí » phục dựng một trong những giai đoạn bi thảm nhất của lịch sử cận đại Việt Nam, với vụ án Lệ Chi Viên.
Tác phẩm « Nguyên Khí » gồm 19 chương. Trong khi chờ đợi sách ra mắt, quý độc giả quan tâm có thể tìm đọc chương thứ 16 được tác giả trích ra để giới thiệu trước trên một số trang mạng. Nội dung của « Nguyên Khí » là gì và vì sao tác phẩm bị đình chỉ xuất bản ? Sau đây xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của RFI Việt ngữ với nhà văn Hoàng Minh Tường (Hà Nội).
Nhà văn Hoàng Minh Tường, tác giả của hai quyển "Nguyên Khí" và "Thời của Thánh Thần" (DR)
RFI: Xin chào nhà văn Hoàng Minh Tường. Vừa rồi, chúng tôi được tin tác phẩm « Nguyên khí » gặp sự cố trong quá trình xuất bản. Xin nhà văn cho biết tình trạng hiện nay.
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Mấy hôm nay, có rất nhiều bạn bè gọi điện thoại đến hỏi tôi. Cuốn tiểu thuyết lịch sử « Nguyên Khí » lấy bối cảnh 27 ngày trước ngày mất của hai cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Tôi muốn dựng lại bối cảnh trước khi cụ bị cái án oan.
Cuối tháng 11 đưa vào nhà in, có thể cuối tháng 12 này sách sẽ ra. Nhưng khi đưa vào nhà in rồi, tôi được nghe nhà xuất bản Trí thức thông báo là cuốn sách bị an ninh đọc và họ đề nghị Cục xuất bản không cho in. Tôi cũng hỏi xem lý do làm sao. Các anh ở nhà xuất bản Trí thức nói là có hai nguyên nhân. Thứ nhất, nghe các anh ấy nói là đã đưa đến một số nhà xuất bản, bị các nhà xuất bản ấy từ chối không in. Điều này họ nói không đúng, vì tôi chỉ đưa đến một nhà xuất bản, thực ra là mấy người bạn của tôi ở nhà xuất bản Dân trí, nhưng các anh ấy không nhận vì ngại nếu không được in sẽ có thể bị thu hồi giấy phép và bị thiệt hại về kinh tế. Tôi đưa đến nhà xuất bản Trí thức. Các anh ấy bảo là nhà xuất bản không có chức năng là tiểu thuyết, nhưng nếu thấy không phải là tiểu thuyết thì có thể in được. Tôi nói với các anh ấy, cuốn sách này hiểu là tiểu thuyết cũng được, hiểu là một cuốn khảo luận lịch sử hay tiểu thuyết dã sử đều được.
Nguyên nhân thứ hai là, bên Cục xuất bản, theo sự thuật lại của nhà xuất bản Trí thức, sau khi biết sự việc này cho rằng nhà xuất bản Trí thức không có chức năng in tiểu thuyết. Do đó mà nhà xuất bản Trí thức phải chịu.
Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết là sẽ đưa in ở đâu. Có thể tôi sẽ đưa một nhà xuất bản nào đó, ví dụ nhà xuất bản Hội nhà văn. Nhưng tôi nghĩ cũng rất khó, vì trong 70 nhà xuất bản ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng phải có Tổng biên tập, Giám đốc có bản lãnh, dám phản biện, dám tranh biện lại Cục xuất bản. Chứ còn quyển sách này, nếu in ra thì nhiều người sẽ bảo rất kinh ngạc là tại sao một cuốn sách như vậy lại có thể bị cấm. Vì tôi nghĩ rằng tôi không phạm một điều gì của luật Xuất bản cả.
Và tôi cũng có một ý nghĩ khác. Vì tôi không gặp Cục xuất bản, nhưng cũng có thể các anh ấy sẽ giới thiệu tôi in ở một nhà xuất bản khác chăng ? Tôi cũng đang hy vọng vào điều đó.
RFI: Thưa nhà văn, ông có tìm kiếm con đường tiếp xúc hay tác động nào với cơ quan phụ trách xuất bản ?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Tôi cũng đang có ý định như vậy. Vì là một nhà văn, khi đã viết ra một cuốn sách, tức là anh đã đau đáu suy nghĩ.
Một trong những vấn đề tôi trăn trở là tôi muốn viết một cuốn sách về giới trí thức. Tôi đã suy ngẫm rất nhiều về câu chuyện của cụ Nguyễn Trãi và cụ Nguyễn Thị Lộ và cái chết thảm khốc của hai nhân vật mà tôi nghĩ là vĩ đại trong lịch sử. Lâu này rất nhiều người đã viết về chủ đề này, nhưng mà tôi nghĩ rằng chưa giải mã được câu chuyện lịch sử này một cách thấu đáo. Một trong những điều mà cụ Nguyễn Trãi làm mà, lâu nay các nhà sử học và các nhà xã hội học chưa phát hiện ra, mà cũng chưa khẳng định : Đó là cái vai trò của cụ Nguyễn Trãi trong việc chấn hưng triều Lê, nhất là thời của Lê Thái Tông. Nguyễn Trãi là tác giả của bộ luật lớn nhất từ trước đến này : Bộ luật Hồng Đức.
Bộ luật Hồng đức đến thời Lê Thánh Tông mới công bố năm 1464, nhưng khi vua Lê Thánh Tông minh oan Nguyễn Trãi, thì bộ luật đó đã hoàn thành. Tôi có liên hệ với ngày nay : Bây giờ là thời kỳ « trị nước », thời kỳ rất cần đến chất xám, cần đến trí thức, cần đến sự phản biện của trí thức.
RFI: Thưa nhà văn, một cuốn tiểu thuyết - hiểu theo nghĩa thông thường là có sự hư cấu -, nếu các nhà sử học đọc cuốn Nguyên khí, thì họ sẽ thẩm định như thế nào : Đâu là phần lịch sử, đâu là phần hư cấu ?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Vâng, tôi cũng muốn nhân cuốn sách này ra đời, tôi sẽ được tranh biện với các nhà sử học.
Cái thời này các nhà sử học tập trung nghiên cứu rất nhiều. Chính sử thì đã nghiên cứu hết rồi. Chủ yếu là "Đại Việt sử ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên, rồi "Thông sử" của Lê Quý Đôn… Rồi một số dã sử khác. Gần đây có một số tư liệu, nhất là các gia phả của một số dòng họ Lê, họ Đinh, họ Nguyễn… Tất nhiên, gia phả có nhiều điều đáng tin cậy, nhưng trong gia phả cũng có nhiều chi tiết mang tính dã sử. Các nhà sử học không có quyền được hư cấu các sự kiện, các biến cố, các thời đoạn lịch sử, nhưng nhà văn từ những diễn biến lịch sử, thì có quyền ráp nối lại và đưa ra những kiến giải, để mà giải thích lịch sử một cách lô- gíc. Tôi nghĩ nhà văn không có quyền hư cấu ngoài [trái với ?] các cứ liệu lịch sử.
Trong cuốn sách này, đối với tất cả các nhân vật lịch sử có tên, thì tôi đều hết sức tôn trọng các sự kiện. Nhưng mà tôi không tôn trọng một cách mù quáng, không tôn trọng bằng cách thừa nhận mặc nhiên. Tôi nghiên cứu ngay cả đoạn Ngô Sĩ Liên viết về cụ Nguyễn Trãi, về cái chết của cụ và nhận định về Nguyễn Thị Lộ. Tôi nghĩ rằng, chính Ngô Sĩ Liên là người không dám công tâm, không dám nhìn nhận về lịch sử mà viết về những điều đó.
Chính đó là điều mà lâu nay các nhà sử học bị đánh lừa, trong các nhận định của Ngô Sĩ Liên về Nguyễn Thị Lộ. Ví dụ Nguyễn Thị Lộ đã ngủ với vua, và vì Nguyễn Thị Lộ mà vua bị chết. Thì chính điều này bây giờ tôi phản bác lại.
Tôi cho rằng Ngô Sĩ Liên là một nhà sử học vĩ đại, nhưng ông cũng có những sai lầm. Có những phần mà ông viết hoàn toàn không đúng.
RFI: Thưa ông, khi ông viết về lịch sử của một thời kỳ cách đây 600 năm, thì ông có phối hợp với một số nhà nghiên cứu lịch sử hay dựa vào một số công trình nghiên cứu nào mà theo ông là đích đáng để hiểu rõ và đúng về thời kỳ này?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Tất nhiên để viết tiểu thuyết lịch sử, thì người viết phải am hiểu về thời kỳ đó. Am hiểu một cách tường tận. Phải có nhiều phương án/variant để phân tích. Anh phải đọc sử như một nhà triết học, một nhà xã hội học. Phải phân tích được từng nhân vật, từng sự cố, sự biến. Trong quá trình viết tôi đã tham khảo rất nhiều nhà viết sử, bạn bè, cũng như các nhà văn đi trước. Nhưng cái lớn hơn và quan trọng hơn là tôi đã tìm đọc hầu như tất cả các tư liệu có liên quan đến thời kỳ này. Tôi đã đi điền dã về Khuyến Lương, về Nhị Khê, về Côn Sơn… tất cả những nơi mà Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đặt chân…. Bằng linh cảm, cảm quan, mình đến để tìm thấy một cái hồn vía, hồn cốt của một thời 600 năm rồi… Mình đắm chìm để chiêm nghiệm… Ví dụ tôi tìm thấy một địa danh, xã Nhân Đạo ở Chí Linh…chính đây là nơi Trần Khánh Dư đã đóng quân và nơi này mang tên ông từ đó… Hoặc là những chùa, những đền… gợi nên cho mình những ý niệm. Từ đó bằng lô-gíc, bằng tâm linh, bằng sự nhạy cảm, mình móc nối lại… Nếu người viết mà chịu khó tìm tòi, chịu khó móc nối suy ngẫm, thì sẽ tìm ra ánh sáng cho nhân vật của mình… Tôi nghĩ, nếu người viết, nếu đắm chìm trong không khí lịch sử và hiểu thấu, thì lịch sử sẽ dẫn dắt anh và có những khám phá mới.
RFI: Nhà văn có biết vở cải lương « Đêm trước ngày hoàng đạo » (tác giả Võ Tử Uyên, công diễn cuối tháng 4/2013), cũng có nhân vật chính là sử thần Ngô Sĩ Liên bị chất vấn về vụ án Lệ Chi Viên ?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Tôi chưa xem tác phẩm đó. Viết về giai đoạn đó có nhiều tác phẩm, tôi không xem được hết. Giữa tác phẩm của các nhà văn, có thể có những điểm giống nhau.
RFI: Xin trở về cái tên của cuốn sách, cuốn tiểu thuyết hay khảo luận này. Vì sao ông lại đặt tên là Nguyên khí?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Có một câu nói của cụ Thân Nhân Trung (1409-1499), tiến sĩ và đồng thời là Phó súy của Tao đàn thời Lê Thánh Tông. Cụ Thân Nhân Trung có viết một câu, hiện vẫn còn trong Quốc Tử Giám : Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Khi cụ viết về vai trò của trí thức, của kẻ sĩ mọi thời, thì có viết câu trên trong phần mở đầu văn bia tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442).
Từ xưa đến nay, trí thức là một tầng lớp, một giai tầng rất nhỏ, nếu dân trí là một hình tháp nhọn, thì giới trí thức tinh hoa ở phần tháp nhọn. Trí thức ở đây không chỉ là những người làm văn chương, giáo viên, giáo chức, mà trí thức là tinh hoa, tinh túy của nhân loại. Tinh túy ấy có cả ở nông thôn, hang cùng ngõ hẻm. Nếu một quốc gia biết sử dụng tất cả những nguyên khí đó, những tài năng hoặc lộ diện, hoặc không lộ diện, thì sẽ giúp ích được rất nhiều cho việc xây dựng đất nước…. giống như thời Trần, với Hội nghị Diên hồng… Thời nào nguyên khí cũng rất quan trọng, huống chi ở Việt Nam hiện nay, sau khi đã thống nhất đất nước… nguyên khí phải được tích tụ, trí thức phải được trọng dụng.
Tôi muốn dùng hình ảnh đấy để nói về thời cụ Nguyễn Trãi. Khi cái phần nguyên khí, cái tinh hoa nhất bị chính quyền Nguyễn Thị Anh tiêu diệt, thì cả một thời kỳ sau đó, đất nước bị kiệt quệ hơn nhiều…. Đại Việt sử ký toàn thư nói thời kỳ này trộm cắp như rươi… trí thức bị khinh bỉ…
Dùng chữ Nguyên khí để đặt tên cuốn sách, tôi muốn nói đến vai trò của trí thức, vai trò của tài năng, vai trò của hiền tài trong cuộc kiến quốc ở mọi thời đại.
RFI: Thưa ông, một số người quan tâm đến triết học cổ trung đại có nhận xét rằng « nguyên khí » là một khái niệm của một học thuyết tân Nho giáo thời trung đại, mang mầu sắc đạo gia, được dùng làm ngọn cờ nhằm quy tụ một tầng lớp « trí thức cận thần » phục vụ cho nền quân chủ Khổng giáo trước đây. Nhà văn nghĩ thế nào về nhận xét này?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Tôi không nghĩ « nguyên khí » để chỉ giới cận thần, mà tôi nghĩ nguyên khí là trí thức. Tức là khí thiêng của sông núi, của đất nước. Bởi khí thiêng thì tập hợp ở giới trí thức. Giới trí thức bao giờ cũng là nguyên khí quốc gia. Ngay cả cái thời cụ Thân Nhân Trung cũng nói về cái đó, cũng giải mã cái đó…. Nếu thời đại không có nguyên khí, không có giới trí thức, không có những cái giới tinh nhạy nhất, tinh hoa nhất của dân tộc, thì đó là một cái thời mạt vận. Nguyên khí luôn luôn là ánh sáng của dân tộc. Như cái râu của con ốc sên, là cái dẫn đường. Nó có một sự thính nhậy vô cùng… Ngay cả khi hồi xưa cụ Hồ sở dĩ dẫn dắt thành công là khi cụ tập hợp tất cả các lớp trí thức tinh hoa… Ông Lê Lợi sử dụng Nguyễn Trãi là sử dụng nguyên khí đấy… Khi đánh mất cái nguyên khí, cái tinh hoa nhất của dân tộc. Khi đánh mất cái đó, chúng ta phải xem lại nhà cầm quyền. Nếu nhà cầm quyền bỏ rơi cái đó, hoặc đối xử tệ bạc, thì không còn tư cách là người dẫn dắt cuộc chấn hưng dân tộc.
RFI: Thưa ông, cuốn tiểu thuyết của ông hiện chưa được xuất bản. Nhưng chương 16 ông đã công bố và sau khi được xem, ắt hẳn người xem sẽ bị ấn tượng bởi nhân vật Ngô Sĩ Liên. Nếu đọc những chi tiết được mô tả trong chương này, thì có thể nói rằng Ngô Sĩ Liên như ông mô tả, có thể nói là người đã bán linh hồn cho người cầm quyền, có đúng không ?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Đúng. Trong chương đó, cũng có một phần thôi, vì Ngô Sĩ Liên là một nhân vật được xuất hiện trong cả tác phẩm. (…)
Đại Việt sử ký toàn thư là của một tập thể tác giả, trong đó Ngô Sĩ Liên có vai trò chính. Nhưng cuốn Tam triều bản kỷ bị mất (về Lê Lợi/Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông), tôi đồ rằng tác giả chính là Ngô Sĩ Liên. Nếu còn cuốn này, thì chúng ta có thể đối chiếu các đoạn viết về vụ án Lệ Chi Viên. Lúc vua Lê Thái Tông đi tuần miền đông, thì có Ngô Sĩ Liên đi theo, sử đã viết. Vua Lê Thái Tông đưa tất cả đội ngũ trí thức – tức là những người vừa thi đỗ cách đó ba tháng – đi theo. Tôi dựng lại như vậy. Trong đó vai trò của Ngô Sĩ Liên rất lớn. Phần đầu tôi viết là, qua chuyến đi Ngô Sĩ Liên thấy có ba nhân vật vĩ đại : Vua Lê, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Ngô Sĩ Liên đã bị cảm hóa hoàn toàn bởi ba nhân vật đó. Vì thế mới có việc, các tiến sĩ mới bày ra việc tụ họp tại nhà Ngô Sĩ Liên để bàn cách cứu Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Ban đầu là các ông ấy rất tốt. Tất cả các trí thức đều rất tốt. Thế nhưng mà trong một không khí như thế…
Đấy là chương mà tôi tập trung vào để tôi khắc họa một sự cố, đồng thời khắc họa một bước ngoặt trong cuộc đời của Ngô Sĩ Liên, trong không khí từ ngày mùng 4 tháng 8 cho đến ngày 16 tháng 8. Chỉ trong 12 ngày. Đó là một không khí khủng khiếp của kinh thành Thăng Long. Vì (Hoàng hậu) Nguyễn Thị Anh (vợ vua Lê Thái Tông, mẹ Lê Nhân Tông) lúc ấy bằng mọi giá phải tiêu diệt Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Không giết hai người này, thì mẹ con Nguyễn Thị Anh không thể tồn tại. Đó là thời kỳ độc tài khủng khiếp. Nó không kém gì cái vụ Kim Jong-un cho chó ăn thịt ông chú vừa rồi chúng ta biết, tôi nghĩ như thế.
Trong cái bối cảnh như thế, tất cả kẻ sĩ, chứ không phải chỉ Ngô Sĩ Liên, đều rúm ró lại, khi Nguyễn Thị Anh phát hiện ra các trí thức tụ tập tại nhà Ngô Sĩ Liên [để tìm cách cứu Nguyễn Trãi]. Và Nguyễn Thị Anh cho quân đến, dọa thôi, thế là tất cả đám trí thức đang ăn uống lập tức rúm ró lại. Đó là cú đòn đánh vào Ngô Sĩ Liên.
Nguyễn Thị Anh có cái cao thủ hơn là không làm gì Ngô Sĩ Liên cả, mà mời Ngô Sĩ Liên đến, để cho biết rằng bà đã biết việc đó rồi, và chứng tỏ niềm tin vào Ngô Sĩ Liên, hơn cả các trạng nguyên, bảng nhãn khác… Nguyễn Thị Anh muốn dùng Ngô Sĩ Liên để trị tất cả các kẻ sĩ khác, bằng cách hứa hẹn sẽ cho ông làm chức rất lớn : Liệt triều đại phu, tức là nhà viết sử của thời đại này. Và chính vì cái đó, giữa cái sống và cái chết, giữa quyền lực và mất tất cả, hoặc bị tù tội, thì lúc đó con người Ngô Sĩ Liên, con người trí thức nói chung bộc lộ ra. Trí thức không làm cách mạng được, mà trí thức chỉ có thể theo cách mạng, và đi phụ họa cho cách mạng thôi. Cái người làm chính trị khác lắm, còn bản tính người trí thức rất nhạy cảm. Họ sẵn sàng chết vì nghĩa khí, nhưng mà cũng sẵn sàng đầu hàng tất cả.
RFI: Khi nhà văn nói đến Ngô Sĩ Liên, như là một nhân vật tượng trưng cho thân phận của giới trí thức mọi thời đại, đặc biệt trong quan hệ với người cầm quyền. Ở đây có thể có người thắc mắc là phải chăng như thế ông đã đưa cái mô hình trí thức, theo kiểu Nho giáo, trở thành một mô hình phổ quát, trong khi đó ở những nơi khác (quốc gia khác, thời đại khác) có những người trí thức lại đồng thời là nhà chính trị. Và những người này có vị trí độc lập rất lớn, so với những người nắm quyền đương thời. Phải chăng mô hình trí thức duy nhất này trong Nguyên khí là một giới hạn mà tự tác giả đặt ra?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Không, vì người đọc chưa đọc hết tác phẩm, nên chưa hiểu được. Nhưng khi đọc hiểu, thì sẽ thấy rằng, cụ Ngô Sĩ Liên, sử thần Ngô Sĩ Liên chỉ là một nhân vật trong cả cái nguyên khí của đất nước…. Khi mà nhà cầm quyền hiểu thấu cái nguyên khí mà đưa nó lên, cùng cho nó thăng hoa, để mà dẫn dắt dân tộc, thì cái nguyên khí nó trở thành cái tinh hoa, còn khi mà cái nguyên khí bị nhà cầm quyền chà đạp, thậm chí dùng quyền lực của mình để giết nó, thì một là nó chết, hai là nó trở thành cái gọi là « giới trí thức cận thần », rất hèn mạt. Vì cái tính mạng, vì cuộc sống hàng ngày, mà anh có thể cúi mình, bẻ cong ngòi bút, để phụng sự cho một thể chế.
RFI: Thưa nhà văn, ngoài hai khả năng, hoặc bị tiêu diệt, hoặc trở thành trí thức cận thần, thì liệu có thể có thêm một khả năng thứ ba cho người trí thức, tức là họ trở thành một lực lượng lãnh đạo mới ?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Đấy tức là khả năng hoàn thiện hơn. Hoặc là họ như cụ Nguyễn Thiếp (1723-1804) hồi xưa, vào ở ẩn trong núi, đến khi gặp Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) ra mời, thì mời lại tham gia vào chấn hưng một vòng cuộc khác. Có nhiều phương án lắm. Trí thức có lúc thúc thủ, có lúc nó đợi thời. Và cái người trí thức không bao giờ giết chết người ta đâu, mà nó như cái mầm ở trong tuyết, trong tro. Nó ủ, nó tạo lập một năng lượng mới, để cho đến một thời nào đó, sẽ góp phần. Vì người trí thức không phải bỗng một sớm một chiều mà thối chí đâu. Ngay cái thời cụ Nguyễn Trãi, nếu chính quyền Nguyễn Thị Anh hiểu biết được, dung nạp Nguyễn Trãi, thì nó lại khác rồi… Giới trí thức – tinh hoa dân tộc - ở thời này, thời kia, lúc này lúc khác, có thể bị bóp chết, có thể bị đàn áp chà đạp, nhưng cái mầm sống luôn luôn lẩn khuất ở đâu đó, ấp ủ ở đâu đó. Nó âm ỉ để chờ một buổi bình minh mới.
RFI: Thưa nhà văn, dường như ở văn hóa Việt Nam, trong xã hội Việt Nam, sự chờ đợi của người trí thức có vẻ như mang nhiều tính thụ động ? Điều này khác với các nước Châu Âu thời cận hiện đại, khi phải sống dưới một chính thể độc tài, người trí thức nhiều khi tìm đến một xã hội khác, một đất nước khác, để phát triển được năng lực của mình, rồi có thể là để từ đó quay trở lại thay đổi cái xã hội sở tại. Thưa ông, dường như ở Việt Nam không có mô hình trí thức này?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Tôi nghĩ rằng, tại vì chúng ta đang ở trong một thời đoạn ngắn, chúng ta không thấy được…. Ngay thời đại của cha con, ông cháu Kim Jong-il ở Triều Tiên là kéo dài 60, 70 năm, nhưng có thể đến mai kia… không biết thế nào… lịch sử có những bước đi mình không thể hiểu. Nhà văn không giải mã bài toán đó. Nhà văn chỉ cảnh báo rằng : Giới trí thức, có thể nó là cận thần lúc này, vì nó hèn, nhưng mà đến lúc nào đó, cũng như con giun xéo mãi cũng quằn… Bởi trong người trí thức luôn chứa đựng tinh hoa của dân tộc, đấy là trí thức thực sự, chứ không kể trí thức giả cầy, nhà văn bồi bút thì không nói…Với những người đau đáu với vận mệnh dân tộc, thì lúc nào họ cũng thế. Ngay cả Nguyễn Trãi ngày xưa cũng từng vào tù. Lê Lợi từng tống Nguyễn Trãi vào lao một năm rồi chứ. Thế nhưng ông ấy lúc nào cũng tâm huyết. Và cuối đời ông ấy về Côn Sơn, để phục bút, làm một chấn hưng mới…
RFI: Liệu ông có nghĩ đến việc xuất bản tác phẩm này ở một quốc gia khác để tác phẩm sớm đến tay độc giả?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Hiện nay một số bạn bè của tôi cũng gợi ý, ví dụ xuất bản trên e-book. Tôi cũng đang suy nghĩ. Tôi nghĩ rằng kể ra một cuốn như Nguyên khí in được trong nhà xuất bản của mình, mình vẫn quen thuộc. Vì từ xưa tôi vẫn chưa có một cuốn sách nào khó khăn, vì tôi viết bằng tất cả cái tâm của tôi. Tôi nghĩ rằng, chẳng có cuốn sách nào có thể nguy hại, mà nhà cầm quyền có thể cấm được. Tôi nghĩ, có lẽ họ chưa hiểu.
Cho nên, tôi kỳ vọng trong một thời gian ngắn sắp tới đây, có thể một nhà xuất bản nào đó. Bên Cục xuất bản bảo là không in ở nhà xuất bản Tri thức vì nhà xuất bản này không có chức năng, thì tôi có thể in ở một nhà xuất bản khác chăng ?
Thứ hai là, nếu một nhà xuất bản nào ở nước ngoài muốn in bằng e-book, thì tôi cũng sẵn sàng, vấn đề là cuốn sách đến tay được bạn đọc.
RFI: Thưa nhà văn, nhà văn Hoàng Minh Tường, được biết đến với cuốn tiểu thuyết « Thời của Thánh Thần ». Cuốn này được in tại Việt Nam, nhưng ngay sau khi xuất bản, đã gặp trắc trở, tức là bị thu hồi. Hành trình của một người sáng tác như ông rõ ràng không phải là dễ dàng trong xã hội Việt Nam. Khi ông gặp một bất công như thế, ông có nghĩ rằng, mình có thể có những khiếu nại để bảo đảm quyền tác phẩm được xuất bản theo đúng pháp luật, theo đúng tinh thần của quyền con người ? Nhiều tác phẩm khác ở Việt Nam cũng chịu chung số phận. Vậy ông nghĩ gì về tình trạng bất công này đối với riêng ông và với một số nhà văn Việt Nam khác?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Tôi nghĩ rằng, riêng ở Việt Nam, việc xuất bản quá là nhiêu khê, nhiều cái không giống ở nơi nào. Thậm chí ngay trong tiểu thuyết Nguyên khí, khi viết về Mạc Ngôn, tôi nói rằng, nếu ở đất nước Trung Quốc, họ cũng như ta, khó khăn, cắt xén.., thì Mạc Ngôn cũng không xuất bản được những tác phẩm, như ông ấy được giải Nobel.
RFI: Thưa nhà văn, tại sao lại có nhân vật Mạc Ngôn trong cuốn Nguyên khí?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Tôi bắt được một tác phẩm cũ, nói về vụ án này : « Long thành tạp ký ». Cái tác phẩm này tôi phải nhờ dịch từ tiếng nôm ra. Tôi mới đưa cho cụ giáo sư Hoàng Ngôn, người đã dịch Mạc Ngôn, để dịch. Nên khi làm truyện, thì mới bàn đến Mạc Ngôn trong đó. Đấy là cách riêng của tiểu thuyết Nguyên khí. Câu chuyện này đan xen với thời hiện tại. Trong đó có 19 chương, thì có 4 chương viết về thời hiện đại bây giờ, còn 15 chương về lịch sử. Trong các chương hiện đại, người ta bình luận về lịch sử, ví dụ về Lê Thái Tông thế nào…, về Nguyễn Thị Anh thế nào…, trong đó có nhận định cả về thế giới Đông Tây, cả Mạc Ngôn nữa… Đó là cuốn sách tôi pha trộn giữa cái ảo và cái thực, cái đương đại và lịch sử…
Đọc Mạc Ngôn, tôi thấy rằng, đó là gương mặt của đất nước Trung Hoa đương đại hiện lên rõ rệt, nhất là trong « Rừng Xanh lá đỏ » hay « Phong nhũ phì đồn ». Nước Trung Hoa hiện đại nó ghê gớm, khủng khiếp quá. Sách của chúng tôi ở đây nó có thấm thía gì. (…)
Có lẽ quan niệm của những người quản lý xuất bản, nhìn chung họ quá là khắt khe. Đến một lúc nào đó, có lẽ họ sẽ phải ân hận. Nó đang lặp lại giai đoạn, thời kỳ nhà thơ Hoàng Cầm bị cấm xuất bản cuốn « Về Kinh Bắc ». Mà chính gần đây, Hoàng Cầm lại được giải thưởng Nhà nước về chính tập thơ đó này.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng của chúng tôi, vừa nói một bài, giới trí thức đang bình luận rất nhiều. Ông ấy nói là « người dân có quyền làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ». Thế thì tôi là nhà văn, tôi cũng là một công dân. Tôi có quyền viết những gì mà pháp luật không cấm. Tôi có quyền bảo vệ văn quyền, quyền sáng tác của mình. Nhưng mà ở đây, tôi cũng muốn nói là, « được vạ, má cũng sưng ». Mà ngay cả quyết định cấm, họ cũng không dám viết bằng văn bản. Hiện nay, hoàn toàn là chỉ thị miệng, những lệnh từ bóng tối phát ra. (…)
Cho nên, rất khó, rất khổ cho các nhà văn Việt Nam là không biết kêu ai cả. Chúng tôi bây giờ rất bi quan.
RFI: Ở đây có thể nói là phải chăng có một sự an phận trong tâm thế của rất nhiều nhà văn Việt Nam như ông, những người khát khao có các tác phẩm « lớn », theo mong mỏi của mình?
Nhà văn Hoàng Minh Tường: Điều buồn cười là tác phẩm của tôi bị… đúng ngày 28/12, ngày có cuộc hội thảo khoa học lớn ở Sài Gòn (Hội nghị do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương ĐCSVN tổ chức). Ban lý luận trung ương và ban tư tưởng trung ương có cuộc thảo luận : « Làm thế nào để có tác phẩm lớn ngang tầm thời đại ? ». Nhưng ngay trong khi người ta kêu gọi như vậy, thì việc xuất bản các tác phẩm luôn luôn bị bóp nghẹt, thì làm sao mà nhà văn muốn viết nữa. Viết hết mình, thì sách hoặc bị cắt xén đi, hoặc không được xuất bản. Đây là một tâm trạng phổ biến của nhiều nhà văn (…).
Đây là điều mà nhà văn chúng tôi vẫn thầm than thở với nhau thôi, chứ còn chẳng biết nói thế nào được. Cái tư tưởng của nhà văn mà nó không được giải phóng, nhà văn luôn luôn viết dưới áp lực mà tự kiểm duyệt mình, thì làm sao mà có tác phẩm hay.
RFI xin chân thành cảm ơn nhà văn Hoàng Minh Tường đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.