Liệu Mỹ sẽ điều tàu chiến tới Trường Sa? - Dân Làm Báo

Liệu Mỹ sẽ điều tàu chiến tới Trường Sa?

Tùy Nghi Tiến (Danlambao) - Trong mấy tháng gần đây dư luận quốc tế rầm rộ lên trước tin là Mỹ sẽ điều tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung cộng. Đây là tin tức tạo sự phấn khởi và xoa dịu phần nào nỗi phẫn uất của người dân ở các nước có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa trước thái độ và hành vi ngang ngược, hung hãn và vô pháp của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Việc điều tàu chiến là nhằm chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc không chấp nhận sự sử dụng các đảo nhân tạo để thay đổi hiện trạng tại Trường Sa, trong đó có việc muốn thay đổi tính chất pháp lý của các cấu trúc san hô này, nhằm tạo nên các cơ sở cho việc yêu sách chủ quyền trên Biển Đông của Trung cộng. Ngoài ra, nó cũng tỏ rõ quyết tâm “xoay trục qua Á châu” của chính phủ Hoa Kỳ, nhằm trấn an các quốc gia đồng minh, cũng như các đối tác trước những hành động hung hăng của Trung cộng trên Biển Đông, nêu cao tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Luật biển LHQ.

Tuy nhiên, tuần lễ này trôi qua và tuần lễ khác tới đến mà Hải quân Hoa Kỳ vẫn án binh bất động trong khi Trung cộng vẫn tiếp tục tôn tạo thêm đảo trên các bãi đá, xây dựng các phương tiện cơ sở hạ tầng như đường bay, hải đăng v.v… Thậm chí dù mới đây, phát biểu tại một cuộc hội nghị về biển, Phó Đô đốc Trung cộng Viên Dự Bách (Yuan Yubai), Tư lệnh hạm đội Bắc Hải của Hải quân Trung cộng tuyên bố trắng trợn rằng Biển Nam Trung hoa tức Biển Đông thuộc về chủ quyền của Trung cộng. (1)

Trước sự khẳng định láo xược và trịch thượng của Trung cộng, Đô đốc John Richardson, tân Tư lệnh phụ trách các hoạt động hải quân Mỹ, chỉ lên tiếng phản bác và khẳng định Biển Đông là vùng biển quốc tế dành cho “tất cả mọi người”. Ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với tờ Tin tức Quốc phòng (Defense News) rằng: “Bạn nói đến cách tiếp cận chung mang tính liên minh, cách tiếp cận quốc gia… Tôi ủng hộ thiết lập một hệ thống mang tính toàn diện tạo ra một sân chơi bình đẳng nhiều nhất có thể. Chúng ta không thể thảo luận về hệ thống đó trong phạm vi biển của tôi hoặc biển của bạn. Mà là biển của mọi người. Bạn biết đó 30 phần trăm mậu dịch thế giới được thông thương qua Biển Đông. Không nước nào được quyền sở hữu riêng. Nó thông thoáng. Nó là lãnh hải quốc tế”.(2)

Khi được hỏi về việc điều tàu chiến vào Biển Đông, đặc biệt là khu vực 12 hải lý quanh các đảo tân tạo trái phép của Trung cộng, thì Đô Đốc Richardson, khẳng định rằng nếu sự kiện đó xảy ra thì chỉ vì Hải quân Mỹ muốn tiếp tục thi hành các luật lệ quốc tế liên quan đến các hoạt động tự do hàng hải (Freedom of navigation – FON). Ông nhấn mạnh rằng hiện có sự bất đồng về một chính sách Biển Đông đúng đắn ngay trong nội bộ chính phủ Hoa Kỳ. Ông nói: “Trong phạm vi pháp luật, với tư cách một quốc gia toàn cầu Hải quân chúng tôi có thể và sẵn sàng thực hiện các chuyến hải hành ngang qua các vùng biển quốc tế. Đó là một sự cam kết mà chúng tôi cương quyết thi hành. Chúng tôi lập lại quan điểm đó rất rõ ràng, đây chỉ là một công vụ bình thường trong hệ thống hàng hải quốc tế. Chúng tôi không hề có ý khiêu khích”. Khi được hỏi về ngày giờ cụ thể của một cuộc hải hành như thế, thì Đô Đốc Richardon từ chối tiết lộ. 

Thành ra cho tới ngày hôm nay, chính thức mà nói chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục không đứng về một bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông. Như vậy có nghĩa là cho tới tuần này tàu chiến của Hoa Kỳ vẫn chưa xuất hiện ở bất cứ nơi nào gần quần đảo Trường Sa.

Theo tôi biết sở dĩ có sự miễn cưỡng tiết lộ về khả năng và thời biểu của việc điều một tàu chiến của Hoa Kỳ tới Trường Sa nhằm thể hiện nguyên tắc tự do hàng hải của chính phủ Hoa Kỳ là vì kế hoạch này đã và đang bị nhiều thành phần trong Quốc hội chỉ trích. Thật vậy, hiện có một lập luận rằng các hành động có vẻ lấn lướt và xem thường luật pháp quốc tế vừa qua của Trung cộng vẫn chưa tồi tệ đến mức Mỹ phải thực hiện một hành động mang nặng tính khiêu khích như vậy. 

Giải thích về thái độ chần chừ của chính phủ Mỹ một bỉnh bút của tờ The Diplomat, ông Sam Bateman cho rằng Hoa Kỳ hiện chưa có một lý do rõ rệt để phản đối các hành động của Trung cộng. Theo ông, Hoa Thịnh Đốn có ba lý do để biện minh cho việc điều một tàu chiến đi vào bên trong vùng biển quanh các hòn đảo tân tạo của Trung cộng. Hoa Kỳ có thể vin vào bất kỳ một lý do nào trong ba hoặc sử dụng cả ba lý do. Nhưng hiện thời, không có lý do nào rõ ràng và khả dĩ thuyết phục. (3)

Một là Hoa Thịnh Đốn phản đối sự tuyên bố chủ quyền của Trung cộng trên các hòn đảo tranh chấp. Nhưng Hoa Thịnh Đốn đã và đang liên tục tuyên bố rằng họ không đứng hẳn về một bên nào trong các vụ tranh chấp. Nếu Hoa Kỳ chỉ thực hiện hoạt động tự do hàng hải nhắm vào các hòn đảo của Trung cộng, thì Hoa Kỳ đã không giữ vững lập trường chí công vô tư. 

Hai là Hoa Kỳ phản đối sự tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khu vực lãnh hải quanh các hòn đảo tân tạo, triều hạ tại Trường Sa. Hiện chỉ có ba bãi đá được liệt vào loại này (Đá Xu Bi, Đá Tư Nghĩa và Đá Vành Khăn) và Trung cộng hiện vẫn chưa chính thức tuyên bố chủ quyền trên các vùng lãnh hải vây quanh ba hòn đảo tôn tạo. Hoa Kỳ phải chờ tới khi nào Bắc Kinh thực sự tuyên bố chủ quyền lãnh hải thì mới có thể tiến hành các cuộc phản đối ngoại giao, thay vì gây rắc rối ngay bây giờ. Nếu bất cẩn, thì hành động của Hoa Kỳ có thể bị coi là sự khiêu khích và dẫn tới cuộc đối đầu nguy hiểm giữa quân đội Trung cộng và Hoa Kỳ. 

Ba là Mỹ có thể phản đối Trung cộng về sự đe dọa tổng quát tới hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Nhưng Bắc Kinh liên tục bác bỏ chuyện họ gây ra sự đe dọa như thế. Với phần lớn mậu dịch của chính Trung quốc được thông thương qua vùng biển này, thì quả thật khó mà tố cáo họ muốn đe dọa sự tự do hải hành. 

Cũng theo ông Sam Bateman, các nhà bình luận Hoa Kỳ đã phóng đại giá trị mậu dịch ngang qua Biển Đông của Hoa Kỳ. Họ không nhận ra rằng đại đa số mậu dịch của Hoa Kỳ với Đông Á không hề vận chuyển qua vùng biển này. Trong khi đó, các chính trị gia Úc Đại Lợi (Australia) cũng thường thổi phồng giá trị mậu dịch vận chuyển ngang Biển Đông. Nếu một vụ khủng hoảng xảy ra, mậu dịch của các quốc gia Đông Bắc Á có thể được thay đổi hải trình mặc dù tổn phí thời giờ và khoảng cách có tăng lên chút đỉnh.

Ngoài ra, có hai lý do khác mà Mỹ cũng có thể dựa vào để phản đối Trung cộng nhưng lại được rất hiếm nước khác trong vùng chia sẻ vì chúng chỉ liên quan tới lợi ích thuần túy của người Mỹ; đó là sự tự do tiến hành “các cuộc khảo sát quân sự” trong vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ) của một quốc gia khác, và quyền hạn của một chiếc tàu chiến Hoa Kỳ được đi ngang qua một lãnh hải mà không cần phải thông báo trước cho nước chủ nhà.

Căn cứ vào các lý do nêu trên, thì những sự hăm he của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây đối với việc điều một chiếc tàu chiến vào vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung cộng chỉ nặng tính hù dọa mà không có thực chất dù với cái cớ là thực hiện sự tự do hàng hải. 

Thế thì tại sao hết vị quan chức dân sự này tới vị quan chức quân sự khác phải lên tiếng về sự kiện đó. Đã có hàng loạt các cuộc họp báo, các tuyên bố và các bài diễn văn có nội dung dung nảy lửa của đôi bên, mà đỉnh cao là chuyến bay thám sát của Hải quân Hoa Kỳ về những phương tiện cơ sở hạ tầng xây dựng trên đảo tân tạo Chữ Thập được chiếu trên đài truyền hình CNN. Tôi nghĩ mục đích của tất cả những sự kiện trên là chỉ nhằm gửi đi một thông điệp rằng Hoa Kỳ đã quyết định vẽ một đường “ranh đỏ” ở Biển Đông. 

Theo tôi, các nhà làm chính sách Hoa Kỳ từ trước tới nay chỉ xem các vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông như là một cơ hội chiến lược xưa nay hiếm để chống lại Trung cộng. Họ nghĩ rằng họ có thể dùng các vụ này để tô vẽ Bắc Kinh thành một con ngáo ộp, một thế lực lấn áp và hung hãn đang lên, và chính Hoa Kỳ là một quốc gia nắm giữ vai trò bảo vệ trật tự khu vực và luật pháp hàng hải quốc tế. Họ nghĩ rằng họ càng nhắc nhở tới sự kiện điều tàu tới Trường Sa thì các lân quốc của Trung cộng sẽ càng đứng vào hàng ngũ của Hoa Thịnh Đốn để chống lại sự thách đố ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Á châu. 

Chúng ta có thể hiểu phần nào về lập trường của Mỹ. Theo ông Hugh White (4), đa số các quốc gia ở Á châu thường tìm sự yểm trợ của Hoa Kỳ để chống lại Trung quốc và không một quốc gia nào chịu ẩn mình trong cái bóng của Trung cộng, vì vậy nước nào cũng muốn thấy vài sự giới hạn với quyền lực đang lên trong khu vực. Và bất kỳ quốc gia nào cũng đều hiểu là Hoa Kỳ sẽ phải nắm giữ một vai trò trọng yếu nếu họ muốn đạt được các sự giới hạn, kiềm chế đó. Nhưng những giới hạn này nên được ấn định ở chỗ nào? Và đối đầu với Trung cộng có phải là cách hay nhất để tạo sự giới hạn đó?

Giải đáp của Hoa Kỳ cho câu hỏi đầu tiên rất đơn giản. Họ nghĩ rằng Trung cộng phải tiếp tục chấp nhận sự ưu việt về quân đội và chiến lược của Hoa Kỳ, như họ đã từng làm kể từ khi Tổng thống Richard Nixon hội kiến với Chủ tịch Mao Trạch Đông hồi năm 1972. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Ashton Carter đã từng xác định rõ điều này: “Chúng tôi vẫn là quyền lực an ninh chính yếu ở Á châu trong nhiều thập niên tới”. 

Dĩ nhiên, Bắc Kinh bác bỏ đòi hỏi đó của Mỹ. Trung cộng muốn tạo dựng một trật tự quyền lực mới ở Á châu mà trong đó họ ít nhất cũng phải chia sẻ vai trò lãnh đạo với Hoa Kỳ, hoặc nếu được thì hất cẳng luôn. Hơn thế nữa, các giới lãnh tụ Trung cộng nghĩ rằng Biển Đông đã tạo ra cho họ, chớ không phải Hoa Kỳ, nhiều cơ hội lớn lao để biến tham vọng đó thành hiện thực. Đó là bởi vì họ nghĩ rằng, mặc cho sự hăm he, chính phủ Obama sẽ không muốn gây ra một cuộc đối đầu trực diện với Trung cộng. 

Thậm chí dù chỉ là điều một chiếc tàu chiến tới quần đảo Trường Sa! Quý vị tin không?

Các phản ứng của Trung cộng về Biển Đông: (5)

15/09/2015: Phó Đề Đốc Trung cộng Yuan Yubai, chỉ huy trưởng Hạm đội Bắc Hải của Quân đội Nhân dân Trung quốc (PLO) tuyên bố tại một cuộc họp báo quốc tế rằng: “Biển Hoa Nam, như tên gọi, là một vùng biển thuộc về quyền sở hữu của Trung quốc. Người Hoa đã đánh bắt cá ở đó từ thời nhà Đường, khoảng năm 206 trước Công nguyên”.

16/09/2015: Đại tá PLO Li Jie bào chữa cho việc xây dựng các đường bay quân sự trên các hải đảo tân tạo: “Đây là sân sau của chúng tôi, chúng tôi có thể quyết định canh tác bất kỳ hoa màu gì chúng tôi muốn”.

02/10/2015: Tờ New York Times đăng tải một cuộc phỏng vấn với Đại ta PLO Liu Mingfu, trong đó ông ta cảnh cáo: “Có nhiều đám lửa quanh Á châu, và mỗi một nơi đều có thể trở thành một chiến trường trong tương lai”.

08/10/2015: Tờ New York Times đăng thêm các lời tuyên bố của Đại tá Mingfu, trong đó có các đoạn: “Hoa Kỳ và Nhật xúi giục các lân quốc khiêu khích chúng tôi… Chúng tôi sẵn sàng tham chiến.”, “Trung quốc đã làm mọi chuyện có thể để ngăn chặn một cuộc chiến tranh, nhưng chúng tôi chắc chắn phải chuẩn bị cho nó”, “Hoa Kỳ đã đấm và đâm người khác bằng nắm tay và dao”, “Bang giao Hoa Kỳ-Trung quốc đã tiến vào giai đoạn cuối của một cuộc chơi. Đây là giai đoạn nguy hiểm. Sẽ có trò chơi sau cùng cho hai nước”.

10/10/2015: Một “sĩ quan quân đội cao cấp Trung quốc” cho tờ Newsweek hay: “Còn khoảng 209 hải đảo ở Biển Đông chưa có nuớc nào tuyên bố chủ quyền và chúng tôi sẽ chiếm trọn”.

11/10/2015: Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không cho phép một quốc gia nào xâm phạm lãnh hải và không phận của Trung quốc ở quần đảo Trường Sa với cái cớ là để bảo hộ sự tự do hàng hải”.

15/10/2015: Tờ báo nhà nước Trung cộng được trích dẫn loan báo rằng: PLO “nên chuẩn bị sẵn sang để phát động các biện pháp trả đũa tùy theo mức độ khiêu khích của Hoa Thịnh Đốn… nếu như Hoa Kỳ chọn giải pháp hiếu chiến, thì Trung quốc sẽ không tọa mục”.

15/10/2015: Đô Đốc Yang Yi cảnh cáo PLA sẽ thực hiện một “cú đấm trực diện” vào bất kỳ kẻ ngoại bang nào dám “xâm phạm” chủ quyền Trung quốc.

16/10/2015: Tân Hoa Xã cảnh cáo các hoạt động tự do hàng hải “sẽ khiến Trung quốc không còn sự lựa chọn nào khác mà phải tăng cường năng lực quốc phòng”. Các hoạt động tự do hàng hải sẽ là một sai lầm trầm trọng nhất của Hoa Kỳ vì họ dám dùng phương tiện quân sự để thách thức Trung quốc và có thể dẫn tới sự hiểu lầm giữa hai quân đội. Trung quốc “sẽ đáp ứng bất kỳ sự khiêu khích một cách thích đáng và quyết liệt”. 

Ngoài ra, ngày 04/09/2015 Trung cộng lần đầu tiên từ trước tới thời điểm đó đã điều các chiếc tàu đi vào vùng hải phận 12 hải lý quanh Đảo Aleutian của Alaska, Hoa Kỳ.

*Xin cảm ơn anh Cao-Đắc Tuấn đã đề nghị và khuyến khích viết bài. Tôi cũng không quên cảm ơn hai bạn Nguoiduatin va Trường Tu Tiểu Hổ đề nghị tôi đổi bút hiệu. Mến. Samsung.

26/10/2015


___________________________________________

Tham khảo:

1. http://thediplomat.com/2015/09/chinese-admiral-south-china-sea-belongs-to-china/
3. http://thediplomat.com/2015/10/why-us-south-china-sea-fon-operations-dont-make-sense/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo