Sống tốt, là nên biết vay mượn Niềm tin với Con người - Dân Làm Báo

Sống tốt, là nên biết vay mượn Niềm tin với Con người


Vay mượn Niềm tin?

Gần đây, có một số bạn trẻ hỏi tôi về triết lý hay quan điểm giáo dục của tôi. Đây là câu hỏi tôi tự đưa ra để trả lời trong các khóa đào tạo mấy năm trước kia (của tôi), về tư duy giáo dục. Vừa rồi, tôi cũng chia sẻ tư duy đó trong bài “Sự nguy hại của nền giáo dục VN hiện nay”, đăng trên Dân Làm Báo. Và quan điểm đó là: 'Hãy yêu thương và tin tưởng vào học trò hơn cả học trò tự tin vào chính họ'. Và tôi cho rằng đó cũng là cách sống sao cho tốt (mà tôi luôn cố găng thực hiện): “Hãy biết vay mượn niềm tin với những người mình yêu thương”.

Nói thì có vẻ đơn giản và ngắn gọn thế thôi, về các vấn đề lớn lao như thế - là triết lý giáo dục, là cách sống - nhưng hiểu thế nào đây, và áp dụng thế nào? 

Hôm nay tôi vào bệnh viện (đưa mẹ tôi đã hơn 80 đi khám bệnh), thấy một ông già chừng trên 70 tuổi ngơ ngơ ngồi đọc sách đợi khám bệnh, không thấy người nhà đâu, bị các cô y tá trẻ quát và nói trống không thật tội – chỉ vì ông ngồi nhầm chỗ… (văn hóa bệnh viên “nhà nước” mà, “nhân dân” mà), tôi vội đến giúp ông ngồi đúng chỗ. Tôi đã để ý thấy ông cụ trên tay cầm cuốn sách nhà Phật, loại chữ to cho người già, tên là “Đời người”, và cụ đang đọc chương đầu: “Làm người rất khó…” 

Về nhà, nhớ đến ông già đó - 70 rồi còn đang phải học cách làm người ư, và bị bọn trẻ ranh hỗn láo quát tháo như quát trẻ con: “Ngối đấy! Đưa sổ đây...”, và nhớ đến câu hỏi của các bạn trẻ về cách sống… tôi lại “ngồi thiền” gõ ra mấy dòng này. Tôi chỉ muốn chia sẻ, làm rõ hơn, vấn đề quan trọng trên, ở phần sau. Ai không tin kẻ muốn vay mượn niềm tin này thì nên dừng đọc ở đây thôi. 

(Bài này tôi viết cách đây một tuần, rồi không gửi đi đâu cả, để đó không phải vì không tin tưởng những gì mình đã viết – mà vì chưa biết bạn đọc có đón nhận nó một cách rộng lòng?... Với tôi, mỗi bài viết đều như khúc ruột của mình, tôi đau đớn hay tha thiết tự dứt ra, nếu nó bị hắt hủi thì nỗi đau “sepuki” đó đau tiếp như không bao giờ lành da được…)

Tất cả đều là vấn đề Năng lượng sống

Có mấy khái niệm tưởng như không cần giải thích cần được làm rõ ở đây: Yêu thương, Tin tưởng, Tự tin, Niềm tin, Năng lượng sống… - tất cả đều là Năng lượng, là Năng lượng sống động và gia tăng (tự sinh sôi), Năng lượng tích cực của con người, là những động lực cần cho và giúp con người sống tốt hơn, sống vươn lên, sống thành công và hạnh phúc. Đó cũng là thái độ sống tích cực.

Đối lập với các khái niệm trên là sự thù ghét hay thiếu quan tâm, sự nghi ngờ hay không tin tưởng, sự thiếu tự tin hay mặc cảm nặng, sự đa nghi, ganh tỵ... - những năng lượng tiêu cực. Đó cũng là những dạng năng lượng của con người, do con người phát ra, nhưng là năng lượng tiêu cực, làm con người mất đi năng lượng sống (tự hủy hoại), sống tiêu cực, không làm mình hạnh phúc, làm người khác bất hạnh... Đó là thái độ sống tiêu cực.

Khi bạn dạy lớp trẻ học, cần có thái độ tích cực thì việc dạy đễ thành công hơn, mới thành công được, và bản thân bạn hạnh phúc hơn – bạn cũng thành công. Điều này rất tiếc, không tồn tại, vì không có đất tồn tại, trong hệ thồng giáo dục hiện nay, trong các các nhân hay cả hệ thống giáo dục (cộng sản), như một bản chất của nó, mà là ngược lại. Dạy học tích cực là yêu thươngtin tưởng vào học trò hơn chính chúng tự tin vào bản thân, thế thôi.

Đầu tiên là yêu thương, bạn nên xác định thái độ tích cực để yêu thương: học trò cũng như chính con em của bạn thôi, chúng cần yêu thương, chúng cần chỉ dẫn để sống (cả hai: yêu thương và chỉ dẫn). Xác định thái độ đó giúp bạn làm được việc yêu thương học trò thành thói quen và theo bản năng nhiều hơn. Yêu thương là năng lượng không chỉ tích cực mà còn là mạnh nhất của con người, dành cho nhau. Đó là sức sống. Chúng ta nói mình có thể chết cho người mình yêu là vì thế - là mình có thể dành hết năng lượng sống của mình cho những người mình yêu thương. Yêu thương chính là cách duy nhất để truyền năng lượng sống của mình cho người mình yêu quí đó, yêu thương là cho đi vô điều kiện. Yêu thương học trò nếu không ở gần mức hay là mức trao năng lượng vô điều kiện đó - cao nhất đó, thì việc giáo dục khó có thể, không thể thành công.

Tiếp theo là tin tưởng vào học trò. Để tin tưởng học trò ngoài yêu thương như một điều kiện trên thì bạn cần hiểu học trò - là bạn phải đánh giá được năng lực đã được kiểm chứng bằng kết quả ổn định của học trò. Đó mới là niềm tin ở mức năng lượng cao nhất – qua kết quả đã kiểm chứng của học trò. Niềm tin vì “đã nghe nói”, vì “đã nhìn thấy”, vì “đã chứng kiến và quan sát”, thậm chí vì “cảm nhận”… chỉ là niềm tin ở những mức năng lượng thấp hơn, ở cấp độ thấp hơn. Đây là việc rất khó vì ngay cả các bậc cha mẹ có ai dám nói mình hiểu hết con cháu mình? 

Và mức độ học trò tự tin vào chính họ - tự tin thể hiện mức năng lượng sống của học trò, thì sao? Việc này rất dễ, chỉ cần quan tâm là biết họ tự đánh giá về mình thế nào (nhưng quan tâm chính là yêu thương đó). Có ba khả năng: họ tự đánh giá gần giống như bạn – một chuyên gia về họ, vì bạn yêu thương họ - thật tuyêt, nhưng hiếm có lắm đấy; hoặc, họ rụt rè khiêm tốn, tự tin vào mình ở mức thấp hơn bạn đánh giá khách quan của “chuyên gia” – không sao, bạn cứ để thế đi, thêm một nhiệm vụ của bạn nữa là nâng mức độ tự tin đó lên; và, thứ ba, là bạn nghĩ họ hơi hoang tưởng, họ tự đánh giá mình quá cao (so với bạn nghĩ) – khi đó nhiệm vụ nữa của bạn là từ từ kéo họ về thực tại, tùy theo mức độ quá tự tin của họ, và vẫn không loại trừ khả năng bạn sai, họ đúng. Việc “nâng lên” (mức độ tự tin của học trò) là khả thi, việc “kéo xuống” khó hơn nhiều – nhất là các bệnh tự kiêu, hoang tưởng của lớp trẻ thường không do gia đình, thầy cô mà do xã hội (nhất là nhà trường) này tạo nên… Các “chuyên gia về con cái mình” là các bậc cha mẹ cũng thường sai lầm lớn về con cái mình bằng cách rơi vào một trong hai thái cực trên…

Có sự yêu thương, tin tưởng và hiểu biết về học trò rồi, bây giờ mới đến lúc bạn phải chọn một Niềm tin vào học trò để thể hiện ra với họ. Thực ra, niềm tin vào học trò sẽ tự hình thành qua sự yêu thương, tin tưởng và quan tâm của bạn với học trò. Niềm tin, tất nhiên cũng là một dạng năng lượng sống của bạn, năng lượng có chủ đích và “địa chỉ” liên quan đến cá nhân hay thực thể khác, của bạn. 

Quan điểm hay triết lý giáo dục của tôi là người thầy phải luôn có và thể hiện – một cách tự nhiên - mức độ tin tưởng cao hơn mức độ tự tin của học trò. Khi có sự chênh lệch giữa hai niềm tin đó (được gắn kết bằng yêu thương, tin tuỏng và hiểu biết lẫn nhau) thì chúng có khả năng hòa đồng và tạo ra một niềm tin chung mới, và đó cũng là sự tụ tin mới của học trò, ở mức độ (năng lượng) cao hơn trước, khiến chúng có thể hành động đạt kết quả cao hơn. Vì thế tôi nói: Dạy học là phải biết cho vay mượn niềm tin với học trò.

Và một vài ví dụ

Ví dụ 1: Bạn là giáo viên chuẩn bị cho học trò thi vào đại học, và học trò chọn trường A có điểm đầu vào 3 môn thi thường trên 18 điểm, trong khi học trò tự đánh giá mình chỉ đạt 15 điểm thôi, và bạn cũng đánh giá gần như vậy – rằng học trò đó chắc chắn được 15 điểm, bạn sẽ nói gì, làm gì? 

Các giáo viên tiêu cực (và cầu toàn) thường thiếu sự yêu thương học trò (nên không hề tin tưởng học trò) sẽ nói: sức em chỉ thi được 15 điểm thôi - tôi ngày xưa giỏi thế, em biết đấy(!), tôi là thầy em, mà chỉ thi được 12 điểm nên mới phải vào sư phạm, nên để cho chắc ăn, học tài thi phận, em nên thi vào trường có 12 điểm đầu vào thôi (dù em không thích), để đỡ tốn cơm cha mẹ nuôi, đỡ xấu hổ vì thi trượt đại học… (Tôi đã có nhiều thầy cô giáo kiểu này, đa số…).

Một giáo viên tích cực sẽ nói (đại ý): Qua những gì thầy biết và em đã thể hiện, thầy tin tưởng em sẽ thi được khoảng 20 điểm, nhất là nếu từ nay đến khi thi còn vài tháng nữa thầy tin em sẽ cố gắng hơn nữa, và thầy luôn sẵn sàng hỗ trợ em thêm. (Tôi hạnh phúc đã có một cô giáo – duy nhất trong đời - từng nói với tôi đại ý như thế về tương lai của tôi khi tôi dời ghế nhà trường. Dù có lẽ tôi vẫn chưa làm được như cô muốn, nhưng tôi đã và vẫn luôn cố vươn lên để không phụ lòng cô, vì tôi đã được vay mượn Niềm tin nơi cô làm năng lượng sống vào đời… Tôi luôn coi cô như người mẹ thứ hai đã sinh ra mình…)

Khi bạn đặt mức kỳ vọng lên học trò cao hơn (không quá cao) mức họ tự tin, là bạn cho họ (vay) thêm năng lượng của bạn từ năng lương yêu thương và niềm tin của bạn vào họ. Với năng lượng mới đó, cao hơn, họ có xu hướng tin vào điều bạn nói, họ sẽ tự tin hơn, vì họ tin bạn đúng họ sai, và họ sẽ hành động theo hướng làm cho niềm tin mới (đã thành của họ) thành sự thật… Kết quả là họ đạt kết quả cao hơn họ nghĩ ban đầu, họ tự nâng mức tự tin lên cao hơn, và bạn lại nâng niềm tin của bạn vào họ cao hơn chút nữa, rồi chút nữa… vì bao giờ bạn cũng có thể yêu thương con cháu, người thân, học trò… hơn chút nữa…

Ví dụ 2: Gần đây thôi, tôi có một nhân viên cũ, tôi cũng coi như học trò, là một kỹ sư giỏi, nay là một doanh nhân bắt đầu thành công. Cậu ấu đã vươn lên thật kỳ diệu. Tôi gặp cậu trong một khóa thiền ở Sài Gòn chừng 5 năm trước. Cậu tham gia khóa thiền là vì hết tiền và đang lang thang… (bỏ việc trên một công trường lớn của nhà nước do bất bình cách làm việc và đối xử của sếp), còn tôi, vì đau đầu do công việc khó chịu ngoài dự kiến trên một công trường lớn khác mà tôi đang phụ trách. Sau vài lần chia sẻ, tôi gợi ý, hay là sau khóa thiền này cháu ra công trường chú làm kỹ sư, đúng chuyên môn, xem? Chú sẽ trả được lương (gấp đôi lương cũ của cháu, ngoài ra ăn ở tại công trường do công ty lo hết - vì tôi đang làm thế với các kỹ sư khác của mình), rồi ta sẽ tính tiếp sau? Tôi không ngờ sau đó cậu bé nhanh chóng trở thành một kỹ sư chủ chốt của công trường đó của chúng tôi, cả về thái độ tự giác trung thực lẫn trình độ làm việc rất cao. Cậu đã vượt qua hy vọng của tôi, rất nhiều.

Hơn năm sau hết công trình, tôi giới thiệu cậu cho người bạn có công trình khác đang cần kỹ sư giỏi – lúc đó tôi mới biết cậu chưa tốt nghiệp đại học vì cãi nhau với thầy giáo nên bị “giữ bằng”! Tôi lại phải gửi cậu vào một trường đại học khác một học kỳ cuối để vừa làm lại bằng vừa đi làm ở chỗ bạn tôi… Bạn tôi cũng đánh giá cao cậu bé. Rồi tôi khuyên cậu nên sớm nghĩ đến việc tự lập (công ty) để tự khai thác tài năng của mình.

Hơn năm trước, cậu xin gặp tôi để mời làm chung công ty mới vì cậu lo một mình không làm được. Cậu vừa muốn mở công ty, vừa muốn lấy ngay được hợp đồng khá lớn, nên lo sợ, thiếu tự tin vì cả hai – công ty và công việc, và muốn tôi tham gia. Tôi xem xét rồi nói: cháu làm được cả hai, không cần chú tham gia, chú chỉ làm cố vấn, cho cả hai việc (công ty và dự án lớn), bất kỳ khi nào cháu cần hỏi, bất kỳ điều gì… Nhưng chú tin cháu sẽ làm được, tốt là khác, nhưng cháu phải tự làm.

Đầu năm nay, cậu hớn hở, đã là doanh nhân đĩnh đạc, mang quà tết và dẫn cô bạn gái đến: “Chúng cháu sắp cưới nhau. Cháu ra mắt nhà bạn ấy và được chấp nhận rồi, chú ạ!” Tôi cười, nhìn cô bé (mà tôi biết mấy năm trước đã có lần trốn bố mẹ ra công trường thăm bạn trai là học trò của tôi): “Thế ừa? Bố mẹ cháu không chê kỹ sư lông bông của chú nữa à? Vấn đề là nhờ cháu không chê, đúng không?” Cô bé cười bén lẽn. Cả hai mới chỉ ngang tuổi hai đứa con lớn của tôi, thật đẹp đôi. Cô bé học du lịch ra, đã và đang háo hức chu du vào chuyến du lịch lớn nhất của đời mình. Và cô bé sẽ hạnh phúc, thành công, vì tôi biết cô bé cũng là người đã biết cho vay Niềm tin để nhận lại Tình yêu và Hạnh phúc… - không biết cô bé có tự biết thế không?

Ví dụ 3: Trở lại với ông cụ trên 70 tuổi bị các cô y tá khoảng trên 20 tuổi, ở bệnh viện XHCN, mắng xối xả. Chuyện gì đã xảy ra ở đây? Thực ra đó là “chuyện bình thường như cơm bữa”, có thể thấy ở mọi nơi mọi lúc trong xã hội CS này. Các cô y tá trẻ là sản phẩm của nền giáo dục thiếu niềm tin vào con người nên đó là nền giáo dục bạo lực (họ bị đè nén, ức chế) và thiếu tình yêu thương. Không được đủ yêu thương, bị đè nén và ức chế, thiếu niềm tin, nay mới ra trường đi làm y tá thôi họ đã phải (tự nhiên) xả tất cả ức chế đó ra xung quanh, cũng theo cách họ được đối xử trong nhà trường, xã hội. Chúng đã “quá tự tin” một cách hỗn xược, vào bản thân… Ông cụ 70 chỉ tạo ra cái cớ vì ngồi nhầm chỗ đợi bác sĩ thôi. Cái cớ đó có thể là tôi, ví dụ khi tôi nhường ghế cho một bà cụ rồi hết chỗ ngồi nên tôi cố đứng gọn trong góc phòng và bị một cô y tá trẻ khác mắng và ra lệnh cho tôi ra ngoài phòng đợi (khá rộng, trong khi tôi còn phải canh chừng mẹ tôi – một cụ già trên 80 trong phòng đó đang đợi khám bệnh…) vì “nội qui là không ai được đứng trong phòng đợi bác sĩ cả!”

Còn cụ già 70, mẹ tôi 80, tôi gần 60, và hai ba chục người lớn, già khác trong phòng đó, tại sao chúng tôi im lặng và “ngoan ngoãn” như đàn cừu trước sự hành xử hỗn láo của đám y tá trẻ? Là vì chúng tôi cũng là “sản phẩm” và nạn nhân của xã hội này và nền giáo dục bạo lực của nó, vẫn đang phải sống trong nó. Chúng tôi, qua năm tháng, đã luôn luôn cố gắng tự hạ mức độ tự tin (và tự trọng) của mình đến mức thấp nhất có thể, để tồn tại, nên khi bị cô ý tá còn nhỏ hơn con cháu mình hỗn láo với mình, chúng ta coi đó là hiện thân của chế độ “dịch vụ bảo hiểm y tế XHCN”, và chúng ta im lặng cúi đầu… Chúng ta hàng ngày còn phải chịu đựng muôn vàn thứ tệ hại hơn là bị những con nhãi ranh đó hỗn láo, nên chúng ta cho qua, dành “năng lượng sống” để tồn tại tiếp – nó đã bị biến thành năng lượng chết dần… - cái thái cực năng lượng tiêu cực mà chúng ta nhắc đến ở phần đầu.

Dạy học hay sống tốt là biết cho vay mượn Niềm tin với Con người

Với tôi, triết lý dạy học cũng là triết lý sống. Sống tốt, vì thế, cũng là phải biết cho vay mượn niềm tin với những người mình yêu thương, với mọi người xung quanh càng tốt. Tôi luôn cố gắng sống như thế, nhưng phải tự thú rằng không phải lúc nào mình cũng làm được, và càng không phải lúc nào mình cũng thành công, nhất là với những người mình yêu thương nhất lại càng khó…

Nhìn rộng ra xã hội, tại sao xã hội này khó sống thế? Tại sao giáo dục của chế độ này khủng hoảng đến tệ hại thế? Nhiều năm nay báo chí lề đảng đưa ra biết bao nhiêu triết lý giáo dục để cải thiện xã hội, để huênh hoang nữa với nhau là chính, nhưng tôi biết tất cả họ sẽ thất bại vì triết lý sống của những kẻ cầm quyền trong xã hội, và tất nhiên toàn quyền trong giáo dục, họ đâu có đặt niềm tin vào con người? Vì mục đích giáo dục của họ đâu có vì Con người, mà chỉ vì thể chế (cộng sản) mà thôi?!

Triết lý giáo dục của cộng sản không chỉ thiếu vắng niềm tin vào con người, vào những người thầy và học trò, mà chúng còn hủy hoại niềm tin của con người vào nhau và vào bản thân, thì cộng sản làm gì có năng lượng sống của Con người để cho vay mượn, làm xã hội phát triển! Giáo dục của cộng sản, nói một cách khác, là một hệ thống ăn cướp và hủy hoại niềm tin của Con người.

Vậy tôi phải làm gì đây? Một cô giáo với nhân cách tuyệt vời, như cô giáo của tôi ngày xưa, có thể cứu vớt cả đời một cậu học trò như tôi – có thể thôi, nhưng chưa chắc cô đã cứu được cuộc đời chính những đứa con của mình. Một thầy giáo ngoại đạo như tôi có thể giúp một vài bạn trẻ bứt lên, nhưng tôi không thể giúp tất cả mọi người xung quanh, nhất là và kể cả những người thân yêu nhất! Tôi đã cố gắng làm như thế nhiều năm nay rồi, và thất bại… 

Thất bại giúp tôi hiểu ra một điều, để thành công chúng ta phải xử lý vấn đề gốc rễ của xã hội, không thể né tránh nó và cố “làm một việc gì đó tốt hơn” như nhiều trí thức luôn đang ngụy biện. Điều cốt lõi đó là gì? Đó là phải đặt lại nền tảng của giáo dục và cả xã hội, rằng nó phải dựa trên Tình yêu thương và Niềm tin vào Con người, tức là nó không thể là triết lý sống và giáo dục của cộng sản, của “giai cấp vô sản” chỉ biết ăn cướp và giết chóc rồi giữ quyền ăn cướp bằng ăn cướp và giết chóc tàn bạo hơn được, không bao giờ! Cộng sản phải sụp đổ và biến mất thì giáo dục, và cả xã hội này, dân tộc này mới có thể hồi sinh,

Vì thế, tôi ngừng đi dạy (từ thiện) và đổi tên thành Phan Châu Thành, nguyện theo con đường của Cụ Phan Châu Trinh cho tới thành công, là loại trừ cộng sản ra khỏi xã hội từ gốc rễ!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo