Tuyên bố chung của các tổ chức xã hội dân sự độc lập đối với Dự thảo Luật về Hội - Dân Làm Báo

Tuyên bố chung của các tổ chức xã hội dân sự độc lập đối với Dự thảo Luật về Hội

Tuyên bố chung này được đưa ra bởi các hội đoàn độc lập dưới đây, cũng chính là các tổ chức xã hội dân sự bị loại ra ngoài vòng pháp luật do không được chính quyền Việt Nam cấp phép hoạt động.

I- Trước tiên, chúng tôi công nhận rằng sự rõ ràng, toàn diện, hoàn thiện và khả năng áp dụng công bằng cho mọi thành phần xã hội của luật pháp quốc gia là vô cùng cần thiết đối với sự bảo đảm và phát huy các quyền tự do dân sự của người dân, đối với sự phát triển toàn diện của quốc gia và sự tồn tại của nền pháp trị.

Và chúng tôi cũng nhận thức sâu sắc rằng, điều 4 Hiến pháp cho phép Đảng cộng sản Việt Nam độc tôn đứng trên mọi lực lượng Nhà nước và xã hội và các Luật vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc dân chủ tự do và nhân quyền quốc tế nhằm bảo vệ quyền lực của Đảng cộng sản chính là nguyên nhân quan trọng cho tình trạng thiếu vắng một nền pháp trị thực sự ở Việt Nam.

Là các tổ chức dân sự độc lập, tự nguyện và tự quản, chúng tôi cũng hiểu rõ rằng, việc luật pháp tạo điều kiện cho sự can thiệp tuỳ tiện của Nhà nước vào đời sống dân sự sẽ làm suy yếu lĩnh vực hoạt động XHDS, ngăn chặn sự đóng góp hữu hiệu của người dân trong việc hình thành các chính sách tốt đẹp cho quốc gia.

II- Đại diện cho các tổ chức XHDS độc lập đang nằm trong số những nạn nhân của các chính sách và hành vi đàn áp quyền tự do lập hội của chính quyền Việt Nam, chúng tôi quyết tâm không để mình bị loại ra khỏi tiến trình đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo Luật về Hội, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và tương lai của chúng tôi và của toàn thể dân tộc Việt Nam. 

Sau đây là một số nhận xét của chúng tôi về Dự thảo Luật về Hội này. Chúng tôi yêu cầu chính quyền Việt Nam huỷ bỏ hoặc sửa đổi các điều khoản dưới đây theo hướng tôn trọng và bảo vệ quyền tự do Lập hội, nhằm tuân thủ các nguyên tắc của Công pháp quốc tế mà chính quyền đã ký kết.

1/ Phân biệt đối xử

"Hội", theo hiểu biết của chúng tôi, bao gồm các tổ chức XHDS (CSO), các câu lạc bộ, các hợp tác xã, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tôn giáo, các nhóm chức nghiệp và phái tính, các đảng phái chính trị, các công đoàn và các sáng hội (foundation). Vì vậy, cả đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải được định nghĩa như một hội thông thường trong Luật về Hội, không có ưu tiên độc tôn, độc quyền và không cần một văn bản pháp luật khác điều chỉnh riêng.

Quy định tại khoản 2 điều 1 loại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật về Hội cho thấy chính quyền Việt Nam muốn tiếp tục duy trì ưu thế của các tổ chức công cụ của Đảng Cộng sản Việt Nam này. Và việc loại các tổ chức tôn giáo ra khỏi phạm vị áp dụng của luật này khiến chúng tôi lo lắng về tương lai của các tổ chức tôn giáo không đăng ký và các nhóm tôn giáo của người sắc tộc.

2/ "Giấy phép" là rào cản

Khoản 3 điều 2 cho phép Chính phủ Việt Nam quy định chi tiết về các hội đoàn không có tư cách pháp nhân sẽ tạo điều kiện cho các văn bản dưới luật bóp nghẹt quyền Tự do lập hội ra đời và do đó, phần lớn nội dung của Dự thảo Luật về Hội thực ra chỉ áp dụng đối với hội có tư cách pháp nhân, tức được chính quyền công nhận. Việc luật trao cho chính phủ quyền ban hành các quy định dưới luật nhằm tước bỏ hoặc hạn chế các quyền của công dân mà hiến pháp và luật pháp công nhận là một chính sách được thực hiện xuyên suốt của chính quyền Việt Nam.

Quyền Lập hội là quyền hiến định, bất cứ người dân nào cũng có quyền lập hội và tham gia hội. Do đó việc lập Hội chỉ cần GHI DANH và CÔNG BỐ, không cần xin phép và đợi sự cho phép của cơ quan Nhà nước. Vậy, để bảo đảm tôn trọng Quyền tự do lập hội, toàn bộ Dự thảo Luật này không nên chỉ điều chỉnh các hội có tư cách pháp nhân mà thôi và loại các hội không có tư cách pháp nhân cho các văn bản dưới luật của chính phủ điều chỉnh.

3/ Cấm đoán tùy tiện

Điều 8 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc “cản trở, ép buộc, can thiệp vào việc thành lập, tổ chức, hoạt động hội trái quy định của pháp luật” (Khoản 1) và “xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc” (Khoản 2). 

Mục đích của Điều 8 là nhằm cấm các hội đoàn độc lập, các hội đoàn bảo vệ nhân quyền, các hội đoàn của những người đối lập... không được thành lập và hoạt động; và tạo điều kiện dễ dàng để chính quyền vu khống, buộc tội tuỳ tiện những người làm nhiệm vụ vận động thành lập các hội đoàn độc lập. Ngoài ra, các điều cấm đoán đã trích dẫn trên đây rất mơ hồ tạo điều kiện để chính quyền toàn quyền diễn giải cách hiểu và áp dụng theo ý riêng của mình.

4/ Vi phạm nguyên tắc tự nguyện và tự quản của hội

Quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng Nội vụ và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp trong việc công nhận điều lệ hội và chức danh người đứng đầu hội tại Điều 14 và Điều 31 hoàn toàn mâu thuẫn và vi phạm nguyên tắc tự nguyện và tự quản của hội như đã được công nhận và quy định tại Điều 2 và Điều 6.

5/ Hạn chế vô lý quyền gia nhập hội của người dân

Việc cấm các công dân bị tòa án tuyên cấm tham gia hoạt động về hội hoặc hành nghề thuộc lĩnh vực hoạt động chính của hội, tại Điểm a Khoản 2 Điều 15 là cách hạn chế vô lý quyền gia nhập hội của công dân như đã được công nhận và quy định tại Điều 3.

6/ “Nhà nước hóa” hội đoàn

Chúng tôi cho rằng Hội là một tổ chức xã hội, chứ không phải là cơ quan thuộc bộ máy nhà nước, nên không thể chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về ngành và lĩnh vực hoạt động của mình, như quy định của Khoản 2 Điều 25. Quy định đó mặc nhiên “nhà nước hóa” một tổ chức xã hội dân sự đơn thuần.

7/ Cản trở các hội đoàn độc lập ra đời

Khoản 6 điều 9 quy định một trong những điều kiện thành lập hội là "phải có đủ số người đăng kí tham gia hội tối thiểu theo quy định của Chính phủ" là một sự xâm phạm nghiêm trọng quyền Tự do lập hội. Nếu Chính phủ quy định con số tối thiểu này quá lớn sẽ ngăn cản việc thành lập các nhóm hội nhỏ ngay từ ban đầu. Thực chất, chỉ cần hai người là có thể lập thành một hội.

Khoản 3 điều 9 quy định các hội đoàn ra đời sau thì lĩnh vực hoạt động chính không được trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập "hợp pháp" trước đó. Điều này một lần nữa tạo ưu thế tồn tại độc tôn của các hội đoàn nằm dưới ô dù của Nhà nước và ngăn cản sự thành lập của các hội đoàn độc lập, không đăng ký hoạt động trong cùng một phạm vi hoạt động. 

Khoản 1 điều 10 đề cập đến việc Ban vận động thành lập hội phải có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận là vô lý. Ban vận động thành lập hội có ý nghĩa quyết định đến việc thành lập hội. Ban vận động thành lập hội mà không được chính quyền công nhận thì hội sẽ không bao giờ được thành lập. Đây sẽ là điều kiện để chính quyền loại bỏ ngay từ đầu quyền tự do lập hội của những người bất đồng chính kiến hoặc giới hoạt động nhân quyền.

8/ Về tên của dự thảo Luật

Chúng tôi đề nghị nên đổi tên "Luật về Hội" thành "Luật về Quyền lập hội" để phù hợp với tinh thần của điều 22 trong "Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị" là công nhận và bảo vệ Quyền tự do lập hội của người dân. Một dự luật về hội đoàn mà không tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về Quyền tự do lập hội sẽ là một bước lùi nghiêm trọng trong nỗ lực xây dựng nền pháp trị.

III- Trên đây là ý kiến nhận xét của các tổ chức XHDS độc lập chúng tôi cho bản Dự thảo Luật về Hội. Trong tinh thần tôn trọng sự đóng góp ý kiến của công dân Việt Nam, yêu cầu bộ phận chức năng trả lời chính thức về việc đồng ý hay không đồng ý với những ý kiến này và lời giải thích.

Dựa trên những cam kết của chính phủ Việt Nam trong các công ước quốc tế, chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động và phát triển các hội nhóm của mình, góp phần vào việc xây dựng nền tảng cho một xã hội dân sự; tranh đấu không ngừng để Việt Nam sớm có một hiến pháp thực sự đáp ứng nguyện vọng của đại đa số người dân Việt Nam, một nền luật pháp công minh, một hệ thống chính trị tam quyền phân lập để bảo đảm cho việc thi hành luật pháp minh bạch, công bằng và hợp hiến.

Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi hy vọng luôn nhận được sự ủng hộ và bảo vệ từ chính giới các quốc gia tự do dân chủ, các NGO quốc tế và các cơ quan truyền thông quốc tế.

Hà Nội, ngày 1 tháng 8 năm 2015

Các tổ chức XHDS độc lập sau đây ký tên: 

1/ Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, đại diện Huỳnh Thục Vy, Trần Thị Hài, Trần Thị Hài, Trần Thị Nga
2/ Bạch Đằng Giang Foundation, đại diện Phạm Bá Hải
3/ Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam, đại diện bác sĩ Nguyễn Đan Quế và linh mục Pham Văn Lợi
4/ Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, đại diện nhà báo Phạm Chí Dũng
5/ Nhóm những người Bảo vệ Tôn giáo và Sắc tộc, đại diện Huỳnh Trọng Hiếu
6/ Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, đại diện linh mục Nguyễn Hữu Giải
7/ Hội anh em Dân chủ, đại diện luật sư Nguyễn Văn Đài
8/ Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam-Hoa Kỳ, đại diện mục sư Nguyễn Hoàng Hoa
9/ Phong trào Con đường Việt Nam, đại diện Nguyễn Công Huân
10/ Hội Ái Hữu cựu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo, đại diện Nguyễn Bắc Truyển
11/ Hội Thánh Tin lành Chuồng Bò, mục sư Nguyễn Mạnh Hùng
12/ Hội Bầu Bí tương thân, đại diện Nguyễn Lê Hùng
13/ Diễn đàn Xã hội Dân sự, đại diện Tiến sĩ Nguyễn Quang A
14/ Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đại diện Hoà Thượng Thích Không Tánh
15/ Sài Gòn báo, đại diện linh mục Lê Ngọc Thanh
16/ Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý, đại diện Nguyễn Vân Điền
17/ Khối 8406, đại diện linh mục Phan Văn Lợi
18/ Bauxite Việt Nam, đại diện giáo sư Phạm Xuân Yêm và giáo sư Nguyễn Huệ Chi
19/ Hội Bảo vệ quyền Tự do Tôn giáo, đại diện Hà Thị Vân
20/ Người Bảo vệ Nhân quyền Việt Nam, đại diện Vũ Quốc Ngữ
21/ Giáo hội Cao Đài giáo độc lập, Toà thánh Tây Ninh, đại diện Chánh Trị sự Hứa Phi, Nguyễn Kim Lan và Bạch Phụng
22/ Mạng lưới Blogger Việt Nam, đại diện Phạm Thanh Nghiên


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo