Âm thanh cuộc nói chuyện của Điếu Cày với gia đình
Danlambao - Sáng ngày 28/8/2014, blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải đã gọi điện thoại cho gia đình kể lại việc đại diện bộ công an vào trại giam ép buộc anh phải viết “đơn xin tha tù”, nhưng yêu cầu này đã bị từ chối.
Trong cuộc nói chuyện, người tù nhân lương tâm bị kết án tổng cộng 14,5 năm tù giam cũng gửi lời hỏi thăm đến tất cả mọi người, “nhất là những anh em trong Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do”.
Nhân dịp kỷ niệm 7 năm ngày thành lập CLB Nhà Báo Tự Do sắp tới (19/9/2007 - 19/9/2014), Điếu Cày nhắn gửi anh em “làm một sinh nhật cố [gắng] cho lớn vào”. Bản thân anh cũng sẽ tổ chức sinh nhật cho CLB Nhà Báo Tự Do ngay ở trong tù.
CA ép viết đơn ‘xin tha tù’
Nói chuyện qua điện thoại với con trai Nguyễn Trí Dũng, Điếu Cày kể lại:
“Có người của bộ công an đã xuống gặp bố rồi. Họ bảo bố làm đơn gửi chủ tịch nước với thủ tướng.”
“Họ bảo làm “đơn xin tha tù”, nhưng bố không làm. Bố chỉ làm “đơn đề nghị giải quyết ra tù” thôi. Đề nghị giải quyết “ra tù”, chứ không có “tha tù”. “Tha tù” là bố không viết”, Điếu Cày cho biết.
Sau đó, phía công an tiếp tục cò kè, mặc cả bằng cách đưa một tờ đơn có nội dung “đơn xin tha tù trước thời hạn” những cũng lại bị Điếu Cày từ chối.
Trước đó, hồi đầu tháng 8/2014, gia đình Điếu Cày tại Sài Gòn cũng đã nhận được “giấy mời” yêu cầu gia đình đóng án phí với lời “gợi ý” là để “đủ điều kiện được xem xét giảm án - đặc xá”.
Gần đây xuất hiện nhiều lời đồn đoán rằng các chỉ dấu trên cho thấy nhà cầm quyền CSVN đang cố mặc cả để trả tự do trước thời hạn cho Điếu Cày, cụ thể là trong dịp 2/9 sắp tới.
Dù vậy, qua cuộc nói chuyện với con trai, người sáng lập CLB Nhà Báo Tự Do vẫn tỏ ra hết sức bình thản trước các thông tin này. Trong những lần gặp trước, Điếu Cày khẳng định sẽ chấp nhận “ở tù đến chết để cho tất cả mọi người được biết đến thực trạng của người tù chính trị ở Việt Nam”.
CLB Nhà Báo Tự Do được thành lập vào ngày 19/9/2007, blogger Điếu Cày giữ vai trò chủ nhiệm.
Từ trại giam số 6 (Thanh Chương - Nghệ An), người sáng lập CLB Nhà Báo Tự Do nhắn gửi với con trai:
“Cho bố gửi lời hỏi thăm tất cả anh em, nhất là những anh em trong CLB Nhà Báo Tự Do”.
“Nhớ là ngày 19/9 này, làm một cái sinh nhật cố [gắng] cho lớn vào. Bố cũng có làm [sinh nhật] trong này”.
[* Chú thích: Sinh nhật Điếu Cày vào ngày 23/9, tức sau ngày thành lập CLB Nhà Báo Tự Do khoảng ngày]
[* Chú thích: Sinh nhật Điếu Cày vào ngày 23/9, tức sau ngày thành lập CLB Nhà Báo Tự Do khoảng ngày]
Trái với những lời đồn đoán, lời nhắn nhủ trên cho thấy Điếu Cày cũng chẳng kỳ vọng gì về việc nhà cầm quyền CSVN chấp nhận sẽ trả tự do trước thời hạn cho anh vào dịp 2/9 sắp tới.
“Mọi người dân hãy mạnh mẽ lên tiếng”
Cũng trong cuộc nói chuyện, Điếu Cày gửi lời cảm ơn tất cả những cá nhân, tổ chức đã hỗ trợ gia đình và đấu tranh đòi tự do cho anh trong thời gian qua. Trong đó có các vị thượng nghị sỹ, tổng thống, chính phủ, bộ ngoại giao Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu... Các tổ chức quốc tế như Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), Văn bút Quốc tế (PEN)...
Người tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất Việt Nam cũng cho rằng, việc đấu tranh không chỉ riêng cho tự do cá nhân anh, mà đây cũng là cuộc đấu tranh chung cho nền tự do báo chí, tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Điếu Cày nhắn mạnh rằng, đây chính là cuộc đấu tranh nhằm thúc đẩy quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận tại Việt Nam, để cho tất cả mọi người cùng dám cất lên tiếng nói.
“Mỗi người dân Việt Nam cần cất lên tiếng nói của mình trên các phương tiện thông tin. Khi mà cả một hệ thống thông tin đại chúng nằm trong tay giai cấp thống trị thì chỉ họ mới có quyền lên tiếng nói thôi, chứ không có chỗ nào cho người dân lên tiếng cả”.
Lời cuối cùng, Điếu Cày kêu gọi: “Bây giờ có công cụ để cất lên tiếng nói thì mọi người dân hãy mạnh mẽ cất lên tiếng nói để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp, quyền lợi chính đáng của mình.”
Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải năm nay 62 tuổi, là người tiên phong trong phong trào báo chí công dân tại Việt Nam. Anh bị bắt vào ngày 19/4/2008 sau khi tổ chức các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tại Sài Gòn và bị bỏ tù từ đó đến nay.
Dù bị bỏ tù, nhưng tinh thần của Điếu Cày vẫn luôn có sức ảnh hướng lớn đối với giới blogger và các nhà hoạt động cổ vũ nhân quyền tại Việt Nam.
Không chỉ tại Việt Nam, tinh thần Điếu Cày cũng đã vượt biên giới để lan rộng đến quốc tế. Lên tiếng nhân Ngày Quốc tế Tự do Báo chí, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi “Đừng quên blogger Điếu Cày”. Những tổ chức quốc tế lớn như IFEX, Civil Rights Defenders đã liên tục vận động tự do cho Điếu Cày và xem anh như là một trong những biểu tượng tranh đấu cho tự do ngôn luận và báo chí của thế giới.
Việc hình thành Dân Làm Báo bởi một số thành viên của CLB Nhà Báo Tự do cũng đã xuất phát từ nguồn cảm hứng mãnh liệt của tinh thần Điếu Cày và mục tiêu tiếp nối phong trào báo chí công dân (Dân Báo) của CLB Nhà Báo Tự Do.