Đại Nghĩa (Danlambao) - Sau 6 năm triển khai Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng và lãng phí, chẳng những tiêu cực không giảm mà còn gia tăng. Tiền của dân đóng góp, các quan quyền đua nhau chi tiêu vô tội vạ, coi như tiền chùa. Ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc Hội “bức xúc” nói:
“Một thói quen ‘xài sang’ khác của số đông đơn vị Nhà nước liên quan đến những chi tiêu cho lễ hội, tiếp khách, quà biếu. Riêng tiền quà biếu của 663 đơn vị lên đến trên 4.000 tỷ đồng. ‘Hiếm có nước nào trên thế giới chi mạnh tay như thế. Ngay ở Singapore, quà biếu trị giá trên 100 đô la phải khai báo’”. (TienPhong online ngày 10-10-2006)
Ở Việt Nam, tình trạng sử dụng vốn ngân sách các quan nhà ta có thói quen tự do chi tiêu thoải mái, bừa bãi, bất kể tiền đóng góp của người dân, bất kể lợi hại cho nhà nước, miễn sau khi xài sang còn dư một ít bỏ túi riêng là ô kê.
“Vừa qua, góp ý kiến sửa đổi dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), ĐBQH Trần Du Lịch xét: “Không thấy ở đâu xài tiền ngân sách lãng phí và tùy tiện như ở nước mình”...
Theo báo Đất Việt, ĐBQH Phạm Văn Tám (Hà Nam) thấy rằng tình trạng tham nhũng trong các dự án sử dụng vốn ngân sách là trầm trọng và hết sức phổ biến. Theo ông, tiền mình quản lý không ai dám lãng phí, còn tiền ngân sách thì tiêu thoải mái và dẫn đến tình trạng ‘Tiền của quốc gia nếu không quản lý có trách nhiệm thì sẽ thành tiền chùa cả”. (RFA online ngày 17-5-2015)
Trong khi một số tỉnh khai thiếu ngân sách trả lương công chức như Bạc Liêu, Cà Mau... thì những tỉnh khác chơi sang, những cán bộ “Sắp về hưu thì cho ra nước ngoài... học hỏi” để “đền ơn đáp nghĩa” như tỉnh Quảng Nam đã đưa cán bộ già đi Phi Châu học hỏi cách... “buôn lậu sừng tê giác với ngà voi” chớ để làm gì?.
“Thông tin 31 quan chức tỉnh Bình Phước, trong đó có nhiều người sắp về hưu hoặc chuyên môn không dính dáng chuẩn bị đi Canada học làm xổ số bằng tiền ngân sách cùng với thông tin một số địa phương hết tiền tiêu đang khiến dư luận bức xúc.
Đi học rồi... về hưu.
Hồi tháng 11-2015, dư luận xôn xao vì trong đoàn công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại ba nước của Đà Nẵng không có đại diện của các sở chuyên ngành, vậy mà lại xuất hiện cả…tài xế của nguyên bí thư thành ủy (hiện là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) Trần Thọ.
Ngày 9-11, UBND tỉnh Tiền Giang cũng cử cán bộ đi nước ngoài học tập kinh nghiệm xây dựng các công trình chống nước biển dâng, chống ngập... tại Hà Lan và Nga. Hầu hết là mấy vị lãnh đạo sắp về hưu hoặc không phải chuyên gia hay cơ quan chuyên môn”. (Vietnamnet online ngày 5-12-2015)
Ngày nay ở Việt Nam đa số những con đường giao thông còn nhỏ hẹp, đầy ổ vịt ổ gà, hạ tầng cơ sở còn thấp kém, xe cộ cứ hết “ùn tắc” đến “ùn úng” thậm chí ở vùng cao trẻ con còn không có cầu đường đi học ấy thế mà có những con “Đường nghìn tỷ chỉ để... phơi mì và đi bộ lên rẫy” mới là nghịch lý thời “cách mạng”.
“Con đường N5-Con đường đẹp nhất Tây Nguyên, được kết cấu 6-8 làn xe chạy, với những bồn hoa cây cảnh đẹp mắt, vốn đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng-gần 2 năm nay lại không hề có phương tiện lưu thông. Đường đẹp nhất Tây Nguyên chỉ để người đi đường liếc nhìn, còn nông dân tận dụng làm ‘sân’ phơi mì, thi thoảng đi bộ lên rẫy, hoặc làm bãi tập lái xe”. (DanTri online ngày 24-3-2012)
Những quan chức nhà nước cộng sản từ lớn tới nhỏ, từ trung ương đến địa phương thi nhau phung phí tiền dân một cách vô tội vạ, chẳng biết xót thương hay nghĩ tới dân nghèo còng lưng đóng thuế.
“Thời gian qua, dư luận Hà Tĩnh xôn xao về một dự án cầu dân sinh 3,5 tỷ đồng được xây dựng hoành tráng nhưng chỉ phục vụ cho... 2 hộ dân, trong đó có gia đình Chủ tịch UBND xã. Phóng viên đã điều tra tìm hiểu nguyên nhân của sự ‘tréo ngoe’ nầy”. (DanTri online ngày 12-8-2015)
Người dân thì thiếu bệnh viện, thiếu giường nằm; học sinh thì thiếu trường lớp, thiếu bàn ghế ngồi học; đất, ruộng, nhà của dân thì quy hoạch, cưỡng chế đến nỗi không còn nơi chốn nương thân phải lang thang về nơi phố thị với thân phận của kẻ không nhà. Vậy mà các “đầy tớ của dân” thì làm việc trong những “Trụ sở tỉnh như lâu đài, nhà vệ sinh dát vàng” chiếm đất rộng thênh thang để nhà báo phải thốt lên:
“Có lẽ hiếm có quốc gia nào chịu chơi như Việt Nam khi trụ sở Ủy ban tỉnh, tòa án nhiều địa phương xây nguy nga như cung điện, nhà vệ sinh ‘dát vàng’...
Trụ sở Tòa án tỉnh Bến Tre hình chữ U, nhìn từ mặt tiền vào. Để vào tới ‘tòa lâu đài’ này, người dân phải đi bộ qua một khoảng sân rất rộng như sân bóng đá”. (BaoDatViet online ngày 21-11-2013)
Báo Dân Trí chua chát đưa tin “Ký túc xá 1.000 tỷ đồng chỉ... 1 sinh viên ở”. Tôi nghĩ những việc này những ông bà đại biểu “đảng hội” nếu có nghe qua rồi thì cũng bỏ ngoài tai, để lại nghị trường, hết giờ họp ra về một cách thanh thản!
“Phát biểu trước Quốc hội, ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đưa ra thông tin hai nhà máy trị giá hơn 15.000 tỷ đồng ở Hải Phòng và Thái Nguyên có nguy cơ đóng cửa, còn ở Đà Lạt xây ký túc xá lên đến 1.000 tỷ đồng chỉ có... 1 sinh viên ở”. (DanTri online ngày 17-11-2015).
Dư luận quần chúng gần đây để ý đến các tỉnh rất năng nổ trong “phong trào thi đua” xây tượng đài để chấm mút. Rất tiếc là tượng đài 14.000 tỷ của Hồ Chí Minh đã bị dư luận lề trái tố quá nên phải “tạm ngưng”, còn tượng đài Mẹ VN anh hùng thì đã trót lọt nhờ “mánh” lúc khởi điểm đưa giá bèo nên dễ được “phê duyệt”, rồi sau đó mặc tình đội giá lên bao nhiêu không được. Mới đây triển lãm tượng đài được nhận huy chương vàng không biết các bà mẹ anh hùng của Việt cộng nên vui hay nên buồn?
“Vốn ban đầu dự tính là 55 tỷ đồng, nhưng trước thời điểm khởi công, dự án đội giá lên 120 tỷ đồng. Năm 2011, tỉnh Quảng Nam ra quyết định bổ sung 330 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đầu tư lên 411 tỷ đồng, gấp nhiều lần số tiền được phê duyệt ban đầu...” (VNExpress online ngày 14-3-2015)
Năm rồi, CSVN đã hào phóng chi 21 tỷ đồng, tiền mồ hôi nước mắt của dân để làm phim “Sống cùng lịch sử” với nội dung tuyên truyền dối trá nên khán giả đã quay lưng, thậm chí phải chiếu “free” nhưng cũng chẳng ai xem, báo chí của nhà nước phải ngậm đắng đưa tin:
“Mặc dù “Sống cùng lịch sử” luôn được chiếu trong khung giờ ưu tiên như: 10h, 19h30, 20h tại Trung tâm Chiếu bóng Quốc gia và giá vé chỉ 40.000-50.000 đồng nhưng rạp phải thường xuyên hủy chiếu vì không có khán giả.
Trước đây. Phim “Lý Công Uẩn” (đạo diễn Cận Đức Mậu) tiêu tốn cả trăm tỷ đồng, được đem qua TQ quay nhưng rồi vẫn bị xếp vào kho... phim lỗ cũng ‘chẳng chết ai”. (BaoMoi online ngày 22-9-2014)
Ở Quảng Bình, trước đã có dự án pin mặt trời nhưng chủ tịch tỉnh nhà ta đã nhắm mắt ký thêm một dự án nữa cùng mục tiêu cung cấp điện, nghĩa là “dự án chồng dự án”. “Chủ tịch ký liều và ‘tiền chùa’ triệu đô”. Ông chủ tịch này thuộc về lãnh chúa địa phương, cường hào ác bá thời XHCN Việt Nam.
“...ông Chủ tịch tỉnh Quảng Bình xây mộ bố vi phạm quy hoạch chung của tỉnh, ngang nhiên hợp pháp hóa việc làm tư lợi đó bằng mọi cách, tuần này báo chí lại tiếp tục ồn ào vụ việc ông Chủ tịch tỉnh Quảng Bình ‘ký liều’. Khiến bất cứ ai đọc và biết về vụ việc này cũng bỗng thấy... ‘nóng mặt’ và choáng’...
Phải chăng, vì đây là ‘tiền chùa’ quốc tế, và tỉnh Quảng Bình lại không phải trả nợ, nên thân phận 14 triệu USD... rẻ bèo?” (Vietnamnet online ngày 18-4-2013)
Bọn tham quan luôn tìm cách bòn rút tiền của ngân sách bằng cách mua sắm hết cái này đến cái kia không nhằm phục vụ nhân dân mà chỉ nhằm phục vụ quan.
“...theo báo cáo của Bộ Tài chính ngày 21-5, riêng năm 2014, VN chi gần 500 tỷ đồng mua mới 507 xe công cho các bộ, ngành, địa phương...
Vì sao, tiền chùa bị rẻ rúng đến như vậy, dù nó thắm đẵm mồ hôi lao động một nắng hai sương của người dân”. (Vietnamnet online ngày 30-5-2015)
Theo tựa đề của bài này là “Tiền của dân hay tiền chùa” còn đỡ hơn là báo NguoiLaoDong của lề đảng viết “Vinafood 2 xem tiền như lá mít”.
Vinafood là Tổng công ty quốc doanh, có nghĩa là sử dụng tiền của dân mà các quan coi như “lá mít” thì thử hỏi nhân dân có đau lòng không, nhân dân Việt Nam đang nghĩ gì về cái đảng cộng sản phá hoại và bán nước này?
“TTCP kiến nghị Vinafood 2 kiểm điểm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn sai quy định của pháp luật, điều lệ, quy chế của tổng công ty và các đơn vị thành viến số tiền trên 9.920 tỷ đồng và gần 63 triệu USD”. (NguoiLaoDong online ngày 11-12-2015)
Trong khi những quan chức cộng sản chi tiêu phung phí thì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu với cử tri quận 4 TP Sài Gòn về vấn đề ‘Chúng ta đang phải đi vay để trả nợ’ vì nhiều khoản đến hạn, vì nợ công sắp đụng trần. Chủ tịch Sang nói:
“Việc này ảnh hưởng đến con cháu sau này. Để giảm chi cần phải giảm biên chế trong cơ quan nhà nước bởi nó đang là gánh nặng của ngân sách. Phải giảm từ trung ương đến địa phương, lẫn các tổ chức đoàn thể”. (VNExpress online ngày 6-12-2015)
Hậu quả của việc phung phí tiền chùa, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế hiện làm việc tại Hà Nội nói về xu hướng nợ công năm 2014 lên đến 1 triệu 700 tỷ đồng và tăng nhanh trong khi khả năng trả nợ rất hạn hẹp, tiến sĩ nhấn mạnh:
“Nói chung nguy cơ về nợ công không phải trong tương lai mà đã hiện hữu trước mắt rồi. Không những trước mắt phải trả mà đời con, đời cháu phải trả, không làm khác được. Với cái kiểu như hiện nay thì vài chục năm nữa cũng chưa trả hết nợ được, điều này là nhãn tiền. Thực trạng nợ công Việt Nam hiện nay nói tóm gọn là như vậy”. (RFA online ngày 5-12-2015)
16.12.2015