Lăng Khổng Tử: mồ xây trước cho đám cầm quyền CSVN - Dân Làm Báo

Lăng Khổng Tử: mồ xây trước cho đám cầm quyền CSVN

Dương Thu Hương (Danlambao) - Tại sao lại xây lăng Khổng tử vào chính lúc này? Lúc này là lúc nào? Sẽ có người vặn lại. Tôi xin trả lời tức khắc: Lúc này là lúc Bắc kinh trở thành siêu cường thứ hai trên trên giới, con Bạch tuộc Trung hoa vươn vòi khắp hành tinh, và cái vòi khổng lồ nhất được gọi là Nam sa, vùng Thái bình dương phía nam Trung hoa, nơi chiến lược bành trướng của Hán tộc đang được thực hiện với một quy mô khổng lồ chưa từng thấy. Lúc này cũng là lúc quyền lực mềm Trung hoa thực thi trên toàn hành tinh, vô số viện Khổng tử được thành lập trên các châu lục khác, đặc biệt là Mỹ quốc.

Tiền bạc vãi ra từ Bắc kinh mua chuộc được không ít người, từ các quan chức lẫn các nhà học giả kiểu “lính đánh thuê dùng chất xám - stipendiaires intellectuels” tại một số quốc gia phương Tây. Nếu như trước kia, không thiếu các học giả phục vụ chủ nghĩa thực dân da trắng thì giờ đây, cũng khá nhiều người sử dụng kiến thức của họ để hầu hạ thực dân da vàng. Tiền thời nào cũng cũng có mùi thơm cả. Tôi xin nhấn mạnh điểm này: Không phải tất thảy các trí thức Mỹ lẫn phương Tây đều tự nguyện làm lính đánh thuê cho Tầu nhưng cũng đã có một số không nhỏ bị con cháu của Lưu bang chiêu dụ. Trong tình thế ấy, nhà cầm quyền Việt Nam xây lăng Khổng tử là một hành vi “Tát nước theo mưa”, chứng tỏ cùng một lần hai điều: Điều thứ nhất: Họ muốn đứng một hàng ngũ, dù là hạng tôi đòi, của một ông chủ lớn, đích thị kiểu vênh vang của những gã đầy tớ thời xưa: “Tôi làm ở phủ ông Lý... Tôi làm ở nhà cụ Chánh...”. Điều thứ hai: đó là lời thề thốt với Bắc kinh, chứng tỏ lòng trung thành, tận tụy của cộng sản đàn em với cộng sản đàn anh, của chư hầu với Đại quốc.

Tuy nhiên, ngoài các thông điệp tư tưởng trên phương diện đối ngoại, còn có các ý tưởng ngầm về mặt đối nội: Kẻ cầm quyền muốn nhắc nhở dân chúng thứ giáo lý của Khổng Khâu mà họ tin rằng còn có thể sử dụng làm bùa hộ mệnh: Trung với Vua, Hiếu với Cha mà chủ tịch Hồ chí Minh đã đổi thành: Trung với Đảng, Hiếu với Dân. 

Trước hết, về phương diện đối ngoại, phải chăng Hà nội ngỡ rằng sự quy phục có thể cứu vãn được thời cuộc, rằng Bắc kinh từ bỏ âm mưu thôn tính Việt nam? 

Nếu đây là mưu chước “luồn trôn” kiểu Hàn Tín thì mưu chước này vô dụng, nếu đây là sự a dua theo trào lưu thì hành vi này càng bộc lộ rõ rệt tư cách hèn hạ của những kẻ có tâm hồn tôi tớ và bộ óc lừa. Hành vi này khẳng định một cách sâu sắc xu hướng tư tưởng của chính quyền Hà nội: Họ quyết tâm bám chặt lấy Bắc kinh, thành trì cuối cùng của chế độ cộng sản, chế độ toàn trị, phi nhân. 

Do tư tưởng cộng sản chỉ đạo, nhà cầm quyền Hà nội giả mù giả điếc với hiện thực của đất nước. Nếu không mù không điếc, hẳn họ phải biết rõ tình trạng thiếu thốn về mọi mặt trong đời sống của đa số dân chúng. Đặc biệt là sự khan hiếm bệnh viện, thuốc men lẫn phương tiện điều trị, khiến không biết bao nhiêu con bệnh đành tự nguyện chờ chết vì không có khả năng nộp viện phí. Hàng loạt bài báo trong và ngoài nước đã kêu than về thảm cảnh này, với các đề tựa: Những con quỷ mặc áo trắng - Người nghèo phải chết - Bệnh viện, nơi con người bị hành hạ... Cho nên, nếu đứng trên phương diện thiết thực với đời sống dân chúng, số tiền xây lăng Khổng Khâu phải dùng xây bệnh viện làm phúc cho những nông dân vùng đồi sỏi Vĩnh yên, Phú thọ, nơi đã xảy ra không ít trường hợp người nghèo chết vì không có tiền, thầy thuốc không cho nhập viện, ca điển hình là một người bị trâu đâm lòi ruột không được cấp cứu nằm chết ngay trước cổng một bệnh viện huyện trước đây một số năm.

Nếu không vì một con tính theo lợi ích vật chất, ắt phải nhằm đến một giá trị tinh thần. Tiêu một số tiền lớn như thế, trong tình trạng tuyệt đại đa số dân chúng còn nghèo, là xa xỉ. Nếu sự xa xỉ ấy đem lại một giá trị tình cảm, hay tâm linh cho dân tộc, điều ấy còn có thể chấp nhận. Nhưng chính lúc này, Trung quốc đang thực thi một cuộc lấn biển, chiếm đất rầm rộ; công khai uy hiếp các nước nhỏ quanh vùng Thái bình dương, công khai tuyên bố đánh Việt nam (Hãy xem bài: Trung quốc binh khí đại toàn trên Báo điện tử Trung quốc, ngày 13 - 6 - 2015, do giáo sư Vũ cao Đàm dịch). Trước tình thế đó, nếu muốn nêu cao tinh thần yêu nước và giữ nước, là truyền thống cốt lõi của người Việt, ắt phải xây lăng Quang Trung, Trần hưng Đạo, Lý thường Kiệt, những ngôi sao chói lọi nhất trên bầu trời lịch sử Việt nam. Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải đã đánh tan hai mươi vạn quân Thanh và hai mươi vạn quân Xiêm. Hưng đạo vương, bậc đại anh hùng đã chiến thắng quân Mông cổ trong ba cuộc đối đầu khốc liệt, khi mà triều đình Bắc kinh đã quy hàng đội quân này và trong vòng non một thế kỉ, từ 1927 đến 1936, toàn cõi đất của Lưu Bang phải nằm dưới gót giầy của chúng. Đặc biệt hơn cả, Lý thường Kiệt, người toàn tài chính trị lẫn quân sự, đã cùng phó tướng Tôn Đản đem mười vạn quân tiến sang Khẩu, Liêm và Ưng châu (Quảng đông và Quảng tây ngày nay) đánh tan các thành lũy, giết hơn một vạn quân Tầu rồi mới trở về nước. Năm sau, khi quân Tống kéo sang trả thù, ông lại đánh chúng tan tành trên khúc sông Như nguyệt, khiến cho vua Tống ôm mối hận, và tể tướng Vương an Thạch, kẻ chủ trương cuộc chiến, bị đuổi về vườn rồi chết ở quê. Tên Lý thường Kiệt xứng đáng đặt cho một thành phố lớn gấp ba lần Đà-nẵng, và tên phó tướng của ông, Tôn Đản, xứng với một quảng trường lớn gấp ba quảng trường Ba đình. 

Những hào kiệt của xứ sở, tại sao không xây lăng để tưởng nhớ công ơn họ, để nhắc nhở cho con cháu biết rằng tổ tiên đã từng chiến đấu anh dũng như thế, trong những điều kiện vô cùng khó khăn, đất nước đã đứng vững được mà không bị biến thành một mảnh đất nô thuộc, một tỉnh lẻ hay một quận huyện của Trung quốc là nhờ họ và cùng với họ, biết bao nhiêu anh hùng liệt tử khác mà tôi không thể kể hết tên: Lý nam Đế, Lê Lợi, Trưng vương, Triệu Ẩu, Trần quang Diệu, Bùi thị Xuân... Những bông hoa thơm của xứ sở không lọt vào mũi đám cầm quyền Hà nội, vì họ quyết tâm chúi mũi Ngửi rắm Tầu. Bởi sự gắn bó của “tư tưởng cộng sản” mạnh hơn sự tôn trọng nhân phẩm và lòng yêu nước. Xây lăng Khổng tử trong hoàn cảnh hiện nay là biểu hiện rõ rệt sự quay lưng lại với lịch sử dân tộc, bộc lộ chân tướng lũ tôi đòi.

Đã có tâm thế của bọn tôi đòi thì làm gì còn lòng tự tôn, làm gì còn phẩm hạnh. Đạo đức của bọn tôi đòi là lợi lộc. Mục đích sống của họ là vinh thân, phì gia. Nhà cầm quyền cộng sản hiện nay đã chính thức trở thành Lớp tư sản đỏ, nhất nhất hành vi từ cách tiêu xài, hưởng thụ đến lối đàn áp dân chúng, đều cố công học mót bọn tư sản đỏ Bắc kinh. Họ biết rõ tấm áo lý tưởng Mác-Lê đã rách mướp, nên muốn dùng bóng ma của ông thánh Khổng như chiếc lọng để che phủ một chế độ thối nát. Một chế độ vô luật pháp, phi đạo lý, một chế độ mà trong đó người có nhân phẩm trở thành lạc lõng, hiếm hoi và bị uy hiếp, còn đại đa số quần chúng trở thành những kẻ dối trá vì sợ hãi, vì hèn nhát; một chế độ mà trong đó lũ ăn cướp xu hào nhặt cơm rơi của bọn tướng cướp cỡ bự, bọn nửa người nửa ngợm bán đất, bán biển của tổ tiên, tài sản non sông để làm đầy túi tham. Nói gọn lại, đám cướp lớn ngồi trong triều dùng đám móc túi bảo vệ ngai vàng của chúng. Cứ đọc trên các sít internet là thấy rõ được tài sản của lũ cướp này lớn đến đâu. Bây giờ, trở lại câu hỏi chính: Liệu con bài Khổng Khâu có cứu vãn được lũ cướp ngày cộng sản được hay chăng?

Có thể, nếu như bóng tối của sự ngu dốt và óc nô lệ còm trùm lên toàn cõi đất hình chữ S, nếu những kẻ biện hộ cho lũ cầm quyền chiếm đại đa số dân chúng. Nhưng giả định này không tồn tại.

Vì sao?

Vì thời gian đã thực thi quyền năng nhiệm mầu của nó: Đổi thay!

Một dân tộc dù bị dìm trong bóng tối của chủ nghĩa ngu dân lâu đến đâu cũng có lúc mở mắt ra nhìn đời giống như kẻ sống lâu trong hang tối rồi cũng có lúc phải bước ra cửa hang để nhìn ánh sáng. Một dân tộc bị đàn áp, kìm nén lâu đến đâu cũng có lúc vùng lên để tìm lấy tự do. Đó là nhu cầu tự thân của sự sinh tồn. Điều này có thể thấy nhiều lần trong lịch sử, trên các lục địa và các dân tộc khác nhau. Quá trình tiến hóa (Evolution) là dòng chảy không sức mạnh nào ngăn cản được. Năm 1895, năm quân Pháp dùng tên tay sai Nguyễn Thân mà giết được Phan đình Phùng, được coi như tiêu điểm để ấn định sự cai trị của thực dân Pháp trên toàn cõi Việt nam. Năm ấy, người dân đa phần đóng khố, kẻ khá giả mới có vài cái quần áo nhuộm nâu, chỉ riêng lớp quan lại được phép mặc áo lụa, áo gấm với các thứ mầu do vua quy định. Năm ấy, gần như trăm phần trăm dân mù chữ, trừ một số ít các nhà nho biết chữ Tầu. Một xã hội chưa biết tới xà-phòng và thuốc đánh răng. Giờ đây, vào lúc tôi viết những dòng này, 01-07-2015, dù Việt nam đứng vào số các quốc gia nghèo nhất hành tinh, người cùng đinh cũng có thể xem truyền hình nhờ hàng xóm. Các tụ điểm, các phương tiện giao lưu giúp họ tiếp xúc với các thành phần xã hội khác, họ có thể nhìn một phần hình ảnh thế giới để mà so sánh và thấm thía thân phận hẩm hiu của mình. Nhưng điều đặc biệt quan trọng là giờ đây, lớp tinh hoa xã hội không còn là các nhà nho, những kẻ sùng bái ông thánh Khổng, những kẻ đội trên đầu tờ giấy in thứ chữ vuông như hòm. Trong óc đám nhà nho, chân trời tư tưởng được giới hạn bởi Tam cương, Ngũ thường... và chân trời văn hóa chỉ trải đến Hồng lâu mộng, Hán Sở tranh hùng, Tam quốc chí, Thủy hử cùng một số thơ văn Trung hoa khác. Lớp văn nô ấy đã chết. Người đầu tiên có công vượt rào trèo tường, bứt khỏi nhà tù văn hóa nô lệ phải kể đến Phan chu Trinh, dẫu ông không biết tiếng Pháp hay tiếng Anh. Phan chu Trinh là người đầu tiên ý thức một các sâu sắc về thân phận NGU và HÈN của các nhà nho Việt nam, lớp người tự kết liễu bằng cuộc khởi nghĩa Cần vương trước khi bị lịch sử dìm vào bóng tối. Giờ đây, người có chữ học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức rồi mới đến tiếng Hán. Thử điều tra xem trong số các du sinh, bao nhiêu phần trăm ở các nước phương Tây và bao nhiêu phần trăm tìm về Bắc kinh? Hiện thực này là minh chứng hiển nhiên cho Sự tiến hóa. Người Việt nam, từ mấy ngàn năm nay ru rú sau lũy tre làng, đã làm cuộc vượt biển ra đi, tìm đến những chân trời mới, cho dù muôn vàn cay đắng và nhiều khi chứa chan nước mắt tủi nhục, người dân Việt cũng đã làm được một sự đổi thay: Họ dám và muốn từ bỏ nơi chôn ra cắt rốn để tìm cuộc sống mới. Như thế, mặt tiêu cực của truyền thống đã bị bẻ gẫy. Và đó, chính là dấu hiệu sự tiến triển. Tuy nhiên, vì nhà cầm quyền Hà nội đang xúc tiến cuộc xây lăng Khổng tử, tôi đành tiêu phí một chút thời gian với bóng ma họ Khổng, bởi Khổng Khâu là bóng ma âm u nhất ngự trị trong tâm thức người Việt nhiều thế kỉ, và giờ đây nó hãy còn liên quan tới nước Việt, cuộc sinh tồn của người Việt.

Cách đây vài năm, dưới bút hiệu Sơn diệu Mai, tôi đã từng phân tích tư cách họ Khổng trong hai bài báo: 

1- Bàn về những lá cờ và bóng ma phía sau chúng: Đồng tác giả với ông Khương công Uẩn.

2- Lại bàn về chữ Hiếu.

Lần này, tôi tiếp tục phân tích hai chữ: Trung và Hiếu, là hai phẩm chất cốt lõi thường được rao giảng rằng: do thánh Khổng chỉ bảo dân man di (Việt nam). Giữa hai phẩm chất trên, người ta thiết tha nhiều đến chữ Hiếu nên tôi bàn về chữ Hiếu trước hết. 

Khổng Khâu là một người bình thường trước khi được lớp nhà nho tôn lên là Thánh.

Là người, ắt ông ta phải chui ra từ cái cửa sinh, nói nôm na, cái âm hộ của một người đàn bà, người mà ông ta gọi là mẹ, cha ông ta gọi là vợ. Cha ông ta không giao hợp với một hốc cây phủ rêu để đẻ ra Khổng Khâu, sinh mạng của ông ta hình thành trong tử cung của mẹ, được nuôi dưỡng nhờ máu huyết của bà, rồi đến khi ra đời lại nhờ sữa của bà mà lớn lên. Nói theo di truyền học, 50 phần trăm tế bào của Khổng Khâu thuộc về người cha và nửa kia thuộc về mẹ. Thế nên, nếu đúng theo chữ Hiếu ông ta phải tôn trọng cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, khi trưởng thành, Khổng Khâu đã tuyên bố xanh rờn: “Phụ nhân nan hóa”, “Đàn bà là giống khó dạy”. Người ta dùng chữ dạy để chỉ quá trình giáo dục một đứa bé, hoặc thuần hóa một con chó, một con ngựa. Từ dạy ở đây có thể bao hàm hai nghĩa: Apprendre hoặc Enseigner - Và, Apprivoiser. Bởi mẹ Khổng Khâu không thuộc giống trung nên đương nhiên bà ta cũng là đàn bà và thuộc về cái giống Khó dạy mà ông con yêu quý đã hoạch định. Xếp mẹ xuống hàng con trẻ hoặc thú vật, Khổng Khâu chính là đứa con bất hiếu đầu tiên trên cõi đất, kẻ nghịch tử, quân ăn cháo đái bát đầu tiên cần điểm mặt chỉ tên. 

Không phải đến bây giờ, ta mới nhận thấy điều trớ trêu này. Từ lâu lắm rồi, đã có người vạch ra tính giả dối của Khổng Khâu. Hãy đọc lại cuốn “Trung hoa trong tấm gương soi” La Chine dans un miroir của Claude Roy (Edition Clairefontaine Lausanne), trang 92, đoạn cuối của chuyện kể dân gian như sau: 

“Lão nông hỏi Khổng tử:

- Ông dạy mọi người rằng không được rời cha mẹ già, nhưng suốt đời ông, ông chỉ lang thang từ quốc vương này sang quốc vương kia. Ông giải thích điều đó ra sao?

Khổng tử ngậm mồm, không nói được một lời.”

Một kẻ như vậy mà hàng nghìn năm trước được tôn lên là Thánh, sự thật này nói lên hai điều: Một là, óc con người vốn bị trộn khá nhiều bã đậu, và chất nô lệ bẩm sinh trong họ cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể trong cấu trúc tinh thần. Hai là, Khổng Khâu đã được đám vua chúa sử dụng một cách hữu hiệu, chính xác như Trang tử từng nói: “Thánh thần là những dụng cụ mà đám vua chúa dùng để khuất phục con người.” Ông ta sắm vai tuyệt hảo trong sứ mệnh con chó gác cửa cung đình, thứ nghề học được từ đám chó của phường thợ săn.

Trong thực tế, để bàn về chữ Hiếu, chính Tử Lộ, người học trò lớn tuổi nhất của Khổng tử mới là kẻ có tư cách. Cho hay, trong cõi đời, nhiều khi ngọc thật phải chìm trong bùn để hàng trang kim được bầy trong tủ kính. 

Bây giờ, ta bàn về chữ Trung.

Chữ Trung là phẩm chất tối thượng mà kẻ cầm quyền nào cũng muốn áp đặt lên đầu dân chúng, các triều đình phong kiến xưa đã vậy, mà đám cộng sản đánh đổ phong kiến để đưa ông thánh Mác râu dài lên bệ thờ giờ đây cũng muốn phục hồi để củng cố quyền cai trị của họ. Chữ Trung, là chữ đầu tiên trong Tam cương của Khổng Khâu: Vua-tôi, Cha-con, Chồng-vợ. Chữ Trung, cũng là đề tài khiến ông giáo họ Khổng tốn nhiều nước bọt nhất. Nhưng ngay thời đó, đã có người vặn:

“Nếu vua không ra vua thì xử thế nào?”

Khổng tử ngậm mỏ, không trả lời được, hệt như đoạn đối thoại với lão nông ở trên.

Thời ông ta, đã đầy bằng chứng về bọn hôn quân. Có vua chỉ thích chơi hạc, coi sinh mạng dân chúng không bằng vẻ đẹp của lông cánh chim hạc, phong hầu, phong tước cho chim hạc và những kẻ coi sóc bầy chim hạc. Có vua tìm thú vui bằng cách đứng trên thành bắn xuống, thấy dân trúng tên vào mắt ôm mắt kêu rống lên hoặc dân trúng tên vào chân bị què thì cất tiếng cười vang. Lại có vua chỉ thích những người có thân hình thon nhỏ, liền hạ lệnh chém ngang lưng tất thảy số dân to béo... Tóm lại, dân chúng đối với bọn hôn quân chỉ là đám súc vật bị hành hạ theo sở thích oái oăm của họ. Vậy mà Khổng Khâu đặt ra luật Tam cương, buộc dân chúng phải trung thành với vua, bất kể nhân cách kẻ cầm quyền, tức là áp đặt một chiều quyền lực lên đầu kẻ bị trị. Lý thuyết của Khổng là nền tảng cho chế độ quân chủ, và là thứ độc dược tiêu diệt một cách hữu hiệu mọi ý tưởng liên quan đến sự công bằng.

Trở lại với chữ Hiếu, tôi xin lưu ý độc giả rằng trong Tam cương chỉ được nhắc đến Phụ tử, mà không có Mẫu tử, đã bộc lộ rất rõ sự khinh bỉ người đàn bà trong lý thuyết Khổng Khâu. Nhưng xứ sở chúng ta, nơi đã sản sinh ra những nữ anh hùng như Trưng vương, Triệu Ẩu, Bùi thị Xuân... hoàn toàn mang một tâm thức khác, người mẹ và người vợ là những thành phần cốt lõi tham gia vào tất thảy những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, không chỉ ở hậu phương mà còn ở tiền tuyến, văn hóa gốc của người Việt khác với văn hóa của lũ đàn ông chửi mẹ là “ Phụ nhân nan hóa” và lũ đàn bà bó chân. 

Bây giờ, chúng ta đặt câu hỏi với bóng ma họ Khổng rằng:

“Nếu cha không ra cha thì làm thế nào?”

Liệu ông ta có câm miệng hay không? Điều này, tôi đã từng phân tích trong bài: “Lại bàn về chữ Hiếu”; nay chỉ xin nhắc là hơn hai nghìn năm đã qua, lối biện minh theo kiểu Khổng Khâu đã trở thành ngớ ngẩn, nếu chẳng phải một thứ trò hề. Con người khắp hành tinh đã có khái niệm về pháp trị, ngay cả ở các xứ mà luật pháp đang bị dẫm đạp như ở Việt nam. Ngày nay, với các phương tiện truyền thông, người ta có thể biết được mọi thứ chuyện đang xẩy ra trên trái đất. Từ các vụ khủng bố ở Trung đông đến các vụ án mạng vì tình ở khắp xó xỉnh. Cứ điểm qua một lượt thì thấy rằng trên hành tinh này vô số kẻ không đáng làm cha, làm mẹ. Họ thực hiện hành vi tính dục rồi cho ra đời những đứa trẻ nhưng không có tư cách nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng. Một kẻ làm cha không thể dạy con khi chính ông ta mất dạy: Thời xưa, Sở bình vương có thể coi là ví dụ. Thời nay, hãy nhớ lại các trang sách đen về thân phận người phụ nữ. Các cuộc điều tra trên đám đàn bà sống bằng nghề làm điếm cho biết rằng trên hai phần ba trong số họ thời niên thiếu đã bị chính cha đẻ cưỡng dâm. Mới đây, ở Pháp, tờ Le nouveau détective số 1709, ra ngày 17 tháng 6 năm 2015 đăng tin cô Jessica, 17 tuổi đã tự tử trên đường sắt Paris- Beauvais. Cô để lại lá thư, giải thích nguyên do hành vi tuyệt vọng này là từ năm bảy tuổi, cô liên tục bị cha cưỡng dâm vào ngày thứ tư, buổi chiều. Trong một bài báo cách đây hai năm, ta đối mặt với một sự thật khác. Dưới nhan đề: “ Kẻ nghiện ma túy trẻ nhất hành tinh” tác giả thuật lại: một người đàn bà tên Sally Dent, 33 tuổi và chồng của bà ta, Shaun Binfiel, đều là dân nghiện. Họ có một đứa con nhỏ, Riley. Để được ngủ yên hoặc rảnh rỗi với các nhu cầu của họ, Sally Dent đã cho con uống méthadonne. Đứa bé chết khi vừa tròn hai tuổi. Mổ xác, bác sĩ thấy ngoài méthadonne, các cơ quan của đứa bé còn đầy dấu vết của cocain và héroin. Đứa bé đã trở thành kẻ nghiện ma túy do chính mẹ đẻ của nó. (Le nouveau détective. Số 1587, ra ngày 13- 2- 2013). Rõ ràng là có những đứa trẻ ra đời dưới những mái nhà mà kẻ làm mẹ làm cha bất thành nhân. Vì thế, tại các xã hội văn minh, chính phủ phải đặt ra các biện pháp và chịu phí tổn để nuôi dưỡng lũ trẻ bất hạnh. Những trường hợp nêu trên báo là các điển hình, nhưng trong cõi đời thường, ta bắt gặp không ít những kẻ làm cha làm mẹ vô trách nhiệm, hoặc tư cách hèn hạ, khi lòng dục đã thỏa, họ không còn muốn cõng trên lưng một gánh nặng, kết quả những giây phút điên rồ của xác thịt, họ muốn phủi tay cho sạch để đi tìm khoái lạc ở nơi khác. Tôi chắc hiện trạng này đã có từ thời xưa. Luật Khổng tử ra đời là để biện minh cho Vua và cho Cha, nó không xét đến thân phận kẻ làm Dân và làm Con. Sự bất công được tô điểm dưới tấm giấy trang kim có tên đạo đức. Điều này, không lọt qua mắt những bộ óc sáng suốt cùng thời, vì lẽ đó, học trò Lão tử đã mượn lời Lão tử để mắng Khổng tử như sau:

“Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng vàng bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi không phải người giàu, mạn phép tự coi là người nhân mà tiễn ông bằng lời này: Kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống vì ham phê bình người, kẻ giỏi biện luận biết nhiều thì nguy đến thân vì hay nêu cái xấu của người khác. Kẻ làm con và kẻ làm tôi đều không có cách gì để giữ mình cả.”

Những lời mỉa mai này tố cáo hai điều: 

Một là, Tam cương của Khổng tử giống như chiếc mũ sắt chụp lên đầu kẻ làm Con và kẻ làm Dân, không cho họ quyền khả kháng.

Hai là: Thói đạo đức giả của Khổng tử chỉ bịp được đám đông mù quáng chứ không che được mắt người khôn. Nếu như chữ Hiếu của Khổng Khâu chẳng lừa nổi lão nông thì hành vi bất trung của Khổng Khâu cũng đã phơi bầy dưới ánh sáng: Dạy người khác phải trung với vua nhưng Khổng Khâu hai lần định theo Công tôn Phất Nhiễu, kẻ phản loạn ở nước Lỗ, và Bật Hật, kẻ phản loạn ở nước Sở. Cả hai lần, chỉ vì Tử Lộ lớn tiếng can ngăn, nên ông ta xấu hổ phải từ bỏ ý định ấy đi. Nói một cách chính xác: Lý tưởng duy nhất của Khổng Khâu là quyền lợi: chức tước và bổng lộc kèm theo chức tước đó. Tham vọng duy nhất của ông ta là Làm quan. Nhưng trời phú cho ông ta tài Quỷ biện. Kẻ Quỷ biện mà thành công đến thế, lừa được nhiều người đến thế, trên hành tinh này ông ta đứng đầu bảng.

Bây giờ, tôi đề cập đến một vấn đề khác: Sự sắp xếp thứ bậc trong Tam cương:

Giữa hai luật đạo đức: Trung với vua, Hiếu với cha, Khổng tử đặt chữ Trung lên trên, có nghĩa rằng một khi xảy ra mâu thuẫn giữa hai đạo luật ấy, con người buộc phải hy sinh chữ Hiếu để bảo tồn chữ Trung. Đám nho sĩ cuồng tín và mù lòa mấy ngàn năm nay vẫn cúi đầu chắp tay vái thứ trật tự đã được “ ông thánh Khổng” sắp đặt. Tuy nhiên, ngay từ thời Đông Chu liệt quốc, cách đây cũng mấy ngàn năm, đã có người đảo ngược trật tự ấy: Ngũ tử Tư.

Truyện như sau: Sở bình Vương cưới vợ cho con là thái tử Kiến. Nàng dâu tương lai là công chúa nước Tần, em vua Tần ai Công. Khi đón dâu, thấy nàng Mạnh Doanh nhan sắc khuynh thành, ông ta liền chiếm lấy và đánh tráo Mạnh Doanh bằng một nữ tì gọi là Tề nữ. Sau đó, vua ngầm sai người đi giết thái tử. Ngũ Xa, một viên tướng dày công hãn mã can ngăn, liền bị ông ta bắt giam. Sợ hậu họa, vua buộc Ngũ Xa viết thư triệu hai con là Ngũ Thượng và Ngũ Viên tức Ngũ tử tư về triều để giết cả ba. Nhận được thư, Ngũ Thượng chấp nhận về triều để chết cùng cha, còn Ngũ tử Tư lên đường tìm cách rửa hận. Khi chia tay, người anh nói với em thế này:

“Tài năng của anh không bằng em. Vậy thì anh lấy việc theo cha làm hiếu. Còn em lấy việc báo thù làm hiếu. Mỗi người mỗi con đường, chắc chúng ta không thể nào nhìn thấy mặt nhau được nữa.”

Trong bộ Đông Chu liệt quốc, chuyện đời Ngũ tử Tư là một trong số những chuyện gây ấn tượng nhất, và cũng khiến thiên hạ tốn mực tốn giấy để bình phẩm, bàn cãi. Đám hủ nho lên án Ngũ tử Tư, vì họ coi trật tự Trung- Hiếu được Khổng tử sắp đặt là vĩnh định, là bất khả xâm phạm. Những người phóng khoáng hơn, thì tôn ông là bậc anh hùng. Chúng ta, chí ít cũng đã biết các xã hội dân chủ và có khát vọng tự do, chúng ta không sống trong thế giới của Ngô Kính Tử. Chúng ta thấy gì? Một kẻ làm cha như Sở bình Vương, chỉ đáng xếp vào hàng cầm thú, vậy mà lũ nho gia vẫn có thể viện Khổng tử ra để biện hộ, điều đó chứng tỏ sự ngu dốt của con người là vô giới hạn. Hành động của Ngũ tử Tư không đơn thuần là hành vi hiếu nghĩa, nó còn là sự khẳng định giá trị tinh thần: Về mặt đạo đức, Ngũ Xa là bậc trượng phu, còn Sở bình vương là con lợn ngập ngụa trong đống bùn đồi trụy. Giết một con lợn để minh oan cho một người tử tế còn đáng làm hơn giết Kiệt, Trụ mà Mạnh tử gọi là: Giết kẻ Kiệt, Trụ chứ không giết vua. Nếu Ngũ tử Tư chỉ là người tuân theo luật Phụ tử một cách thông thường, ắt khi đọc thư cha, ông đã về triều đình nộp mạng. Như vậy là con ngoan, theo cách đánh giá thời xưa. Với chúng ta giờ đây, ngoan ngoãn kiểu ấy là ngoan ngoãn của ấu nhi, cho dù đứa con ấy đã ngũ tuần, tóc bạc. Người trưởng thành khác trẻ con ở khả năng suy nghĩ và quyết định. Con người khác súc vật ở khả năng phản ứng khi đương đầu với các nghịch cảnh. Lối tòng phục theo quán tính chỉ dành cho đám súc vật bốn chân, đám ngựa thồ hay trâu kéo. Ngũ tử Tư đã hành động như một người tự do, và theo tôi, đó là người anh hùng, nhà cách mạng sáng giá nhất thời Đông Chu Liệt quốc.

Xin trở lại với các nhà nho xứ Việt, mà gọi theo ngôn ngữ của chính Khổng Khâu: bọn Nam di. Cứ cho là họ bị giam cầm trong bóng tối của ngu dốt, bởi họ chỉ khư khư ôm lấy cái tráp đựng chữ Tàu, ru rú sau lũy tre làng, và cái thực tế buồn thảm đó có thể giải thích hiện trạng tồi tệ của xứ sở. Tuy nhiên, sau khi mất nước, đã có Phan chu Trinh, Phan bội Châu là những người tiên phong trong công cuộc tìm đường mới cho dân tộc. Nói cách khác, các nhà nho cuối vụ đã thấm thía chất độc của nền văn minh Khổng Khâu và muốn thoát khỏi cái nhà tù văn hóa ấy. Rõ hơn cả, vào những năm 40 thế kỉ trước, ông Trần trọng Kim đã từng viết về Trung hoa như sau:

“Chinoiserie, thật có sang ở bên Tàu mới hiểu rõ nghĩa cái tiếng chế nhạo ấy.

Xưa ta học đạo Nho, ta tưởng nước Tàu là nước gốc đạo ấy, tất là người Tàu dù sao cũng còn giữ được cái căn bản nhân nghĩa, lễ trí, ngờ đâu cái nền học cũ ấy đã tiêu diệt mất hết cả, chỉ thấy rặt những sự đa trí xảo lừa dối. Nhất là những nơi thành thị lớn gần miền bể, người ta đắm đuối vào cuộc sống vật chất hèn kém, không thấy gì là lễ nghĩa liêm sỉ cả. Các công chức thì bất cứ việc gì cũng có mánh khóe để ăn hối lộ và những thanh niên phần nhiều xem ra rất xa hoa phù phiếm, và hầu hết muốn bắt chước sự hành động, cử chỉ của người Âu, người Mỹ. Nhưng hình như chỉ có cái vẻ Âu Mỹ bề ngoài, kì thực thì Âu Mỹ chẳng phải Âu Mỹ mà Tàu thì thật chẳng ra Tàu như ta vẫn tưởng tượng”.

(Trang 156 - Một cơn gió bụi)

Chớ nên quên rằng ông Trần trọng Kim là lệ thần của triều Nguyễn, người đã từng mê đắm nền văn hóa Trung hoa đến mức lấy quẻ Ly trong bát quái để làm nên lá cờ vàng (quốc gia). Vậy mà khi đối mặt với Mẫu quốc, ông đã phải hạ bút viết những dòng trên. 

Mộng và Vỡ mộng.

Ông Kim là người thành thực. 

Từ đó đến nay thời gian đã trôi qua. Bảy thập kỉ. Ba phần tư thế kỉ. Vậy mà giờ đây vẫn có lũ Hủ nho khác không mặc áo the, đội khăn lượt nhưng cố tình chúi mũi Ngửi rắm Tàu. Lần này, không phải vì họ ngu dốt hay ảo tưởng mà vì Lý tưởng cộng sản chung với Thiên triều bóp nặn con tim và quay đảo khối óc họ. 

Đấu tranh này là trận cuối cùng
Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình!... 

Khổng Khâu, núp dưới lớp vỏ mĩ miều - ngôn từ của bậc đại sư, nhưng mục tiêu tột cùng chỉ là Làm quan và Kiếm lộc. Cộng sản Việt nam, những kẻ giương cao lá cờ Giải phóng dân tộc ở đầu đường và phản bội dân tộc ở cuối đường để “bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”. Cả ông thánh lẫn kẻ bị thánh ốp đều tinh xảo trong nghề: Treo đầu dê bán thịt chó. Thử hỏi: Nếu không có sự hy sinh vô bờ bến của một dân tộc có truyền thống yêu nước như dân ta, làm sao họ dựng nổi cơ đồ? Lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân để xây dựng sự nghiệp rồi phản bội dân tộc một cách trắng trợn để bảo toàn quyền lợi của riêng mình, người cộng sản đã tự lột mặt nạ trước lịch sử. Năm 2010, họ lấy ngày quốc khánh Trung quốc 1-10 để làm ngày lễ hội Ngàn năm Thăng long. Giờ đây, họ xúc tiến xây lăng Khổng tử, khi mà đám con cháu họ Khổng đã ngang nhiên đặt dàn khoan dầu trên lãnh hải Việt nam, chiếm quần đảo Gạc ma, công nhiên xây dựng một hệ thống tiền đồn quân sự và công nghiệp, chuẩn bị cuộc xâm lược quy mô. Hành vi của họ minh chứng sự gắn kết và sự thần phục đối với Bắc phương. Nhà cầm quyền cộng sản quên rằng năm 939, Ngô Quyền lên ngôi sau khi giết tên phản bội Kiều công Tiễn và đại thắng quân Nam Hán. Kể từ năm ấy, người dân Việt không bao giờ còn muốn quay lại cảnh Ngàn năm Bắc thuộc. Bất cứ kẻ nào đi ngược lại ý chí đó đều phải chết. 

Trước đây 70 năm, chủ tịch Hồ chí Minh đã xào nấu lại lời lẽ của họ Khổng một cách hữu ý để có Công thức sau: Trung với Đảng, Hiếu với Dân. Tuy nhiên, ông đã vô tình mà quên rằng Công thức ấy đã từng bị đảo ngược từ hơn hai ngàn năm trước, và nó có thể đảo ngược bất cứ lúc nào xuất hiện tư tưởng Ngũ tử Tư: Khi con người bị đặt trong hoàn cảnh: Vì Cha thì phải giết Vua.

Người Việt nam bây giờ đang ở trong tâm thế ấy: Muốn tròn chữ Hiếu với Dân tộc, họ phải giết Đảng cộng sản, bởi Đảng đã trở thành lũ bán nước, lũ phản bội Tổ quốc. Cho nên, nhà cầm quyền Hà nội xây lăng Khổng tử chính là tự xây trước nấm mồ cho họ, điềm tiên triệu cho sự kết thúc của chế độ này.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo