Cuộc kinh lý là bước chuẩn bị cho sự bàn giao chủ quyền? - Dân Làm Báo

Cuộc kinh lý là bước chuẩn bị cho sự bàn giao chủ quyền?

Tùy Nghi Tiến (Danlambao) - Ngày mai (05/11/2015), chủ tịch Tập Cận Bình và phái đoàn Trung cộng sẽ chính thức bắt đầu một cuộc kinh lý Việt Nam trong hai ngày.

Chuyến đi này của họ Tập đã và đang được rất nhiều dư luận trong và ngoài nước, lề dân cũng như lề đảng quan tâm. Đã có các cuộc biểu tình của người dân nhằm phản đối Tập Cận Bình ở Hà Nội, Sài Gòn và ở hải ngoại.

Theo tôi sở dĩ họ Tập phải đích thân đi kinh lý Việt Nam lần này là vì trong thời gian khoảng một năm qua nhà cầm quyền cs Việt Nam đã có một vài biểu hiện ra vẻ muốn tìm các cường quốc khác để đối trọng với nhà cầm quyền Trung quốc, chẳng hạn như Mỹ và Nhật, mặc dù trước khi đặt chân tới hai quốc gia đó thì Tổng Bí thư đảng cũng như giới chức lãnh đạo tối cao cs VN đã sang triều kiến nhà cầm quyền Bắc Kinh để xin chỉ đạo. Thái độ và hành động này của chế độ Hà Nội có thể đe dọa đến tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh và, gián tiếp đe dọa tới tiến trình bàn giao toàn bộ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải VN cho Trung cộng vào năm 2020.

Tại Hà Nội, họ Tập chắc chắn sẽ được đón tiếp bằng một nghi thức long trọng nhất dành cho một nguyên thủ quốc gia. Đây là một điều vô cùng bi hài trong nhãn quan của người dân bởi vì nguyên thủ của một quốc gia xâm lược, hiếu chiến lại được tiếp đãi một cách ân cần và vinh dự.

Trong bối cảnh, Mỹ thực hiện đường lối xoay trục sang Á châu bằng những chính sách kinh tế và quân sự mới, với sự trợ sức của các nước đồng minh truyền thống là Úc, Nhật và đồng minh tương đối mới là Ấn Độ và Miến Điện; và các quốc gia trong khối Asean, đặc biệt là Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Nam Dương tìm cách liên kết mật thiết với nhau hơn để chống lại hành động kẻ cả và bá đạo của Trung quốc; thì Bắc Kinh bằng mọi cách phải tăng cường mối quan hệ với các nước như Việt Nam, Campuchia và Lào để tìm các đồng minh cho họ trong khu vực. Là một trong mấy nước cs còn sót lại trên thế giới, Bắc Kinh hiểu rõ nhà cầm quyền Hà Nội hơn một chính phủ nào khác. Tình trạng vi phạm nhân quyền ở hai quốc gia tương đối tệ hại như nhau, nếu không muốn nói là còn tồi tệ hơn ở Hoa Lục. Do có cùng bản chất ghê tởm mà lại có quan hệ địa chính gần gũi nhau nên Bắc Kinh bằng mọi cách phải ngăn chặn mọi thay đổi sai lệch của nhà cầm quyền Hà Nội.

Ngõ hầu có thể độc chiếm Biển Đông để làm bàn đạp cho mộng bá đồ vương, Trung quốc cần Việt Nam hơn một quốc gia nào khác trong nhóm các nước tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông bởi vì Việt Nam là nước thực sự có chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và đa số các đảo ở Trường Sa. Vì thế Biển Đông chắc chắn sẽ là một đề tài ưu tiên trong chương trình nghị sự của họ Tập. Chắc chắn họ Tập sẽ đưa ra những đề nghị có tính chất cây gậy và củ cà rốt nhằm giữ nhà cầm quyền cs VN trong gọng kiềm của mình.

Ngoài ra, tháp tùng trong chuyến kinh lý lần này với họ Tập cũng có đại diện các doanh nghiệp Trung quốc. Như chúng ta đã biết nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua đã bị thao túng và lũng đoạn bởi các chính sách ngoại thương của Trung cộng. Bắc Kinh chắc chắn sẽ muốn lôi kéo Việt Nam đi theo các định chế kinh tế và tài chánh do họ lập ra, hơn là gia nhập các định chế kinh tế và tài chánh do Mỹ hay Nhật chủ xướng. Để thực hiện điều này, các doanh gia Trung quốc sẽ đề nghị những giao kèo, kế hoạch kinh doanh đầy béo bở với các doanh nghiệp nhà nước cs VN, nhưng lại phương hại đến quyền lợi của đất nước và dân tộc Việt Nam trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất vì nó có thể quyết định sự thành bại của các yếu tố nêu trên, đó là Đại hội Đảng cs VN lần thứ 12 sắp diễn ra. Trong chuyến kinh lý này, họ Tập chắc chắn sẽ trực tiếp thể hiện ảnh hưởng của mình lên việc bầu bán thành phần nhân sự lãnh đạo tối cao. Họ Tập sẽ đích thân nói tiếng quyết định. Công việc chuẩn bị nhân sự lãnh đạo ở 61 tỉnh thành trên toàn lãnh thổ VN đã hoàn tất ngoại trừ các vị trí lãnh đạo tối cao của cả nước và của Hà Nội và Sài Gòn, và chúng chắc chắn sẽ được chung quyết sau chuyến đi của họ Tập.

Sau chuyến kinh lý này của họ Tập và bầu đoàn, nhà cầm quyền cs VN chắc chắn sẽ tiếp tục thể hiện đường lối, lập trường ngoại giao lệ thuộc, triều cống Trung cộng. Vì sự sinh tồn của chế độ độc tài, độc đảng và vì quyền lợi của tập đoàn tư bản đỏ nhà cầm quyền cs VN chắc chắn sẽ tiếp tục thái độ và hành động hèn hạ với Trung quốc; và tàn ác với người dân trong nước, đặc biệt là đối với các thành phần bất đồng chính kiến. Còn họ Tập nhân cơ hội này sẽ chấn chỉnh được các sự sai lệch trong công việc chuẩn bị một cuộc bàn giao toàn bộ lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam cho Bắc Kinh vào năm 2020, thể theo mật ước Thành Đô mà hai nhà cầm quyền đã thỏa thuận với nhau hồi đầu thập niên 1990 của thế ký trước.

04/11/2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo