Hội chứng... “Tàu lao” - Dân Làm Báo

Hội chứng... “Tàu lao”

Nguyên Thạch (Danlambao) - Không biết dạo này trời xui, đất giục như thế nào mà khiến khá nhiều cán khủng thể hiện những phong cách quá mát trời ông địa. Từ chiện ăn, như ăn hối lộ, ăn cướp, ăn quịt, ăn phân, ăn tạp, ăn bẩn, ăn tham (nhũng) đã phình bụng và dường như không còn chỗ chứa nữa, đến chiện nói, nói tùm bậy, nói vu khống, nói hồ đồ, nói gian, nói dối, nói láu cá, nói sảng, nói một đàng làm một nẻo... khá đại trà khiến không còn thuốc chữa nữa!.

Cây kim giấu trong túi, lâu ngày cũng lòi. Đây có phải là thời thăng hoa nở rộ của cái bản chất cộng sản? Đây có phải là những chỉ dấu của cái gọi là “hồng hơn chuyên” - một trong những tiêu chí cơ bản của một thể chế độc tài toàn trị? Hai câu hỏi này, vừa là nghi vấn và cũng vừa là sự khẳng định. Nếu có ai đó nói rằng: Thời buổi bây giờ đã mở rộng thoải mái, những giới hạn về lý lịch và thành phần giai cấp đã được xóa bỏ kể từ khi có chính sách cởi trói và đổi mới, hồng với chuyên gì nữa. Trong trường hợp này, tôi sẽ hỏi lại: Nếu cha mẹ anh hoặc chị, cụ thể hơn là nếu cha mẹ anh có gốc “Ngụy quân, ngụy quyền” thì liệu rằng anh hay chị có thể xin vào ngành côn an, anh chị có thể tham gia vào lực lượng “Lá chắn” cho chế độ hay không? Sự thật, có nhiều trường hợp sĩ quan côn an muốn lập gia đình, nếu “đối tượng” tình yêu có gốc “ngụy lớn” thì, một là anh lấy vợ và rời khỏi ngành, hai là anh ở lại ngành và không được lấy đối tượng đó!

Từ những nguyên tắc cực đoan trên, cơ chế đã tuyển dụng và sử dụng một tập thể bần cố nông, và vô sản, tạo dựng nên một thể chế bần cố nông và vô sản khổng lồ! Trong xã hội có nhiều người khi đã khá giả, có thể người ta không xem nhu cầu về tiền bạc vật chất hơn về mặt sĩ khí cũng như danh dự. Nhưng nếu người ta ở trong những hoàn cảnh quá nghèo khổ, khối rách áo ôm (cái sự vô sản đúng nghĩa của nó) thì nhu cầu về tiền tài vật chất là chuyện cấp bách, phải bằng mọi cách vượt khỏi hoàn cảnh nghèo đói đó là lẽ đương nhiên.

Một cách lô-gic như trên, không ai sẽ ngạc nhiên khi thấy dưới chế độ cộng sản, quan chức cán bộ trở nên quá nhũng nhiễu, vượt trội hơn ở các thể chế đa nguyên, đa đảng ở các chế độ khác. Tại sao lại có sự khác biệt này khi ai cũng là con người, cũng có lòng tham? Lý do: Cơ chế độc tài toàn trị là một môi trường cực kỳ tốt cho khối vi trùng tham nhũng phát triển đến bất trị. Còn ở những thể chế khác, tệ nạn tiêu cực này sẽ bị rất là giới hạn, sự giới hạn đến gần như hoàn thiện bởi có sự hiện diện và kiểm soát độc lập của Tam quyền phân lập và Tứ quyền tự do ngôn luận. Từ đó lòng tham của các thành viên trong guồng máy cầm quyền sẽ bị khống chế, không còn nhiều cơ hội thể hiện sự tham lam ấy. Ngược lại, ở các quốc gia có cơ chế quyền lực tuyệt đối thì chuyện từ quyền đến tiền, đến hung bạo... dẫn đến kết quả xã hội có vô số sai lầm là lẽ đương nhiên.

Từ hệ quả nêu trên, suy cho cùng thì chúng ta tuy có sự bực tức nhưng sẽ không ngạc nhiên lắm khi hiểu được bản chất. Chế độ CSVN sẽ còn rất nhiều nhân vật khủng lắm, nó không chỉ giới hạn ở những con người điển hình cụ thể như:

- Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ ngoại giao CSVN, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những phát biểu như: “Nhiều thuyền nhân ra đi” vì khó khăn của đất nước, vì hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, vì thiếu hiểu biết đối với chế độ, và Những người Việt Nam ra đi trước, trong và sau năm 1975 chúng ta gọi là những “nạn nhân của chiến tranh”. Hay Chúng tôi coi những thuyền nhân tử nạn là nhữngnạn nhân chiến tranh, ra đi vì bị tuyên truyền, kích động bởi thông tin một chiều, bởi khó khăn về đời sốngkinh tế và nhiều nguyên nhân khác”.

- Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội CSVN đã biện luận rằng:

“Chủ tịch Quốc hội cũng không phải người đứng đầu Quốc hội”.

“Quốc hội là cơ quan lập pháp, nếu quyết sai cũng phải nhận khuyết điểm chứ không phải kỷ luật.”

“Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”.

- Và ấn tượng nhất là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng CSVN đã phát biểu rất khủng: “Xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước Quốc hội ngày 24-10-2013. Riêng điểm này, phần tui, tui rất kết ông, vì ông đã “dám” làm nên một cuộc “Cách mạng tư tưởng” tuyên giáo cho hơn 3 triệu đảng viên trở về với tư duy thật rằng CNXH, theo ông, phải cần đến cả 100 năm dài đeng đẽng mà không biết nó có thể đạt đến sự hoàn thiện hay chưa! Hay suy diễn một cách “mở” là có khi phải cần cả ngàn năm thì nó mới đạt đến hoàn thiện hỏng chừng. Ông còn ngầm nhắn nhủ rằng: Thôi các đồng chí ơi, từ nay ta chớ tiếp tục hoang tưởng mơ hồ chi nữa cho lãng phí thời gian. Gớm chưa? May thay, vị thế của ông là một ông vua chứ nếu là thứ dân như tôi mà nói thế trước Quốc hội thì chắc sẽ ủ tờ mọt gông.

Ngoài ra, những chiện như ông Triết canh giữ hòa bình thế giới: “Cu Ba ngủ Việt Nam thức để canh hòa bình thế giới”, ông Hồ nói về Trường Sa: “Mấy cái đảo hoang ở ngoài khơi đó là của ai thì tôi cũng không rõ lắm, nhưng đó cũng chỉ là là mấy cồn đá hoang toàn phân chim. Nếu các đồng chí Trung Quốc muốn thì cứ cho họ đi” - Hồi ký Hoàng Văn Hoan. Hay ông gì, ông gì nói cái gì, cái gì... thì thú thật, tui không được qưởn cho lắm để mà tra tấn Gú-gồ vì tui thích ngồi nhâm nhi để mần thơ hơn. Việc thêm thắt mắm muối cho “chủ đề”, chắc phải nhờ quí còm sĩ bổ sung thêm cho nó được phong phú đậm đà. Bài viết không dài lắm. Tuy nhiên, mong quí bạn đọc “Lề dân” cũng có được sự thoải mái trong vài trống canh quí báu.



________________________________ 


P/s: Còn quí trự DLV đọc mà bực cái... thì Thạch tui đành chịu.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo