Từ tường lửa đốt bằng củi của Đỗ Mười đến cáp bị cá mập cắn đứt của Nguyễn Phú Trọng - Dân Làm Báo

Từ tường lửa đốt bằng củi của Đỗ Mười đến cáp bị cá mập cắn đứt của Nguyễn Phú Trọng

Huỳnh Bá Hải (Danlambao) - Ngày 17.5 báo Thanh Niên có bài: "Chuyện thâm cung bí sử khi internet vào Việt Nam". Theo bài báo này thì: "Sau 18 năm hội nhập cùng thế giới về công nghệ thông tin, Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng với khoảng 39,8 triệu người sử dụng Internet, chiếm tới gần 44% dân số (trong tổng số 90,7 triệu dân) - theo thống kê hồi tháng 1.2015 của Công ty We Are Social, trụ sở đặt tại Anh quốc" (trích báo Thanh Niên điện tử ngày 17.5.2015). Đằng sau các con số này cũng có nhiều chuyện đáng suy gẫm.

Con số 40 triệu người Việt Nam sử dụng internet hiện nay chưa nói lên chất lượng của nhà cung cấp như thế nào. Năm 1997 bắt đầu có internet ở Việt Nam nhưng đến năm 2003 khi tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội than phiền rằng gởi một cái email email đi hết 30 phút thì sau đó tốc độ mới được nhanh lên chút ít.

Cũng trong bài báo "thâm cung bí sử" này thì nhà nước Việt Nam đã tính chuyện dựng tường lửa ngay khi internet chưa ra đời ở Việt Nam để thấy rằng tự do thông tin ở Việt Nam đã gặp rào cản ngay khi khái niệm internet còn trên bàn giấy của Bộ Chính Trị.

Ngày nay mỗi khi có chiến dịch ngăn chặn người dân tiếp xúc internet thì Bộ 4 T chặn internet và họ đỗ lỗi cho chuyện cáp quang ngoài biển bị đứt họ cần khắc phục. Bây giờ nhờ có internet thì người dân cũng truyền nhau câu chuyện hài hước của thời Trọng lú là mạng internet yếu là do cá mập cắn cáp. Thật ra chuyện hài hước khóc cười ra nước mắt có từ khi ông Đỗ Mười kia. Khi nói về tường lửa ngăn chặn các thông tin tự do thì ngay trong bài báo cũng nêu rõ: "Ông cụ (Tổng bí thư Đỗ Mười) gọi gấp tớ đến, chưa kịp hiểu việc gì thì cụ bức xúc nói: Anh Tá ơi, anh vừa bảo với tôi là ta có "bức tường lửa" gì đó để ngăn chặn những thông tin xấu, vậy anh xây nó bằng gì? Có phải vì anh "đốt" nó bằng... củi nên cháy chậm quá khiến thông tin mới lọt ra nhanh như vậy không?". Đỗ Mười thì quan tâm chuyện xây bức tường lửa trên internet bằng... đốt củi.

Nhưng phải công nhận ngày nay nhờ internet mà người Việt Nam tiếp cận thông tin nhanh và chính xác. Sau khi anh Nguyễn Chí Tuyến bị công an Hà Nội đánh lén trọng thương chưa đầy 5 phút là cả thế giới biết. Nhờ có internet mà ngồi ở nhà tại New York, Paris, London, Amsterdam, Stockholm, Sydney... cũng có thể theo dõi trực tiếp nhiều sự kiện đang diễn ra ở Việt Nam và ngược lại.

Chúng tôi xin dừng đây để nói chuyện ngoài lề internet. Việc tường thuật trực tiếp bài phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng hôm 30.4.2015 trên VTV. Mọi người chỉ quan tâm nội dung chửi Mỹ hay chuyện con voi làm bằng thùng rác. Riêng các phóng viên nội chính ở Việt Nam thì quan tâm đến chuyện con ruồi. Công nghệ IT cao, đường nét sắc sảo từng chi tiết nhỏ kể cả con ruồi nó bay đáp xuống trên trán của ông thủ tướng thì các phóng viên cũng nhìn rõ. Con ruồi nó đậu rất lâu trên đó, ông thủ tướng vẫn mải mê cầm tờ giấy viết sẵn đọc và đọc. Hiện nay thì các phóng viên chỉ bàn trên facebook hay twitter của họ chuyện con ruồi trên mặt thủ tướng với 2 khả năng:

1. Thần kinh xúc giác trên mặt ông thủ tướng có vấn đề hoặc dây thần kinh số 7 (các bác sĩ thì biết- dây thần kinh mặt) bị đứt, người không rành Y Khoa thì bảo da mặt ông thủ tướng dày đến độ không còn cảm giác biết con ruồi làm mưa làm gió trên trán ông được truyền hình cho cả thế giới thấy.

2. Nội dung bài phát biểu có mùi đến nỗi ruồi còn đánh hơi được nên vào thưởng thức.

Cộng sản sợ minh bạch nên họ tìm mọi cách ngăn chặn internet tiếp cận với người dân. Cọng sản như 1 loài vi trùng ác tính yếm khí chỉ tồn tại trong bóng đêm. Khi ra ánh sáng nó sẽ chết ngay lập tức. Nhờ có internet người ta biết rằng ông Hồ Chí Minh không được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa mà ngược lại ông ta bị thế giới xếp vào loại tội ác giết người hàng loạt. Nhờ có internet người ta có thể biết rõ về trình độ ngoại ngữ của ông ta như thế nào. Và từng tội ác của các loài cộng sản được đưa ra ánh sáng nhân loại cách minh bạch với những bằng chứng không thể chối cãi. Nhờ có internet mà các dư luận viên ăn lương của đảng bị bắt bí ra sao...

Ông Đỗ Mười thì quan tâm chuyện đốt củi xây tường lửa trên internet nhanh hơn, ông Nguyễn Phú Trọng thì quan tâm chuyện cáp quang bị đứt nên tốc độc internet yếu. Gần 40 triệu người sử dụng internet đa phần là giới trẻ liệu họ có còn tin vào các ông nữa không? Những gì trên internet thì có thể là ảo nhưng thực tế hiện tình đất nước thì không thể ảo được. Lỗi do anh đánh máy hay lỗi hệ thống? Nhân viên phạm lỗi thì sa thải, hệ thống hư thì thay thế còn đảng cầm quyền thối nát thì xử lý như thế nào? Câu hỏi này hãy để cho gần 40 triệu người Việt Nam sử dụng internet trả lời

Nhờ có internet mà người Việt biết họ đang đứng chỗ nào trong đỉnh cao trí tuệ. Một Phạm Tuân hay cả Bộ chính trị bay lên / vào vũ trụ cũng không thể che giấu hàng ngàn trẻ em đói khổ đến trường bằng cách đu dây hay chui vào túi nilon qua sông. Nhiều cung đường làm đẹp nhưng có hàng triệu dân oan bị đẩy ra lề đường kêu cứu. Những quan chức hô hào thúc đẩy người dân học nghị quyết nhưng cuộc sống xa hoa của con cái họ nhan nhản ra trước mắt. Tình đồng chí các đảng viên luôn được ca ngợi trên báo đài của đảng nhưng sau hậu trường là các màn chém giết nhau của các nhóm lợi ích. Tất cả được phơi bày trên internet. 

Lịch sử nhân loại đang chuyển mình với những trào lưu cách mạng mới. Liệu giới trẻ Việt Nam có đánh mất những cơ hội mà internet mang lại cho họ? Tôi tin rằng giới trẻ Việt Nam trong và ngoài nước đang đi đúng hướng đi của thời đại. Bởi vì nguồn cội, giống nòi, tổ quốc là thiêng liêng không một thế lực nào dùng mưu mô xảo trá để lừa bịp toàn dân tộc mãi. Internet đã là công cụ hữu hiệu cho giới trẻ không chỉ nhìn về quá khứ mà cả tương lai rạng ngời phía trước.

Đứng lên và đi tiếp các bạn trẻ Việt Nam ơi! Non sông đang gọi mời.

18/05/2015




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo