Vấn đề thứ nhất là việc chuyển ngân lậu có thể chủ yếu là để nhập lậu từ Trung Quốc. Nhập lậu này rất lớn và ngày càng lớn, đặc biệt là từ năm 2008 đến nay, đạt mức 11.7 tỷ năm 2013. Vấn đề thứ hai là tình hình làm ăn phi pháp của người có quyền ở Việt Nam có vẻ ngày càng tăng, và điều này có thể đã được chứng tỏ bằng việc chuyển tiền trở về nước ngày càng lớn qua dạng kiều hối...
TS Vũ Quang Việt cho rằng 33 tỷ USD của VN đã bị chảy ra nước ngoài không hợp pháp, lý do là nhập lậu và có dấu hiệu tham nhũng.
LTS: Là một chuyên gia về thống kê và bằng chính phương pháp thống kê, TS Vũ Quang Việt, nguyên chuyên viên cao cấp của Liên hợp quốc, đã chỉ ra một con số giật mình, 33 tỷ USD của Việt Nam đã bị chảy ra nước ngoài không hợp pháp chỉ trong vòng 6 năm qua. Phía sau con số ấy, theo TS Vũ Quang Việt là nhập lậu và có dấu hiệu tham nhũng. Báo Đất Việt xin giới thiệu bài viết:
Con số 33 tỷ USD của Việt Nam chảy ra nước ngoài không hợp pháp từ năm 2008 đến năm 2013 là có thật, và đặc biệt là mức chảy ra ngoài tăng mạnh từ sau năm 2008. Năm 2009, số tiền chảy ra nước ngoài trên 9 tỷ USD, từ năm 2010 có giảm xuống nhưng lại ngày càng tăng và đạt mức gần 9 tỷ năm 2013 . Đây là con số tính được từ bản cân đối thanh toán với nước ngoài (coi Hình 1 và Bảng 1).
Tiền chuyển chui ra nước ngoài
Giải thích về cách tính
Trong bảng cân đối thanh toán quốc tế, phần mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể nắm được chính xác là số ngoại tệ được dùng làm dự trữ ngoại tệ, tức là tiền và gần như tiền, mà NHNN có thể nhanh chóng chuyển thành tiền, để sử dụng bất cứ lúc nào nhằm tác động tới hối suất trên thị trường.
Tiền nằm trong tay NHNN (X) là tổng số ngoại tệ nhận được từ nước ngoài (X1) trừ đi tiền chuyển ra nước ngoài một cách hợp pháp (X2). X = X1-X2. Nếu có chu chuyển bất hợp pháp thì X = (X1- X2) + Y. Nếu Y là âm thì đó là tiền chuyển ra nước ngoài bất hợp pháp, và nếu là dương thì là tiền chuyển vào bất hợp pháp. Các trao đổi hợp pháp quốc tế được phản ánh trong các thanh toán hợp pháp và được ghi lại trong bảng cán cân thanh toán quốc tế.
Khi các thông tin về X1 và X2 không chính xác mà chỉ có X là chính xác, thì Y là sai số. Trong việc tính toán cán cân thanh toán, sai số ở mức 3-5% là thường tình, và nếu là sai số thì có tính bất định, khi dương khi âm. Nhưng khi sai số chỉ là số âm và lại rất lớn thì không thể không nghĩ đến tình trạng chuyển ngoại tệ ra nước ngoài bất hợp pháp. Đây là tình trạng của Việt Nam.
Phân tích kết quả
Trong trao đổi ngoại tệ với nước ngoài và trong điều kiện của Việt Nam, ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài bao gồm các khoản dùng để nhập khẩu, trả lãi và trả nợ; còn ngoại tệ chuyển vào VN là tiền nhận được từ xuất khẩu, từ đầu tư trực tiếp để sản xuất và gián tiếp vào thị trường cổ phiếu, từ vay mượn qua trái phiếu và nợ nước ngoài, từ viện trợ và nhất là từ người Việt cư trú hoặc xuất khẩu lao động gửi về. Để đơn giản hóa trong phần trình bày, bảng 1 chỉ ghi giá trị ròng, thí dụ cán cân ngoại thương về hàng hóa là xuất khẩu trừ nhập khẩu. Số dương chỉ lượng tiền chuyển vào trong nước, số âm chỉ lượng tiền chuyển ra nước ngoài.
Cán cân thương mại: Thí dụ năm 2013, xuất siêu hàng hóa là 8.7 tỷ USD (xuất là 132.4 tỷ và nhập là 123.1 tỷ). Còn dịch vụ là -8.7 tỷ USD nhập siêu (xuất là 10.8 tỷ và nhập là -19.5 tỷ). Xuất nhập khẩu bao gồm xuất nhập khẩu vàng chính thức qua hải quan mà có lúc như năm 2008 nhập thuần đến 2,4 tỷ và năm 2011 nhập thuần đến 2 tỷ. Tất nhiên nếu có nhập lậu thì phần này sẽ đi vào sai số. Nhập vàng lớn là vì đồng tiền Việt mất giá và do đó tạo thành tình trạng vàng hóa kinh tế. Tình trạng này coi như chấm dứt vào năm 2012-2013 khi nhập thuần vàng chỉ còn dưới 40 triệu. Ngoài ra là chuyển đô la lậu, điều này thì khó mà biết, nhưng có thể không lớn.
Cán cân thanh toán quốc tế, 2008-2013 (tỷ USD) (Nguồn: Asian Development Bank, Key Indicators for Asia and the Pacific 2014, bảng về Việt Nam, số liệu do VN cung cấp. Số liệu về chi tiết hơn cho năm 2013 có thể xem thêm trên website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhập lậu từ TQ dựa vào số liệu của UN Comtrade Database.)
Chuyển giao vãng lai: Chuyển giao vãng lai (còn gọi là chuyển giao hiện hành) ở VN chủ yếu là tiền người Việt cư trú ở nước ngoài gửi về nước (thường gọi là kiều hối) cho gia đình. Kiều hối tăng mạnh từ sau năm 2006 và năm 2013 đạt 8.9 tỷ (coi hình 2). Con số này thấp hơn con số 11 tỷ mà báo chí Việt Nam đưa ra, dù là dựa vào thông tin của Ngân hàng Thế giới (NHTG). Số liệu do NHTG ghi chú là nguồn là từ VN và IMF, nhưng khác hẳn con số của VN ở trên và khó tin. Thật ra kiều hối từ nguồn VN hay NHTG cũng đều khó tin, và rất có thể chúng không chỉ gồm kiều hối mà còn gồm cả tiền không chứng minh được nguồn gốc gửi về để rửa.
Nguồn: ADB như trên.
Lý do tiền gửi về cho gia đình không chỉ là kiều hối có thể giải thích như sau: Người Việt ở nước ngoài gồm khoảng 3 triệu kiều dân, trong đó 1.3 sống ở Mỹ. Theo nguồn tin phỏng vấn một chuyên viên cao cấp của Western Union ở Hà Nội và đăng trên mạng của Bộ Ngoại giao, lao động nước ngoài là 400 ngàn và gửi về khoảng 1.6 tỷ.
Còn nguồn khác, lao động là 825 ngàn. Thông tin của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì số lao động là 500 ngàn người. Nếu lấy số 500 ngàn và tiền gửi về là 1.6 tỷ và tính trung bình để phân tích thì một lao động nước ngoài gửi về 3,200 USD một năm. Một con số có thể tin được. Số còn lại, của 8,9 tỷ là do 3 triệu Việt kiều sống vĩnh viễn ở nước ngoài gửi về, như vậy họ phải gửi trung bình một người là 2,000 USD một năm, và một gia đình có 3 người trung bình gửi về 6,000 USD một năm là điều khó tin. Dùng số liệu của NHTG thì lại càng khó tin hơn.
Hình 2 cho thấy số liệu về kiều hối từ năm 2000 đến 2013. Kiều hối tăng đột biến (63%) năm 2007 sau khi Việt Nam tham gia WTO và có giảm xuống khi kinh tế khủng hoảng năm 2008, nhưng sau đó lại tăng trở lại.
Tại sao tiền gửi về không thể toàn là kiều hối và đâu là nguồn gốc?
Có người lý luận rằng kiều hối tăng cao như thế là để ăn chênh lệch lãi suất vì do lạm phát cao trong giai đoạn 2008-2012, lãi suất ở VN cao hơn ở nước ngoài trong khi đó hối suất ở VN lại ổn định. Điều này chỉ là lý luận cho vui, không dựa vào một điều tra nào cả. Sự thật mà ai cũng biết là rủi ro đồng tiền VN mất giá là rất cao, khó lòng tiên đoán, nhưng quan trọng hơn là không dễ chuyển lại tiền trở ra nước ngoài dù có lãi lớn: vậy lợi ích của người đầu cơ là ở đâu? Ngoài ra còn thêm một lý do có thể dùng để bác bỏ lập luận trên là tiền chuyển vào VN vẫn tiếp tục tăng trong năm 2013, và ở mức cao, dù chênh lệch lãi suất đã xuống vì lạm phát giảm và khó khăn kinh tế ở VN.
Như thế, dù không có bằng chứng, người viết bài này cho rằng lý do làm sạch tiền không rõ nguồn gốc có lẽ là hợp lý nhất. Khi làm ăn bất chính, cách đơn giản để các công ty nước ngoài liên quan đến đầu tư trực tiếp, hoặc xuất nhập khẩu tạo thế đứng và lợi nhuận là tăng chi phí phải trả cho phía VN, một phần chi phí này được lại quả cho những người có trách nhiệm liên quan đến các hợp đồng này qua việc thiết lập tài khoản cho họ ở nước ngoài. Những người này tất nhiên muốn chuyển tiền về VN, và đơn giản nhất là dùng hình thức kiều hối.
Tóm lại, dù có lượng “kiều hối” gửi về lớn, nhưng nền kinh tế VN đang có tình trạng tiền chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài rất lớn, lên tới gần 9 tỷ USD năm 2013 và tổng số là 33 tỷ kể từ năm 2008. Vậy nguyên nhân là từ đâu? Có thể có hai lý do chính để giải thích việc chuyển ngân bất hợp pháp nói trên. Một là giới nhà giầu chuyển ngân lậu ra nước ngoài. Hai là tiền chuyển ra nước ngoài chủ yếu là để chi trả cho nhập lậu từ Trung Quốc. Chuyển ngân lậu bằng cách đem tiền ra là rất khó. Có lẽ lý do chính là để trả cho nhập lậu từ TQ.
Kết luận
Bài này chủ yếu nhằm vào việc tính và giải thích tình hình chuyển ngân lậu ra nước ngoài, nhưng cũng đưa đến việc cần phải lý giải hiện tượng kiều hối ngày càng lớn và càng tăng. Như thế ta thấy VN đang gặp hai vấn đề.
Vấn đề thứ nhất là việc chuyển ngân lậu có thể chủ yếu là để nhập lậu từ Trung Quốc. Nhập lậu này rất lớn và ngày càng lớn, đặc biệt là từ năm 2008 đến nay, đạt mức 11.7 tỷ năm 2013 (coi bảng 1), lên đến 10% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam. Nhập lậu được tính bằng cách lấy số xuất sang Việt Nam theo báo cáo của Hải quan Trung Quốc trừ số nhập được Việt Nam báo cáo chính thức qua hải quan. Nhập lậu ngày càng tăng đang là mối đe dọa lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt có khả năng làm phá sản sản xuất của nông dân và doanh nghiệp nhỏ.
Vấn đề thứ hai là tình hình làm ăn phi pháp của người có quyền ở Việt Nam có vẻ ngày càng tăng, và điều này có thể đã được chứng tỏ bằng việc chuyển tiền trở về nước ngày càng lớn qua dạng kiều hối. Lý do là vì, như đã tính toán, khả năng kiều bào chuyển tiền về nước cho gia đình cao như hiện nay là khó tin, hay nói rõ ra là không thể. Tất nhiên đem tiền về là tốt, nhưng việc một xã hội tạo cơ hội cho việc làm giầu bất chính như thế là điều khó lòng chấp nhận.
Nguồn: Báo Đất Việt
Nhan đề do Danlambao đặt (Nguyên thuỷ: Lý giải kiều hối tăng mạnh và 33 tỷ USD "xuất ngoại").