Lương Ngọc Phát (Danlambao) - Hồi ức chính biến 30/4, cũng còn nhiều hiện tượng "đặc biệt" xảy đến cho người miền Nam liền theo đó. Vâng, đó là ghẻ và sốt rét về thành phố!
Hồi đệ nhất CH, chính phủ đã mở chiến dịch Trần Tử Oai tảo thanh và phòng chặn bệnh sốt rét trên khắp miền Nam, với hiệu quả rõ rệt. Từ đó đến 30/4/75, dân Nam ít mắc bệnh này, nhất là ở đô thị. Thế nhưng, những kẻ từ rừng vào đã mang theo mầm bệnh gieo rắc khắp nơi họ chiếm đóng. Sài Gòn lâu giờ có nghe tới ai bị loài ký sinh trùng này vật chết đâu, thế mà sau 30/4 dân chúng mắc bệnh rất nhiều. Thuốc men những ngày đầu còn đỡ, nhờ những kho dược VNCH để lại, những lọ chloroquine, nivaquine, quinine dán nhãn cờ vàng 3 sọc chưa hết date, đã cứu sống nhiều người, trong đó có tôi.
Nhưng ở nông thôn, nhất là các vùng kinh tế mới hoang vu lam chướng, dân chết như rạ. Bệnh tập trung nhiều vào lứa tuổi trẻ, những thanh niên. Bởi họ là thành phần phải gánh vác phần nhọc nhằn cơ cực nhất của những gia đình bị lưu đày ấy. Khai hoang, đốn cây, hái măng, rau dại trái rừng ăn cho đỡ đói, ngủ bụi nằm bờ. Chẳng một phương tiện cơ giới nào cả, ngoài xác thân cùng dao rựa thủ công. Nhà cửa tạm bợ như những túp lều sơn cước, trống huơ tứ bề gió giằng mưa giật. Chăn màn cũ rách, đêm về muỗi mòng nhiều đến mức cứ huơ tay là nắm được. Tôi biết, dân kinh tế mới nằm nghẹt các "bệnh xá", chờ cơn ác tính đến rước vào cõi hôn mê diện kiến tử thần. Đêm đêm, sáng sáng... những cánh võng do người chưa bệnh khiêng tấm thân còm xanh như lá của người đồng cảnh bạc phước... ra bệnh xá, hoặc ra... góc rú bìa rừng về với đất bao dung!
Và ghẻ!
Ghẻ như những mụn nước, chứa chất dịch trong trong gần giống nốt thủy đậu, khi khỏi còn lưu dấu kỷ niệm thâm đen dẳng dai bịn rịn, dân ghẹo nhau là da nạm kim cương, nhiều như cát sông Hằng, gọi là ghẻ ruồi.
Ghẻ lở loét như ổ gà toang hoác, đầy mủ vàng tanh, khi lành để lại sẹo to tướng, gọi là ghẻ Tàu.
Ghẻ cả 2 loại, đồng loạt tấn công miền Nam như thể đã hiệp đồng chiến đấu cùng bên thắng cuộc xuống từ Trường Sơn, nên bấy giờ dân nói lén với nhau là ghẻ bộ đội.
Ghẻ ruồi, như đạn nhọn bắn vãi trấu, găm lỗ chỗ khắp thân thể nạn/bệnh nhân hoặc từng vạt mật độ dày như cơm cháy.
Ngứa, cha mẹ ơi, ngứa thấu tâm can xương tủy, ngứa đêm ngứa ngày, ngứa mọi lúc mọi nơi, ngứa lẻ tẻ du kích, ngứa chiến dịch, ngứa đồng khởi, ngứa tổng tiến công….
Ngứa khi đang cố nhọc nhằn dỗ giấc, ngứa lúc mồ hôi đẫm châu thân dưới nông trường nắng rang vạn vật.
Ngứa khi hì hục đạp xe trên phố bụi. Ngứa lúc gái trai đang hò hẹn tâm tình cố giữ lễ lịch sự. Ngứa khi con gái đứng trước mặt cha, lúc anh trai nói chuyện cùng em gái.
Ngứa đang giờ cô giáo trước học sinh, ngứa nhằm khi nữ sinh đang đứng trả bài cho thầy giáo.
Đó là giờ ngứa. Chỗ ngứa còn ác hơn. Binh chủng Ghẻ Ruồi chuyên đặc công vùng xung yếu. Háng, đùi non, bụng dưới, mông, kẽ ngón... những chỗ non da ít rèn luyện phong trần lại dễ làm mục tiêu đột kích.
Binh chủng Ghẻ Tàu kém tài luồn sâu đánh hiểm, nhưng giỏi biển người diện địa. Hỏa lực Ghẻ Tàu không gây ngứa cuống cuồng như đặc công Ruồi, nhưng nóng rát và đau nhức hơn. Có lẽ nhờ hiệu dụng của vi trùng trong mảng mủ vàng làm sưng đau nóng đỏ, đủ hội chứng viêm. Nhiều khi chúng còn gây hiệu ứng lan tỏa ra xa, các hạch háng hạch nách cũng sưng đau khiến nạn nhân chiến cuộc cứ như người tàn tật, đi đứng liêu xiêu...
Cái sự ngứa do binh chủng Ruồi tác họa, tuy quắn đít nhưng dân còn gãi được. Bọn Ghẻ Tàu ít ngứa hơn, nhưng vô cùng khó đối phó: móng tay thiếu điều kiện vệ sinh cào vào chỗ mép thịt loét, nghĩa địa hỗn hợp xác vi trùng lẫn bạch cầu phe nhà, càng lở lói rộng và sâu bốc mùi tế bào hoại tử.
Miền Nam được một trận tổng tiến công từ ruộng đồng, từ bưng biền, từ rừng sâu núi cao khí thế không gì cản nổi của các binh đoàn ghẻ. Ghẻ giải phóng những e thẹn rụt rè, phá đổ gông cùm lịch sự kìm kẹp phong cách tiểu tư sản, khi nam phụ lão ấu, nữ tú nam thanh, được san bằng giai cấp, thảy đều trở nên bình dân chất phác rất tự nhiên, ai cũng biết đánh đàn mười ngón, đờn vô tư sột soạt mọi lúc mọi nơi "đàn em reo ca ..a ..a..a..a.....ôi đàn ta lư..ư..ư.." với vẻ mặt diễn cảm say sưa, hít hà khoái trá vì..."đã"!
Lần tôi từ tỉnh về thành thi sư phạm, ngày về trời đã chiều nắng tái, ở lại thêm một ngày là cả một vấn nạn ăn ngủ. Ra bến xe đã hết chuyến trong ngày, đám thí sinh tỉnh lẻ tụm năm tụm ba dưới những mái hiên, ngủ gật gà hoặc làm quen nhau chuyện trò chờ sáng hôm sau xếp hàng mua vé, quê ai nấy về. Tôi bắt chuyện với một bạn gái mà gần 40 năm rồi vẫn nhớ bạn không quên, giọng Quy Nhơn tuy rắn rỏi song vẻ dịu dàng vẫn phảng phất cốt cách gái miền Trung nền nã, kiên nghị chịu khó và nhất là nết ý tứ kín đáo rất Á đông. Nhìn bạn, trên cổ tay và các kẽ ngón lấm tấm những vết thâm còn mới, tôi hiểu liền bạn ấy cũng như tôi, đang là nạn nhân của Ghẻ Ruồi.
Phong cách người miền Nam VN xuất thân từ nền GD/VNCH gồm cả 3 mặt tác động uốn nắn: gia đình, nhà trường và xã hội, ngày ấy vẫn còn y trong mỗi chúng tôi. Làm sao mà có thể sỗ sàng mười ngón thiên thần tay em, thọc vào cào cấu những vùng thịt da u uất có Ghẻ Ruồi nằm vùng, trước mặt người bạn mới?
Nét mặt dễ thương kia, chốc chốc lại khẽ cau cau, rõ là đang cắn răng chịu đựng. Bạn đổi thế ngồi liền liền, câu chuyện thường phải tự ngắt mạch rời rạc do cơn ngứa hoành hành xen ngang, thiêu đốt âm thầm. Mến nhau, muốn nhân dịp làm thân với người xa xứ, mà cả hai cứ chốc chốc lại phải luân phiên đứng lên làm như có việc riêng gì đó, trong khi thật ra để một mình tìm nơi có bóng tối, nghiến răng mà gãi lấy gãi để, báo thù lũ ghẻ!
Khổ vì ghẻ và sốt rét, hai hung thần hậu 30/4, hành hạ không chừa ai mặc trai thanh gái lịch, đến giờ vẫn không quên….
______________________________________
...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: