Câu chuyện đầu tuần - Dân Làm Báo

Câu chuyện đầu tuần

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Có những câu chuyện cười ra nước mắt. Cũng có những chuyện khóc lên hì hì. 

Mà những câu chuyện ấy, những tình huống ấy rất sẵn ở các đám ma. Hoặc đám cưới. Nhất là nếu nó có tí liên quan, dính dáng đến phong tục, hoặc thói quen xã hội chủ nghĩa, thì càng “thú vị”.

Tình huống tôi sắp kể là một dạng chuyện kiểu như thế. Có thật hẳn hoi, vì nó liên quan đến người nhà. Chuyện ở một đám cưới. 

Số là cháu họ tôi sắp lấy vợ. Vì cháu là đứa trai đầu trong nhà cưới vợ nên đám cưới được xem là sự kiện quan trọng nhất trong năm của cả họ. Mà cháu lại lấy vợ ở xa, mãi Lạng Sơn nên việc sắp xếp đại diện họ nhà trai đi xin dâu cũng là cả một câu chuyện dài dòng. Dài dòng nhất là “đề cử” người đại diện cho họ nhà trai phát biểu.

Đùn đẩy đi đùn đẩy lại cuối cùng người lãnh trách nhiệm nặng nề vẫn là bác trưởng. Thực ra thì bác không lấy gì làm vinh dự, chỉ miễn cưỡng nhận lời mà thôi, vì là trưởng. Bác cũng như những chú khác, rất sợ phải chường mặt trước đám đông, run bỏ xừ. 

Từ nay tới đám cưới còn 20 ngày nữa, bác phải chăm chỉ học thuộc bài phát biểu do bác gái chấp bút và mấy người em góp ý, chỉnh sửa. Bài phát biểu dài gần 2 trang. Đối với người ngoài 60 tuổi, nửa trang còn khó thuộc, huống hồ gần hai trang giấy. Nhưng vì mình là họ nhà trai, lại ở thành phố nên bài phát biểu phải hoành tráng, phải đẳng cấp cho dân quê họ nể mặt.

Ngày nào bác trưởng cũng lấy giấy ra đọc, đọc to, như đứa trẻ con học thuộc lòng. Thi thoảng lại nghỉ giữa chừng để… chửi đổng. Vì “mày lấy vợ” mà tao phải khổ. Gần đến hôm cưới, bác càng căng thẳng. Bác gái phải trợ giúp bằng cách học cùng.

Ngày đi xin dâu, cà nhà thuê một chuyến ô tô tiến thẳng đến Lạng Sơn. Trong khi các em, con, cháu vừa hát, vừa chuyện trò rất rôm rả suốt chặng đường xa thì bác trưởng vẫn cặm cụi dán mắt vào tờ giấy. Thi thoảng lại thò mặt ra ngoài cửa xe để tránh tiếng nói chuyện ồn ào cho dễ tập trung.

Đám cưới. Vừa nghe người MC ghé môi vào chiếc Micro dõng dạc: “sau đây là phần phát biểu của đại diện hai họ …”, trống ngực của bác đã đánh thình thịch. Bác chỉ mong người ta mời đại diện họ nhà gái lên trước. Nhưng sao thế được, họ nhà trai phải đi trước, lệ nó thế.

Bác bước lên bục. Hai chân như múa may trên sàn nhà. Bác run, run qúa. Cả hội trường đang nhìn bác. Rõ ràng là học thuộc rồi, sao chữ nghĩa bây giờ bay đâu hết. Bác bắt đầu phát biểu, những câu không hề có trong bài soạn sẵn:

- Kính thưa các đồng chí! Kính thưa toàn thể bà con hai họ! Kính thưa…

Lời kính thưa chưa kịp dứt, đâu đó đã râm ran tiếng cười. Bác lấy hết bình tĩnh, phát tiếp:

- Kính thưa hai họ, kính thưa các ông các bà, kính thưa các dù các dì! Được sự đồng ý của chính quyền, hai cháu…

Cả hội trường cười ồ lên. Đến nước này thì phải thể hiện bản lĩnh nhà trai. Bác nghĩ thế. “Không được run”, bác tự ra lệnh cho mình. Ở dưới, bác gái, mấy đứa cháu và các em đang nhìn bác để trấn an tinh thần. Mồm bác gái đang mấp máy, nhắc vở. Bác phải coi như không có cái sự cười ồ vừa nãy. Bác dần trấn tĩnh lại và đọc. Người nghe bắt đầu chú ý. Tất nhiên là đọc không cần giấy. 

Phần phát biểu của họ nhà trai rồi cũng xong. Tuy rất vất vả, và ngắc ngứ khúc đầu.

Đến lượt nhà gái. 

Một bà to béo, mặc áo dài, mặt chát bự phấn, được giới thiệu là dì ruột của cô dâu lên phát biểu.

Bà ấy bạo dạn, tự tin lắm. Khác hẳn với sự rụt rè, căng thẳng của đại diện họ nhà trai.

Bà dì bước lên bục, một tay cầm míc, một tay lần giở tờ giấy. Trời ơi! Tờ giấy chi chít chữ. Bà ta cứ thế đọc. Cũng kính thưa hai họ, kính gửi chính quyền địa phương. Bà ta đọc lưu loát, tự tin lắm. Thậm chí không nhìn xuống hội trường, nơi người ta đang mải ăn uống, cười nói. Bài phát biểu còn có cả đoạn kể lể về quá trình đôi trẻ quen và yêu nhau như thế nào. Rồi quê hương thôn xóm đổi mới ra sao để có con đường làng mới, đưa đón cô dâu chú rể cho đám cưới được thêm phần hạnh phúc.

Đọc mãi cũng đến hồi kết.

“Cuối cùng xin cảm ơn đảng ủy, chính quyền xã đã tạo điều kiện cho chúng tôi tổ chức đám cưới này”. Câu cảm ơn vừa dứt, một vài tiếng chửi đổng ở đâu đó nổi lên: “bố khỉ! Cái (đ**) gì cũng lôi chính quyền vào. Thế chúng nó không đồng ý thì mình không được cưới à”; “đi đám cưới mà cứ như đi nghe diễn văn đại hội đảng ấy. Mệt quá, uống thôi. Nào dzô dzô..”. Quan khách hai họ cứ thế ăn ăn uống uống, chả thiết nghe diễn văn.

Bác trưởng ngồi dưới, chì chiết vợ.

- Đấy bà xem, họ nhà gái cầm cả tờ sớ to như tờ báo Nhân dân đọc giữa hội trường. Có sao đâu. Tại bà và chúng nó, cứ hành tội tôi. Đấy, phí công toi hơn 20 ngày học thuộc. Biết thế tôi cũng lôi giấy ra đọc.

Đám cưới xong xuôi, bác trưởng vẫn hậm hực về cái sự học thừa của mình. Đã thế, chúng nó (bao gồm vợ con, mấy người em và mấy đứa cháu) còn trách cứ bác về cái sự tự biên tự diễn. Họ bảo: “đám cưới là của nhà mình, tiền là của nhà mình bỏ ra tổ chức, chả liên quan gì đến chính quyền mà phải lôi nó vào. Rồi biết ơn nó.” Bác tức lắm, nhưng trong lòng cũng thấy đúng. “Ừ, liên quan quái gì đến chính quyền. Xem báo đảng, nghe diễn văn đảng cho lắm, thành nhiễm. Từ nay ông bỏ”. Bác thầm nghĩ.

Thế là chỉ vì một chút sơ xẩy trong đám cưới, bác trưởng đã tuyên bố đấm thèm vào đảng.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo