Từ Nguyễn Văn Trỗi đến Nguyễn Văn Bé, kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả” dưới chế độ CS - Dân Làm Báo

Từ Nguyễn Văn Trỗi đến Nguyễn Văn Bé, kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả” dưới chế độ CS

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Sau loạt bài về tẩy não, một số độc giả nêu thắc mắc chế độ độc tài nào độc ác nhất trong lịch sử loài người, Đức Quốc Xã hay Cộng Sản. Câu trả lời tùy thuộc vào người được hỏi là ai. Với người Do Thái câu trả lời sẽ là Hitler, lý do chỉ vì họ không muốn nhân loại lãng quên Holocaust, nhưng với phần lớn nhân loại, nhất là sau khi khối Liên Xô sụp đổ và nhiều tài liệu được công khai hóa, sẽ trả lời là Cộng Sản. Trước khi bàn đến kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”, người viết sẽ so sánh giữa tuyên truyền Đức Quốc Xã và chính sách tẩy não của CS.

Mặc dầu nhiều tài liệu chưa được bạch hóa hết vì vẫn còn năm quốc gia CS đang tồn tại, số lượng nạn nhân bị giết dưới các chế độ CS, 94 triệu theo ước lượng của Stéphane Courtois trong The Black Book of Communism hay 110 triệu theo kết toán của R.J. Rummel. Cả hai ước tính đều cao hơn The Holocaust nhiều lần. Cách giết người qua việc bỏ đói hàng triệu trẻ em tại Trung Cộng, Gulag tại Nga, bằng cuốc xẻng tại Campuchia, cải cách ruộng đất tại Việt Nam cũng tàn nhẫn và vô nhân không thua kém gì phương pháp lò thiêu sống của Hitler ở Auschwitz.

Lenin ít được đem ra so sánh với Hitler, Stalin hay Mao không phải y là người nhân đức nhưng chỉ vì chết sớm khi kế hoạch toàn trị Liên Xô chỉ mới bắt đầu. Nếu y sống lâu như Stalin rồi cũng không khác gì mà có thể còn độc ác hơn. Khi mới nắm quyền hành chính Lenin đã thiết lập ngay hai cơ quan phụ trách hai chức năng khủng bố và tẩy não.

Tên hung thần đầu tiên trong hệ thống khủng bố CS quốc tế là Felix Dzerzhinsky. Tên đồ tể khát máu này gốc Ba Lan nhưng là người thành lập cơ quan mật vụ Cheka khủng khiếp nhất tại Nga ngay sau khi cách mạng CS 1917. Sau khi một lãnh đạo tổ chức Cheka bị ám sát hụt tại St. Petersburg, Dzerzhinsky ra lệnh bắt 800 người và tất cả đều bị xử bắn không qua một phiên tòa nào. Chỉ trong vòng một tháng từ tháng Chín đến tháng Mười 1918, ước lượng đã có 10 ngàn đến 15 ngàn người bị giết. Danh từ “Khủng bố Đỏ” xuất hiện trong giai đoạn này. 

Dzerzhinsky kiêm nhiệm hàng loạt chức vụ cấp bộ trưởng ngoài việc điều hành ngành an ninh Sô Viết. Y có năng khiếu về ngoại ngữ mặc dù học hành bị dang dở vì tham gia hoạt động CS. Dzerzhinsky bị tù nhiều lần trong đó có lần bị lưu đày tận vùng băng tuyết Siberia. Sau khi vượt thoát khỏi Siberia, Dzerzhinsky hoạt động cho đảng CS Đức. Là nhân vật nổi tiếng trong phong trào CS Đông Âu, sau 1917, Felix Dzerzhinsky thay vì hồi cư về Ba Lan đã quyết định ở lại Nga và được bầu vào đảng ủy CS thủ đô Moscow. Felix Dzerzhinsky chia sẻ quan điểm của Lenin về vai trò toàn trị của Soviet và là người đầu tiên nhận trọng trách thành lập cơ quan an ninh CS.

Thế nhưng, cánh tay khủng bố dù tàn bạo, sắc máu bao nhiêu cũng không thể giữ được chế độ tồn tại lâu dài. Tim óc của chế độ toàn trị chính là bộ phận tuyên truyền tẩy não. Tẩy não là một tiến trình xóa bỏ tận gốc rễ bằng nhiều cách các nhận thức cũ và trên đó xây dựng một hệ thống nhận thức mới. Cơ quan tuyên truyền Agitprop được Lenin thành lập và sau đó đổi tên thành Ban Tư Tưởng Trung Ương. Chỉ trong vòng hai năm, 1917 đến 1918, Agitprop đã phát hành 3600 mẫu bích chương tuyên truyền. Tại mọi cửa hàng, cửa sổ, đường phố, cơ quan, đâu cũng dán truyền đơn, bích chương, biểu ngữ tuyên truyền đập vào mắt, xoáy vào nhận thức người đọc. Nhiều đoàn xe lửa tuyên truyền chạy từ thành phố này sang thành phố khác phân phối truyền đơn, tổ chức những đêm văn nghệ tại những nơi xe lửa dừng.

Kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”

Trong xã hội CS, vô số “anh hùng” được dàn dựng, khác nhau về bố cục, tình tiết nhưng đều tuân theo một nguyên tắc: người thật chuyện giả. Một vài ví dụ điễn hình là Hướng Lôi Phong, Huang Jiguang, Wang Jinxi, Shi Chuanxiang của Trung Cộng, Pavlik Morozov, Alexey Stakhanov của Liên Xô và vô số người thật chuyện giả ở Việt Nam. Cái chết của Nguyễn Văn Trỗi là một ví dụ quen thuộc của kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”.

Tố Hữu viết về cái chết của Nguyễn Văn Trỗi trong bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi:

Anh thét to: "Ta có tội gì đây ?"
Chúng trói Anh vào cọc mấy vòng dây.
Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt
Anh thét lên: "Chính Mỹ kia là giặc!" 

Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen
Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn
Với cái chết. Anh muốn nhìn giáp mặt
Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt!

….

Anh thét lên: Hãy nhớ lấy lời tôi:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả đảo Nguyễn Khánh!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!

Súng đã nổ. Mười viên đạn Mỹ
Anh gục xuống. Không, Anh thẳng dậy
Anh hãy còn hô: "Việt Nam muôn năm!"
Máu tim Anh nhuộm đỏ đất Anh nằm!

Một người bị trói cả hai tay vào “cọc mấy vòng dây” mà còn tay nào để “giật phắt mảnh băng đen”? 

Ngay cả khi bị “Mười viên đạn” “gục xuống” làm sao còn "đứng thẳng dậy" để hô?

Những câu chuyện hoang đường chỉ có trong đầu cuồng tín bịnh hoạn của Tố Hữu mà trong tuổi về già đã thú nhận với Trần Đăng Khoa trong Chân Dung và đối thoại rằng chính y đã nhét vào mồm Nguyễn Văn Trỗi: “Tôi cho cả Nguyễn Văn Trỗi hô: Hồ Chí Minh muôn năm. Mà hô những ba lần kia”.

Bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi đầy nghịch lý, khinh thường hiểu biết của người đọc, phạm những lỗi lầm sơ đẳng, thế nhưng đã được đưa vào mọi sách giáo khoa. Những trò tuyên truyền bỉ ổi đó không phải chỉ trong thời chiến mà nửa thế kỷ sau khi nhân loại sống trong thời đại toàn cầu hóa 2014 này vẫn còn có những văn nô, bồi bút đem ra ca ngợi. Mấy tuần qua, nhan nhản trên các báo đảng, bài thơ buồn cười đó cũng được đem ra học tập giống như trong thập niên 1960 ở miền Bắc.

Một ví dụ khác về kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả” là “anh hùng Nguyễn Văn Bé”. “Anh hùng” này đã làm cả hệ thống tuyên truyền của đảng hố to và có lẽ “liệt sĩ Nguyễn Văn Bé” là trường hợp duy nhất sau 1975 đảng gián tiếp thừa nhận chỉ là sản phẩm tuyên truyền.

Nguyễn Văn Bé là ai ?

Theo cả hai nguồn tài liệu, Việt Nam Cộng Hòa và CSVN, Nguyễn Văn Bé sinh năm 1946 tại quận Châu Thành tỉnh Mỹ Tho trong một gia đình nghèo. Y tham gia các hoạt động CS tại địa phương và chính thức trở thành đoàn viên Đoàn Thanh Niên Nhân Dân Cách Mạng trực thuộc đảng Nhân Dân Cách Mạng (tên gọi của đảng CS khi hoạt động tại miền Nam Việt Nam). Nguyễn Văn Bé gia nhập bộ đội CS ở tuổi 19 và được giao trách nhiệm tải súng đạn. Vào năm 1966, trận đụng độ giữa quân đội CS và quân Mỹ, Bé bị bắt cùng với số vũ khi mà y đang tải vào ngày 30 tháng 5, 1966 tại kinh Cả Bèo, xã Mỹ Quý, tỉnh Kiến Phong.

Đến điểm này hai bên, VNCH và CSVN, đều tường thuật gần giống nhau. Theo bộ máy tuyên truyền CS phát ra từ Hà Nội, “anh hùng Nguyễn Văn Bé” dù bị tra tấn chẳng những không khai một lời mà còn phát biểu những câu nói bất hủ “Tất cả hành động của Mỹ rồi cũng chẳng khác gì bong bóng của xà phòng sẽ bị nước sông cuốn đi”. Cuối cùng, Nguyễn Văn Bé bị đưa đến một trung tâm gần xã Mỹ An. Tại đây, Nguyễn Văn Bé, sau khi nháy mắt ra dấu cho người thợ cày đứng gần để chạy ra xa, đã nâng 10 kí lô mìn Claymore khỏi đầu, miệng hô lớn “Mặt trận Giải Phóng Miền Nam muôn năm, đả đảo đế quốc Mỹ” trước khi đập mạnh khối mìn vào thành một chiếc tăng M118. Khối mìn nỗ lớn và cả kho đạn bị nỗ lây. Cũng theo bản tin của đài phát thanh Hà Nội, “16 lính Mỹ và 10 lính ngụy” chết ngay tại chỗ, ngoài ra nhiều thương vong do đạn lạc gây ra sau đó. Tuy nhiên, một anh hùng như thế mà chỉ giết được “16 lính Mỹ và 10 lính ngụy” thì quá ít nên trong những bản tin sau đó con số lính Mỹ chết được tăng lên 96. 

Tức khắc khi câu chuyện được đăng trên báo Nhân Dân ở miền Bắc và các báo bí mật ở miền Nam, các cơ quan tuyên truyền bắt đầu chỉ thị học tập noi gương “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” của “Liệt sĩ Nguyễn Văn Bé”. “Sự hy sinh của anh không những được cả thế hệ thanh niên Việt Nam kính phục mà còn nhận được sự thán phục bởi tuổi trẻ toàn thế giới”.

Bàn tay Nguyễn Văn Bé dùng để đập khối bom được báo đảng gọi là “bàn tay thiên tài”. Nhiều vở kịch được dựng ngay để diễn lại “hành động anh hùng” của Nguyễn Văn Bé. Một bài báo đảng cho biết sức mạnh của bàn tay Nguyễn Văn Bé chắc chắn được thúc đẩy bởi một lực huyền bí vì “chẳng những giết ngay gần hàng trăm kẻ thù mà còn tạo nên một ảnh hưởng dây chuyền dẫn đến một phong trào làm theo anh hùng Nguyễn Văn Bé khắp cả nước”. Nói chung, hình ảnh Nguyễn Văn Bé như ngôi sao mầu nhiệm làm cả nước đều tin. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng thôi thúc con người miền Bắc. Nhiều thanh niên đã gác hết chuyện học hành, gia đình để tình nguyện vào Nam chiến đấu theo gương “anh hùng Nguyễn Văn Bé”

Các cơ quan tuyên truyền địa phương tin chắc rằng Nguyễn Văn Bé đã chết.

Thật không may cho đảng, Nguyễn Văn Bé không chết. Anh đã đầu hàng, tình nguyện chiêu hồi và còn sống bình an. Các hình ảnh anh chụp với gia đình được báo chí phổ biến rộng rãi. Trên đài phát thanh, đoạn băng "Tôi là Nguyễn văn Bé, hãy còn sống đây..." được phát mỗi ngày khi bắt đầu chương trình. Nguyễn Văn Bé thật có đụng độ nhưng trận chiến chỉ kéo dài không đến 30 phút. Theo báo Time, anh ta chưa bao giờ bắn một viên đạn, thay vì trốn trong con kinh đào và bị nắm tóc kéo lên.

Để phản công trong trận chiến tuyên truyền, phía Việt-Mỹ đã in hơn 20 triệu truyền đơn, bảy triệu minh họa, 465 ngàn bích chương, 167 ngàn tấm hình Nguyễn Văn Bé, 10 ngàn bài hát và rất nhiều chương trình truyền thanh truyền hình nói về sự thật Nguyễn Văn Bé đã đầu hàng, hồi chánh và hiện sống bình an. Các cơ quan tâm lý chiến Việt Mỹ còn phỏng vấn cha mẹ Nguyễn Văn Bé và giúp đưa gia đình họ đến khu vực an toàn. Các cơ quan tuyên truyền của đảng CS phản ứng bằng cách tổ chức rầm rộ ngày kỷ niệm một năm “anh hùng Nguyễn Văn Bé hy sinh”. Các đài phát thanh, báo chí và cả báo chí Liên Xô cũng đăng bài thương tiếc “liệt sĩ Nguyễn Văn Bé”. Nhân dân miền Bắc lại tiếp tục tin rằng anh đã thật sự hy sinh. 

Sau 1975, quả thật với một chiến công to lớn như vậy, Nguyễn Văn Bé không những chỉ có tên đường mà phải một tên phố, một công viên mang tên anh. Nhưng không, bởi vì sự giả dối như thế quả quá trâng tráo và trắng trợn. Câu chuyện ngụy tao Lê Văn Tám còn có thể im lặng vì thời gian quá xa nhưng Nguyễn Văn Bé vẫn còn mang tính thời sự, nhiều người trong thời đó còn sống, nhiều tác giả nhạc, văn, thơ còn chưa hết sượng sùng.

Tội ác của bồi bút và văn nô

Hiện nay hầu hết các “anh hùng xã hội chủ nghĩa” ở 15 nước cựu Liên Xô và các nước Đông Âu, một số bị chôn vùi trong tro bụi thời gian, một số chỉ còn xuất hiện trong các truyện tranh vui giải trí (comic book), riêng tại Việt Nam, không chỉ các thế hệ măng non mà cả thanh niên, sinh viên còn phải học, phải tin vào những mẩu chuyện hoang đường một cách đáng thương và tội nghiệp. Dĩ nhiên không phải tại các em những nạn nhân bất hạnh đã sinh ra và lớn lên trong xã hội lọc lừa. Ngoài chính phạm là đảng CS, tội ác này còn có sự a tòng của đám văn nô, bồi bút, những kẻ chỉ vì chút bổng lộc đảng ban cho mà chịu cúi đầu làm tôi mọi, tiếp tay với đảng làm băng hoại mọi giá trị đạo đức và tương lai dân tộc.

Người viết xin trích một số đoạn trong bài thơ Tản mạn về thơ và đồng nghiệp của nhà thơ Thái Bá Tân để kết luận cho bài viết này:

Đất nước cần thần tượng?
Dạ, có ngay, có ngay.
Cần anh hùng? Rất dễ.
Anh hùng thì có đầy. 

Thế là Lê Văn Tám,
Nguyễn Văn Bé trung kiên,
Rồi nhà tù Phú Lợi,
Rồi kéo pháo Điện Biên... 

Rồi báo cáo, tổng kết,
Rồi thi đua, phê bình,
Cái việc ai cũng biết
Là lừa người, lừa mình. 



______________________________________

Tham khảo:

1. Stéhane Courtois, Nicolas Werth, Jean-Louis Panné, Andrzej Paczkowski, Karel Bartosek, Jean-Louis Margolin The Black Book of Communism, Crimes, Terror, Reppression, Harvard University Press, 1999.

2. Mihai C. Bocarnea and Bramwell Osula: Edifying the New Man: Romanian Communist Leadership’s Mythopoeia. Regent University, International Journal of Leadership Studies. Vol. 3 Iss. 2, 2008, pp. 198-211.

3. Margaret Peacock. Broadcasting Benevolence: Images of the Child in American, Soviet and NLF Propaganda in Vietnam, 1964–1973. Project MUSE, 2010.

4. The Strange Case of the Vietnamese “Late Hero” Nguyen Van Be 

5. South Viet Nam: The Hero

6. SGM Herbert A. Friedman THE USE OF MUSIC IN PSYCHOLOGICAL OPERATION


8. Christoph Giebel. Imagined Ancestries of Vietnamese Communism: Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory

9. Questioning of Lei Feng’s Frugality Leads to Detention, 

10. Thơ Thái Bá Tân Tản mạn về thơ và đồng nghiệp, Facebook

11. Trần Đăng Khoa Chân Dung và đối thoại, truyen.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo