Bài thi viết “Cộng Sản & Tôi”: Tâm sự đời tôi - Dân Làm Báo

Bài thi viết “Cộng Sản & Tôi”: Tâm sự đời tôi

Nguyên Sang (Danlambao) - Bản năng sinh tồn của con người ai cũng muốn sống và muốn vui hưởng cuộc sống. Ai cũng muốn yêu và được người khác yêu. Vậy thì, trừ những kẻ điên loạn hay bệnh hoạn, không ai muốn chiến tranh để được chết. Cũng không ai muốn ghét và tiêu diệt người mình ghét.

Tôi là người Nam bộ. Quê cha Sài Gòn, quê mẹ Gia Định. Là dân Sài Gòn chính cống. Tôi có một quảng đời sống thanh bình với Sài Gòn, một cuộc sống êm đềm với mẹ cha, với anh chị và với người yêu. Tôi được cha mẹ “cho ăn học” và “ăn chơi”. Bước vào ngưỡng cửa Tú Tài, tôi biết rung động khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn viết về tình yêu. Tôi thường tìm đến đại học Văn Khoa hay Vạn Hạnh, nơi giọng khàn đục Khánh Ly hòa quyện vào âm thanh chiếc đàn thùng của Trịnh, nơi đa phần dân thưởng ngoạn là những học sinh, sinh viên trẻ, mầm non của đất nước.

Cho tới một ngày, không phải là ngày Giỗ. Bỗng dưng Ba mẹ tôi mua nguyên một con heo quay về nhà để cúng. Tôi nghe loáng thoáng Ba mẹ tôi khấn cầu Trời Phật cho hai anh tôi khỏi đi quân dịch! Rồi cũng tới một ngày, Ba mẹ tôi lại cúng heo quay. Lần nầy tôi biết trước lý do, vì cả hai anh tôi đã gia nhập binh chủng Không quân, có nghĩa là không phải ra tác chiến.

Tôi xa dần cuộc sống êm ả. Ba tôi mất, hai anh tôi vào quân ngũ. Gia đình tôi sống khá vất vả với người Mẹ già và hai người chị nhất quyết không lấy chồng, lý do là phụ tay với mẹ chăm sóc gia đình, lo cho tôi và đứa em gái út.

Rồi Sài Gòn không còn êm ả nữa. Việt Cộng đặt mìn, pháo kích bừa bãi vào thành phố. Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác vội vã mua bao cát về xây hầm trốn pháo kích. Ông anh đi phép về, rủ tôi ra quán nhậu bình dân, đường Bùi Viện. Quán hết bàn, bèn chuyển sang quán khác bên kia đường. Lẩu lươn bốc khói vừa mang ra, hai chai bia vừa rót vào ly, bỗng nghe một tiếng nổ lớn. Xác người, máu me, xe cứu thương, xe Cảnh Sát rú còi. Tiếng nổ phát ra từ quán mà hai anh em tôi vừa rời, quán bị đặt mìn plastic. Quán toàn là dân thường, chẳng có ai là quân nhân cả.

Tổng công kích Tết Mậu Thân. Lúc ấy tôi đang làm Trưởng Ban Đại Diện của Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn. Nhà tan cửa nát, các trạm Tạm cư được thành lập ở các chùa, nhà thờ, bệnh viện... Tôi chỉ lên trình một tiếng là Giám Đốc chấp thuận cho chúng tôi thành lập Ban Văn Nghệ, sử dụng hệ thống âm thanh ánh sáng của Nhà Trường, lập chương trình trình diễn văn nghệ giúp vui đồng bào trong cơn hoạn nạn. Đêm đêm sau chương trình văn nghệ, tôi tiếp cận các đồng bào chiến nạn, nghe họ kể lể trong tiếng khóc.

Chương trình văn nghệ của chúng tôi không có một bài hát nào của họ Trịnh, kể cả nhạc về tình yêu. Tôi suy nghĩ. Nhạc của Trịnh có tiếng bom rơi, đạn nổ, xác chết, gào thét đòi hòa bình. Nếu bảo Trịnh viết nhạc trên tinh thần: “Nghệ thuật vị nghệ thuật” thì Trịnh không công bình khi bài hát chỉ có tiếng đại bác, tiếng bom... mà không có tiếng pháo kích bừa bãi, tiếng AK, tiếng oán hờn của vong hồn đồng hương của Trịnh, chết oan trong những mồ chôn tập thể tại Huế. Tôi nghĩ đến hai chữ Hòa Bình. Trịnh kêu gào Hoà Bình, mà không nhìn ra nguyên nhân của sự “không hoà bình” của miền Nam là do CS. Tôi nghĩ đến hai chữ Nội Chiến, khi mà người phương Bắc tấn công vào tận Thành Phố thân yêu của tôi với vũ khí được khối Cộng Sản yễm trợ, tối tân hơn của quân đội chúng tôi. Họ được trang bị AK, trong khi quân đội Cộng Hoà chỉ có súng trường M1, M2. “20 năm nội chiến...” lời của bài hát độc địa đi sâu vào tâm khảm của người dân. Nội chiến ư? Vâng, nếu chỉ hiểu, đó là cuộc chiến xảy ra trong nước và giữa những người trong nước. Hiểu vậy là chỉ hiểu về hình thức, về ngôn ngữ. Hiểu về ý nghĩa của cuộc chiến thì hai chữ nội chiến sai hoàn toàn. Vì rõ ràng, cuộc chiến ấy là do CS miền Bắc xâm lược và miền Nam phải chiến đấu bảo vệ. Thử hình dung, một cảnh sát bắn trả một tên cướp có súng, có gọi là người Việt giết người Việt, là tương tàn được không?

Cuối năm đó, tôi tự nguyện nhập ngũ, dù còn đang hoãn dịch vì học vấn. Ông anh Không quân của tôi cũng xin chuyển sang tác chiến trong Phi đội 219. Tốt nghiệp Trường Bộ Binh, được phân phối vào ngành Quân Cảnh, đơn vị mà tôi trình diện là Trại Giam Tù Binh. Trước cổng Trại Giam, tôi nhìn thấy tấm bảng đề  “Trại Giam Tù Binh CSVN/Biên Hoà “ (còn gọi là Trại Suối Máu), mà hàng chữ cũ bị tẩy xóa vẫn còn lờ mờ đọc được: “Trại Tù Phiến Cộng”. Tôi chợt nhận thức được rằng: Tổng Thống Ngô Đình Diệm trước kia đã đặt CS ra ngoài vòng pháp luật là vô cùng sáng suốt. Vì Việt Cộng, bản chất là ám sát, khủng bố và phá hoại.

Ở đây, tôi tiếp cận với Tù Binh CS. Vào năm, Tướng Đỗ Cao Trí hành quân vượt biên giới, trại giam quá tải với những tù binh còn non choẹt, nói giọng Bắc ngọng, nhưng hả miệng nói, mình là người của Mặt Trận Giải Phóng miền Nam. Lương khô, thuốc men dán nhản Trung cộng chở về đầy kho. Trại được Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế kiểm tra thường xuyên và bất thường, nên không một Quân cảnh nào dám ngược đãi Tù binh. Ngược lại, thỉnh thoảng Quân y chúng tôi còn phải chữa trị những vết thương cho các Tù Binh do thanh toán lẫn nhau. Họ được cung cấp đầy đủ thuốc men, kem đánh răng, xà bông của Mỹ, cộng với thuốc men và lương khô Trung Cộng tịch thu được.

Thời gian chung sống với tù binh cộng sản tôi nghiệm ra rằng người quốc gia rất sợ nói chuyện chính trị với CS. Chẳng qua, trình độ học vấn và kiến thức của tù binh quá thấp, còn bị nhồi sọ và chỉ được nói những gì cho phép nói. Cho nên, họ cứ lặp đi lặp lại các câu khẩu hiệu. Lý luận thuyết phục họ vô ích, vì trước sau như một. Một điều nữa là họ kiểm soát lẫn nhau gắt gao. Trước tập thể, họ không bao giờ bộc lộ tình cảm hay sống thực với con người thật. Một nhóm tù binh mới giải giao về, tôi mời họ hút thuốc ruby quân tiếp vụ, không một ai dám nhận. Nhưng khi tách riêng từng người, họ nhận bằng hai tay và rít ngon lành. (Sau khi họ chiến thắng, tôi thấy những người CS đều có hai mặt: một giả, trước mọi người và một thật với một người mà họ tin tưởng).

Tôi được giao phụ trách Khu Hướng Nghiệp. Đây là khu của Tù Binh cải danh thành Hồi Chánh, họ được đối xử tử tế, thân mật và vào ra thong thả theo quy định. Họ được may vá, thêu thùa, được thăm nuôi hàng tuần. Đặc biệt Trại có khu dành riêng cho phụ nữ, có Trường sơ cấp dạy học cho các Tù Binh Thiếu niên, có bệnh xá riêng để khám bệnh và cấp thuốc cho Tù Binh hàng ngày.

Một thời gian sau, theo quy định của Binh chủng, tôi được chuyển công tác đến Trại Giam Tù Binh CSVN/Phú Quốc, còn gọi là Trại Giam Trung Ương. Trại gồm những dãy nhà tiền chế nằm bên trong hai lớp rào kẽm gai, có các vọng gác rải rác. Ngoại trừ Bộ Chỉ Huy, còn lại là 4 Tiểu Đoàn Quân Cảnh, chuyên trách 4 khu giam. Số lượng Tù Binh ước tính khoảng ba mươi nghìn người. Mỗi khu đều có phân khu Tân Sinh Hoạt dành cho các Tù Binh cải danh thành hồi chánh. Họ có đội văn nghệ, đội bóng chuyền, được sinh hoạt tâm linh, làm thủ công, trồng trọt, thêu thùa, may vá, làm các vật kỷ niệm để gửi cho các thân nhân khi đến thăm nuôi... Trong sơ đồ Trại Giam không có căn trại nào dành riêng cho thẩm vấn, hành hạ Tù Binh như CS tuyên truyền. Cũng có nghĩa trang Tù Binh, dành cho những người đã chết, ngôi mộ có bia, có thánh giá hoặc chữ Vạn, nếu người quá vãng có niềm tin tôn giáo. Ngược lại, cũng có những phân khu của các tù binh cuồng tín. Khi phái đoàn quốc tế thăm viếng, hay Hội Hồng thập tự đến kiểm tra, họ thường xé quần xé áo te tua, đập phá mái tôn của căn trại, tuyệt thực để chứng tỏ là bị ngược đãi... Cuối cùng sự thật vẫn là sự thật, không một bài báo nào, không một phúc trình nào của các nước tự do bảo rằng VN Cộng Hoà vi phạm quy ước Genève về Tù binh.

30 tháng tư. Ngày đánh dấu một cuộc đổi đời. Với VC, họ cho là “cách mạng” thành công, đất nước thống nhất. Với tôi, họ “cắt mạng” cả nước thành công hay “xuống hố cả nước” (XHCN) thành công. Rồi thì họ phân chia: bên thắng cuộc, bên thua cuộc. Ừ! Thì tôi bên thua cuộc. Một người trí thức mà không thua một đứa lưu manh, cái đó mới lạ! Cứ xem phim đọc truyện, sẽ thấy quy luật, người tốt, người ngay luôn chết sớm. Kẻ ác, kẻ gian tuy muộn nhưng cũng có ngày tàn thật tàn khốc!

Ngồi ngẩm lại cuộc đời mình, đất nước mình. Đôi khi chợt buồn, khi niềm tự hào dân tộc trong tôi không còn, khi đất nước tôi chọn một cái tên "Cộng Hoà XHCN" không giống ai. Ngày xưa quân đội Đại Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan... với danh nghĩa đồng minh sang giúp miền Nam, tôi thấy họ chẳng hơn gì mình. Vậy mà nay nước Nhật dù bị Mỹ “dọng” cho 2 trái bom nguyên tử, chẳng những họ không chịu “chống Mỹ cứu nước”, mà còn van Mỹ ở lại, để họ sản xuất xe hơi, hàng điện tử “dọng” lại Mỹ.

Hình như nước nào dính với Mỹ đều phất lên, ngay cả Trung cộng. Còn nước nào dính với hai chữ CS đều ngóc đầu lên không nổi. Tôi liên tưởng đến, người dân ở các nước CS trốn chạy ra nước ngoài vô số. Còn người dân nước ngoài trốn chạy vào nước CS thì có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ngay ở hải ngoại, bênh vực CS không phải là ít, thế nhưng bảo thành phần đó về VN mà sống thì không ai chịu về. Ở xứ tự do, tôi tha hồ xem những tin tức tài liệu, nên tôi có thật nhiều suy tư. Trong khi đó, người dân nước tôi bị ngăn chặn thông tin, họ chỉ được suy tư một chiều, “theo bảng chỉ đường” của Đảng. Gia đình tôi ở Phú Nhuận, sát bên Thanh Minh Thiền Viện. Ở bên này, tôi biết hết việc Thầy Quảng Độ bị trù dập, nhưng khi tôi hỏi gia đình tôi ở VN, thì chẳng một ai biết.

Tôi không thích chính trị, nên tôi chẳng lý luận gì về chính trị. Tôi chỉ nói ra những gì tôi đã trải nghiệm qua cuộc đời tôi. Hiện nay, thỉnh thoảng, tôi cũng chống Cộng bằng hình thức biểu tình hay viết bài đăng trên báo giấy, báo mạng.

Tôi không chống Cộng vì hận thù cá nhân. Gia đình tôi chẳng có ai chết vì CS cả. Dĩ nhiên, không ai thoát được nỗi đau và sự mất mát sau khi miền Nam bị cưỡng chiếm. Không tin ư? Về Saigon mà coi, các cơ sở lớn, nhà cao cửa rộng, đều là tài sản của cán bộ cộng sản.

Tôi không chống Cộng vì không chịu quên quá khứ. Tôi không chịu quên hay họ không chịu quên? Hàng năm họ vẫn tổ chức mừng chiến thắng cơ mà! Tôi không chống Cộng để chống dân tộc tôi. Vì dân tôi khốn khổ, oan ức, không có tự do, không có nhân quyền, phải trốn chạy hoặc bị xuất cảng đi cùng thế giới.

Tôi không chống Cộng để chống đất nước tôi, vì tôi vẫn ủng hộ Trường Sa Hoàng Sa là của VN.

Tôi chống Cộng là chống chủ nghĩa CS, chống chế độ CS, chống cái Đảng CS. Là để bảo vệ hai chữ Việt Nam luôn tồn tại trên bản đồ thế giới, là để dân tộc Việt còn nói tiếng Việt.

Cuối cùng, tôi xin phép dùng chữ “nếu” trong tương lai. Nếu nước VN không còn cái đuôi XHCN, không còn Đảng CS, mọi người được sống trong một chế độ dân chủ pháp trị, được đãi ngộ, công bằng, dân chủ, tự do thì biết bao nhân tài, bao nhiêu tiền, bao nhiêu của của người Việt thành công trên xứ người, đổ về xứ mình để xây dựng lại quê hương.

Tôi cũng xin phép được ngậm ngùi một chút quá khứ. Tôi tiếc cho VNCH, một chế độ dân chủ mà với ánh nhìn ngày nay, người ta đánh giá là non trẻ. Thật ra, trong tình trạng vừa xây dựng, vừa chống xâm lăng, mà vào thời điểm đó, miền Nam lên đến đỉnh “Hòn Ngọc Viễn Đông”, thì VNCH quả là niềm tự hào của dân tộc ta trong quá trình bốn nghìn năm lịch sử.




______________________________________________________ 



...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo