Aung San Suu Kyi: “Chúng ta phải trao cho tuổi trẻ niềm hy vọng” - Dân Làm Báo

Aung San Suu Kyi: “Chúng ta phải trao cho tuổi trẻ niềm hy vọng”

Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - ...Chúng ta phải trao cho tuổi trẻ niềm hy vọng. Sự tham gia của những người trẻ trong cuộc bầu cử tuần này thật tuyệt vời, thật đáng khâm phục. Họ có mục đích và mục tiêu như thắng cử. Vì họ có mục đích và mục tiêu thể hiện chính đáng bao niềm mơ ước của mình cho nên tuổi trẻ chúng ta đã hành động rắt hăng say đến mức không thể nào tin được... - Aung San Suu Kyi.

*

Bà Aung San Suu Kyi đã dành cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) cuộc phỏng vấn sau ngay sau khi đảng NLD dưới sự lãnh đạo của bà thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử vừa qua ở Miến Điện.

RFA: NLD đã thắng đa số ghế họ tranh cử. Bà nghĩ những nhân tố nào khiến họ có thể thắng lớn như thế?

Aung San Suu Kyi: Chính là vì NLD gần gũi với nhân dân. NLD từ nhân dân mà ra, và các thành viên NLD xuất thân từ nhân dân. Chúng tôi không thể khác biệt với họ. Tim của chúng tôi đập cùng một nhịp. Chúng tôi đã cùng nhau đấu tranh, chúng tôi đã cùng nhau đau khổ, và chúng tôi đã cùng nhau hy vọng. Chúng tôi đã cùng nhau mơ trong suốt gần ba mươi năm trời. NLD và nhân dân là đồng nghiệp, là chiến hữu. Tôi nghĩ đó là lý do họ đã ủng hộ chúng tôi.

RFA: Bà sẽ có bao nhiêu người học thức trong chính phủ mới?

Aung San Suu Kyi: Anh nói “học thức” theo nghĩa nào? Chúng ta phải suy xét ý nghĩa của “học thức” là gì? Nhiều người nghĩ người có nhiều bằng cấp là người học thức. Nhưng tôi tin người mà có thể biết xét đoán đúng tình thế và có những quyết định hợp thời thì quan trọng hơn nhiều. Chẳng phải chúng tôi không coi trọng những người có bằng cấp này nọ. Chính tôi cũng coi trọng họ và kính trọng họ. Chúng tôi chỉ có bốn phần trăm dân số trong nước tốt nghiệp đại học. Chẳng lẽ vì thế chúng tôi không thể coi trọng đa số? Không, chúng tôi phải coi trọng đa số. Nếu chúng tôi chỉ coi trọng những người có bằng cấp, thì phải chăng điều đó hàm nghĩa nhân dân chúng tôi không quan trọng? Tôi không tin thế. Điều quan trọng là chúng tôi cần đúng người đúng chức vụ.

RFA: Ba di sản từ thời quân đội tiếm quyền vào năm 1962 để lại cho nhân dân hôm nay: ích kỷ, không tin tưởng ai và sợ mọi người. Vì sợ, người dân không dám đi ra ngoài và họ mất lòng tự trọng. Vậy bà sẽ làm gì để xóa bỏ ba di sản này?

Aung San Suu Kyi: Anh nói ích kỷ đầu tiên, rồi đến không tin tưởng và sợ. Thật ra, ngược lại mới đúng. Xuất phát là từ sợ. Rồi khi sợ bắt đầu, ta không tin tưởng ai và khi ta không tin tưởng ai thì ta trở nên ích kỷ. Tôi không thể tin tưởng ai, tôi phải tự xoay xở lấy, và tôi không thể trông cậy ai. Điều anh nói là ngược lại thế. Cách xóa bỏ sợ hãi đúng là giáo dục luật pháp và trật tự. Tôi đã nói điều này rất thường xuyên. Người dân cần sự an ninh tinh thần. Tại sao họ muốn dân chủ? Vì dân chủ có thể cho họ tự do và an ninh bằng như nhau. Người dân phải có tự do đồng thời phải có an ninh. Họ không được dùng tự do để đánh nhau. Khi họ có an ninh tinh thần, sợ hãi của họ sẽ giảm dần, và sự nghi ngờ của họ về người khác cũng giảm lần. Sẽ không cần lo ngại người nào đấy sẽ nhìn anh với sự ganh tị. Họ sẽ không phải lo ngại ai đấy sẽ báo cáo láo về họ cho cấp trên của họ để khiến họ gặp rắc rối. Nỗi sợ về bị trừng phạt bất công sẽ biến mất và tôi tin lòng tin và tin tưởng sẽ tăng lên và người dân sẽ thương yêu và tôn trọng lẫn nhau nhiều hơn.

RFA: Tôi nhận thấy bà luôn luôn quan tâm đến những người trẻ. Bà nghĩ gì về những người trẻ trong nước chúng ta hút thuốc và dùng ma túy và toàn bộ dân số bị ngưng phát triển về thể trạng do suy dinh dưỡng? Bà sẽ làm gì để đưa họ ngang hàng về thể trạng với các nước khác?

Aung San Suu Kyi: Điều này liên quan đến kinh tế. Tôi luôn luôn nói rằng điều quan trọng nhất là tạo công ăn việc làm. Từ việc làm họ sẽ kiếm tiền và xây dựng lòng tự tin. Người thất nghiệp sẽ không có lòng tự tin. Hơn nữa, họ cảm thấy mình vô tích sự vì khi ta không có việc làm ta phải phụ thuộc vào người khác. Sau nhiều năm suy dinh dưỡng cơ thể của những người trẻ của chúng ta ngưng phát triển. Đến độ tuổi nào đấy ta không còn cao nữa và ta không thể thay đổi được điều ấy. Sự phát triển thể trạng loại này không thể chữa được. Ta có thể có tầm vóc thân thể nhỏ nhưng có nhiều cơ hội giúp ta rất mạnh khỏe. Vì vậy về nhiều khía cạnh chúng tôi sẽ phải làm việc cật lực. Vấn đề người trẻ hút thuốc và rượu chè không phải là vấn đề chỉ có ở nước ta. Nhiều nước cũng có vấn đề này. Nhưng về tệ nạn ma túy, cần nên đề ra những biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu đề ngăn chặn vấn đề này. Người trẻ trôi giạt ra khỏi xã hội vì, trong nhiều trường hợp, họ không có hy vọng hay mục tiêu. Cho nên chúng ta phải trao cho tuổi trẻ niềm hy vọng. Sự tham gia của những người trẻ trong cuộc bầu cử tuần này thật tuyệt vời, thật đáng khâm phục. Họ có mục đích và mục tiêu như thắng cử. Vì họ có mục đích và mục tiêu thể hiện chính đáng bao niềm mơ ước của mình cho nên tuổi trẻ chúng ta đã hành động rắt hăng say đến mức không thể nào tin được.

Nguồn:

Trích dịch từ cuộc phỏng vấn bà Aung San Suu Kyi của Đài Á Châu Tự Do vào ngày 11/11/2015

Bản tiếng Việt:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo