IV. Lý lịch Hồ Chí Minh trong Đèn Cù
Có người sẽ bảo là “rách việc” khi tôi đề cập đến phần lý lịch của Hồ Chí Minh trong loạt bài viết về Đèn Cù. Bị trách, tôi nhận. Nhưng không thể không viết. Bởi lẽ, một trong những nỗi thắc mắc lớn của người Việt Nam hiện nay, ngoài việc muốn biết về “số phận Việt Nam” qua mật ước ở Thành Đô là việc bạch hóa lý lịch thật của Hồ Chí Minh. Ông ta là thiếu tá Hồ Quang, người Tàu, gốc Hẹ, đảng viên đảng cộng sản Tàu theo hồ sơ của quân ủy trung ương Trung cộng vừa công bố, hay là Nguyễn Sinh Cung người làng Kim Liên? Hai điểm thắc mắc này ai cũng muốn biết và nó có khả năng đưa đến cái chết bất đắc kỳ tử cho chế độ CS tại Việt Nam. Bởi lẽ, khi người dân Việt Nam biết Hồ Chí Minh là người Tàu, biết được mật ước Thành Đô, đảng cộng sản phải tan theo bánh xe Cù thị. Tiếc là, cho đến nay hai nguồn chứng cớ quan trọng nhất, đều nằm trong tay phía cộng sản, không ai có thể tiếp cận được.
Thứ nhất, tất cả những hồ sơ liên quan đến Nguyễn Ái Quốc từ 1925 đến 1933 và sau này, đều nằm trong tay KGB của Nga và cụm tình báo Hoa Nam. Nên sự đổi thay, nếu có, cả việc tráo đổi người theo nguồn tin là Nguyễn Ái Quốc đã chết về bệnh lao sau khi ra khỏi tù ở Hồng Kông vào năm 1933, cũng hoàn toàn nằm trong tay hai tổ chức này.
Thứ hai, việc DNA cái xác của Hồ Chí Minh đang nằm phơi khô ở Ba Đình cũng không có cơ hội thực nghiệm và giảo nghiệm trước khi chế độ này bị triệt tiêu. Mật ước Thành Đô cũng chung số phận.
Tuy nhiên, không phải vì những trở ngại này mà người ta ngừng đi tìm kiếm sự thật. Trái lại, bằng nhiều hình thức khác nhau, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra dược những lý lẽ rất mạnh mẽ để bảo vệ cho luận cứ của mình trong việc đặt nghi vấn về lý lịch của Hồ Chí Minh, qua tài liệu mở, qua những cuốn sách được cho là của Hồ Chí Minh, trong đó có Ngục Trung Nhật Ký. Đây là một tập thơ viết bằng chữ Hán, không có tên tác giả và đã gây ra khá nhiều tranh cãi về tác quyền. Việt cộng thì đánh bóng và công bố đây là tập thơ của Hồ Chí Minh... vổ được. Hơn thế, còn nâng cấp nó lên là hàng “tài sản văn hóa” của dân tộc... tàu ô. Ở chiều ngược lại, có nhiều bài viết, trong đó phải kể đến cuốn “Ngục Trung Nhật Ký không phải là của Hồ Chí Minh” do học giả Lê Hữu Mục dày công nghiên cứu, biên soạn và đã được phát hành mấy năm trước đây. Kế đến, những bài phân tích chững chạc, mạch lạc của giáo sư Tâm Việt, giáo sư Lê Trí Viễn, ông Đỗ Thông Minh, có cùng quan điểm và nhận được nhiều sự biểu đồng tình tích cực. Cá nhân tôi có đề cập đến vấn đề này đôi ba lần trong loạt bài “Tác giả Ngục Trung Nhật Ký không phải là người Việt Nam”.
Dĩ nhiên, những bài viết này chưa có đủ tài liệu dẫn chứng một cách xác thực đi kèm. Tất cả là những suy luận, những phán đoán. Những suy luận, phán đoán ấy đã dựa vào những quy luật nhất định, có giá trị về thời gian và bối cảnh mà tập thơ đã hoàn thành. Tất cả đều định hình theo quy luật về thơ như thể thơ, phong thơ, ý thơ, tứ thơ, khổ thơ, nghĩa thơ, hồn thơ, đạo thơ, và văn tự của thơ trên văn bản mà chứng minh. Sự chứng minh, phán đoán, theo tôi, là có thể chấp nhận được, nhưng nó vẫn chưa là chứng từ để kết luận.
Nay trong Đèn Cù, tác giả Trần Đĩnh, đưa ra một đoạn viết khá ngắn, không một dẫn chứng, liên quan đến tập thơ và lý lịch của HCM. Trần Đĩnh viết; "Tàu Tưởng bắt tù Cụ Hồ chỉ cốt để báo cho biết nó chả ngọng Cụ là cộng sản, cụ muốn hoạt động thì hãy chịu cương tỏa của nó... Nhờ tập thơ giãi bày tâm sự trong tù với Tàu Tưởng, tôi đây yêu nước chứ không cộng sản, rồi nhờ có thêm người - như Hồ Học Lãm nói với Trương Phát Khuê, Cụ đã được ra tù và cùng với Nguyễn Hải Thần lãnh đạo Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội.” (tr. 37).
Sự thật thế nào?
Sự thật thế nào?
Đọc thoáng qua, ai cũng thấy, đây là một đoạn viết ngắn, khá ngắn, nhưng nó lại mang một sức chuyên chở ý rất nặng và rất lớn. Lớn như một tờ giấy chứng thực tập thơ là của Hồ Chí Minh? Nặng hơn hàng trăm, hàng nghìn những trang báo, bài viết của những dịch giả như Huệ Chi, Nam Trân, Đỗ Văn Hỷ... và những bài thuộc diện thổi ống nói về tập thơ của các nhà văn, nhà báo Việt cộng, cộng lại. Bởi lẽ, Trần Đĩnh ở vào cái vị thế mà những người kia không bao giờ có. Trần Đĩnh gần “Hồ”, Trần Đĩnh biết nhiều, biết hết mọi chuyện về “bác”. HCM có thể nói đùa, bỡn với Trần Đĩnh "thế người ta đi đái cũng theo à?", trong lúc những người khác nếu có dịp tiếp xúc với Hồ theo từng nhóm, từng đoàn thì việc giữ cho cái trống ngực khỏi đập loạn nhịp đã là may mắn rồi, nói chi đến câu chuyện thân tình. Họ chỉ viết theo tiếng kẻng!
Theo đó, khi Trần Đĩnh viết về tập thơ, quyết đoán như thế, chuyện người ngoài có tin hay không mặc kệ. Riêng cánh làng thổi thì mừng đến rơi nước mắt. Rồi những đôi mắt xanh sao, vàng vọt, lơ láo lo lắng vì không biết trả lời ra sao trước những thách đố cho rằng tập thơ ấy không phải là của Hồ Chí Minh đều dồn về Trần Đĩnh, coi Trần Đĩnh như là cứu chúa. Dù chẳng quen biết Trần Đĩnh, nhưng nếu cần bầu Trần Đĩnh vào vai trò thủ lãnh bảo vệ tập thơ là của “bác” thì tất cả đều giơ tay. Lý do, ngay chuyện kín “cụ Hồ che râu đến dự một buổi”, nói ra là bôi tro trát trấu vào mặt “bác”, là đụng vào cái búa của đảng, Trần Đĩnh cũng huỵch toẹt ra rồi. Chuyện này ai dám nói, dám viết? Trần Đĩnh dám viết là có chứng cớ, là khả tín? Chẳng biết sự khả tín ra sao, đã thấy Bùi Tín vội vàng nhảy vào dựa hơi, ăn ké "Tôi có thể chứng thực những điều Trần Đĩnh viết ra là chân thực” (Người đẹp nhất trong Đèn Cù). Lạ thật, không biết Bùi Tín lấy tư cách gì, tiêu chuẩn nào mà cấp giấy chứng thực cho Trần Đĩnh? Bạn tôi bảo. Lạ quái gì. Cộng đảng viên nào cũng có cái bệnh lạ này như nhau. Bệnh đảng. Bệnh ồm ộp từ vũng nước dưới chân trâu! Ngửa mặt lên là bằng trời. Chỉ tại cái vũng nước quá cạn!
Liệu cái “chứng thật”, cái “thế giá” này có đủ khả năng đánh bạt, đánh đổ toàn bộ những lý luận, những bài viết cho thấy Hồ Chí Minh là người Tàu, gốc Hẹ và tác giả tập thơ Ngục Trung Nhật Ký không phải là của Hồ Chí Minh (Nguyễn Sinh Cung) hay không? Tôi cho là bất khả, ngoại trừ hai trường hợp sau:
Thứ nhất. Nếu họ trưng ra được tất cả những tài liệu theo năm tháng cùng với những hình ảnh từ 1932-1943 là những năm mà người ta gọi 10 năm mất tung tích của Hồ Chí Minh được công bố gắn liền với giấy chứng nhận DNA trên cái xác phơi khô của HCM do những cơ quan chức năng thẩm quyền quốc tế đảm nhận. Khi ấy, cái “tổ hợp” thắc mắc kia không đánh cũng tan. Sẽ có nhiều người phải bẻ bút. Trong đó có thể có cả tôi. Ít nhất là tôi sẽ có bài sám hối và xin lỗi độc giả về những loạt bài có liên hệ đến lý lịch và tập thơ NTNK. Tuy nhiên, việc đưa ra bằng chứng về những tội ác mà HCM đã phạm với dân tộc và đất nước Việt Nam tôi vẫn cứ tiếp tục. Vì đó là bổn phận của người cầm bút phải đi tìm sự thật và truyền đi sự thật.
Thứ hai. Một khi không có được những chứng liệu như đã nói ở trên, thì chính đoạn viết ấy lại là sự xác định Hồ Chí Minh là người Tàu và tập thơ không phải là của Nguyễn Sinh Cung. Khi đó, những câu chuyện của làng thổi như những bài ca vô tận về “Người hay ngợm” chỉ còn là tiếng ọp ẹp trong vũng nước dưới chân trâu như đã từng, và Đèn Cù khéo mà tự bốc hỏa. Nó thiêu rụi cả tác giả và cả cánh làng thổi từ xưa đến nay. Trừ trường hợp tác giả cho thấy đây là một đoạn văn mở ngược ý, để chứng minh Hồ Chí Minh là người Tàu, yêu nước Tàu và không phải là tác giả của Ngục Trung Nhật Ký? Nghĩa là Trần Đĩnh muốn dùng một số nội dung “râu ông cắm cằm bà” của một số bài thơ để phản chứng cho đoạn viết vô lý của minh. Bởi vì, Trần Đĩnh đã biết HCM là người Tàu, và tập thơ là của người khác. Nhưng không thể viết theo ý mình, nên phải chọn cách tránh né, nói ngược này để diễn đạt ý muốn viết?
Đến đây, tôi chưa có kết luận là bạn nên ngả theo phía nào trước. Tuy nhiên, việc tìm ra sự thật trong đoạn viết của Trần Đĩnh là “chân thật” là khả tín như làng thổi tung hê theo ý của họ, hay nó lại là “tôi đây yêu nước Tàu, không phải cộng sản”, không có một khó khăn nào hết. Trái lại, nó sẽ phơi bày ra ánh sáng công luận chỉ sau một câu hỏi: Dựa vào những tiêu chuẩn nào để Trần Đĩnh viết ra đoạn văn đầy tính xác quyết như giấy chứng nhận về lý lịch, rồi ban cấp cho Hồ Chí Minh là tác giả của tập thơ NTNK? Theo tôi câu trả lời gồm có hai phần. Thứ nhất, tìm hiểu về sự gần gũi và cái thế giá cá nhân của Trần Đĩnh với HCM. Thứ hai, phân đoạn viết trên thành ba phần để tìm lời giải đáp.
A. Sự gần gũi và thế giá của Trần Đĩnh
Không ai phủ nhận Trần Đĩnh có sự liên hệ khá gần gũi với HCM trong một thời gian dài từ Atêka cho đến sau này. Gần gũi đến nỗi, Trần Đĩnh và bạn hữu có thể thoải mái tán gẫu về chuyện thích "gái nạ dòng của Hồ". Hơn thế còn gần gũi ngay cả khi y đi đái nữa. Trần Đĩnh viết (1960?): “Sau bữa cơm trưa, thấy Cụ quần áo cánh nâu đi vòng ra sau dẫy nhà tranh đến rặng chuối thay hàng rào, tôi đi theo. Cụ thuốc lá ngậm miệng, tay vén ống quần lên đái. Thấy tôi gần như ở ngay bên, cụ quay ngoắt lại hỏi, điếu thuốc khẽ lật bật ở môi: “Người ta đái cũng theo à?” Không ạ, cháu...”. Thế đứng sát vào người ta nhòm gì?” Câu tra hỏi đùa bỡn đã đóng một dấu ấn phơi phới vào quan hệ bác cháu. (tr. 181)
Một người có hoàn cảnh như thế thì hẳn nhiên là có thể nắm rất vững về giọng nói, âm nói và cách nói chuyện bằng tiếng Việt của Hồ Chí Minh? Đây là một lợi thế tốt hơn là chứng cớ tốt để Trần Đĩnh, một người được giao trách nhiệm viết tiểu sử cho Hồ Chí Minh, viết “bất khuất” đưa ra đoạn viết xác quyết ở trên. Thoáng qua, nó khả tín và chắc chắn hơn những chuyện vẽ vời của cánh làng thổi, làng dịch, làng ăn ké. Tuy nhiên, nó vẫn có đầy khuyết tật cần phải vạch ra.
Thứ nhất. Tất cả những sự kiện về Nguyễn Sinh Cung từ Làng Kim Liên, đến khi vào Huế theo học, kế bị đuổi học, rồi lưu lạc vào Phan Thiết. Xuống tàu xin làm bồi bép. Đến Pháp thì xin vào học trường thuộc địa. Sau thất bại về đường công danh, học vấn, Thành đi theo cộng sản Pháp. Sang Liên Xô, vào tù ở Hồng Kông 1931. Rồi về hang Pác Pó 1941. Lại sang Tàu, đổi thành Hồ Chí Minh, bị Tàu Tưởng bắt, thì Trần Đĩnh hoàn toàn dựa vào những sách báo của đảng cộng sản làm tuyên truyền. Trần Đĩnh viết “Mừng Đảng 30 tuổi, mừng Cụ Hồ 70, mừng 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngoài ba đại khánh còn Đại hội lần thứ ba của Đảng. Tháng 3, Tố Hữu triệu tập mấy người lập nhóm viết tiểu sử Hồ Chí Minh với danh nghĩa Ban nghiên cứu lịch sử đảng. Gồm Tố Hữu, Phạm Bình (Ban nghiên cứu lịch sử đảng), Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh và tôi. Hai nhà văn vào tận quê Cụ sưu tầm tài liệu. Phạm Bình cung cấp tài liệu. Tôi viết. Cố nhiên cũng sưu tầm cả tài liệu. Hai nhà văn trở ra với nhiều điều giật gân. Cụ sinh năm 1891! Cụ Khiêm, anh trai Cụ nói thế, có bằng chứng hẳn hoi trong gia đình và họ hàng. Báo cáo với Cụ thì Cụ nói của người ta thế nào thì cứ để thế không sửa gì hết. Hai nhà văn và tôi bảo nhau: Bác muốn dân dễ nhớ nên lấy tròn 1890. (tr. 167)
Đến khi bắt tay vào việc, Trần Đĩnh đã xác nhận phải viết theo cái búa chỉ đường, không viết theo điều mình biết, Trần Đĩnh kể "Phải viết một loạt bài về lịch sử đảng, tôi đã đọc những tài liệu về chuyện này. Lẽ tất nhiên đều ỉm đi, cho tất cả vào cái sọt giấy vĩ đại là sự quên, sự lờ, sự nhắm mắt lại. Gọn một chữ là sự gian dối. Để đổi lấy uy tín đảng" (tr. 192). Nghĩa là phải bỏ qua mọi tài liệu, Trần Đĩnh đã viết bằng sự gian dối để được lòng đảng. Tôi rất trân trọng, ngưỡng mộ lòng quả cảm của Trần Đĩnh trong câu viết này. Tôi tin rằng, đây chính là tiếng nói tự đáy lòng Trần Đĩnh. Đáy lòng còn có hình ảnh của một bà mẹ kính yêu và tổ Quốc Việt Nam trong Trần Đĩnh.
Như thế, câu trả lời đã có. Trần Đĩnh không viết theo những tài liệu, theo chứng cứ có thể là có thật, hay những điều Trần Đĩnh nghe, biết. Trái lại, Trần Đĩnh đã viết bằng sự giả dối, viết dưới cái búa của đảng cộng sản. Cái búa này, cho đến nay chưa bao giờ rời xa Trần Đĩnh! Theo đó, sự gần gũi thân tình, biết hết về HCM tự nhiên mất giá trị. Nó không thể nói lên, hoặc chứng mình cho những điều Trần Đĩnh biết và viết là giống nhau. Từ đó sự khả tín và “chân thật” có lẽ cũng không còn. Bởi lẽ, nếu có biết rất thật âm thanh ấy không phải là âm thanh của người Việt Nam thuần túy. Giọng nói ấy là giọng nói của một người ngoại, thuộc dòng phát âm độc âm như Việt Nam, và có vóc dáng hao hao Việt Nam, nhưng không phải là cái lề thói thổ âm, kiểu cách, điệu bộ của người ở vùng làng Kim Liên, Nam Đàn. Trần Đĩnh cũng phải lờ nó đi, không được phép thắc mắc và phải viết bằng sự giả dối, và uy tín đảng!
Ấy là chưa kể đến phần tâm lý luôn nằm sâu trong lòng Đĩnh là: "gần vua như gần cọp”. Sự gần gũi giữa đôi bên không phải là một quan hệ ngang hàng, thân cận, nhưng là một thuộc hạ khá thấp, tiếp xúc với một lãnh tụ cao nhất, không tránh khỏi những cảm xúc tâm lý bất ổn. Lại không phải là một gián điệp do địch gài vào, nên không để ý, hay không đánh giá, không thắc mắc người đối diện mình là ai. Thay vào đó là sự tôn kính và tôn sùng lãnh tụ ngay từ trước ngày bước chân vào Atêka, nên không thể có sự tìm hiểu cách thế nói chuyện, giọng âm có khác với người Việt Nam hay không. Trái lại, nhìn tất cả những sự việc giả dối chung quanh cá nhân người này bằng cái nhìn tôn kính, tôn sùng lãnh tụ, nên nếu có thấy cái lối phát âm khác lạ, kiểu nói khác lạ, Trần Đĩnh cũng sẵn sàng đánh lừa chính mình bằng nhận định “bác” ở ngoại lâu quá nên nói líu cả lưỡi, đôi khi quên mẹ nó cả tiếng Việt. Hay nói tiếng Tàu. Nói chữ Đ lại ra chữ L. Giống như cuốn băng duy nhất HCM trả lời trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Nhật. Như thế, sự gần gũi tự nó không thể là một chứng cớ, một điểm tựa giúp cho Trần Đĩnh trong trường hợp viết đoạn văn như giấy chứng nhận ở trên. Sự xác thực của nó chỉ còn dựa vào nội dung của tập thơ NTNK.
B. Ba điểm chính trong đoạn viết của Trần Đĩnh
1. Những lý do được đưa ra khi HCM bị bắt ở Túc Vinh:
a. Trần Đĩnh xác định: HCM bị bắt vì là cộng sản "Tưởng bắt tù Cụ Hồ chỉ cốt để báo cho biết nó chả ngọng Cụ là cộng sản”. Trong tập thơ cũng có một bài có thể chứng minh tác giả là cộng sản thuộc đảng cộng sản Phúc Kiến.
b. Lý do bị bắt do nhà nước CSVN công bố: bị tình nghi là gián điệp "Khi kiểm tra căn cước tuần cảnh phát hiện ra rằng ngoài chứng minh thư của: Quốc Tế phản xâm lược hiệp hội Việt Nam, phân hội” ra. Hồ Chí Minh còn mang theo thẻ hội viên đặc biệt của “Quốc Tế Tân Văn Xã”, và giấy thông hành quân dụng của Văn Phòng Tư lệnh Đệ Tứ chiến khu cấp... tất cả các giấy tờ đều cấp năm 1940, đã quá thời gian sử dụng. Họ nghi Hồ Chí Minh là gián điệp nên bắt giữ”. (Lichsuvietnam). Không cho biết tên, tuổi ở trong những loại giấy tờ này.
c. Lý do Hồ bị bắt do Tàu Tưởng (chữ của Trần Đĩnh) công bố. Tàu Tưởng không có công bố lý do khi bắt Hồ Chí Minh. Tuy nhiên việc đưa tác giả đi rong trên phố cho bà con xem mặt, như nhà nước CSVN đã cho dẫn tù binh Mỹ diễu phố ở Hà Nội vào những năm cuối 1960 hay đầu 1970 để nuôi thêm lòng căm thù của nhân dân với đối phương thì tác giả cho biết bị bắt vì tội làm Hán gian. Hán gian với Tàu Tưởng có thể hiểu là hoạt động cho phát xít Nhật, hay là nằm vùng cho Tàu cộng. "Ngoài phố tranh nhau xem Hán gian, Hán gian ta vốn thực vô can, vô can vẫn bị nghi là có. Thực khiến lòng ta lạnh tới gan" (Trên Đường Phố, người dịch Nam Trân).
d. Lý do bị bắt do chính tác giả đưa ra:
“Ta người ngay thẳng lòng trong trắng,
Lại bị tình nghi là Hán gian” (Đường đời hiểm trở).
Đây có lẽ là lý do đúng nhất. Và còn hơn cả sự đúng nữa. Chính tác giả đã xác định bản thân là người Tàu.
Chi tiết nào chứng minh tác giả là người Tàu? Tác giả là người Tàu vì một lẽ rất đơn giản. Khi một người Tàu bị bắt vì nghi án làm việc cho ngoại bang, cho đối phương chống lại nhà cầm quyền đương thời, đương nhiên bị gọi là bọn Hán gian. Nếu tác giả là người Việt hoạt động cho Việt cộng, cho Nga, cho Tàu khi bị bắt ở Mỹ, ở Pháp, ở Úc hay ở bên Tàu đều bị gọi là Việt gian. Người này không bao giờ bị gọi là Mỹ gian, Pháp Gian hay là Hán gian. Cũng thế, khi một người Tàu phạm cùng loại tội bị bắt tại Việt Nam, tại Mỹ, tại nguyên quán đều bị gọi là Hán gian. Ở đây, chính tác giả đã xác nhận bị nghi là Hán gian. Rồi ngoài phố cũng tranh nhau coi Hán gian. Chẳng lẽ Hán gian này lại có thể là người Việt ư?
Xin hỏi, những phi công của Hoa Kỳ, bị bắt và bị đưa đi diễu phố ở Hà Nội cho dân ném đá, xỉ vả và bạn của tác giả nhảy ra vờ đấm hụt để khỏi bị quy vào thành phần, họ bị gọi là gì? Bọn xâm lược đế quốc Mỹ, bọn Mỹ gian, hay là Việt Gian, Hán gian? Nếu những tù binh này bị gọi là Việt gian, là Hán gian thì tôi chấp nhận cái lý Hán gian trên là người Việt. Rồi những người Việt Nam hoạt động cho Việt Nam Cộng Hòa, làm việc cho Pháp bị Hồ Chí Minh chém lén, họ có bị ghép vào tội là Hán gian hay không? Hỏi là trả lời. Ngắn gọn, người mang quốc tịch nào, khi bị bắt vì có hoạt động nguy hiểm chống lại chính quyền đương thời hay hoạt động cho kẻ thù của quốc gia sở tại thì bị gọi bằng chính cái tên nước mà kẻ đó đeo trên mình. Theo đó, tác giả chính là một người Trung Hoa, mà chúng ta thường có thói quen gọi là người Tàu. Kế đến, khi Tàu Tưởng đưa tác giả đi rong ngoài phố cho dân chúng nhìn mặt thì càng quả quyết là sau những cuộc hỏi cung, Tàu Tưởng đã biết rõ tác giả là ai, ở đâu, đã bị tình nghi có liên hệ với tổ chức nào chống lại chính quyền đương thời. Về điểm này, thưa ông Trần Đĩnh, ý ông thế nào? Tác giả có phải là người Việt Nam không? Phần tôi, xin cám ơn tác giả Trần Đĩnh đã dùng phản đề, ngầm ý, để giúp cho độc giả nhìn rõ chân tướng tác giả là người Tàu rất yêu nước Tàu!
2. “Nhờ tập thơ giãi bày tâm sự trong tù với Tàu Tưởng”
Phải công nhận đây là một ý kiến rất lạ lùng và rất đặc sắc mà tác giả Trần Đĩnh đã khám phá ra, đã nêu ra làm chủ đề cho đoạn viết này. Thật vậy, nỗi lòng, tâm sự u uẩn của một người có thể giãi bày trọn vẹn ra cho người ngoài, người đối diện với mình qua những bài thơ, để nhờ đó tạo sự cảm thông. Một nàng kiêu sa, ngúng nguẩy, không thèm tiếp chuyện ai kia, nhưng khi đọc được dòng tâm sự của chàng về mình qua những dòng thơ trữ tình thì lòng mềm ra như bún. Cũng thế, một Tàu Tưởng mặt mũi đỏ gay, đang hò hét vang cả nhà, bất chợt nhận được một tập thơ của một người tù trong tay, Y không thể không liếc mắt đọc qua. Đọc rồi đưa đến cảm thông. Nhưng nếu người tù trao cho Tàu Tưởng một xấp giấy đầy những lời trần tình thống thiết, bi ai hay biện minh thì những trang giấy ấy có nhiều cơ hội bị quăng vào xọt rác. Tại sao thế nhỉ?
Điều này thì chính Trần Đĩnh biết rõ hơn ai hết. Viết bình luận, thời sự, phê bình, viết báo thì dựa vào những sự kiện trước mặt, có sẵn mà viết, mà bình, mà giải. Viết văn thì dùng trí óc hư cấu từ câu chuyện có thật của mình, của người hay bất chợt bắt gặp trong đời mà vẽ vời, văn hoa thành truyện, thành tiểu thuyết. Nó không buộc phải chứng dẫn sự kiện. Đến thơ, lại là một chuyên đề hoàn toàn khác biệt với những khuynh hướng trên. Thơ là hơi thở, là nghĩa sống của tâm hồn. Ở trong thơ không là những dòng chữ chạy theo sự kiện gian dối, búa liềm. Nó là chân thật, là thao thức của tâm hồn. Nó là tiếng nói từ đáy lòng, là những dòng chữ tuôn chảy, vươn tới đỉnh cao đẹp và chân thiện. Nó là cái đẹp tinh khôi thuần khiết của nhân bản tính, nên người ta gọi nó là thơ, hồn thơ. Cũng thế, ở trong Ngục Trung Nhật Ký hầu như có tất cả mọi vẻ đẹp cao đẹp của một tập thơ. Nó không có một dấu hiệu nào là dùng dao mã tấu chém chữ, nó lại cũng chân thật đến điên rồ nhận mình là Hán gian.
Thật vậy. Ngục Trung Nhật Ký hầu như có mọi tố chất tạo nên một vẻ đẹp thanh cao của một người yêu nước, yêu nước thiết tha. Bỗng nhiên, vì một lý do nào đó, nhất thời thân bị giam trong nhà lao. Cuộc giam cầm này xem ra không cho ông một nỗi đau đớn của thể xác, nhưng chém vào lòng ông một nhát dao trí mạng. Hán gian! Và từ hai chữ này, tác giả đã trải nỗi lòng của mình ra theo từng bước chân, trên từng trang giấy với những nhà lao đã qua. Mà lạ, không một nhà lao nào để lại trong ông nỗi oán than về thể xác. Nhưng tất cả như làm héo úa lòng ông vì tiêu pha ngày tháng vô ích trong khi tổ quốc vẫn có thể cần đến ông trong một công việc gì, dù là nhỏ bé. Bất cứ người nào đọc NTNK cũng đều thương cảm cho số phận của cánh chim bàng trong lồng. Tiếc là khi ra đi, chung cuộc, ông không để lại tên tuổi quê quán để cho người đời sau kính vọng ông.
Nhưng bỗng dưng, HCM... vồ được tập thơ, cho người dịch ra tiếng Việt rồi nham nhở hô hoán, thổi phồng lên “nỗi lòng của bác ở trong tù”. Và nay, Trần Đĩnh, người rất gần gũi với Hồ Chí Minh, lại cho rằng, nhờ tập thơ tâm sự, giãi bày nỗi lòng này mà Tầu Tưởng tha cho “bác”. Thật, cái trí tưởng tượng của chàng thanh niên 19 tuổi lên Atêka ngày nào vẫn còn vượt đi ngàn dặm. Nhưng không biết, những bài thơ nào được coi là tiêu biểu mà Trần Đĩnh gọi là “giãi bày tâm sự trong tù với Tàu Tưởng, tôi đây yêu nước, chứ không cộng sản”. Liệu có phải là bài này hay không?
Nhà nhà hoa kết với đèn giăng,
Quốc khánh reo vui cả nước mừng;
Lại đúng hôm nay ta bị giải,
Oái oăm giá cản cánh chim bằng
“Tết Song thập bị giải đi Thiên Bảo” (Người dịch: Nam Trân)
“Tết Song thập bị giải đi Thiên Bảo” (Người dịch: Nam Trân)
Hay là:
Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận,
Hoàn cầu lửa bốc rực trời xanh.
Trong ngục người nhàn quá đỗi,
Chí cao mà chẳng đáng đồng chinh.
“Buồn bực” (Người dịch: Nam Trân)
“Buồn bực” (Người dịch: Nam Trân)
Nếu là một trong hai bài này thì rõ ràng tác giả biện minh ông ta không phải là cộng sản, nhưng là một người rất yêu nước, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ cho quê hương. Nhưng đó là quê hương Tàu chứ không phải quê hương Việt Nam. Vì ngày “Tết Song Thập” chính là ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Dân Quốc. Ông buồn. Buồn vì ngày mà cả nước mừng reo vui, (có thể ông đã từng góp công góp sức cho ngày này). Nay, thân ông như một cánh chim bàng, vẫn sẵn sàng vì tổ quốc mà lại bị coi là Hán gian phản quốc, bị rẻ khinh chẳng đáng giá một đồng xu!
Nỗi lòng của ông không chỉ có bấy nhiêu. Nhưng vượt lên trên cả những nỗi oan tình, oán than, dù cô quạnh trong chốn nhà giam, tác giả vẫn không oán hờn người bắt mình. Thay vào đó là một khí phách lớn, bỏ qua mọi tỵ hiềm, oán giận cá nhân mà viết lời kêu gọi đồng bào trong cả nước hãy nghe theo lời Tổng Thống Tưởng Giới Thạch mà chiến đấu chống phát xít Nhật và tiêu diệt tập đoàn cộng sản Mao Trạch Đông. Đã thế, còn ca tụng những chiến công của những viên tướng của Tưởng đã chiến thắng Tầu Mao ở Chiết Giang như là những anh hùng của dân tộc. Tác giả viết:
Đọc lời giáo huấn của ông Tưởng (Người dịch: Đỗ Văn Hỷ)
Gian khó không lùi, vẫn tiến lên,
Thù nhà nợ nước, nghĩa đương nhiên;
Quyết tâm gắng gỏi và kiên nghị,
Nhất định thành công sẽ có phen
Tướng quân Lương Hoa Thịnh thăng chức phó tư lệnh (Người dịch: Trần Đắc Thọ)
Đốc quân ngày trước vùng Tương, Chiết,
Chống giặc năm nay mạn Miến, Điền;
Lừng lẫy uy danh, thù mất mật,
Khải hoàn mừng trước, xướng thành thiên.
Phần cá nhân tác giả thì ngồi nhìn trời, ngắm trăng mà bước đi theo cái đạo trung trinh, cái nghĩa tiết tháo của vườn Đào:
“Cành lá khéo in hình Dực Đức,
Vần hồng sáng mãi dạ Quan Công"
(Tức Cảnh, người dịch Nam Trân)
(Tức Cảnh, người dịch Nam Trân)
Có thế, đây quả thật là những bài thơ có khả năng giãi bày lòng yêu nước của tác giả với Tàu Tưởng. Ai đọc cũng có thể thấy được nỗi lòng vì đất nước của tác giả. Hơn thế, biết rõ Tổ quốc của tác giả là nước Trung Hoa. Như thế, tác giả tuyệt đối không phải là Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Ái Quốc). Đã thế, tâm hồn tác giả xem ra hiền hậu, khoan dung, hoàn toàn khác biệt với cái độc ác, vô lương, bá đạo, bất nghĩa của Hồ Chí Minh.
3. Những cuộc gặp gỡ và vận động xin trả tự do cho tác giả và cho Hồ Chí Minh?
Đến đây, tôi buộc tôi phải có cái tiểu đề cho rõ ràng để phân biệt cho hai trường hợp, tác giả Ngục Trung Nhật Ký và Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, tôi không thể lừa tôi, tôi không thể lừa dối bạn đọc và dư luận. Lý do, mọi người đã nhìn thấy rõ đây là hai người hoàn toàn khác nhau, nhưng xem ra nhà nước và đảng CSVN lại cứ ỡm ờ cho hai cái khác này quy vào một người chỉ vì ăn phải bả của HCM. Và đây có phải là điểm mà Trần Đĩnh muốn cho mọi người nhìn thấy sự thật bằng phản đề chăng?
Thú thật, tôi rất ngạc nhiên, không biết tác giả lấy tài liệu ở đâu ra, hay chính HCM nói cho Trần Đĩnh nghe là nhờ ông Hồ Học Lãm nói giúp, nên Trương Phát Khuê đã thả Hồ Chí Minh ra. Trong khi đó theo tài liệu được ghi lại của Quốc Dân Đảng Việt Nam thì: "Sau khi xin phép Trương Phát Khuê vào thăm Nguyễn Tường Tam thì cũng xin thăm luôn Hồ Chí Minh, dù không biết Minh là ai. Sau đó hai họ Vũ và Nghiêm đề nghị BCH/VNVMĐMH, đứng ra can thiệp xin trả tự do cho Tam và Minh, Lần lượt sau đó hai người này được trả tự do và về trụ sở của VNCMĐMH để chờ hậu bổ ủy viên” (Chương II: “VIỆT NAM CÁCH MẠNG ĐỒNG MINH HỘI" - Hoàng Văn Đào). Tôi không viết về chuyện ai đã vận động để Trương Phát Khuê trả tự do cho HCM. Vì một bên có tài liệu, một bên nói bằng... mồm. Và cả hai cùng chẳng ăn nhập gì đến những cuộc thăm viếng và làm thay đổi đời tạm giam của tác giả. Bởi lẽ, chính tác giả kể về chuyện này, chẳng có Nghiêm, chẳng có Vũ. Cũng chẳng có Hồ Học Lãm, như sau:
Lính tráng tuần canh nhìn nhẵn mặt,
Hôm nay mới được gặp văn nhân;
Người trông nho nhã, ai không thích,
Mái tóc ta xanh lại mấy phần.
(Khoa viên họ Trần tới thăm. Người dịch: Nam Trân)
(Khoa viên họ Trần tới thăm. Người dịch: Nam Trân)
Hay nói về tấm thịnh tình của cố cựu khi đến thăm tác giả?
Họ Ngũ trưởng khoa với họ Hoàng,
Thấy ta cùng cực động lòng thương;
Ân cần thăm hỏi và cưu giúp,
Như nắng bừng lên giữa giá sương
(Khoa trưởng họ Ngũ, khoa viên họ Hoàng. Người dịch: Huệ Chi).
(Khoa trưởng họ Ngũ, khoa viên họ Hoàng. Người dịch: Huệ Chi).
Thế là quá rõ ràng.
4. Phần ngoại đề
Hãy tạm bỏ quên những khác biệt về tài liệu sang một bên. Một câu hỏi cần phải trả lời ngay để có thể tìm ra sự thật của câu chuyện là. Nếu tập thơ là của Hồ Chí Minh thì khi nào Hồ Chí Minh đã dùng tập thơ này để giãi bày, tâm sự nỗi lòng với Tàu Tưởng? Có phải là vào giai đoạn trước khi Hồ Chí Minh được thả chăng? Sự thường là thế. Nhưng nếu có việc trao tập thơ này cho Tàu Tưởng, theo tôi, một trong ba trường hợp sau đã xảy ra và Hồ Chí Minh đều mất mạng.
1. Hồ Chí Minh không bao giờ được Trương Phát Khuê trả tự do, và có thể bị vùi xác trong chốn nhà lao. Sẽ không có sự việc cho HCM gia nhập vào VNCMĐMH và đưa về Việt Nam.
2. Hai là sẽ phải giao cho Pháp để lấy tiền mua vài lít rượu đế! Vì Pháp đang cần bắt và sẵn sàng trả tiền cho ai bắt được những tên CSVN đầu sỏ ở Việt Nam.
3. Thứ ba quan trọng hơn cả, Hồ Chí Minh đã lĩnh được cái búa của Mao trước khi ra khỏi nhà lao. Tại sao lại như vậy?
Đơn giản là trước kia Tàu Tưởng chỉ nghi tác giả là Hán gian. nhưng qua tập thơ tác giả lại lòi ra là tên cộng sản thuộc đảng ủy Phúc kiến. Đây, Tác giả viết:
"Một canh... Hai canh... lại ba canh,
Trằn Trọc băn khoăn giấc chẳng thành.
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,
Sao vàng Năm Cánh mộng hồn quanh"
(Không ngủ được, người dịch Nam Trân.)
(Không ngủ được, người dịch Nam Trân.)
Cờ đỏ Sao vàng là cờ của đảng cộng sản ở Phúc Kiến. Tàu Tưởng biết rất rõ lá cờ này. Khi đó cộng sản tại Việt Nam chưa du nhập là cờ này vào tổ chức của họ. Theo đó, tác giả thật sự có lẽ đã không còn. Ông ta đã chết vì Tàu Tưởng hay vì cái búa của Mao? Hoặc giả, đã biến tướng thành một người khác? Nhưng tại sao lại phải chết?
Giả sử Hồ Chí Minh là tác giả. Khi biết Hồ Chí Minh là cộng sản, nếu Tàu Tưởng không bán Hồ cho Pháp thì cũng sẽ phát tán tin tức, cho phổ biến rộng rãi những bài thơ của Hồ, một kẻ phản đảng cộng ở Phúc Kiến, ca tụng Tưởng Giới Thạch, ca tụng Lương tướng quân, kẻ thù không đợi trời chung với Mao cho các tù nhân trong tù đều biết mà noi gương. Mục đích này dĩ nhiên chẳng tử tế gì, nhưng là nhờ tay những tù nhân cộng sản cuồng tín của Mao ở trong tù thịt Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, kẻ chống Mao như Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu còn không tránh được cái búa của Mao, xá chi một tên tù quèn An Nam như Hồ Chí Minh! Rồi làm gì có cảnh Trương Phát Khuê nuôi cộng sản, bỏ cả tiền lộ phí và phát quân trang quân dụng, vũ khí cho Hồ Chí Minh, đưa Minh về Nam lập nghiệp, giúp Mao trạch Đông đánh phá phía sau lưng tổ chức của Trương?
Về phía Mao, nếu Tàu Tưởng đã mua chuộc được tên phản đảng, đã bảo vệ y và đám tù của Mao không thịt được Hồ Chí Minh thì Hồ cũng không tránh được cái búa tạ của Mao trên đường về Việt Nam. Làm gì có chuyện Mao cung phụng cho Hồ từ gái, đến nhân sự cố vấn, tiền bạc và quân trang quân dụng để Hồ giúp Tưởng, đánh Mao? Như thế, chỉ có một lý lẽ duy nhất để Hồ sống sót. Y là Hồ Quang, người của Mao, là gián điệp của Hoa Nam, được những tên nằm vùng dưới trướng của Tàu Khuê bảo vệ. Hơn thế, còn tìm cách để Khuê cho Hồ về nam lập phòng tuyến cho Tàu Tưởng, nhưng thực tế là làm việc cho Mao?
Ấy là chưa kể đến trường hợp, khi tập thơ được dùng để "giãi bày tâm sự với Tàu Tưởng”. Nó không còn nằm ở trong tay Hồ Chí Minh nữa. Làm gì có chuyện Tàu Tưởng chỉ xin chép lấy bản sao làm kỷ niệm, còn bản chính màu xanh nhạt với ngày tháng đề 8/1932-9/1933 trả lại cho Hồ Chí Minh đem về Việt Nam, giao cho "bầy em" dịch ra tiếng Việt mà ộp ẹp, ê a?
Tóm lại qua đoạn văn ngắn trên, tôi cho rằng, Trần Đĩnh không muốn đốt chính mình. Trần Đĩnh chẳng ngô nghê. Trái lại, Trần Đĩnh cò thể có một chủ đích khác? Tuy nhiên, kết luận của đoạn viết này là khá rõ:
- Tác giả NTNK là một người Hán. Nếu Hồ Chí Minh là tác giả NTNK thì y là người Tàu.
- Không có nhiều chứng cớ cho thấy Tàu Tưởng biết Hồ Chí Minh là cộng sản.
- Tập thơ không phải là của Hồ Chí Minh, nên không có chuyện dùng tập thơ để giãi bày với Tàu Tưởng.
- Những người hoạt động để cứu Hồ Chí Minh và những người đến thăm tác giả là những người hoàn toàn khác biệt.
Không có liên hệ gì với nhau, và những cuộc thăm viếng cũng có mục đích khác nhau. Một bên vì muốn cứu một người Việt Nam mới bị bắt giam, nhưng không ai biết lý lịch của y ra sao, là ai, cũng không biết y là kẻ theo cộng sản. Chỉ nghe Khuê nói y là người Việt Nam, tên là Hồ Chí Minh và mới bị bắt giam. Một bên, có thể là đến thăm bạn đồng môn đồng liêu trước kia, nhưng nay bị vướng vào vòng lao lý vì đã lầm đường theo cộng sản Phúc Kiến. Những cuộc viếng thăm này có lẽ chỉ có mục đích thăm bạn, và nhờ ảnh hưởng của họ, hy vọng bạn xưa bớt bị cực hình ở trong tù của Tưởng mà thôi. Nhưng Hồ Chí Minh vì lý do nào đó vồ được tập thơ và gây ra nghi án văn học này thì chưa có lời giải đáp.
Sự chủ quan mang tính xác định của Trần Đĩnh trong đoạn viết này sẽ là nguyên cớ làm cháy Đèn Cù. Ngoại trừ trường hợp Đĩnh đã viết bằng sự gian dối cho vừa lòng đảng! Đó lại là một câu chuyện khác!
(còn tiếp)