Cổ phần hóa đảng CSVN để giữ nước - Dân Làm Báo

Cổ phần hóa đảng CSVN để giữ nước

Phạm Trần (Danlambao) - Trong thương trường, một công ty làm ăn thua lỗ thì chỉ có 2 cách giải quyết: (1) Đóng cửa và bán máy móc, phương tiện để gỡ vốn được phần nào hay phấn nấy. 2) Nếu vì Ban Giám đốc điều hành kém là nguyên nhân công ty không phát triển được dù hàng làm ra vẫn thu hút khách hàng thì phải tìm người thay thế có phương án kinh doanh tốt hơn. 

Nhưng trong chính trị thì không làm được như thế. Đảng cầm quyền không có quyền bán tài sản của dân để “gỡ vốn” cho mình. Những người cầm quyền điều hành việc nước không có quốc sách an cư lạc nghiệp cho dân và khi bị dân bất tín nhiệm thì phải biết tự trọng để tự giải thể trả lại quyền cai trị cho dân quyết định qua bầu cử tự do giữa các đảng chính trị.

Nhưng nếu nhà nước bị chống đối cứ ngoan cố tìm mọi cách ngồi lại, bất chấp quyền lợi của dân thì sẽ bị nhân dân lật đổ bằng bạo lực hay bất bạo động. 

Đó là luật tự nhiên và công bằng trong một nước có dân chủ pháp trị chứ không phải nói có pháp quyền mà luật pháp chỉ áp dụng cho người bị cai trị còn kẻ thi hành luật thì không.

Vì vậy, một chính phủ được thành lập sau bạo động hay bất bạo động sẽ rất khó tồn tại nếu những người cầm quyền biến thành một tập thể độc tài và bất lực hơn nhà nước bị thay thế.

Rất tiếc tiến trình thay đổi dân chủ này không bao giờ diễn ra ở một nước chỉ có một đảng độc tài cai trị, nhất là “độc tài Cộng sản”. Vì vậy mà người dân đã phải đứng lên làm cách mạng như đã diễn ra ở Ai Cập và Libya, và trước đó ở các nước Xã hội chủ nghĩa Cộng sản Đông Âu và Liên bang Sô Viết từ 1989 đến 1991 khiến Thế giới Cộng sản tan vỡ.

Từ 1992 cho đến bây giờ (2014), trên Thế giới chỉ còn lại 4 Nhà nước độc tài Cộng sản chủ nghĩa gồm Trung cộng, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn. 

Cuba và Bắc Hàn không thể nào so sánh như hai nước Tàu và Việt Nam vì bị hạn chế phát triển bởi nhiều lệnh cấm vận của Mỹ (đối với Cuba) và của Liên Hiệp Quốc với Bắc Hàn về kế họach chế tạo bom nguyên tử của Bình Nhưỡng (Pyongyang). 

Đối với Trung cộng, chính sách cải cách tập trung vào nới rộng dân chủ trong nội bộ đảng cầm quyền và mở cửa hợp tác kinh tế với Thế giới theo đường lối mới gọi là “Xã hội Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc”.

Chủ trương này được coi như một cách thực hiện chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông theo lối riêng của Trung cộng để vươn lên tầm cao mới trong thời đạn điện toán và quan hệ toàn cầu.

Đó là một nền kinh tế mở để từ bỏ “kinh tế kế hoạch hóa tập trung theo mô hình Liên Xô sang một nền kinh tế theo định hướng thị trường trong khi vẫn duy trì thể chế chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Chế độ này được gọi bằng tên "Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc", là một loại kinh tế hỗn hợp. Các cải cách quyết liệt từ những năm 1978 đã giúp hàng triệu người thoát nghèo, đưa tỷ lệ nghèo từ 53% dân số năm 1981 xuống còn 8% vào năm 2001.”

“Để đạt được mục tiêu này, chính quyền đã chuyển đổi từ chế độ hợp tác xã sang chế độ khoán đến từng hộ gia đình trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng quyền tự chủ của các quan chức địa phương và các thủ trưởng nhà máy, cho phép sự phát triển đa dạng của doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp nhẹ và mở cửa nền kinh tế để tăng ngoại hối và đầu tư nước ngoài.” (theo Bách Khoa toàn thư mở) 

Đường lối này dựa theo sáng kiến tiên phong của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình ở thập niên 70, sau đó được kế thừa liên tục bởi các ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình (từ 2012) để xây dựng Trung cộng thành quốc gia: 1) đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến. 2) đại diện nền văn hóa tiên tiến. 3) đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung cộng.

Thuyết “3 Đại diện” của Giang Trạch Dân được Đại hội đảng Cộng sản Tàu thứ 16 chấp thuận làm cơ sở đổi mới mạnh mẽ để tiến tới “xây dựng xã hội khá giả toàn diện” thời Hồ Cẩm Đào, và từ ngày 15/11/2012 tiến đến “giấc mơ Trung Quốc” của Tập Cận Bình. 

Trong “giấc mơ Trung Quốc”, cốt lõi là phải do đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo nhằm đưa Tàu cộng lên hàng cường quốc kinh tế và quân sự ngang hàng với Mỹ, nếu không thể trội hơn để chi phối quyền lực trên Thế giới, đặc biệt ở Á Châu-Thái Bình Dương.

Trường hợp Việt Nam

Vậy đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) có học mót theo Trung cộng để “đổi mới” thoát chết từ năm 1986 thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh?

Khi đưa ra chiêu bài làm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, để “quá độ lên Xã hội chủ nghĩa, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa chưa từng có nước nào trải qua”, đảng CSVN đã không đánh lừa được ai vì “kinh tế thị trường” không thể nào sống chung được với “xã hội chủ nghĩa”, hay Cộng sản cũng thế. 

Cũng giống như Bắc Kinh nói “Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc” để che giấu Tư bản hóa nền kinh tế thì Hà Nội làm kinh tế theo Tư bản Chủ nghĩa nhưng lại nói theo “định hướng Xã hội Chủ nghĩa” để Nhà nước tiếp tục nắm quyền đề ra chính sách, thi hành và kiểm soát từ trên xuống dưới. 

Cương lĩnh đảng năm 1991 về “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Xã hội Chủ nghĩa” được bổ sung, phát triền năm 2011 viết: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Các yếu tố thị trường được tạo lập đồng bộ, các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển, vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Phân định rõ quyền của người sở hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất và quyền quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, bảo đảm mọi tư liệu sản xuất đều có người làm chủ, mọi đơn vị kinh tế đều tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; các nguồn lực được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Nhà nước quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất...” 

Vì chính sách ấm ớ hội tề, nửa giăng nửa đèn này mà sau 28 năm “đổi mới”, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu (E.U., the European Union) vẫn chưa nhìn nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường tự do, công bằng và trong sáng. 

Cũng chính vì Nhà nước cứ kiên định “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” và phải “quản lý nền kinh tế, định hướng và điều tiết thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” nên kinh tế tư nhân không sao phát triển được. 

Hậu quả nói không làm

Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2014 tổ chức ở Ninh Bình từ ngày 26/09/2014, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã công khai chỉ trích chính sách được gọi là “tái cơ cấu nền kinh tế” thực hiện từ 3 năm qua. 

Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng băn khoăn từ năm 2013 tại sao “vấn đề quan trọng sống còn, cấp bách như tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, được thảo luận khoa học rất nhiều, được dành quyết tâm cao ít thấy mà mãi không triển khai được, vẫn chưa nhận được câu trả lời thuyết phục”?

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam thì ông Thiên đã không ngại “chỉ ra một trong các nguyên nhân là tái cơ cấu chắc chắn sẽ đụng chạm mạnh đến các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, sự “va đụng” này cũng chưa được nghiên cứu sâu để có các chính sách ứng xử, đối phó để vượt qua một cách thích hợp.” 

Ông nói tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu: “Quá trình tái cơ cấu khu vực này từ 2011 tới nay hầu như vẫn dậm chân tại chỗ.”

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng nói rằng: “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải dựa trên ba trụ cột (là thị trường, nhà nước và xã hội), coi đây như tiền đề quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế.”

Tuy nhiên khi nói đến “kinh tế thị trường” là nói đến phải minh bạch, không được thiên vị và bao che cho các Doanh nghiệp Nhà nước được hưởng các quyền lợi ưu tiên và không công bằng mà phải bình đẳng với các Doanh nghiệp tư nhân hay đầu tư từ nước ngoài. Việc làm này liên quan đến việc phải chặt đứt các đầu mối tham nhũng của các nhóm lợi ích trong đảng. 

Vì Chính phủ cứ nói “tái cơ cấu” trên giấy và bằng nước bọt nên nhiều Doanh nghiệp Nhà nước, tuy tiếp tục thua lỗ và nợ chồng chất vẫn tồn tại và được ngân sách nhà nước nuôi dưỡng. 

Đó là lý do tại sao Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) đã báo cáo: “Trong 9 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 11,18 tỉ đô la Mỹ, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.” 

Báo cáo cho biết: “Từ đầu năm nay đến ngày 20-9, cả nước có 1.152 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,63 tỉ đô la Mỹ, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, có 418 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,54 tỉ đô la Mỹ, giảm 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái.” (theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Trong khi đó, theo Báo Đầu Tư Việt Nam ngày 30/09/2014 thì: “Trong 9 tháng đầu năm, vẫn có khoảng 48.330 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 408.150 tỷ đồng, gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013.” 

Tổng cục Thống kê cũng đã báo cáo: “Trong năm 2013, cả nước có khoảng 60.737 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm trước. Một lượng lớn trong số này là các doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký với cơ quan quản lý (40.116 đơn vị), tăng 9% so với năm 2012. Số doanh nghiệp đã giải thể và đăng ký ngừng hoạt động cũng tiếp tục tăng, lần lượt đạt 9.818 và 10.803 đơn vị.” 

Lý do nhiều Doanh nghiệp phải đóng cửa vì hàng làm ra không cạnh tranh được với hàng giá rẻ của Tàu cộng đang tràn ngập thị trường qua các ngõ chính thức hay buôn lậu qua biên giới. 

Hậu quả là số tiền vay Ngân hàng của xí nghiệp đóng cửa biến thành món nợ khổng lồ được gọi là “nợ xấu”. Theo tin của Thông tấn xã Việt Nam ngày 27-09-2014 thì: “Nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2014 là 4,17%, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013.

Lý giải nguyên nhân nợ xấu gia tăng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định là “do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, vì vậy khi tới hạn trả nợ, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, dẫn đến số nợ xấu tăng lên.” 

Ngoài “nợ xấu”, người dân Việt Nam phải đai lưng ra làm trả nợ cho các khoản tiến vay trong nước và vay nước ngoài, được gọi là “nợ công” của Nhà nước từ Trung ương xuống cơ sở. Khoản tiền này, đến cuối năm 2014 được ước tính mỗi người dân Việt Nam trong dân số trên 90 triệu người phải mỗi người gánh ngót 1,000 Dollars.

Toàn bánh vẽ

Tại diễn đàn Quốc hội, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế (Quốc hội) Nguyễn Văn Giàu đã báo cáo sáng ngày 1/10 (2014) về kết quả của tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2013: 

“Các cân đối lớn của nền kinh tế đạt được một số kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng được duy trì, tỷ trọng các ngành nông nghiệp giảm xuống trong khi công nghiệp dịch vụ tăng lên, giá tiêu dùng được giữ ở mức thấp. Cán cân thương mại cũng được cải thiện đáng kể khi xuất siêu năm 2012 đạt 780 triệu USD và lên 1,7 tỷ USD sau tám tháng đầu năm 2014...

Tuy vậy, đoàn giám sát nhìn nhận quá trình này vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 không đạt được theo chỉ tiêu Quốc hội (khoảng 5,8% so với kế hoạch đề ra từ 6,5-7%), bội chi ngân sách vẫn còn ở mức cao, nợ công so với GDP tiếp tục tăng, thị trường vốn chưa phát triển. 

Cả 3 khâu trọng yếu của tái cơ cấu là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng kết quả chưa như mong đợi. Đầu tư công chưa thu hút được nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài để sinh lời. Nhiều dự án phải đình hoãn cắt giảm do khó khăn trong cân đối. Nhiều bộ ngành, địa phương vẫn ứng vốn vượt kế hoạch, chấp hành các nguyên tắc phân bổ vốn ở nhiều nơi chưa nghiêm túc.” 

Trong khi đó Nghị quyết về Kinh tế của Quốc hội ngày 28/11 (2014) còn xác nhận: “Tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo nhận định của Quốc hội là chậm, chưa có chuyển biến mang tính đột phá. Việc phân công, phân cấp, phân quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu nhà nước còn chồng chéo, quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới.

Một số giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu chưa mang lại hiệu quả, chưa thật sự phối hợp chặt chẽ với các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng còn chậm.” (Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Vậy mà ở Việt Nam trong những ngày tháng 11 cuối năm 2014, đội ngũ “trí thức của Đảng” của 2 Tổ chức Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Tuyên giáo vẫn tập trung từ cả nước về Trụ sở của Tạp chí Cộng sản, Cơ quan lý luận hàng đầu của đảng, để gọi là Hội thảo khoa học: Về một số quan điểm, giải pháp lý luận và thực tiễn nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. 

Họ vẫn nhởn nhơ ca tụng để mổ xẻ những thành tựu của Cương lĩnh đảng đã xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. 

Quả quyết như thế là đã mắc bệnh quáng gà hết trọi. Bằng chứng ai cũng biết ở Việt Nam đến cuối năm 2014, sau gần 40 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015) Việt Nam vẫn chưa có “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ.” 

Nếu có giàu chăng là lớp lãnh đạo có chức có quyền và các nhóm lợi ích trong đảng, trong hệ thống cầm quyền. 

Nước có mạnh hay không thì cứ việc ra Biển Đông sẽ thấy người bạn láng giềng gian manh Tàu cộng đã làm gì ở Hoàng Sa và Trường Sa để suy gẫm xem lời tuyên bố 6 chữ “vừa hợp tác vừa đấu tranh” của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khôi hài và yếu kém đến mấy ngàn cân? 

Còn về Dân chủ ư? Hãy hỏi đảng hay dân đang làm chủ đất nước mà nhiều người dân muốn nói cũng không được nói? Hễ mở mồm ra nói điều trái ý đảng là bị bịt miệng, bắt còng vào tù ngay, dựa theo các Điều 79, 88 và 258 Luật hình sự mơ hồ, tùy tiện và độc tài coi dân như cọng cỏ nhánh rơm? 

Nói về công bằng thì chỉ có “xin cho” mà không được “đòi” theo Luật và Hiến pháp đã quy định. Còn chuyện văn minh thì ôi thôi, dân Việt Nam bây giờ còn thua cả dân nước láng giềng Cao Miên vì Chính phủ và Hoàng gia Cao Miên, từng bị liệt vào hàng chậm tiến, lạc hậu và bần cùng, còn biết tôn trọng quyền con người và có tự do hoạt động chính trị, lập hội, ra báo tư nhân hơn cả “đàn anh” CSVN! 

Cuối cùng là chuyện khôi hài “nhân dân làm chủ”, nhưng vẫn phải để cho “Nhà nước quản lý” giúp như chuyện cười ra nước mắt ghi trong Điều 53, Hiến pháp năm 2013: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.” 

Nhưng ai đã cho Đảng cái quyền “quản lý” này? Đảng đã “tự biên tự diễn” mà vẫn khoe “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân” thì chỉ có ở Việt Nam Cộng sản mới nhiêu khê như thế.

Như vậy thì Đảng CSVN có còn được dân tin cậy nữa không? Câu nói để đời của ông Hồ Chí Minh “không gì quý hơn độc lập tự do” có giá trị gì nữa ở thế kỷ 21 hay nên giấu vào khu tăm tối nào đó ở Viện Lịch sử đảng cho nó yên thân? 

Thiết nghĩ, vào thời điểm chuẩn bị cho Đại hội đảng XII năm 2016, các Nhà tư tưởng hàng đầu của đảng, thay vì họp hành bàn thảo huyên thuyên hãy nghiêm chỉnh chắp tay khấn Chúa, vái Phật và các đấng Tổ tiên linh thiêng soi sáng tìm cho câu trả lời về lời tuyên bố để đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”

Nếu không tìm ra thì cũng nên xét xem liệu đã đến lúc cần “cổ phần hóa đảng Cộng sản” chưa để cứu Việt Nam ra khỏi vũng bùn lý luận cù nhầy “quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là sự quá độ chưa từng có nước nào trải qua” hay cứ “giữ nguyên trạng” như ở Biển Đông với Tàu cộng để được sống mà như cá nằm trên thớt? 

(12/014)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo