Đặng Xương Hùng - ...Hội chứng Phùng Quang Thanh bắt nguồn từ thời hai ông Sang, Trọng muốn phế truất ông Dũng. Cách phản pháo ác liệt của ông Dũng đã cho thấy hội chứng ông Thanh đã bắt đầu. Thất bại của ông Trọng trong việc đưa ông Nguyễn Bá Thanh và ông Vương Đình Huệ, lập Ban nội chính và Ban kinh tế để làm đối trọng với Thủ tướng, cho thấy cuộc đấu tranh quyền lực ai hơn ai dần rõ nét. Cái chết của hai ông Phạm Quý Ngọ và Nguyễn Bá Thanh khẳng định thêm tính không khoan nhượng của cuộc đọ sức quyền lực tàn khốc này... Hội chứng Phùng Quang Thanh đã làm người Việt Nam đột nhiên sướng lên ở một thời điểm, rồi chợt bừng tỉnh, chưa điều gì báo hiệu tương lai khá hơn cho dân tộc Việt Nam. Quyền lực ngầm kia một khi giành được quyền thế, nếu không thay đổi, nếu không quay lại với nhân dân, thì có khi còn tồi tệ hơn trước...
*
Nếu như hội chứng Nguyễn Cơ Thạch là việc Trung Quốc dùng đòn trừng phạt ông Thạch để uy hiếp các nhân vật khác trong giới lãnh đạo cấp cao. Đòn răn đe để sau đó không ai dám ngo ngoe chống lại Trung Quốc. Thì hội chứng Phùng Quang Thanh có thể hiểu là hiện có một quyền lực ngầm đang chi phối nền chính trị tại Việt Nam và nó sẽ gạt phăng ra khỏi lề những ai cản đường nó, và là một đòn răn đe với những ai muốn chống lại nó.
Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch tồn tại 25 năm qua. Thậm chí tháng 5/2014 giàn khoan HD 981 vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam, không một quan chức cao cấp nào dám ho he lên tiếng mạnh. Hơn nữa, Trung Quốc còn khuyên "những đứa con hoang đàng hay quay trở về" và ông Phùng Quang Thanh còn tuyên bố với toàn thế giới rằng: tranh chấp ở Biển Đông là "mâu thuẫn trong một gia đình". Rõ ràng Phùng Quang Thanh là một trong những nhân vật mắc hội chứng Nguyễn Cơ Thạch nặng nhất.
Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch đang có chiều hướng suy giảm, nhất là sau chuyến đi ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ. Điều đó cho thấy tình báo Mỹ đã giải tỏa nỗi lo sợ của lãnh đạo Việt Nam trước o ép của tình báo Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu đích danh Trung Quốc trong những tuyên bố mới đây của mình.
Hội chứng Phùng Quang Thanh đang dần dần rõ nét. Nó trở thành hội chứng vì bất cứ một quan chức cấp cao nào quan sát những gì vừa xảy ra với ông Thanh đều rùng mình và rút ra cho mình một bài học. Một loạt những điều chuyển và tự rút lui khỏi chính trường đã chứng minh điều đó.
Hội chứng Phùng Quang Thanh ngày càng rõ nét, cho chúng ta thấy hai điều: thứ nhất, cuộc đấu đá trong nội bộ đảng là cuộc đấu tranh tàn khốc, một mất một còn giữa các nhân vật chóp bu và thứ hai, tranh chấp giữa hai phe: phe mắc hội chứng Nguyễn Cơ Thạch và phe ít bị, vẫn còn đang diễn ra căng thẳng và giằng co. Tuy phe ít bị đang tạm thời giành thắng thế.
Hội chứng ông Thanh bắt nguồn từ thời hai ông Sang, Trọng muốn phế truất ông Dũng. Cách phản pháo ác liệt của ông Dũng đã cho thấy hội chứng ông Thanh đã bắt đầu. Thất bại của ông Trọng trong việc đưa ông Nguyễn Bá Thanh và ông Vương Đình Huệ, lập Ban nội chính và Ban kinh tế để làm đối trọng với Thủ tướng, cho thấy cuộc đấu tranh quyền lực ai hơn ai dần rõ nét. Cái chết của hai ông Phạm Quý Ngọ và Nguyễn Bá Thanh khẳng định thêm tính không khoan nhượng của cuộc đọ sức quyền lực tàn khốc này.
Những sự vụ liên quan đến ông Phùng Quang Thanh trong thời gian gần đây là những triệu chứng cuối cùng để khẳng định có hội chứng. Hội chứng đã rõ khi không còn có ai dám bảo vệ và ủng hộ ông Thanh, chống lại thế lực ngầm kia nữa. Chỉ còn là những hình ảnh mờ ảo, gỡ gạc, những cái nhìn soi xét, thương hại.
Trận đấu ở những phút cuối đã ngã ngũ, tỷ số đã hoàn toàn bất lợi với cá nhân ông Thanh và phe mắc hội chứng Nguyễn Cơ Thạch. Hình như vì quyền lợi của cả hai phe, người ta đang làm mọi cách để ông và phe của ông gỡ bàn danh dự, và cũng không loại trừ khả năng áp lực của tình báo Trung Quốc quá mạnh, không dại gì phe ít bị không nhân nhượng một chút. Ông phải còn sống để làm hài lòng tất cả.
Hội chứng Phùng Quang Thanh đã làm người Việt Nam đột nhiên sướng lên ở một thời điểm, rồi chợt bừng tỉnh, chưa điều gì báo hiệu tương lai khá hơn cho dân tộc Việt Nam. Quyền lực ngầm kia một khi giành được quyền thế, nếu không thay đổi, nếu không quay lại với nhân dân, thì có khi còn tồi tệ hơn trước.
Không trông chờ vào ai, đó là thái độ thực tế nhất, người Mỹ cũng chỉ đón lấy nếu chúng ta đưa tay ra cần một sự trợ giúp. Cơ hội đến rất bất ngờ, đôi khi cơ hội đến theo dạng thách đố. Cần lắm những khối óc minh anh và thật sự dũng cảm để đưa dân tộc này ra khỏi những đêm dài tăm tối.