Những gì sẽ tới sau Đai hội 12? - Dân Làm Báo

Những gì sẽ tới sau Đai hội 12?

Trần Quang Thành (Danlambao) - "Điều chắc chắn là tuy Nguyễn Phú Trọng không muốn dân chủ nhưng ông bắt buộc phải mở cửa dân chủ vì ông không có chọn lựa nào khác. Như vậy ông Trọng sẽ bị bắt buộc phải làm một điều mà ông vừa không biết làm vừa không muốn làm. Ông sẽ thất bại và kéo theo sự sụp đổ của chế độ." - Nguyễn Gia Kiểng

LGT: Ngày 28/01/2016, Đại hội 12 của ĐCSVN đã kết thúc. Vấn đề nóng bỏng nhất trong đại hội này là cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phe Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng. Cuộc đụng độ tuy gay go đến giờ chót nhưng cuối cùng đã kết thúc khá êm thấm. Nguyễn Phú Trong tuy không toàn thắng nhưng Nguyễn Tấn Dũng đã thua to, sự nghiệp chính trị của Nguyễn Tấn Dũng kể như chấm dứt. Trên báo chí lề trái nhiều bình luận cho rằng dù Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Tấn Dũng thắng tình hình Việt Nam cũng chẳng có gì thay đổi. Nhưng có thực thế không, hay đại hội này mở ra một giai đoạn mới đối với chế độ cộng sản?

Từ Paris, ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đã có cuộc trao đổi sau đây với nhà báo Trần Quang Thành.

Mời quí vị cùng nghe



Trần Quang Thành: Xin chào ông Nguyễn Gia Kiểng.

Nguyễn Gia Kiểng: Xin chào ông Trần Quang Thành.

TQT: Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng, Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc. Theo đánh giá của ông những nét đậm nào đáng quan tâm về đại hội này?

NGK: Theo tôi đại hội này là đại hội gây nhiều tranh chấp và xung đột quyền lực nhất trong lịch sử Đảng Cộng Sản. Vấn đề nóng nhất, vấn đề trọng tâm của đại hội này, là vị thế và tương lai của ông Nguyễn Tấn Dũng. Tham vọng của ông Dũng là nắm lấy chức tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước, nghĩa là nắm toàn quyền, hay là ít nhất là nắm được chức tổng bí thư với quyền lực áp đảo lên chủ tịch nước và chính quyền. Thế của ông ấy là hoặc thắng lớn hoặc thua to. Vào giờ này chúng ta có thể nói ông đã thua to. Sự nghiệp chính trị của ông kể như chấm dứt.

TQT: Nửa năm trước đây ông Nguyễn Tấn Dũng còn có thế mạnh, có thể nói là rất mạnh. Ông ta nắm được công an, quân đội, đa số trong trung ương và ông đã khuynh đảo rất nhiều người, ông đã từng thắng được một keo là không bị kỷ luật. Thế nhưng mà bây giờ tự nhiên ông bị chững lại và bị thất bại. Tại sao lại như vậy thưa ông?

NGK: Đúng là thế lực của ông Dũng đã suy giảm nhiều và đã suy giảm một cách nhanh chóng. Tôi nghĩ có ba lý do chính:

Lý do thứ nhất là thành tích điều hành chính quyền của ông Dũng quá bi thảm. Việt Nam hiện nay gần như đã vỡ nợ. Người ta nói thường nói "nợ như chúa chổm", nhưng tôi nghĩ nợ công của Việt Nam hiện nay còn hơn cả chúa chổm. Nó không phải là 65% GDP như chính phủ nói, nó cũng không phải là 100% như một số chuyên gia thẩm định. Theo tôi nó phải ở mức 200%. Và đe dọa trước mắt là Việt Nam có thể không còn vay được nợ để trả nợ và phải tuyên bố không còn khả năng hoàn trả, nghĩa là nhìn nhận mình khánh tận, mình phá sản. Điều này cho tới nay có vẻ ông Dũng đã giấu được ban lãnh đạo và dư luận. Thế nhưng mà bây giờ ông ta không thể che đậy được nữa bởi vì nó đã trở thành quá lộ liễu. Mọi người đều biết khả năng trả nợ càng ngày càng yếu đi, áp lực càng ngày càng mạnh lên và không thể giấu được nữa. Cho nên trước một thực trạng như vậy ông Dũng không còn lý do gì để tiếp tục cầm quyền. Cách quản lý của ông Dũng cũng quá bê bối, thí dụ như công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Tôi chỉ nói một thí dụ thôi nhưng nói chung là không có gì coi được cả. Ngay cả các chương trình y tế tối cần thiết cho sức khỏe nhân dân cũng bị bỏ dở. Trong cương lĩnh của đại hội 12 có một điều ít người để ý: họ nói rằng phải tập trung cố gắng để hoàn tất các công trình ý tế ở "tuyến trung ương". Tuyến trung ương có nghĩa là một vài thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng mà thôi. Còn các công trình xây dựng bệnh viện ở các cấp tỉnh, thành phố nhỏ, huyện bị hủy bỏ dở đang. Trước tình trạng bi đát như thế, những người từ trước vẫn từng ủng hộ ông Dũng cũng không thể ủng hộ ông được nữa. Thêm vào đó là sự lệ thuộc Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc được giao tất cả các công trình lớn và họ thi công rất bê bối. Cho đến nay chính quyền cũng không hề truy tố họ. Lại có những khu gần như là của riêng người Trung Quốc như ở Vũng Áng. Rồi đạo đức suy đồi, môi trường bị hủy hoại, công an thì giả làm côn đồ để hành hung những người dân chủ. Có thể nói thành tích của ông Dũng bi thảm quá, phải nói nó rất kinh khủng. 

Phải nói là tôi rất ngạc nhiên và hơi phiền lòng khi thấy những người tự coi mình là dân chủ mà lại ủng hộ ông Dũng. Hình như họ không nhìn thấy vấn đề.

Lý do thứ hai là phe ông Trọng đã hành động rất có lớp lang, nếu ta nhìn cách họ làm. Trước khi thảo luận xem nên bầu ai vào chức vụ lãnh đạo -nếu như thế thì ông Dũng đã may mắn rồi- họ đã đề nghị nên thảo luận về những tiêu chuẩn để chọn lựa các cấp lãnh đạo. Đây là một đề nghị không ai có thể từ chối được vì rất đúng. Nhung những tiêu chuẩn đề ra -như là không tham nhũng, không thiên vị gia đình, không câu kết với các nhóm lợi ích- thì lại gần như vẽ ra một chân dung một người lãnh đạo không thể chấp nhận được. Và chân dung đó không ai khác là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Lý do thứ ba là Trung Quốc không thể ủng hộ ông Dũng dù họ rất muốn vì họ không thể có một người đồng minh nào lý tưởng hơn ông Dũng. Nhưng hiện nay họ đang thực hiện một chính sách chống tham nhũng và nhân danh chiến dịch chống tham nhũng đó họ đã thanh trừng rất nhiều cấp lãnh đạo rất cao như Chu Vĩnh Khang. Cho nên cuộc đấu đá ở Trung Quốc rất dữ dội và trong tình huống đó Tập Cận Bình không thể cống hiến cho các đối thủ của ông một lý do để nói rằng chống tham nhũng chỉ là một lý cớ, bởi vì ông ta đã có thể ủng hộ một người mà ai cũng biết là tham nhũng như Nguyễn Tấn Dũng. 

Còn nhiều lý do khác như xích mích cá nhân, như có thể ông Dũng có những tập tính mà ngay cả những người gần gũi ông cũng không chịu được. Thế nhưng ba lý do tôi vừa kể rất đủ để khiến Nguyễn Tấn Dũng bị loại bỏ.

TQT: Ông Nguyễn Phú Trọng đã tái cử chức Tổng bí thư. Quyền lực đã gia tăng, liệu chế độ có khép lại sự cứng rắn hơn thưa ông? Và những người dân chủ trông đợi gì vào việc ông Nguyễn Phú Trọng được tái đắc cử?

NGK: Theo tôi những người lo âu rằng đàn áp sẽ thô bạo hơn, chế độ sẽ cứng rắn hơn trước là không đúng mặc dầu có một sự kiện đó là một ông tướng công an với thành tích chống dân chủ thô bạo như là ông Trần Đại Quang lên làm chủ tịch nước là một chỉ dấu đáng lo ngại. Thế nhưng tôi nghĩ chế độ sẽ không khép lại, không cứng rắn hơn trước, sự đàn áp dân chủ sẽ dịu đi nhiều, trong mọi trường hợp nó không thể thô bạo hơn trước. Lý do đơn giản không có ai chống dân chủ thô bạo hơn ông Dũng. Ông Trọng chắc chắn không phải là người cấp tiến cởi mở. Ông ấy không phải là một người muốn dân chủ. Ông ấy là một người giáo điều và thủ cựu. Ông đã từng nói hiến pháp là để thể chế hóa cương lĩnh của Đảng; hoặc là những người muốn phi chính trị hóa quân đội và công an là không có đạo đức. Ông ấy có những quan điểm khác với người bình thường. Nhưng vấn đề là ông Trọng không thể làm những điều ông ấy muốn làm và sẽ phải làm điều mà ông ấy hoàn toàn không muốn làm nghĩa là mở rộng những quyền về tự do và hội nhập vào thế giới dân chủ. Chúng ta cũng có thể để ý một điều là dù sao niềm tin thủ cựu của Nguyễn Phú Trọng cũng không vững vàng như người ta tưởng. Gần đây ông tỏ ra rằng niềm tin đó đã bị lung lạc khi ông nói chủ nghĩa xã hội 100 năm nữa cũng chưa chắc đã có được. Chúng ta có thể chắc chắn rằng Nguyễn Phú Trọng không muốn nhìn một sự thực là thế giới đang chuyển hóa một cách không thể đảo ngược được về dân chủ và một làn sóng dân chủ mới – làn sóng dân chủ thứ tư trong lịch sử thế giới - đang trào dâng và quét sạch đi những chế độ độc tài còn lại. Ông ta không muốn nhìn sự thực đó. Nhưng một đặc tính của sự thực là nó rất có sức mạnh, nó có sức mạnh để mở mắt cả những người muốn nhắm mắt lại để không nhìn thấy nó. Sự thực bao giờ cuối cùng cũng phải thấy, tôi nghĩ rằng Nguyễn Phú Trọng sẽ không làm gì được.

TQT: Hình như là ông rất tin tưởng vào áp lực của quốc tế vào ông Nguyễn Phú Trọng và ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản hiện nay. Do áp lực quốc tế họ sẽ phải thay đổi. Họ sẽ phải dân chủ hơn, phải tốt hơn. Nhưng tôi thấy các nước dân chủ như Mỹ, Nhật, châu Âu họ luôn luôn quan tâm trước hết đến quyền lợi của họ, trước hết là quyền lợi kinh tế. Ngay cả nếu một nước cộng sản đàn áp dã man phong trào dân chủ họ cũng không làm gì ngoài một bản tuyên bố. Họ có thể làm gì được nếu ông Nguyễn Phú Trọng cũng làm như vậy, thưa ông?

NGK: Tôi nghĩ chế độ cộng sản Việt Nam sẽ không thể bất chấp thế giới được đâu. Việt Nam là một trong những nước lệ thuộc vào ngoại thương nhiều nhất. Ở trong kinh tế người ta có một chỉ số để đo lường mức độ lệ thuộc nước ngoài, lệ thuộc bối cảnh quốc tế về mặt kinh tế. Đó là sự so sánh giữa tổng số ngoại thương -tức là tổng số xuất nhập khẩu- so với tổng sản lượng quốc gia, hay GDP. Bình thường ở một quốc gia lành mạnh chỉ số này ở mức 50%. Có nghĩa là tổng số ngoại thương bằng ½ tổng sản lượng quốc gia. Nhưng ở Việt Nam con số này là 200%. Việt Nam không có chủ quyền về mặt kinh tế. Không những chỉ lệ thuộc vào thị trường thế giới, không làm chủ được những biến chuyển của thế giới, Việt Nam còn lệ thuộc rất nặng nề vào nước ngoài để có vốn, để thu hút vốn đầu tư. Và gần đây để vay tiền trả nợ các món nợ công. Việt Nam không thể bất chấp dư luận thế giới, không thể bất chấp lương tâm thế giới được. Trước đây Việt Nam còn có thể dựa vào Trung Quốc, nhưng bây giờ Trung Quốc cũng rất khốn đốn, không thể là chỗ dựa cho chế độ cộng sản Việt Nam được. Nhiều người thường nói với tôi là Hoa Kỳ và các nước dân chủ không làm gì cả ngay cả khi cộng sản Việt Nam đàn áp những người dân chủ cùng lắm họ cũng chỉ đưa ra một vài bản tuyên bố chính thức lên án những hành động về mặt nguyên tắc. Nói như vậy là đúng. Nhưng mà đừng quên một điều là Việt Nam đang ở trong tình trạng sắp vỡ nợ và rất cần được giúp đỡ. Điều họ sợ nhất là Hoa Kỳ và các nước dân chủ sẽ "không làm gì". Họ cần Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước dân chủ "làm gì", nghĩa giúp đỡ họ. Chúng ta thường nói rằng nếu chế độ cộng sản đàn áp dân chủ một cách dã man thì các nước dân chủ lớn trên thế giới không làm gì. Điều đó đúng. Nhưng mà chế độ cộng sản Việt Nam sẽ không dám làm vì họ đang cần được giúp đỡ.

TQT: Đai hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khép lại. Một thời kỳ mới mà trước mắt là 5 năm. Trong đường hướng của đại hội này họ vẫn kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy tiền đồ Việt Nam sẽ đi về đâu. Nó có đi theo chủ nghĩa giáo điều hay nó sẽ mở ra một triển vọng mới thưa ông?

NGK: Tương lai như thế nào mỗi người đều có quyền dự đoán. Tôi chỉ muốn nói lên niềm tin chắc chắn của tôi dựa vào những gì đã xảy ra và đang xảy ra. Điều chắc chắn là tuy Nguyễn Phú Trọng không muốn dân chủ nhưng ông bắt buộc phải mở cửa dân chủ vì, như tôi vừa trình bày, ông không có một chọn lựa nào khác. Như vậy ông Trọng sẽ bị bắt buộc phải làm một điều mà ông vừa không biết làm vừa không muốn làm. Cho nên ông sẽ thất bại và kéo theo sự sụp đổ của chế độ. Vào giờ này tôi nghĩ trừ khi có một sự tỉnh ngộ khó hình dung ở nơi ông Nguyễn Phú Trọng thì ông ta sẽ đi vào lịch sử như thế.

TQT: Cách đây 1 tháng trong một cuộc hội luận ông khẳng định là nguy cơ sụp đổ là không thể tránh khỏi đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông cũng đưa ra một dự báo là có thể đại hội 12 là đại hội cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến giờ phút này ông nghĩ rằng dự báo đó, suy nghĩ đó nó còn tiếp tục không hay là ông có suy nghĩ khác?

NGK: Tôi nghĩ nó vẫn còn nguyên vẹn. Không những thế tôi nghĩ rằng đảng cộng sản và chế độ cộng sản sẽ trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Thứ nhất chúng ta đừng nên quên là ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm thủ tướng trong vòng 10 năm qua với quyền lực áp đảo hơn cả ông tổng bí thư. Trước đó trong vòng 9 năm ông đã từng làm phó thủ tướng thường trực cho một ông thủ tướng rất mờ nhạt là ông Phan Văn Khải. Quyền lực của ông Dũng trong thời gian đó có thể còn lớn hơn cả ông Phan Văn Khải. Thời gian cầm quyền của Nguyễn Tấn Dũng rất lâu và bộ máy chính quyền là hoàn toàn do ông chi phối. Bây giờ ông Dũng ra đi, chắc chắn sẽ có những xáo trộn nhân sự rất lớn, bởi vì người ta cần đào thải một số tay chân của ông Dũng. Nhưng lý do chính là ông Nguyễn Tấn Dũng là một người rất tham nhũng và gần như tuyệt đại đa số những chức vụ ở một tầm quan trọng nào đó đều phải mua để có chứ không phải do kinh nghiệm và khả năng cho nên chính phủ mới sắp tới đây sẽ càng có lý do để thay đổi họ. Sẽ có một cuộc xào xáo lớn, gần như là một cuộc đảo chính.

Lý do thứ hai là là đảng cộng sản cùng với đại hội 12 sẽ bắt đầu một giai đoạn rất là mới. Họ sẽ phải thử nghiệm lần đầu tiên một điều họ thường hay nói tới nhưng mà họ không nghĩ tới một cách nghiêm chỉnh và cũng không hiểu rõ những hậu quả, đó là một mức độ nào đó của cái gọi là "dân chủ trong nội bộ đảng". Từ trước đến nay không phải là như thế. Luôn luôn có những người có tiếng nói áp đảo. Đến gần đây với sự suy yếu đi của ông Dũng mới xuất hiện những cuộc tranh cãi và xung đột cá nhân, nhưng dù sao chính quyền vẫn nằm trong tay ông Dũng. Chúng ta phải hiểu việc bị bắt buộc phải thực hiện một mức độ nào đó "dân chủ trong nội bộ đảng" sẽ có một ảnh hưởng lớn. Bởi vì bản chất các đảng cộng sản là bản chất của những tổ chức khủng bố. Khi chưa có chính quyền thì họ hành động như một tổ chức khủng bố phá hoại, và khi có chính quyền họ áp đặt một chính sách khủng bố nhà nước. Muốn duy trì một chế độ độc tài khe khắt gần như khủng bố đó đối với xã hội thì họ phải có trước hết một kỷ luật thép, nghĩa là một mức độ độc tài lớn hơn, ở trong nội bộ.

Cho đến nay đảng cộng sản đã vượt qua được nhiều thử thách, đã giành được chính quyền -họ nói là đã "cướp" được chính quyền- và tồn tại đến ngày hôm nay bởi vì họ luôn luôn có nhóm cầm quyền, một nhóm có toàn quyền thanh trừng bất cứ ai trong đảng. Nhóm này giữ trật tự trong đảng. Trước đây nhóm cầm quyền đó do ông Hồ Chí Minh, ông Trường Chinh, ông Võ Nguyên Giáp, sau đó là cặp bài trùng Lê Duẩn - Lê Đức Thọ, gần đây đến lượt hai ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười. Nhưng dần dần cái đảng cầm quyền trong đảng yếu đi bởi vì khi ông Lê Đức Anh và ông Đỗ Mười hạ bệ ông Lê Khả Phiêu thì họ cũng phải trả giá, đó là thôi làm cố vấn để có thể trực tiếp can thiệp vào công việc của đảng và chính quyền và sau đó họ phải chấp nhận một giai đoạn lửng lơ với ông Nông Đức Mạnh. Trong đại hội 11 ông Đỗ Mười dần dần mờ nhạt đi nhưng ông Lê Đức Anh còn đó. Ông Lê Đức Anh đã cố gắng để áp đặt ông Nguyễn Tấn Dũng vào chức vụ tổng bí thư mà không được. Tới đại hội 12 này ông ấy lại một lần nữa vận động để cho ông Nguyễn Tấn Dũng làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, nhưng lần này lại không được nữa. Có thể nói đại hội 12 đã chính thức chấm dứt giai đoạn Lê Đức Anh, chính thức chấm dứt giai đoạn có sự hiện diện của một đảng cầm quyền trong đảng. Và đảng cộng sản sẽ phải thử nghiệm một phương pháp làm việc mới là thảo luận để cố gắng đi đến đồng ý với nhau trong những quyết định chung, một điều mà họ không thể làm. Cho nên tôi nghĩ là sự sụp đổ của đảng cộng sản là chắc chắn. 

Xin cảm ơn ông đã nhắc lại là tôi đã nói đại hội này có thể là đại hội cuối cùng của Đảng Cộng Sản. Tôi nghĩ rằng giờ đây niềm tin đó còn vững vàng hơn cách đây một tháng sau những gì vừa xảy ra.

TQT: Xin cảm ơn ông Nguyễn Gia Kiểng



Trần Quang Thành
danlambaovn.blogspot.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo