Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm lược: Viết lời phê trên diễn đàn cho một bài đăng trên một trang blogs đóng góp trong việc gia tăng giá trị của bài, tạo dịp cho độc giả trình bày ý kiến, trao đổi quan điểm, học hỏi lẫn nhau, và đem lại tinh thần thân thiết cho độc giả. Disqus là một công ty cung cấp dịch vụ viết lời phê cho trang mạng DLB. Độc giả nên ghi danh cho trương mục viết lời phê và quen thuộc với những dụng cụ trong việc viết và đọc lời phê. Đặc biệt, các HyperText Markup Language (Ngôn ngữ Đánh Dấu Siêu Văn Bản) (HTML) tags giúp cho việc trình bày lời phê gọn gàng, đẹp đẽ, và làm nổi bật ý tưởng, như in đậm, nghiêng, gạch dưới, trích dẫn dài. Độc gỉả nên tận dụng các điểm đặc trưng này để có trải nghiệm thú vị và tăng cường sự hữu ích, tiện lợi, và thưởng thức trong việc đọc và viết lời phê.
***
Hầu hết các trang mạng hoặc blogs cá nhân và tổ chức như trang blog Dân Làm Báo (DLB) đều có phần phê bình (comments) như là một diễ́n đàn thảo luận về đề tài của bài có chủ đề (gọi là "bài chủ") đang đăng. Viết lời phê bình (comment) hoặc tham gia thảo luận trên diễn đàn cho một bài chủ, còn được gọi "còm" (cho "comment"), là thể thức người đọc bài bày tỏ quan điểm mình về vấn đề trong bài, hoặc về một lời phê, hoặc về một khía cạnh liên hệ đến bài hoặc các lời phê khác, hoặc nhiều khi chỉ là dịp để hỏi thăm hoặc nói chuyện với các người viết lời phê, còn được gọi là "còm sĩ" (cho "commenter"), khác.
Trong bài này, tôi sẽ thảo luận các khía cạnh của việc viết lời phê và hệ thống Disqus dùng cho viết lời phê trên trang mạng Dân Làm Báo (DLB). Bài này chỉ thảo luận việc viết lời phê trên trang mạng DLB và việc dùng Disqus trên DLB hiện nay. Disqus hoặc DLB có thể thay đổi các sắp đặt, dàn dựng, cấu hình, hoặc đặc tính của các sự thực hiện trong tương lai. Tôi nhấn mạnh là bài này hoàn toàn phản ảnh ý kiến cá nhân của tôi. Trang mạng DLB không nhất thiết đồng ý với tất cả những gì tôi viết. Hơn nữa, cho dù DLB đồng ý một số ý kiến, DLB vẫn có quyền thay đổi và cập nhật chính sách hoặc quy luật trong tương lai.
Sau đây là từ ngữ tiếng Việt dùng cho tiếng Anh:
account = trương mục, tài khoản. Tôi nghĩ "trương mục" chính xác hơn "tài khoản" vì tài khoản thường dùng cho trương mục tài chánh như trong ngân hàng.
comment = (danh từ) lời phê hoặc "còm"; (động từ) viết lời phê hoặc "viết còm."
commenter = người viết lời phê hoặc "còm sĩ."
e-mail address = địa chỉ e-mail.
file = hồ sơ, tập tin, dữ liệu.
forum = diễn đàn.
guest = khách. Comment as a guest = viết lời phê, hoặc viết còm, khách.
log in/lon on = đăng nhập.
moderator = người kiểm tra, điều hành viên.
profile = tiểu sử sơ lược.
register = ghi danh, đăng ký. Registered account = trương mục đăng ký.
tag = mẩu, thẻ. Chữ "tag" thường được dịch là "thẻ" nhưng tôi nghĩ chữ "thẻ" không chính xác. Trong bài này, tôi sẽ dùng tiếng Anh "tag" vì chưa có tiếng Việt chính xác tương ứng.
A. Vai trò viết lời phê trên trang mạng Dân Làm Báo:
Một trong những đóng góp quan trọng là viết lời phê trên diễn đàn. Độc giả của DLB trải khắp thế giới với phần lớn từ Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo thống kê gần đây của Flag Counter, từ trước đến giờ số người viếng thăm trang DLB đến từ 212 quốc gia trên thế giới. Trong số đó, khoảng 50% đến từ Việt Nam, 31% đến từ Hoa Kỳ, 3.6% đến từ Úc, 3.5% đến từ Gia Nã Đại, 2.9% đến từ Đức, và 1.6% đến từ Pháp (Flag Counter 2015). Vì độc giả DLB đến từ khắp nơi trên thế giới, có những cuộc sống, quan điểm, văn hóa, giáo dục khác nhau, những lời phê của họ có tính chất đa dạng, và đôi khi tạo nên các vấn đề trong lúc thảo luận hoặc tranh cãi. Tuy nhiên, phần lớn độc giả DLB không viết lời phê, và thường chỉ đọc các bài viết và theo dõi các lời phê mà không tham gia vào diễn đàn. Để thảo luận vấn đề này, ta hãy tìm hiểu những điểm có lợi và bất lợi của việc viết lời phê.
1. Các điểm có lợi và bất lợi của việc viết lời phê:
Các điểm lợi và bất lợi của viết lời phê:
Có lợi: Viết lời phê có những điểm lợi sau. Những điểm này không nhất thiết áp dụng hết tất cả cho mọi người.
a) Có tiếng nói trên diễn đàn. Trang mạng DLB nhắm vào cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ. Với mục tiêu đó, độc giả các nơi nên ít nhất thực hành tinh thần tự do dân chủ. Hành động căn bản nhấ́t cho việc này là viết lời phê một cách tự do, không sợ sệt và không theo một quy trình ấn định bởi ai miễn là duy trì mức lịch sự và nhã nhặn tối thiểu, và không vi phạm nội quy. Đối với độc giả tại Việt Nam, việc này còn có ý nghĩa nhiều hơn hết.
b) Giúp bài chủ thêm phần phong phú và giúp độc giả học hỏi thêm và gia tăng sự hiểu biết về bài chủ. Người đọc sẽ gia tăng hiểu biết về bài chủ khi có những lời phê giải thích, đặt câu hỏi, hoặc đề cập đến những khía cạnh liên hệ. Người viết lời phê có dịp bày tỏ quan điểm và trao đổi ý kiến với các người khác. Khi có những quan điểm trái chiều, thí dụ còm của những người phục vụ chế độ cộng sản (thường được gọi là Dư Luận Viên, DLV) và còm của những người chống cộng, các lời còm tranh cãi qua lại giúp độc gỉả, nhất là những người ở Việt Nam thường bị nhồi sọ hoặc tuyên truyền sai lạc, có dịp so sánh và hiểu rõ vấn đề. Tuy nhiên, những cuộc tranh luận đứng đắn này thường không xảy ra vì hầu hết các DLV không có khả năng hoặc ý chí tranh luận mà chỉ cắt dán (cut/copy and paste) từ một nguồn được cấp trên chấp thuận. Còm của những DLV thường bị xóa vì đa số là những cắt dán tuyên truyền nên được coi là "spam." Khi các còm này bị xóa, có thể các còm phản hồi của các còm sĩ bị xoá theo, tạo nên bất mãn cho các còm sĩ phản hồi. Ngoài ra, cho dù không bị xóa, các còm này phản hồi cho một còm không hiện hữu nên tạo ra tình trạng khó hiểu cho độc giả sau đó. Để tránh tình trạng này, các còm sĩ phản hồi nên lập lại các phần chính trong còm mình phản hồi và tên của người mình phản hồi, để còm mình có tính chất độc lập để đề phòng trường hợp còm mình phản hồi bị xóa.
c) Cho tác giả bài chủ biết ý kiến bạn đọc để tác giả có dịp giải thích, sửa chữa, hoặc cải thiện trong bài sau. Lời phê tích cực, tốt đẹp sẽ khích lệ tác giả và cho độc giả có dịp bày tỏ sự biết ơn, kính trọng, hoặc mến mộ tác giả, như một phần thưởng tinh thần. Lời phê tiêu cực, chê bai, giúp tác giả ý thức những sai lầm, rút tỉa kinh nghiệm cho những bài sau, hoặc cho tác giả có dịp phát biểu ý kiến phản hồi. và giúp làm sáng tỏ ý. Tất cả tác gỉả viết bài cho trang mạng DLB đều không nhận nhuận bút hoặc bất cứ bồi hoàn gì từ DLB. Đa số làm với tinh thần tự nguyện và niềm tha thiết nhiệt tình đóng góp vào cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. Do đó, những lời phê về bài viết, cho dù khen hay chê, đều có ý nghĩa, và giúp tác giả học hỏi thêm và rút kinh nghiệm, và cũng là một cách cho độc giả bày tỏ cảm nghĩ trực tiếp với tác giả.
d) Tạo không khí lành mạnh, linh động, thân thiện (khi không có những lời thô tục, chửi bới lẫn nhau). Trong thế giới ảo, các bài viết sẽ rất buồn tẻ nếu có ít lời phê. Sự hiện diện của nhiều người, tuy dưới hình thức tên ảo hay nick, khiến bài viết trở nên sống động và hoạt náo, giúp cho sự tăng trưởng khí thế và nhiệt tình.
e) Tạo không khí vui tươi thoải mái khi có những còm dí dỏm, khôi hài, có hoặc không có những hình ảnh, hoạt ảnh, hoặc video clips. Ngoài ra, các còm sĩ có thể hỏi thăm lẫn nhau, trao đổi những câu chuyện riêng tư, cá nhân. Những lời còm này đem lại sự thân mật, tương thân tương ái trong độc giả, và giúp giảm bớt căng thẳng (xả stress) trong cuộc sống hoặc khi đọc các bài dễ gây buồn bực hoặc khi có những cãi cọ sôi nổi. Tuy nhiên, khi có quá nhiều còm "xả stress" này, diễn đàn trở nên hỗn loạn vì các lời còm được xếp đặt lẫn lộn, còm sĩ không nhất thiết trả lời hoặc trả lời chậm, và làm các lời còm nghiêm trang bị che mờ, khó tìm đọc. Do đó, khi quá đáng, điểm này cũng có thể là một điểm bất lợi. Tôi đã trình bày ý kiến tôi trong các còm rải rác trong các bài chủ trước đây và sẽ không lập lại. Một cách tổng quát, ta nên biết dung hòa và kết hợp không khí tự do, đùa giỡn, hài hước, thăm hỏi nhau với sự trang nghiêm, đứng đắn, và tôn trọng nhau. Theo tôi, đó là tinh thần tự do dân chủ trong một xã hội văn minh mà DLB đang cố thực hiện trên trang mạng.
f) Phát huy tinh thần đồng đội, bằng hữu giữa những người cùng chiến tuyến. Có những hợp tác hoặc khuyến khích lẫn nhau giúp cho gia tăng tinh thần và năng suất làm việc. Độc giả nhiều khi có dịp viết lời đề nghị một tác giả viết về một đề tài nào đó.
g) Giúp người viết lời phê trau giồi khả năng viết, lý luận, tìm tòi, đọc, hiểu ý người khác, và biết tự chủ, bình tĩnh khi có tranh cãi sôi bỏng.
h) Gia tăng lưu thông trên mạng, và do đó có thể tăng giá trị của trang mạng DLB với các công ty có quảng cáo trên trang DLB.
Bất lợi: Viết lời phê có những điểm bất lợi sau. Những điểm này không nhất thiết áp dụng hết tất cả cho mọi người.
a) Khi đăng lời phê, dù là khách hay với trương mục đăng ký, địa chỉ IP của bạn sẽ được moderator DLB biết. Với nhiều người, đây có thể là vấn đề quan trọng nhất, vì họ lo cho vấn đề an ninh của họ. Tuy nhiên, có một số lý do bác bỏ mối lo âu này. Trước hết, có nhiều cách bạn có thể giấu địa chỉ IP thật của bạn. DLB đã đăng bài nói về vấn đề này, và trên Internet có vô số chỉ dẫn việc đó. Thứ nhì, moderator DLB không thể tiết lộ địa chỉ IP của bạn vì đó vi phạm quyền riêng tư và vi phạm chính sách riêng tư của Disqus. Thứ ba, cho dù địa chỉ IP thật của bạn được biết, điều đó không nhất thiết lộ ra vị trí rõ rệt của bạn vì địa chỉ IP thật của bạn là địa chỉ của cơ sở cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, nếu nhóm cầ̀m quyền muốn, họ vẫn có thể kêu gọi cơ sở cung cấp dịch vụ hợp tác và sẽ dần dà tìm ra nơi bạn dùng computer. Nếu bạn dùng computer ở các dịch vụ công cộng và thay đổi luôn luôn, thì cũng khó bị khám phá, nhưng bạn phải cẩn thận tối đa.
b) Mất thì giờ và có thể tạo căng thẳng, nhất là khi có những tranh cãi dây dưa và có nhiều người tham gia. Với nhiều người, đánh máy là việc đòi hỏi thời gian. Đánh máy tiếng Việt có dấu còn đòi hỏi thời gian nhiều hơn nữa. Ngoài ra, khi có những tranh luận nóng bỏng, người viết thường phải viết trả lời mau lẹ, vì khi một bài bị đẩy lùi cho các bài mới, sẽ ít hoặc không ai tham gia vào cuộc thảo luận nữa. Việc viết còm mau lẹ đôi khi tạo căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
c) Có thể tạo nên bực bội, căng thẳng khi có những phản hồi chướng tai vì ý tưởng không được hiểu rõ, hoặc phải đối phó với còm sĩ "thù địch" hoặc đối thủ dùng lời lẽ nặng nề, xóc óc. Trên diễn đàn công cộng tham gia bởi đa số người "ảo" hoặc ẩn danh, các lời phê có khuynh hướng thẳng thắn, không câu nệ, và tuy có những lời nhã nhặn lịch sự, cũng có những lời khiếm nhã thô tục, dễ gây bực bội khó chịu.
d) Như trình bày trong phần điểm có lợi, nhiều khi viết lời phê có thể khiến đề tài đi xa khỏi bài chủ và làm loãng ý bài chủ, kể cả những lời khôi hài với mục đích tạo không khí vui tươi và "xả stress."
e) Viết lời phê có thể không diễn tả ý tưởng chính xác, hoặc có thiếu sót nhầm lẫn và dễ gây hiểu lầm. Khác với nói chuyện trực tiếp hoặc qua điện thoại, lời phê không có những yếu tố phụ thuộc giúp sáng tỏ ý nghĩa như cử chỉ, giọng nói, và không có phản ứng ngay tức khắc (vì người viết lời phê thường đọc các lời phản hổi sau một thời gian). Vì vậy, trao đổi qua lời phê có thể dẫn đến hiểu lầm, ngộ nhận, nghi ngờ, và đố kỵ. Khi những hiểu lầm này không được giải quyết hoặc bày tỏ, chúng có thể tích tụ ngày càng nhiều và cho đến lúc nào đó sẽ bùng nổ mạnh mẽ, tạo ra những hậu quả đáng tiếc. Đó là không kể có những kẻ muốn tạo chia rẽ, "đâm bị thóc, chọc bị gạo," viết thêm những lời còm khích bác, khiêu khích, hoặc "chế dầu vào lửa," càng làm tăng sự căng thẳng, hiểu lầm, và đào thêm hố sâu chia rẽ.
2. Độc giả DLB nên tích cực tham gia việc viết lời phê
Một cách tổng quát, khi so sánh các điểm có lợi và bất lợi, ta thấy viết còm mang lại nhiều lợi hơn bất lợi. Lợi điểm căn bản nhất là bạn có tiếng nói trên diễn đàn biểu hiện một cuộc sống tự do dân chủ. Việc tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến, khuyến khích tác giả hoặc trình bày ý kiến khen chê, tạo không khí lành mạnh vui vẻ trên trang DLB đều là những hành động có ý nghĩa và ích lợi cho xã hội và cho chính bạn.
Đa số độc giả DLB là "người Việt thầm lặng" và thường không tham gia viết lời phê. Đương nhiên, các độc gỉả có nhiều lý do bất lợi như nêu trên hoặc có những lý do hoặc bất lợi khác. Tuy nhiên, khác với các trang mạng khác, DLB là một trang mạng thúc đẩy đấu tranh cho tự do, dân chủ, và nhân quyền cho Việt Nam. Khi bạn đọc DLB, ít nhiều bạn có mối quan tâm này. Có những lý do hoặc điều kiện khiến bạn không thể tham gia cuộc đấu tranh một cách trực tiếp như biểu tình, ký tên yêu cầu các đại diện dân ở các quốc gia hải ngoại, v.v. Nhưng một việc dễ nhất bạn có thể làm là viết lời phê xây dựng cho các bài đăng trên DLB. Bạn không cần ai nhắc nhở bạn, hoặc e ngại bị gọi là "anh hùng bàn phím." Chúng ta nên biết lợi dụng sức mạnh của kỹ thuật truyền thông và tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh.
B. Hệ thống Disqus cung cấp dịch vụ viết lời phê cho trang mạng DLB:
Một trang mạng cung cấp dịch vụ viết blogs thường kèm theo dịch vụ viết lời phê. Thí dụ, Wordpress. Tuy nhiên, có những người chủ blogs, vì lý do nào đó, không thích dùng dịch vụ viết lời phê của trang mạng đó, và dùng dịch vụ viết lời phê (blog comment hosting service) của các công ty khác. Dịch vụ cho phê bình trên blog là dịch vụ phục vụ ở ngoài các lời phê của độc giả các trang blogs hoặc bài vở đăng trên các báo mạng. Các dịch vụ này không dính líu gì đến dịch vụ cung cấp trang blogs hoặc trang mạng, nhưng có giao diện (interface) để phù hợp với trang blogs. Tại Hoa Kỳ, có nhiều dịch vụ cho phê bình trên blogs như: Disqus, IntenseDebate, Echo, Livefyre (Wikipedia 2015a). Trang mạng DLB dùng Blogspot cho việc trình bày blogs và dùng Disqus cho việc viết lời phê.
Disqus, Inc. (phát âm giống như "discuss") là một công ty cung cấp dịch vụ viết lời phê trên blog cho các trang mạng và các cộng đồng mạng. Hiện nay, hệ thống Disqus khá thịnh hành với các blogs và trang mạng tư nhân và tổ chức. Theo công ty Disqus, có khoảng 750 ngàn blogs hoặc trang mạng dùng Disqus cho việc viết lời phê (Wikipedia 2015b; Disqus KRNa).
Trong bài này, tôi sẽ không thể viết hết tất cả những điểm đặc trưng của DISQUS áp dụng cho DLB, mà chỉ trình bày những điểm quan trọng. Độc giả có thể tìm tòi thêm qua trang mạng của công ty Disqus (Xem, Disqus KRNa). Ngoài ra, tùy vào browser và hệ thống điểu hành (operating system), giao diện giữa hệ thống Disqus và browser các máy tính có thể khác nhau. Do đó, những cơ chế hoặc hình ảnh trong bài này có thể không phù hợp với những gì bạn thấy trên máy của bạn, Tuy nhiên, có lẽ những khác biệt này rất ít.
1. Hai cách viết lời phê (khách và đăng ký) cho độc giả lựa chọn danh tánh mình, nhưng lời phê với trương mục đăng ký có nhiều lợi điểm hơn.
Có hai cách viết lời phê bình hoặc tham gia thảo luận trên diễn đàn cho một bài: "khách" (guest) và với trương mục ghi danh/ đăng ký (registered account) với Disqus (Xem, Disqus KRNc).
a) Viết lời phê khách:
Viết lời phê khách là cách thức viết lời phê với vai trò là khách hay độc giả mà không dùng trương mục đăng ký (Xem, Disqus KRNd). Viết lời phê khách có những điểm lợi và bất lợi sau đây:
Lợi điểm:
a) Không cần phải nhớ mật khẩu.
b) Không cần bận tâm tới trương mục và các chi tiết phiền toái khác.
c) Không lưu lại những lời phê của mình trong trương mục và do đó không có dữ liệu về quá trình hoạt động của mình (đây cũng có thể là điểm bất lợi tùy trường hợp).
d) Có thể tạo nhiều tên hoặc danh tính khác nhau để trá hình cho những ý định riêng tư. (Viết lời phê đăng ký cũng có thể có nhiều danh tính, nhưng không có tính chất tạm thời và ẩn danh như lời phê khách.) Lợi điểm này thường có tính cách không tốt đẹp và chỉ nên dùng trong trường hợp bất khả kháng hoặc khi không có lựa chọn nào hay hơn. Như trình bày dưới đây, moderator DLB có thể thấy địa chỉ IP của bạn, dù dưới còm khách hoặc còm đăng ký, và có thể nhận ra một người dùng nhiều tên khác nhau với ý định không tốt hoặc gây hại cho người khác.
Bất lợi:
a) Không thể sửa hoặc xóa lời phê.
b) Không có những lợi điểm của trương mục đăng ký, thí dụ như thay đổi thông tin cá nhân, như avatar, lựa chọn thông báo e-mail khi có người đăng lời phê hoặc trả lời.
c) Không duy trì được "tên tuổi" ổn định vì tên khách có thể bị người khác dùng, và nhiều khi bị lạm dụng viết sai quấy tạo hiểu lầm.
d) Không lưu lại những lời phê của mình trong trương mục và do đó không có dữ liệu về quá trình hoạt động của mình (đây cũng có thể là điểm lợi tùy trường hợp).
e) Phải mất công đánh lại tên và địa chỉ e-mail (dù là địa chỉ ma) mỗi lần viết lời phê.
f) Dùng nhiều tên và danh tính có thể bị phát giác và tạo ngượng ngập. Nên nhớ moderator DLB có thể biết được địa chỉ IP của bạn, cho dù bạn viết còm khách hay với trương mục đăng ký. Trên nguyên tắc, moderator DLB sẽ không tiết lộ những chi tiết cá nhân, nhất là địa chỉ IP. Tuy nhiên, việc mạo nhận tên hoặc danh tính người khác, hoặc lạm dụng quyền lợi có thể vô hiệu hóa những đặc quyền và moderator DLB vẫn có thể có những biện pháp mạnh mẽ để duy trì không khí văn minh, lễ độ, và lịch sự của một trang mạng.
Một cách tổng quát, viết còm khách thường có nhiều bất lợi hơn có lợi. Cái lợi đáng nói của còm khách là không phải bận tâm đến các chi tiết ghi danh/ đăng ký cho trương mục. Nhưng như được trình bày trong bài này, việc này chỉ mất khoảng 15 phút. Với một số độc giả, một lợi điểm nữa là một người dùng nhiều tên khách khác nhau một cách tạm thời và ẩn danh để phát biểu ý kiến, tạo ra cảm tưởng rằng có nhiều người khác nhau. Tuy nhiên, cách thực hành này nên được bãi bỏ hoặc giảm thiểu tối đa, vì tính chất thiếu ngay thẳng và việc đó có thể bị phanh phui. Hơn nữa, nếu bạn muốn trá hình dưới nhiều danh tính, bạn vẫn có thể tạo ra nhiều trương mục đăng ký, mỗi trương mục có tên hoặc danh tính khác nhau, miễn là bạn đừng lẫn lộn hoặc lộ ra những điểm đặc thù khiến người đọc có thể phát giác các danh tính này từ một người.
Cách thức viết lời phê khách:
Bạn chọn viết lời phê khách (guest commenting) theo phương thức sau đây:
Hình 1 cho thấy khung chữ nhật dài có hàng chữ "Tham gia bình luận. . ." Ở dưới khung này có hàng chữ "LOG IN WITH" và "OR SIGN UP WITH DISQUS" và khung "Tên." Hàng chữ LOG IN WITH cho biết bạn có thể log in qua trương mục bạn có sẵn ở Disqus, Facebook, Twitter, hoặc Google. Nếu bạn không có, hoặc có mà không muốn dùng trương mục đó để đăng nhập, bạn có thể đăng nhập bằng cách ghi danh với Disqus.
Khi bấm vào khung "Tham gia bình luận. . ." sẽ có ba khung hiện ra: khung trống hoặc "Tên" (để cho bạn đánh tên dùng), khung "Email" (địa chỉ email), và khung "Mật khẩu" (password). Ở dưới là một ô vuông có hàng chữ "I'd rather post as a guest" có nghĩa là "Tôi muốn viết lời phê là khách" và hình một mũi tên ngang hướng về phía phải. Khi bạn ghi danh/ đăng ký, bạn đồng ý các quy luật căn bản, điều kiện phục vụ và chính sách về riêng tư (privacy policy) của Disqus.
Hình 2 cho thấy thí dụ bạn chọn viết lời phê, hoặc còm, khách (guest commenting). Bạn bấm vào ô vuông "I'd rather post as a guest" để chọn viết còm khách. Sau khi bạn bấm ô vuông này, sẽ có hàng chữ "LOG IN WITH" và "HOẶC CHỌN MỘT TÊN" và sẽ còn hai khung: khung "Tên" (để cho bạn đánh tên dùng) và khung "Email" (địa chỉ e-mail). Ô vuông "I'd rather post as a guest" bây giờ có dấu đánh vì bạn đã bấm vào đó. Trong thí dụ này, bạn chọn tên (nick) của bạn là "Viết lời phê khách" (không có ngoặc kép). Bạn có thể dùng bất kỳ địa chỉ e-mail nào cũng được, vì sẽ không có kiểm chứng. Thí dụ, bạn dùng địa chỉ "dia.chi.email.ma@gmail.com" (không có ngoặc kép).
Bạn chọn tên cho lời phê của bạn. Dường như không có giới hạn tên như thế nào, miễn là theo mẫu tự ABC hoặc các biểu tượng cảm xúc (emoticon). Bạn có thể có khoảng cách (space), không dấu hay có dấu tiếng Việt. Sau đó, bạn đánh địa chỉ e-mail. Địa chỉ e-mail có thể là địa chỉ ma, bịa đặt, và không cần phải là địa chỉ thật. Dù bạn có dùng địa chỉ thật cũng không ai kiểm chứng.
Bạn bây giờ có thể bắt đầu viết lời phê vào khung "Tham gia bình luận..." Thông thường, khi bạn viết tiếng Việt có dấu, bạn dùng một trang mạng đánh dấu tiếng Việt, và cắt rồi dán vào khung "Tham gia bình luận..." Bạn nên để ý, nhất là khi bạn cắt từ trang WORD, phần xuống hàng có thể bị sai lạc. Có thể bạn sẽ phải chỉnh sửa (thí dụ như dùng Backspace) mấy chỗ xuống hàng để tránh những khoảng trống trên mỗi hàng.
b) Viết lời phê với trương mục đăng ký:
Viết lời phê với trương mục đã được đăng ký có những điểm lợi và bất lợi sau đây:
Lợi điểm:
a) Có thể sửa chữa hoặc xóa lời phê của mình. Sau khi bấm đăng lời phê, nếu bạn đọc lại và thấy có chỗ sai lầm hoặc bạn muốn sửa chữa, bạn chỉ cần bấm vào "Sửa lỗi" và khung lời phê sẽ hiện ra cho bạn chỉnh sửa. Phần này sẽ được trình bày sau trong Hình 20. Nếu bạn muốn xóa lời phê, bạn đưa cursor (chuột hoặc phím) trên lời phê, sang phía phải ngang hàng với lời phê. Khi cursor ở đúng vị trí, sẽ có bảng thả xuống (dropdown menu) cho bạn lựa chọn hành động. Để xóa, bạn bấm xóa.
Hình 3a, 3b, và 3c chỉ dẫn cách thức xóa còm. Nên nhớ là một khi xóa, lời phê không thể được hiện ra trở lại. Tuy nhiên, moderator của DLB vẫn có thể đọc được lời phê đã xóa.
b) Tên được hiển thị màu xanh (nick xanh) và bạn có thể dùng hình ảnh làm avatar. Nếu ai cũng đăng ký khi viết lời phê thì tên màu xanh cũng không làm nổi bật lời phê của bạn. Nhưng bạn có thể gây ấn tượng hoặc tạo cho mình nét đặc thù cá nhân qua avatar của mình. Bạn tạo avatar lúc bạn đăng ký và cho biết chi tiết cá nhân trong profile của mình.
c) Không ai có thể mạo danh bạn. Khi bạn đăng ký, nếu trùng tên với người khác Disqus sẽ báo cho bạn biết và không cho phép bạn đăng ký với tên trùng với người khác. Tuy nhiên, bạn có thể dùng trùng tên khi bạn viết còm khách. Độc giả sẽ phân biệt tên trùng qua avatar hoặc màu tên (tên khách có màu đen, và tên đăng ký có màu xanh).
d) Ngoài việc có thể upload avatar riêng, bạn có thể dùng các khí cụ do Disqus cung cấp cho việc duy trì trương mục và profile. Thí dụ, bấm Upvote (bấm "thích"), sắp xếp các lựa chọn cho profile hoặc trương mục, v.v.
e) Khi máy tính bạn dùng cookies, lần đầu đăng nhập, các chi tiết tên, địa chỉ e-mail, và mật khẩu sẽ được lưu giữ. Sau đó, mỗi lần bạn mở trang mạng DLB, bạn không cẩn phải đánh lại các chi tiết này, và sẽ được tự động đăng nhập Disqus khi bạn mở DLB. Đương nhiên nếu bạn dùng máy khác (không lưu giữ chi tiết đăng nhập) thì bạn phải đánh lại tên, địa chỉ e-mail, và mật khẩu. Ngoài ra, khi cookies bị xóa vì bạn xóa hết các chi tiết và lịch sử vào trang mạng, thì bạn cũng phải đánh lại các chi tiết này.
Bất lợi:
a) Mất thì giờ tạo trương mục và profile, và sắp đặt và lựa chọn các mục. Tuy nhiên, bài này nhắm vào việc giúp bạn sắp đặt và dàn dựng trương mục và profile mau lẹ. Bạn chỉ mất độ 15 phút là có thể dàn xếp được mọi việc.
b) Phải có một địa chỉ e-mail thật khi cần phải xác minh (verify) e-mail, và đây có thể đưa đến các vấn đề an ninh. Tuy nhiên, nếu bạn tạo e-mail chỉ cho việc dùng Disqus thì không có gì phải lo ngại, vì bạn chỉ dùng một lần khi xác minh e-mail lúc bạn viết còm lần đầu.
c) Phải nhớ các chi tiết đăng nhập: tên, địa chỉ e-mail, và mật khẩu. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ dùng một máy tính, bạn chỉ cần dùng cookies là các chi tiết này sẽ được lưu giữ và tự động cho bạn đăng nhập.
Những bất lợi này thực ra không đáng kể so với những lợi điểm. Độc giả DLB, nếu quyết định viết còm, nên chọn viết còm có trương mục đăng ký, và chỉ dùng còm khách trong trường hợp bất đắc dĩ.
Cách thức viết lời phê với trương mục đăng ký:
Hình 4 cho thấy cách thức bạn viết lời phê đăng ký. Bạn phải tạo một trương mục và đăng ký (register) trương mục đó. Bạn có thể tạo trương mục và đăng ký cùng lúc khi bạn viết lời phê như trong hình 4.
Thể thức này tương tự như thể thức viết lời phê khách chỉ khác ở chỗ là bạn không đánh vào ô vuông "I'd rather post as a guest." Nghĩa là bạn đánh tên trong khung "Tên" và đánh địa chỉ e-mail trong khung "Email." Địa chỉ e-mail có thể là địa chỉ ma hoặc địa chỉ thật. Vào lúc bài này được viết, Disqus đòi hỏi địa chỉ thật có thể xác minh (verify). Thông thường, cho các trương mục có đăng ký, địa chỉ e-mail được dùng trong ít nhất hai việc: (1) Xác minh (verify) e-mail, và (2) giúp việc có mật khẩu nếu quên mật khẩu.
Việc (1) cần thiết để tránh trường hợp những cơ chế tin tặc phá hoại. Khi xác minh e-mail được thực hiện, Disqus sẽ gửi một e-mail tới địa chỉ e-mail bạn ghi. Bạn phải vào e-mail đó, và bấm vào khung ghi verify e-mail. Sau khi Disqus nhận phản hồi qua việc bạn bấm khung để xác minh e-mail, bạn sẽ được cho phép đăng lời phê. Đôi khi bạn phải khởi động trang mạng, thí dụ bấm F5 hoặc "Trang nhà," để việc xác minh có hiệu lực. Nếu xác minh địa chỉ e-mail không được thực hiện, thì việc xác minh e-mail sẽ không xảy ra, và trương mục tự động được xác minh. Do đó, trong những trường hợp này, bạn có thể dùng địa chỉ e-mail ma nghĩa là bạn bịa ra một địa chỉ nào đó, thí dụ "dia.chi.ma@gmail.com" như trong Hình 3. Tuy nhiên, nếu bạn dùng địa chỉ ma và sau này bạn quên mật khẩu thì bạn sẽ không được Disqus cung cấp lại mật khẩu, vì Disqus sẽ gửi e-mail tới địa chỉ e-mail mà bạn dùng.
Trước đây trên trang mạng DLB, Disqus không đòi hỏi xác minh e-mail. Do đó, bạn có thể dùng địa chỉ e-mail ma (không có thật). Nhưng bây giờ Disqus đòi hỏi xác minh e-mail. Do đó, bạn phải vào e-mail bạn đã đăng ký để bấm khung verify e-mail trong e-mail Disqus gửi cho bạn. Nếu bạn dùng địa chỉ ma trước đây, bạn sẽ không còn đăng được còm mình dưới trương mục đăng ký được nữa. Việc xác minh e-mail này hoàn toàn không có nghĩa là DLB muốn kiểm soát độc giả, mà chỉ là một phương tiện từ Disqus giúp cho việc quản lý và dùng hệ thống viết lời phê có hiệu quả.
Việc (2) cần thiết khi sau này bạn quên mật khẩu và Disqus sẽ gởi mật khẩu hoặc cho bạn vào Disqus bằng cách gởi tới địa chỉ e-mail bạn đánh vào lúc đăng ký. Do đó, nếu bạn dùng địa chỉ ma (nếu Disqus cho phép như trước đây trên DLB) và sau này quên mật khẩu vào Disqus thì bạn coi như không thể vào trương mục Disqus của bạn được nữa, vì bạn không thể nhận được mật khẩu gởi tới địa chỉ e-mail ma đó. Nếu bạn dùng địa chỉ e-mail thật, thì đương nhiên bạn sẽ nhận được e-mail từ Disqus cho biết mật khẩu hoặc cách vào trương mục (khi bạn quên mật khẩu). Việc xác minh e-mail, do đó, giúp cho việc lấy lại mật khẩu này.
Sau khi bạn đánh địa chỉ e-mail vào khung "Email," bạn đánh mật khẩu vào khung "Mật khẩu" ngay dưới khung "Email." Nên nhớ là mật khẩu này không phải là mật khẩu của e-mail bạn khi bạn dùng để đăng nhập vào e-mail (nếu e-mail đó là e-mail có thật), mà là mật khẩu bạn tạo ra chỉ để dùng cho đăng nhập vào trương mục với Disqus.
Sau khi bạn đánh mật khẩu (mật khẩu sẽ không hiện ra mà chỉ hiện ra những dấu chấm vì lý do bảo vệ riêng tư cho bạn), bạm bấm vào mũi tên phía bên phải. Sau đó lời phê của bạn sẽ được hiện ra cùng với tên đăng ký (màu xanh) như trình bày trong Hình 3.
Ghi chi tiết cho profile:
Khi bạn đăng ký trương mục, bạn tạo ra tiểu sử sơ lược (profile) của bạn. Profile này có các chi tiết cá nhân về bạn (nhưng bạn vẫn có thể cho chi tiết ma hoặc bịa đặt nếu muốn) và các lựa chọn cho các tác động trong việc duy trì việc viết còm của bạn. Bạn có thể coi lại hồ sơ của bạn hoặc sửa đổi hay cập nhật các chi tiết trong trương mục hoặc profile của bạn bất cứ lúc nào. Phần sau trong Hình 21 sẽ trình bày rõ hơn.
Hình 5 cho thấy cách vào profile để ghi chi tiết cho trương mục.
Một trong những chi tiết quan trọng về profile của bạn là avatar. Đó là hình ảnh hoặc biểu tượng về cá nhân bạn, được cho thấy cùng với tên bạn dùng (nick) khi viết còm. Lựa chọn avatar thích hợp cũng là một việc quan trọng vì avatar làm lời phê bạn nổi bật khác với các lời phê khác, và giúp cho việc nhận dạng hoặc tìm tòi còm của bạn một cách dễ dàng.
Hình 6 cho thấy cách gài hình cho avatar.
Hình cho avatar của bạn thường được chứa trong một folder nào đó trên máy computer của bạn. Bạn cần phải gài hình đó cho avatar của bạn bằng cách đưa lên (upload) Disqus. Theo Disqus, điều kiện của hình cho avatar là không được quá 1 MB. Disqus đề nghị kích thước hình là 128 x 128, nhưng không bắt buộc (Xem, Disqus KRNe).
Bạn có thể upload hình cho avatar qua nhiều cách. Để chọn cách, bạn bấm mũi tên trong khung "Choose a method" (có nghĩa là "chọn một cách") và sẽ có bảng thả xuống cho thấy những lựa chọn: "Upload from computer" (có nghĩa là "đưa hình lên từ máy tính") và "Default" (có nghĩa là "không có lựa chọn"). Khi bạn chọn "Upload from computer," bạn muốn dùng hình của riêng bạn cho avatar của mình. Khi bạn chọn "Default," bạn muốn dùng hình của DLB hoặc Disqus đã lựa chọn sẵn, thường là hình đầu người màu xám.
Để upload hình cho avatar, bạn bấm "Browse" để lựa chọn hình ảnh lưu giữ trên máy computer của bạn. Bạn sẽ duyệt qua các folders, và bấm vào hình bạn dùng làm avatar. Tên của hình đó sẽ được hiển thị bên cạnh khung "Browse" như cho thấy trong Hình 7. Sau đó bạn bấm "Save" để lưu giữ những lựa chọn hoặc sắp đặt bạn đã làm.
Ngoài việc chọn avatar và upload hình, bạn còn có thể lựa chọn, sắp đặt, hoặc ghi chú các chi tiết khác cho profile và trương mục của bạn. Thông thường, những chi tiết này không quan trọng cho những bạn không quan tâm mấy trong việc lưu giữ hồ sơ hoặc dùng Disqus và bạn có thể bỏ qua. Tuy nhiên, với các còm sĩ muốn dùng Disqus một cách hữu hiệu, bạn nên bỏ chút thì giờ sắp xếp các chi tiết này.
Trong Hình 6, khung bên trái cho bạn sắp đặt các tác động liên hệ đến trương mục của bạn: Profile, Account, Email Notifications, Web Notifications, Apps, và Moderation. Ngoại trừ profile (tiểu sử sơ lược) và Account (trương mục), các phần kia thường không quan trọng lắm. Thông báo bằng e-mail (Email Notifications) sẽ được gởi khi có lời phê được đăng trên các thảo luận mà bạn quan tâm. Bạn có thể sửa đổi loại e-mail gởi tới cho bạn, hoặc không dùng thông báo bằng e-mail. Thông báo mạng (Web Notifications) dành cho các việc như trả lời, bấm Upvote ("thích"), có người mới theo, và mời thảo luận. Bạn có thể kiểm soát cái nào bạn muốn. Ứng dụng (Apps) cho thấy các ứng dụng của công ty nào đó được cho phép dùng vào trương mục của bạn. Bạn có thể thu hồi nếu cần. Điều hành (Moderation) dành cho người điều hành trên một diễn đàn Disqus. Bạn thường bỏ trống khung này.
Hình 7 cho thấy cách chọn nguồn hình cho avatar và các chi tiết cá nhân khác. Ngoài việc upload hình cho avatar, bạn có thể ghi chi tiết cho Name (Tên), Biography (tiểu sử), Website (trang mạng), Location (địa điểm, vị trí), hoặc Privacy (Riêng tư). Hầu hết những chi tiết này không quan trọng và bạn không cần phải bận tâm ghi thêm.
Nên nhớ "Name" (Tên) trong profile là tên được cho thấy, khác với tên dùng (Username). Tuy nhiên, thông thường bạn dùng cùng tên cho tên của profile và tên dùng. "Biography" là khung cho bạn viết một câu về tiểu sử của bạn, tối đa là 200 mẫu tự (characters). Tiểu sử đó sẽ được hiển thị bên cạnh tên của bạn trong profile. "Website" là trang mạng của bạn, thí dụ trang blog, và bạn muốn liên kết với trương mục Disqus của bạn. "Location" là nơi bạn viết còm. "Privacy" cho bạn lựa chọn các lời phê của bạn từ trước tới giờ được cho thấy hay không. Nếu bạn không muốn ai bấm vào tên bạn và đọc hết tất cả những lời phê của bạn từ trước đến giờ (viết dưới trương mục Disqus kể cả các trang mạng khác DLB và cũng dùng hệ thống Disqus) thì bạn bấm đánh dấu vào ô vuông bên cạnh "Privacy" nghĩa là bạn muốn giữ hoạt động profile riêng tư. Nếu bạn muốn, hoặc không cần biết, người khác bấm vào tên bạn và đọc hết tất cả những lời phê của bạn từ trước đến giờ thì bạn bỏ trống ô vuông đó. Disqus thường đánh dấu ô vuông này sẵn. Do đó, nếu bạn không muốn ô vuông này bị đánh dấu (nghĩa là bạn không muốn giữ riêng tư), thì bạn bấm ô vuông để bỏ trống ô vuông.
Hình 8 cho thấy cách lựa chọn thông báo bằng e-mail. Nếu bạn không muốn nhận thông báo qua e-mail thì bạn bấm ô vuông bên cạnh "Enable Emails" để bỏ trống ô vuông đó. Nếu bạn muốn nhận thông báo (thí dụ mỗi khi có người trả lời còm của bạn) thì bạn cứ để ô vuông đánh dấu.
Hình 9 cho thấy thí dụ lời phê đăng ký có avatar. Hình bạn chọn cho avatar mình sẽ được hiện ra ở bên cạnh tên bạn. Bạn có thể thay đổi hình lúc nào cũng được, miễn là hình đó không quá 1 MB.
Sau khi đăng ký trương mục, mỗi khi bạn viết còm, sẽ có ô vuông nền đậm với hàng chữ "Đăng dưới tên (tên của bạn)" (thí dụ "Đăng dưới tên Cao-Đắc Tuấn") hiện ra ở dưới khung viết còm (Xem Hình 10-19). Khi bạn sẵn sàng đăng còm, bạn bấm vào ô này.
2. Những HTML tags được dùng trong phần viết còm.
HTML là viết tắt của HyperText Markup Language (Ngôn ngữ Đánh Dấu Siêu Văn Bản) (Wikipedia 2015c). Nó là một ngôn ngữ mô tả các trang mạng dùng lối viết thông thường. HTML không phải là một ngôn ngữ chương định phức tạp trong điện toán (Xem, SimpleGuide).
HTML tags là những từ ngữ chính được che giấu (hidden) trong một trang mạng, dùng để định nghĩa phần trình duyệt (browser) phải sắp xếp và hiển thị nội dung hoặc câu viết thế nào. Tag gồm có một tên hoặc từ ngữ mô tả nằm trong ngoặc góc: <tên-của-tag>. Có hai loại tags: tag đơn (single) và tag kép hoặc tag hợp (matching). Tag đơn tạo tác dụng khi đứng một mình. Tag hợp phải có hai phần bao gồm câu viết, phần mở và phần đóng, giống như dấu ngoặc trong văn viết (ngoặc mở và ngoặc đóng). Phần đóng có cùng từ ngữ như phần mở, nhưng có thêm dấu nghiêng tới (forward slash). Thí dụ: <b> (tag "b" mở), </b> (tag "b" đóng), <strong> (tag "strong" mở), </strong> (tag "strong" đóng). Đa số lỗi thông thường là quên không viết hoặc viết sai tag đóng. Tag hợp có thể cần hoặc không cần đặc tính (attribute). Với những tag hợp cần xác định đặc tính, ta phải cung cấp đặc tính này.
Các HTML tags này có thể được dùng bởi còm khách hoặc còm đăng ký. Tuy nhiên, vì còm khách không thể sửa đổi một khi đã đăng và dùng HTML tags thường dễ tạo ra sai lầm (thí dụ đánh máy tag sai), nhiều khi còm khách có những sai lầm về HTML tags (thí dụ cả một đoạn văn bị in đậm) rất khó đọc. Đây cũng là một lý do quan trọng mà độc giả nên viết lời phê với trương mục đăng ký.
Hiện nay, Disqus dùng các HTML tags sau đây trong phần viết còm (Disqus KRNb).
a) Tag đơn:
<br>: Single line break (Xuống hàng).
Hình 10 trình bày thí dụ về cách dùng "br" tag. Trong thí dụ này, tag "br" được đặt ở ngay chỗ muốn xuống hàng. Đây là tag đơn nên không có phần mở và phần đóng. Chỉ có một tag đặt ở vị trí muốn xuống hàng.
b) Tags hợp:
Nên nhớ là tags hợp phải có phần mở và phần đóng bao gồm chữ, câu viết, đoạn văn, hoặc bất cứ nội dung nào bất chấp dài ngắn thế nào. Phần đóng có tên mô tả giống như phần mở nhưng có dấu nghiêng tới (/) đặt trước tên mô tả.
<a>: anchor (liên kết). Định nghĩa một siêu nối (hyperlink), dùng để liên kết hoặc nối từ trang này sang trang khác. Với <a> tag, liên kết (link) của trang mạng sẽ không hiện ra và nằm ẩn dưới tên mà bạn đặt cho trang đó. Người đọc chỉ cần bấm vào tên đó là sẽ được đưa đến trang mạng đó. Đặc tính quan trọng nhất của <a> tag là đặc tính href, dùng để cho biết trang đến của liên kết hoặc đường nối đó.
Hình 11 trình bày thí dụ về cách dùng "a" tag. Trong thí dụ này, trong phần mở, ta dùng đặc tính href để chỉ đường nối. Thí dụ: http://www.w3schools.com/html/html_links.asp. Sau phần mở là tên của đường nối đó. Thí dụ "HTML Links - Hyperlinks."
<b> hoặc <strong>: In nét đậm. Có hai tag cho in đậm: <b> và <strong>. Dùng tag <b> nhanh hơn và tiện lợi hơn cho in chữ đậm. Không nên viết tắt <strong> thành <s>, vì tag <s> dùng cho gạch giữa (cho gạch bỏ).
Hình 12 trình bày thí dụ về "b" hoặc "strong" tag.
<i> hoặc <em>: Italic hoặc emphasis. In chữ nghiêng. Ghi chú: Dùng <i> nhanh hơn.
Hình 13 trình bày thí dụ về "i" hoặc "em" tag.
<u>: Underline. Gạch dưới.
Hình 14 trình bày thí dụ về "u" tag.
<s> và <strike>: Strikethrough. Dùng để gạch giữa/ ngang chữ, với nhiều mục đích, thí dụ cho thấy cố tình xóa bỏ. Ghi chú: Dùng <s> nhanh hơn <strike>.
Hình 15 trình bày thí dụ về "s" tag.
<p>: Paragraph. Dùng cho một đoạn văn. Tag <p> sẽ bỏ qua khoảng trống, và sắp xếp chữ gọn gàng liên tục như trong một đoạn văn.
Hình 16 trình bày thí dụ về "p" tag.
<blockquote>: Dùng cho trích dẫn dài. Dùng để gạch đường thẳng bên lề một đoạn trích dẫn dài.
Hình 17 trình bày thí dụ về "blockquote" tag. Trong thí dụ này, đoạn trích dẫn dài được làm nổi bật vì có một gạch đậm thẳng đứng ở bên lề trái, tách đoạn đó ra khỏi các đoạn khác. Thí dụ trong Hình 17 còn cho thấy tag in đậm được dùng cùng với tag trích dẫn dài.
Kết hợp nhiều tags vào nhau:
Tags có thể được kết hợp để tạo ra các tác dụng kết hợp, miễn là phần mở và phần đóng phải được duy trì rõ rệt.
Hình 18 trình bày thí dụ về kết hợp nhiều tags. Trong thí dụ này, tag in đậm, tag chữ nghiêng, tag gạch dưới, và tag trích dẫn dài được dùng cùng lúc với nhiều kết hợp khác nhau. Thí dụ, để viết nhóm chữ "làm đi làm lại" thành chữ nghiêng, in đậm, và gạch dưới, bạn viết <b><i><u>làm đi làm lại</u></i></b>. Kết quả sẽ là làm đi làm lại. Nên để ý là thứ tự của <b>, <i>, <u> hoặc </u>, </i>, </b> không quan trọng vì chúng liên tiếp nhau. Khi các tag dùng liên tiếp nhau để áp dụng cùng lúc, không khác gì nếu, thí dụ như, in đậm trước theo sau là nghiêng, hoặc nghiêng trước theo sau là in đậm vì kết quả sau cùng cũng vẫn như nhau.
3. Các tác động khác:
Trang mạng DLB thực hiện nhiều tác động giúp cho việc dùng Disqus thêm phần hữu hiệu. Ít nhất có những tác động hữu ích: Sửa đổi, sắp đặt lời phê, cập nhật hồ sơ và media, cảm nghĩ hoặc phản ứng về lời phê, giới thiệu hoặc đề nghị bài chủ.
a) Sửa đổi:
Đăng còm xong, bạn đọc lại và nhận ra cần sửa chữa lời phê. Bạn có thể đánh sai chính tả, viết dư thừa hoặc thiếu thốn, dùng lộn chữ, hoặc bất kỳ sai lầm nào. Một trong những lỗi thường phạm phải là đánh sai HTML tag, thí dụ quên không dùng phần đóng hoặc quên không dùng / đằng trước HTML tag trong phần đóng, khiến sự trình bày sai lạc. Nếu bạn viết còm khách, bạn không thể sửa đổi còm của bạn được, và cần phải viết thêm một còm khác thông báo độc giả lỗi lầm và sửa đổi. Nếu bạn viết còm đăng ký, bạn chỉ cần dùng sửa đổi.
Hình 19 trình bày thí dụ cho việc sửa đổi.
Giả sử bạn viết thiếu chữ "là" và muốn nhét chữ này. Bạn bấm vào "Sửa" và sẽ hiện ra khung chứa lời còm của bạn. Bạn sửa chữa còm trên khung đó. Trong lúc bạn sửa chữa, độc giả vẫn coi được còm cũ của bạn và không biết là bạn đang sửa chữa. Sau khi sửa chữa xong, bạn bấm "Lưu Sửa đổi" và Disqus sẽ giữ sửa đổi và hiện ra trở lại còm được sửa đổi.
b) Sắp xếp lời phê theo thứ tự được lựa chọn:
Trang mạng DLB sắp xếp lời phê theo thứ tự thời gian: mới nhất được đặt ở trên cùng và cũ nhất được đặt ở cuối cùng. Đây thường là thứ tự độc giả muốn. Nhưng đó không phải là tiêu chuẩn duy nhất để sắp xếp thứ tự các lời phê.
Hình 20 cho thấy bạn bấm vào hình tam giác (hay mũi tên) chỉa xuống bên phải có hàng chữ "Sắp xếp theo bình luận hay nhất" để lựa chọn tiêu chuẩn cho thứ tự sắp xếp lời phê. Có ba tiêu chuẩn: Hay nhất, mới nhất, và cũ nhất. "Hay nhất" sắp theo thứ tự số lần được bấm "thích" (upvotes), "mới nhất" sắp theo thứ tự mới nhất trước, và "cũ nhất" sắp theo thứ tự cũ nhất trước.
Bằng cách lựa chọn tiêu chuẩn cho thứ tự lời phê, bạn có thể xem các lời phê một cách hữu hiệu.
c) Coi và cập nhật hồ sơ và media:
Bạn có thể vào profile của bạn và coi hồ sơ của bạn, cập nhật các sự lựa chọn trong trương mục bạn, và làm ẩn các hình ảnh hoặc video clips trên diễn đàn.
Hình 21 cho thấy các lựa chọn này. Bạn bấm vào hình tam giác, hoặc mũi tên chỉa xuống, ở bên phải tên của bạn nằm ở trên cùng bên phải. Sẽ có khung hiện ra với các lựa chọn: Hổ sơ của bạn, Ẩn Media, Sửa thiết lập, và Thoát. Bạn bấm vào một trong những lựa chọn này theo ý muốn.
Khi bạn bấm "Hồ sơ của bạn," các chi tiết về hoạt động dính líu đến profile của bạn sẽ hiện ra. Những chi tiết này gồm có: Bình luận, Recommends, Người theo dõi, và Đang theo dõi.
"Bình luận" cho biết tổng số các lời phê bạn đã đăng trên diễn đàn dùng trương mục này, kể cả trên trang mạng DLB hoặc các trang mạng khác dùng hệ thống Disqus. Khi bạn bấm vào "Bình luận," tất cả các lời phê này sẽ được hiện ra.
"Recommends" cho biết các bài mà bạn đã bấm recommend (giới thiệu, đề nghị đọc) từ trước tới gỉờ.
"Người theo dõi" cho biết ai đang "theo" (follow) bạn, Chữ "theo dõi" có lẽ không chính xác và có thể làm bạn hoảng hồn vì tưởng là có người lén lút theo dõi và thăm dò bạn. Thực ra, hành động "theo dõi" có nghĩa "đi theo," nghĩa là muốn biết về hoạt động của ai. Thông thường, A "đi theo" B vì A ngưỡng mộ B và muốn biết các hoạt động của B. Cũng có khi A chẳng ngưỡng mộ B mà chỉ muốn biết B đăng còm nào để tìm đọc.
"Đang theo dõi" cho biết người mà bạn đang "đi theo" như giải thích ở trên. Bạn có thể tìm người để bạn đi theo khi bạn bấm "Find interesting people to follow."
Khi bạn bấm "Ẩn Media," các hình ảnh và video clips sẽ được thay thế bằng biểu tượng "Xem" để làm diễn đàn trông gọn gàng và sạch sẽ, không có hình ảnh đầy ra và choán chỗ. Nếu bạn muốn xem hình ảnh hoặc video clips, bạn chỉ việc bấm "Xem."
Khi bạn bấm "Sửa Thiết Lập," sẽ có khung profile của bạn hiện ra và bạn có thể sửa đổi hoặc cập nhật các chi tiết trong trương mục của bạn như trình bày trong Hình 6, 7, và 8 (Disqus KRNe).
Khi bạn bấm "Thoát," bạn đi ra phần lựa chọn này và đi ra khỏi trương mục.
d) Cảm nghĩ hoặc phản ứng về lời phê:
Sau khi đọc xong một lời phê, bạn có thể ghi nhận cảm nghĩ hoặc phản ứng của bạn về lời phê đó. Hình 22 cho thấy các lựa chọn cho cảm nghĩ hoặc phản ứng về lời phê dưới mỗi lời phê. Các lựa chọn này gồm có: bỏ phiếu thích, bỏ phiếu không thích, trả lời, và chia sẻ, tương ứng với bốn mục bạn có thể bấm: upvote (mũi tên hướng lên), downvote (mũi tên hướng xuống), Trả lời, và Chia sẻ.
Mỗi lời phê có thể được "chấm điểm" hoặc bầu hay bỏ phiếu. Upvote có nghĩa là bầu hoặc bỏ phiếu "up" tức là "lên," "hay", hoặc "thích." Downvote có nghĩa là bầu hoặc bỏ phiếu "down" tức là "xuống," "không hay," hoặc "không thích." Để có thể bỏ phiếu up hay down, bạn phải đăng nhập với trương mục bạn đã đăng ký.
Bạn bấm biểu tượng mũi tên lên để bỏ phiếu "upvote," "thích" hoặc "hay." Bạn chỉ có thể bỏ một phiếu. Nếu bạn bấm upvote nhưng sau đó đổi ý, hoặc bạn lỡ tay bấm upvote và muốn hủy, bạn chi cần bấm upvote một lần nữa. Con số ở bên cạnh cho thấy tổng số phiếu upvote. Con số này được dùng để xếp hạng "hay" khi bạn chọn "Sắp xếp cho bình luận hay nhất" như trình bày trong Hình 20. Khi bạn đặt cursor ở trên biểu tượng "up," bạn sẽ thấy được tên của những còm sĩ đã bỏ phiếu upvote cho còm đó.
Vì ai cũng thấy được còm sĩ nào bấm upvote lời còm nào, việc bỏ phiếu upvote này có vài khía cạnh khá tế nhị. Nếu bạn là người viết còm, bạn có thể biết ai "thích" bạn hoặc còm của bạn. Ngược lại, bạn cũng có dịp bày tỏ quan điểm bạn qua việc bấm upvote một còm nào đó. Tuy nhiên, việc bấm upvote là một hành động khá chủ quan, và đôi khi không nhất thiết được thực hiện một cách có ý thức hoàn toàn. Một người có thể chỉ đọc phớt qua lời còm, và thấy có vài câu ưng ý, và bấm upvote tuy có thể có những câu mà nếu người đó đọc kỹ, có thể không thích hoặc ghét.
Ngoài ra, nhiều người bấm upvote không phải để bày tỏ ý thích của mình với lời còm, mà chỉ muốn cho mọi người, nhất là người viết còm đó, biết là họ đã đọc lời còm rồi. Việc này rất thường xảy ra khi có cuộc đối thoại giữa hai người, thí dụ A và B, và A muốn cho B biết là A đã đọc còm của B rồi bằng cách bấm upvote, nhưng không có gì để trả lời.
Hơn nữa, "upvote," "thích" hoặc "hay" có nhiều nghĩa, và không nhất thiết có nghĩa "đồng ý." A có thể upvote còm của B nhưng không nhất thiết đồng ý với còm đó. A upvote hoặc thích vì còm của B có nét hay nào đó, thí dụ dẫn chứng hay, lý luận sắc bén, hoặc có dữ kiện mới lạ.
Về downvote hoặc bỏ phiếu "không thích" hoặc "không hay," Disqus hiện nay không thực hiện. Do đó, nếu bạn không thích một còm nào đó, cách duy nhất để bày tỏ ý kiến là bạn viết còm trả lời. Không upvote một còm không có nghĩa là không thích còm đó. Đôi khi, người đọc chưa có thì giờ đọc còm đó, và do đó không muốn bày tỏ cảm nghĩ vội.
Bạn bấm "Trả lời" khi bạn muốn viết còm trả lời còm đó. Bạn bấm "Chia sẻ" nếu bạn muốn chia sẻ còm đó với người khác qua các phương tiệng truyền thông như Twitter.
e) Giới thiệu hoặc đề nghị (recommend) bài chủ:
Ngoài việc viết lời phê về bài chủ, bạn có thể khen hoặc bày tỏ ý thích về bài chủ bằng cách bấm "Recommend" ở hàng trên phần viết lời phê (Xem Hình 21). Tên của bạn sẽ không được ghi nhận vào những người giới thiệu hoặc đề nghị bài, nhưng profile của bạn có danh sách những bài bạn đã recommend (Xem phần nói về Hình 21). Khi bạn bấm "Recommend," tổng số phiếu sẽ được cập nhật và hiển thị ở ngay bên cạnh "Recommend."
Bấm "Recommend" là một cách bạn cho biết cảm nghĩ tốt đẹp của bạn về bài chủ. Thông thường, một bài có nhiều số "Recommend" là một bài được nhiều người ưa thích. Ngoài ra, vì profile bạn có danh sách những bài bạn recommend, nếu bạn không hạn chế profile bạn, ai vào coi sẽ hiểu ý thích và quan điểm hay lập trường của bạn dựa vào những bài bạn thích hoặc recommend.
f) Dùng các ký hiệu, biểu tượng cảm xúc (emoticon) trong lời phê:
Bạn có thể dùng ký hiệu, biểu tượng cảm xúc (emoticon), hoặc những biểu tượng nào của Unicode trong còm của mình. Bạn chỉ cần copy biểu tượng này trong bảng biểu tượng và dán (paste) vào còm bạn.Tùy vào browser của bạn, các ký hiệu này có thể hiện ra có màu hay không màu. Sau đây là vài links về các biểu tượng thông thường:
http://unicode-table.com/en/#control-character
http://fsymbols.com/emoji/
Hình 23 cho thấy thí dụ của còm có emoticons hoặc các biểu tượng đủ loại.
g) Đăng hình ảnh hoặc video clips:
Bạn có thể tải hình ảnh hoặc video clips trong còm bạn. Bạn chỉ việc copy link của video clip (thí dụ YouTube) vào còm, và video clip sẽ tự động hiện ra. Tương tự, bạn kéo hình và bỏ vào khung còm của bạn. Hình sẽ được hiện ra trong khung nhỏ. Sau khi bạn bấm "Đăng dưới tên ..." như bạn vẫn làm khi đăng còm dưới trương mục đăng ký để đăng còm, cả còm lẫn hình ảnh hoặc video clip được hiện ra.
Hình 24a và 24b cho thấy thí dụ tải hình và YouTube link.
C. Kết Luận:
Trang mạng DLB không những cung cấp tin tức và bài vở hữu ích liên quan đến cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ cho Việt Nam mà còn là một diễn đàn thảo luận cho độc gỉả phát biểu ý kiến và trao đổi ý tưởng qua việc viết lời phê. Viết lời phê có nhiều điểm có lợi hơn là bất lợi và thường làm gia tăng giá trị của bài viết và giúp độc giả có trải nghiệm hữu ích cho việc trao đổi quan điểm, mở mang kiến thức, và trau giồi khả năng đọc, viết.
Disqus là một hệ thống cung cấp dich vụ viết lời phê cho trang mạng DLB. Người viết lời phê có thể viết như khách hoặc có trương mục đăng ký. Disqus có những khí cụ hữu ích cho người viết lời phê trình bày lời phê có hình thức đẹp, gọn gàng, và rõ rệt qua nhiều HTML tags. Độc gỉả nên khai thác các cách thức dùng lời phê, nhất là ghi danh hoặc đăng ký để có trương mục, và quen thuộc với các HTML tags để có thể dùng những khí cụ cho việc viết lời phê thêm phần hữu hiệu.
CẢM TẠ
Tôi cảm tạ các bạn trong Ban Biên Tập DLB đã trả lời vài câu hỏi của tôi về viết lời phê và Disqus. Tuy nhiên tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về bài này.
Tài Liệu Tham Khảo:
1. tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho "sđd." (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v. đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.
2. Disqus. KRNa (Không rõ ngày). Disqus Official Website. Không rõ ngày. https://disqus.com/ (truy cập 20-10-2015).
3. _________. KRNb. What HTML tags are allowed within comments?
https://help.disqus.com/customer/portal/articles/466253-what-html-tags-are-allowed-within-comments (truy cập 20-10-2015).
4. _________. KRNc. Commenting.
https://help.disqus.com/customer/en/portal/topics/215154-commenting/articles?page=1 (truy cập 20-10-2015).
5. _________. KRNd. Guest Commenting.
https://help.disqus.com/customer/en/portal/articles/832187-guest-commenting (truy cập 22-10-2015).
6. _________. KRNe. Updating your Disqus Settings.
https://help.disqus.com/customer/portal/articles/1255134-updating-your-disqus-settings (truy cập 1-11-2015).
7. Flag Counter. 2015. Overview. 1-11-2015.
http://s05.flagcounter.com/more/7EN/ (truy cập 1-11-2015).
8. SimpleGuide. What is HTML?
http://www.simplehtmlguide.com/whatishtml.php (truy cập 20-10-2015).
9. Wikipedia. 2015a. Blog comment hosting service. 16-10-2015.
https://en.wikipedia.org/wiki/Blog_comment_hosting_service (truy cập 22-10-2015).
10. _________. 2015b. Disqus. 17-10-2015.
https://en.wikipedia.org/wiki/Disqus (truy cập 20-10-2015).
11. _________. 2015c. HTML. 13-8-2015.
https://vi.wikipedia.org/wiki/HTML (truy cập 21-10-2015).
8/11/2015