Phạm Trần (Danlambao) - Phát biểu của lãnh đạo tại chức và cũ nhân dịp đảng CSVN kỷ niệm 85 năm thành lập ((03/02/1930-03/02/2015)) và 70 năm cầm quyền (1945-2015) đã chứng minh đảng không còn bản lĩnh để cầm quyền vì đảng viên đã lấy tham nhũng, suy thoái đạo đức và bóc lột dân làm kim chỉ nam cho mọi hành động.
Trước hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân.” (Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 02/02/015).
Nhưng đã 23 năm qua đảng liên tục thất bại năm sau cao hơn năm trước kể từ Nghị quyết “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng” ngày 29-6-1992 Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) thời Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Đến thời ông Lê Khả Phiêu lên thay, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) (khóa VIII) lại ra Nghị quyết “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” rồi mọi chuyện vẫn đâu lại hoàn đó.
Sau 10 năm cầm quyền của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh liên tục 2 khóa đảng IX và X (2001-2011) đảng viên vẫn tiếp tục tham nhũng, lãnh phí của công, suy đồi đạo đức, chia rẽ, trên bảo dưới không nghe, chạy chức chạy quyền, bằng giả người thật tiếp tục trăm hoa đua nở.
Tình trạng này được Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh thuật lại: “Mặc dù đã có nghị quyết riêng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng song trong Đảng vẫn còn những khuyết điểm nghiêm trọng, kéo dài, chậm được khắc phục, với những diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng; làm suy giảm vị trí, vai trò, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã thảo luận và ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (ngày 16-01-2012) (trích Tạp chí Cộng sản, 29/01/2015)
Nghị quyết chồng lên nghị quyết
Nghị quyết 4 viết về tình trạng cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền đã xuống cấp như thế này: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc..."
Không ai biết “bộ phận không nhỏ” là bao nhiêu trong số 4 triệu đảng viên, nhưng đã rõ là chuyện cán bộ hư đốn mỗi ngày một lên cao.
Theo lời ông Vũ Ngọc Hoàng - ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương: "Qua nhiều nghị quyết, từ chỗ nhận định “một số cán bộ thoái hóa”, sau đó là “một bộ phận thoái hóa”, đến bây giờ là “một bộ phận không nhỏ” và “trong bộ phận không nhỏ có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý suy thoái”. Như vậy, cứ theo thời gian thì chúng ta thấy tình hình cấp bách hơn.” (Phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ , 03/02/2015)
Nhưng “cấp bách” hay là đảng càng “chỉnh” thì càng có thêm cán bộ “đốn” hơn theo thời gian?
Do đó không có gì lạ khi ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục bảo: "Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã khẳng định phải tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết, mạnh mẽ, nhằm tạo ra một bước chuyển biến rõ rệt trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ; tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta.” (Diễn văn ngày 02/02/2015)
Nhưng đâu phải đảng mới hô hào đảng viên làm tốt hơn, hay sự “sống còn của đảng” vừa mới lộ ra từ khi ông Trọng lên cầm quyền mà đã có từ đảng khóa VII cơ mà?
Hồi đó Trung ương đã có những vấn đề:
“- Tổ chức và kỷ luật của Đảng lỏng lẻo. Hệ thống tổ chức có những khâu trì trệ, ách tắc, chưa bảo đảm được sự lãnh đạo thông suốt trên tất cả các lĩnh vực. Một số tổ chức cơ sở đảng rệu rã, tê liệt, không giữ được vai trò lãnh đạo. Tổ chức và hoạt động của nhiều đoàn thể nhân dân còn nặng về hình thức, kém hiệu quả. Tình trạng mất đoàn kết xảy ra nghiêm trọng ở một số nơi.
- Trong Đảng có một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một số chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi con đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng. Tệ tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, ăn chơi vung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài. Những hiện tượng đó gây tác hại lớn, làm tổn hại thanh danh, uy tín của Đảng.
- Chậm đổi mới phương thức lãnh đạo, hoạt động của không ít cấp ủy lúng túng trước tình hình mới. Bệnh quan liêu xa thực tế, xa quần chúng rất nặng. Nhiều cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, sống xa dân, thậm chí cách biệt với cuộc sống của người lao động.” (trích Nghị quyết số 03- NQ/TW của Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng/khóa VII)
Qua Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), đảng ra lệnh cho đảng viên phải:
- Học, nắm vững và tổ chức thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh cán bộ, công chức, Pháp lệnh chống tham nhũng, pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật khiếu nại, tố cáo.
- Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế tiếp dân, chế độ công khai tài chính,
- Thực hiện kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước,
- Thực hiện nghiêm các vǎn pháp quy về đấu thầu va công khai hóa về dự toán, quyết toán xây dựng các công trình, mua sắm thiết bị;
- Công khai hóa và thực hiện đúng các chế độ, chính sách được hưởng đối với cán bộ (như sử dụng xe, nhà đất...);
- Thực hiện quy định những việc đảng viên không được làm.
5. Tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả.
- Các cấp ủy đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách. Bộ Chính trị phân công một số ủy viên Bộ Chính trị, các cấp ủy phân công ủy viên ban thường vụ trực tiếp chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí quan liêu.
Khi xảy ra tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực ở địa phương, ngành cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì tùy theo mức độ và tính chất vi phạm của vụ việc mà xem xét hình thức kỷ luật đối với cấp ủy và người đứng đầu về chế độ trách nhiệm. (trích Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng/khóa VIII)
Trong số những điểm nêu trên, có 2 việc Khóa đảng VIII thời ông Lê Khả Phiêu đã thất bại nổi bật:
1) Không dám công bố cho dân biết các bản kê khai tài sản của đảng viên, nhất là các cấp lãnh đạo.
2) Đảng viên vẫn làm những việc bị cấm.
Khóa VIII cũng chỉ làm hình thức công tác “phê bình và phê bình trong Đảng.”
Bây giờ, 3 năm sau thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), ông Nguyễn Phú Trọng vẫn nói huyên thuyên: “Phương hướng chung của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là phải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, tổ chức, cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm cho Đảng đủ sức lãnh đạo sự nghiệp của đất nước không ngừng phát triển.”
“Đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân” ư ?
Đổi mới cái gì?
Dân đã nghe hai chữ “đổi mới” từ năm 1986 thời Tổng Bí thư đảng khóa VI Nguyễn Văn Linh mà tại sao dân càng ngày càng xa đảng?
Hẳn phải có lý do phải không?
Hãy nghe ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng nói về kết quả sau 4 năm đảng ra lệnh phải học tập và làm theo điều được gọi là “tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó có vấn đề buộc đảng viên phải biết “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”: “Ở một số đảng bộ, chi bộ, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chuẩn mực đạo đức của cơ quan, đơn vị theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn chậm, nội dung còn dài. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ còn lúng túng về nội dung và hình thức, chất lượng chưa cao. Nội dung đăng ký học tập còn chung chung, thiếu cụ thể. Việc lựa chọn và giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm chưa thực sự tích cực, kiên quyết.
Đáng chú ý, vẫn còn nhiều biểu hiện quan liêu, xa dân, tham nhũng; suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Do vậy, niềm tin của nhân dân vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, và Nhà nước chưa được cải thiện; tính thuyết phục, sức lôi cuốn của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có phần suy giảm.” (Phát biểu tại Hà Nội ngày 28-10-2014)
Ngoài vấn nạn chẳng ai thèm học theo Bác vì tệ nạn “có học mà không hành, nói nhưng không làm” của cấp lãnh đạo đã chướng tai gai mắt nhân dân nhiều năm rồi nên ông Rứa có nói thêm cũng chỉ làm khổ lỗ tai người nghe mà thôi vì ai cũng bảo: "biết rồi khổ lắm nói mãi”.
Nhưng đảng viên CSVN, nhất là giới cầm quyền bây giờ không chỉ nghiện tham nhũng, ham lãng phí, kiên quyết sống trên lưng người dân mà còn kèn cựa, tranh dành quyền lợi, tổ chức phe nhóm để ăn chia trong xã hội.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhìn thấy như thế khi ông nói: "Vấn đề đoàn kết trong nội bộ Đảng vẫn còn là một điểm yếu diễn ra ở mức độ này, mức độ khác, ở nơi này hoặc nơi khác chưa tốt vì chưa thực hiện được tốt chế độ tự phê bình và phê bình như Bác dạy: “Giữ gìn đoàn kết như con ngươi của mắt mình” cho nên sức chiến đấu của Đảng chưa phát huy được, Đảng cũng chưa thật làm tốt hạt nhân cho sự đoàn kết toàn dân.” (trích Phỏng vấn của đài Tiếng nói Việt Nam, VOV (Voice of Vietnam ngày 02/02/2015).
Tại sao dân không đoàn kết với đảng, hay đảng viên đã quên câu thề phải tận tụy phục vụ nhân dân, phải làm tròn nhiệm vụ là “đầy tớ trung thành của nhân dân”, duy trì “quan hệ máu thịt với dân” hoặc là “cán bộ đi trước làng nước theo sau”?
Trả lời đơn giản vì dân vẫn còn thiếu ăn, thiếu mặc, phải lao động đầu tắt mặt tối để cho cán bộ làm giàu. Đa số trong 90 triệu dân vẫn thuộc thành phần chưa ăn bữa sáng đã lo bữa tối trong khi vô số kể đảng viên thì nhà giàu nứt vách, vung tiền vào một bữa nhậu bằng người dân làm cả năm chưa bằng.
Do đó không ai ngạc nhiên khi được nghe ông Lê Khả Phiêu “vạch áo đảng cho người xem lưng”: "Thử thách lớn nhất chính là bản thân Đảng: những cái yếu kém, khuyết điểm, nhược điểm nổi lên là bản lĩnh, năng lực và phẩm chất, phương thức lãnh đạo của một Đảng cầm quyền, những căn bệnh như quan liêu, cửa quyền, xa dân, không tôn trọng dân, vô cảm trước những hành động vi phạm đến quyền dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, cá nhân chủ nghĩa, nạn tham nhũng, tham quyền, nhóm lợi ích. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, sự lỏng lẻo trong chấp hành các nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng: tự phê bình và phê bình, tập trung và dân chủ… Tình hình đó nói lên sức chiến đấu của Đảng đang giảm sút, lòng tin của dân đối với Đảng ngày một phai nhạt. Những tồn tại, yếu kém đó, mặc dầu đã đấu tranh nhiều lần ở trong Đảng nhưng vẫn chưa khắc phục được.”
Như vậy là đảng đã “nát” rồi “còn gì nữa đâu mà khóc với cười ?” (từ Ca khúc Nghìn trùng xa cách của Phạm Duy).
Do đó ông Phiêu, người thất bại với Nghị quyết 6 (lần 2) còn bồi thêm mấy cú đấm ngọan mục khi ông nói với VOV: “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tác phong Bác Hồ chưa thật thấm nhuần, còn hình thức giữa lời nói và việc làm thường trái ngược nhau, những căn bệnh như: quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, xa dân, thiếu tôn trọng dân… Những đảng viên như vậy rõ ràng không xứng đáng là học trò, là đồng chí của Bác. Đây là một vấn đề mà mọi đảng viên và cấp ủy các cấp phải thực hiện một cách đầy đủ tinh thần của lời thề. Từ những cán bộ cấp cao cũng như cán bộ phụ trách công việc ở các cơ sở phải nhìn nhận, đánh giá mình một cách nghiêm túc và phải có biện pháp khắc phục hiệu quả.”
Nhưng ông Phiêu phải là người biết rõ hơn ai về nội tình “bất trị” của đảng viên mới đúng. Ông khuyên cán bộ lãnh đạo hãy “đánh giá mình” để khắc phục hiệu quả là ông hãy còn thương các đồng chí của mình, dù ai cũng biết toàn thân họ đã bị đồng tiền và xa hoa làm tê liệt từ lâu rồi.
Ngay đến Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn cũng phải thốt lên trong cuộc phỏng vấn của báo Lao Động ngày 30/01/2015: “Trong 30 năm đổi mới, có những cái chúng ta tiến lên nhưng cũng có những cái suy thoái so với trước khiến chúng ta phải day dứt. Vấn đề tiêu cực, tham nhũng, trật tự, kỷ cương kém trước rất nhiều... có những việc chúng ta làm được nhưng nhìn chung công cuộc đổi mới và chỉnh đốn Đảng này chưa thành công.”
Ông nói thêm: "Theo tôi, Đảng phải tự kiểm điểm mình trên 3 lĩnh vực tôi đã nói - 3 lĩnh vực trước đây chúng ta thành công, mang lại uy tín tuyệt đối cho Đảng - đó là: Đường lối chủ trương xây dựng đất nước xã hội; chất lượng cán bộ, đảng viên; phương pháp lãnh đạo của Đảng.
Cùng với đó, đổi mới và chỉnh đốn Đảng không chỉ thực hiện bằng những cái bề nổi, mà phải xem lại từ những cái rất căn bản như cách xây dựng Đảng, làm công tác cán bộ cho đến phương thức hoạt động, lãnh đạo của Đảng. Chúng ta phải dám nhìn thẳng vào sự thật mới mong tìm ra nguyên nhân đúng và giải pháp đúng.”
Sau cùng, ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng nói về tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ là Đảng viên hiện nay: "Những năm gần đây, chúng ta đã nghe nhiều về vấn đề xây dựng Đảng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, chống tham nhũng với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan công quyền. Năm nào các báo cáo cũng chỉ ra rằng, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được một số hiệu quả, chưa đạt đáp ứng được lòng mong muốn của nhân dân. Vậy thì bao giờ kết quả chống tham nhũng mới đáp ứng được mong đợi của nhân dân? Tôi thấy chưa ai trả lời dứt khoát về chuyện này.
Phải nói thẳng rằng, chống tham nhũng, chống chạy chức chạy quyền là phải nhằm vào một nhóm cán bộ Đảng viên đang giữ các vị trí cao trong hệ chống chính quyền, chứ còn Đảng viên là cán bộ công nhân viên chức bình thường thì họ làm gì tham nhũng được. Vì vậy, trong công tác điều hành, nhất là trong công tác tuyển chọn và đào tạo cán bộ, Đảng ta cần phải thật nghiêm túc, thật chính xác, phải minh bạch thì mới giữ được lòng tin của nhân dân. Còn nếu chỉ nói cho hay mà thực tế lại chẳng làm được bao nhiêu thì dân sẽ mất lòng tin, các thế lực phản động sẽ tận dụng cơ hội phá hoại đất nước ta. (báo Giáo dục Việt Nam/02-02-2015)
Tại sao “các thế lực phản động” phải “tận dụng cơ hội phá hoại đất nước” khi những điều ông nói và các cựu viên chức lãnh đạo đảng phát biểu là những căn bệnh đã hết thuốc trị của đảng CSVN.
Vậy đâu cần phải “rung cây dọa khỉ” thì đảng mới tan? Nhưng khi ông Vũ Mão vu cáo viển vông để đánh đồng chuyện chống đảng cũng là chống lại “nhân dân ta” hay chống “đất nước ta” như Ban Tuyên giáo vẫn thường hô hoán là ông đã tiếp tay che đậy khuyết tật cho đảng rồi đấy.
Những cái đầu đá sạn
Não trạng đá sạn tê liệt của đảng, sau 70 năm cầm quyền đã chứng minh trong nội dung 126 bài tham luận đưa ra tại Hội nghị “Nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay” do Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức ngày 28/01/2015, tại Thành phố Hạ Long.
Tại Hội nghị này, theo lời Tạp chí Cộng sản: "Các ý kiến tham luận đều cho rằng, tính tất yếu cầm quyền của Đảng ta như là một vấn đề có tính quy luật - quy luật vận động của thời đại và xã hội nước ta, nhu cầu về tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta, trực tiếp là sự phát triển của giai cấp công nhân, của phong trào yêu nước cách mạng và được thể hiện qua hoạt động của Đảng ta trong 85 năm qua.
Đảng cầm quyền có nghĩa là Đảng lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo Nhà nước, chứ không phải tự mình biến thành Nhà nước và thâu tóm vào tay mình mọi quyền hành của Nhà nước, như một số thế lực chống đối và thù địch bôi nhọ."
Lý luận “tính tất yếu cầm quyền” của đảng CSVN là cực kỳ phản động và phản dân chủ vì nhân dân Việt Nam chưa hề bao giờ bỏ phiếu hay yêu cầu đảng lãnh đạo, nhất là “độc quyền lãnh đạo”.
Do đó, Hội nghị đã lừa bịp cả thế giới khi tuyên truyền rằng: "Đảng cầm quyền nhưng mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; Nhân dân là người chủ và làm chủ đất nước; Nhà nước của ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Đảng cầm quyền là để nhân dân là chủ và làm chủ.”
Nhân dân làm chủ mà để cho cán bộ, đảng viên tự do tham nhũng, tự do cường quyền và tự do bóc lột đến tận xương tủy à?
Hãy nghe vài lời phát biểu thẳng thắn tại Hội nghị Quảng Ninh, theo tường thuật của báo Lao Động ngày 29/01/2015:
“Thiếu tướng Vũ Quang Đạo - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự - cho rằng, ngay trẻ em đã được dạy cái gì không phải của mình thì không lấy. Vậy nhưng, trong thực tế, nhiều cán bộ đảng viên tham ô, tham nhũng, biến của công thành của nhà. Vì thế, theo ông Đạo, đảng viên muốn làm được những điều lớn lao hơn, trước hết hãy làm một công dân tốt. "Cán bộ càng to thì đức phải càng lớn, tài càng cao thì dân mới tin".
Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Ngọc Lâm: “Nhân dân nói có tiêu cực, kiểm điểm thì bảo không, tuyên giáo thì bảo vừa không vừa có, kiểm tra thì nói không tìm ra tiêu cực, tổ chức thì bảo đã làm rất đúng quy trình, dân vận cho biết vẫn ổn định tình hình, nhưng các cụ lo chứng nào tật ấy. Đấy là tiếng lòng của dân”.
Như thế thì đã đến lúc đảng phải ngồi xuống cho dân đứng lên chưa hay cứ đóng đinh vào ghế để cho dân khổ, nước nghèo mãi? -/-
(02/015)