Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm (Danlambao) - Nhìn vào đường biểu diễn đồng Nhân dân tệ, đồng bạc Trung cộng so với Đô la trên thị trường tiền tệ, ngưới ta thấy vào ngày 16/4/2012, đồng nhân dân tệ mất giá 1% so với Đô la, ngày 15/3/2014, mất gần 2%, ngày 11/8/2015 mất 2%, ngày 29/1/2016 mất gần 10%, mặc dầu trước đó mấy tháng, ngày 30/11/2015, Quĩ Tiền tệ quốc tế (FMI), đã tuyên bố chính thức chấp nhận Đồng tiền Trung cộng vào Giỏ những đồng tiền được dùng trong việc trao đổi thương mại quốc tế.
Trước sự kiện đó, có người tiên đoán rằng Đồng Nhân dân tệ nhất định phải phá giá, không những đồng tiền, mà còn cả nền kinh tế và ngay cả chế độ.
Đó là Trường phái Bi quan.
Trường phái Bi quan có ông Georges Sorros, nhà tài phiệt, chuyên gia về thị trường chứng khoán. Có người đã cho rằng ông là tác nhân chính của khủng hoảng kinh tế châu Á vào năm 1997; bắt đầu bằng sự biến động thị trường chứng khoán ở Thái lan, rồi lây lan sang Mã lai, Nhật bản v.v..., mà hậu quả còn dây dưa cho tới ngày hôm nay. Như kinh tế Nhật cho đến ngày hôm nay vẫn còn gượng dậy một cách khó khăn.
Tất nhiên trong trường phái này cũng còn nhiều nhà bình luận, kinh tế gia và tài chính khác, ngay cả người Trung cộng, như giáo sư Trương duy Nghênh, của 1 trường đại học nổi tiếng tại Bắc kinh. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, ở Thụy sỹ, ông có đưa ra một bài tham luận về kinh tế Trung cộng vào năm 2011.
Theo ông thì: Nền kinh tế Trung cộng đang chao đảo. Mô hình kinh tế cũ, hàng thập kỹ trước đây, dựa trên xuất khẩu hàng hóa rẻ và bắt chước, được điều khiển bởi những doanh nghiệp nhà nước, mô hình này đã lỗi thời. Nhưng các ông chủ doanh nghiệp nhà nước này vẫn bình chân như vại. Cũng có những doanh nghiệp nhận thấy rằng họ cần phải cải tổ và sáng tạo để bắt kịp đà tiến triển của thị trường thế giới, nhưng họ chỉ là những hạt cát trong sa mạc quan lại, phẩm trật, tham nhũng và hối lộ.
Mặc dầu cũng có một đề xuất của Trung Ương Đảng và Quốc vụ viện, yêu cầu thay đổi cách sinh hoạt của những doanh nghiệp nhà nước. Nhưng cũng chỉ trên giấy tờ. Thực tế ít được áp dụng.
Theo ông, sự tách rời chính quyền khỏi những doanh nghiệp nhà nước rất khó khăn vì những lý do sau đây:
- 1) Sự chi phối của chính quyền quá nặng nề vào nền kinh tế: Bề ngoài là kinh tế tư doanh, nhưng bên trong vẫn là kinh tế quốc doanh, ngay một quyết định nhỏ của một hãng bậc trung cũng phải đợi chỉ thị của Trung Ương.
- 2) Thiếu động lực: Tại những doanh nghiệp nhà nước, không ai có thẩm quyền, phần lớn là thư lại, đợi lệnh từ cấp trên, không dám tự lấy quyết định, thiếu sáng kiến. Không có sự thúc ép từ trên xuống dưới, làm việc cho có lệ, đưa đến tình trạng « Cha chung không ai khóc, ruộng chung không ai cày, nhà chung không người chăm sóc «.
- 3) Quản lý thiển cận: Phần lớn giới lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có một cái nhìn rất thiển cận, thư lại, tinh thần ỷ lại, chờ lệnh, vì họ là những người được bổ nhiệm, không dựa trên tài cán kinh tế, kinh doanh, óc sáng tạo trong ngành này, mà dựa trên tiêu chuẩn chính trị, vâng lời.
- 4) Chi tiêu ngân sách tùy tiện, pha phí quá độ, cái đáng tiêu thì không tiêu, cái không đáng tiêu thì tiêu. Tiền phần lớn tiêu vào lương bổng, chạy chọt cấp trên, tham nhũng, chứ không tiêu vào nghiên cứu, phát minh, nên không theo kịp nền kinh tế hiện đại.
- 5) Lạm phát lương và lạm phát nhân công: Tiêu chuẩn một hãng xưởng lớn mạnh bị đánh giá sai, là dựa trên tiêu chuẩn nhiều nhân công, nhân công được trả lương cao, chứ không phải là hãng xưởng đó làm ra những sản phẩm xuất sắc, giá trị trên thị trường, có nhiều phát minh sáng kiến về khoa học và về quản trị hãng xưởng.
Ngoài ra, năm 2015 vừa qua, những người bi quan còn nêu ra vụ tháo chạy người và tiền bạc ra ngoại quốc và mấy lần thị trường chứng khoán bị tụt dốc. Theo nhiều cuộc thăm dò thì đến 75% dân giầu có mà phần đông là quan chức đều muốn ra ngoại quốc sống, đến 85% là muốn gửi con và người nhà ra ngoại quốc, rồi có dịp sẽ theo sau. Số tiền dân Trung cộng gửi ra ngoại quốc vào cùng năm lên đến 1 ngàn tỷ $. Mấy vụ thị trường chứng khoán tụt dốc như vào tháng 8 tháng 9 năm 2015, làm cho Trung cộng mất vào khoảng 3600 tỷ $, tương đương với tổng sản lượng của nước Đức, cường quốc thứ 4 trên thế giới. Vào tháng Giêng năm 2016, thị trường chứng khoán Trung cộng mở 2 ngày, ngày thứ hai mồng 4 và ngày thứ năm mồng 7, mỗi ngày không đầy 30 phút, rồi phải tự động đóng cửa, vì chỉ số giao dịch trên thị trường bị tụt giá trên 7%. Theo nhiều cơ quan nghiên cứu, thì 2 lần tụt giá đầu năm TC mất tới 2000 tỷ $, mỗi lần 1000 tỷ $.
Riêng vụ mất giá thị trường chứng khoán vào tháng 8 năm 2015 liên quan đến gần 200 triệu người Tàu, mà phần lớn là giai tầng trung lưu.
Sự kiện này làm người ta nhớ đến một giai thoại về tướng Tưởng giới Thạnh. Vào năm 1923, Tôn dật Tiên có ký Hiệp ước thân thiện với Lénine. Sau đó ông gửi Tưởng giới Thạch, tay em của ông, sang Liên sô học. Nhưng ông này chỉ ở đó một tháng rồi về. Người ta hỏi ông: Tại sao Tướng quân không ở bên đó để học. Ông trả lời: Tôi không có gì để học. Sau ông nói tiếp: Một con người không có xương sống thì suốt đời chỉ nằm và bò, không bao giờ đứng lên được. Xương sống của một xã hội là giai tầng trung lưu. Cộng sản chủ trương tiêu diệt giai tầng này, nên tôi không có gì để học.
Hai trăm triệu người Trung cộng, phần lớn là trung lưu, vì thị trường chứng khoán mà trắng tay, mất hết tin tưởng vào kinh tế Trung cộng, nay tìm cách khôi phục lòng tin của họ thật quả là khó. Đấy là chưa nói có thể đây là mầm mống cuộc nội loạn hay cách mạng tương lai.
Từ những cái nhìn đó, những người bi quan cho rằng, sớm muộn Trung cộng lại phải phá giá chính thức đồng Nhân dân tệ. Và hơn thế nữa nền kinh tế và ngay cả nền chính trị, dựng lên bởi Đặng tiểu Bình, nay đã trở lên lỗi thời. Cần phải cải tổ, sửa đổi.
Sửa đổi có thành công hay không? Đây là một câu hỏi lớn.
Một nhà tư tưởng chính trị lớn người Pháp, ông Tocqueville (1805-1859) trong quyển l’Ancien Régime et la Révolution (Chế độ cũ và Cách mạng) được xuất bản năm 1856, có viết: "Giai đoạn nguy hiểm nhất cho một chế độ, đó là lúc nó bắt đầu cải tổ". Ông muốn nói đến chế độ của vua Louis 16 và cuộc cách mang Pháp 1789.
Chính giới Trung cộng cũng đã ý thức điều này, nhất là sự sụp đổ của chế độ Liên Sô qua cuộc cải tổ của Gorbatchev vẫn là cái gương trước mắt, nên Ban Tư tưởng và Ý thức hệ của Trung ương đã bắt cán bộ đọc quyển sách này.
Học nhưng ý thức được là một chuyện, tránh được lại là một chuyện khác.
Ngược lại cũng có Trường phái Lạc quan, cho rằng Đồng Nhân dân tệ không phải bị phá giá chính thức, mặc dầu có sự dao động trên thị trường. Và xa hơn nữa, kinh tế Trung cộng sẽ từ từ phục hồi, chế độ sẽ bền vững.
Chúng ta sẽ cùng nhau xem xét vấn đề, không những về Đồng Nhân dân tệ, mà cả nền kinh tế và tương lai chế độ Trung cộng.
Thực ra, nói về sự phá giá đồng bạc, thì ít nhất có 2 cách phá giá, phá giá chính thức và phá giá không chính thức, và phá giá có nghĩa là so với một cái gì, so với vàng hay so với một đồng bạc nào khác. Ngày hôm nay người ta thường so với Đô la Hoa kỳ. Như vào giữa năm 2015, chính quyền Trung cộng đã chính thức phá giá đồng bạc của mình 2 lần, lên tới 4,5% so với Đô la. Tuy nhiên có sự phá giá bán chính thức trên thị trường tiền tệ, chính phủ tìm cách bán Nhân dân tệ ra, và thu Đô la vào. Nếu chúng ta lấy thí dụ một thị trường nào đó, Tổng số tiền Nhân dân tệ là Tn chia cho Tổng số tiến Đô là là Td, thì chúng ta sẽ có giá trị Đồng Nhân dân tệ so với Đô la:
Tn/Td = giá trị Nhân dân tệ so với Đô la.
Nay một người nào đó hay chính chính phủ Trung cộng tìm cách thẩy Nhân dân tệ ra thị trường và mua Đô la vào, thì tất nhiên Tổng số Nhân dân tệ sẽ tăng, Tổng số Đô là sẽ giảm, làm cho Nhân dân tệ mất giá và Đô la lên giá.
Hay ngược lại để làm tăng giá đồng Nhân dân tệ.
Đây là chính sách tiền tệ mà Chính quyền Trung cộng đã thi hành từ ngày mở cửa thị trường vào năm 1978 cho tới những năm gần đây.
Nhưng tại sao vào ngày 28/01/2016 vừa qua, khi trên thị trường tiền tệ, Đồng Nhân dân tệ bị xuống giá, thì chính Thủ tướng Trung cộng, Lý khắc Cường lại điện thoại cho bà Christine de Lagarde, Giám đốc Quĩ tiền tệ thế giới (FMI), xác định rằng Trung cộng không có ý định phá giá Đồng Nhân dân tệ, dù là bán chính thức hay chính thức.
Câu hỏi đến với chúng ta là tại sao? Vì như vừa nói, từ xưa đến giờ, Trung cộng luôn tìm cách phá giá bán chính thức đồng bạc của mình so với Đô la nhằm mục đích khuyến khích xuất cảng, giúp đỡ những nhà xuất cảng, vì sự buôn bán hiện nay phần lớn là bằng Đô la. Nay Đô la lên giá, thì sự trao đổi có lợi hơn cho những nhà xuất cảng Trung cộng.
Để trả lời câu hỏi trên, có một số nguyên do:
- Vì đồng Nhân dân tệ mới được chấp nhận ngày 30/11/2015, vào giỏ những đồng bạc để trao đổi trên thị trường. Trung cộng mới ăn mừng, không muốn mất uy tín.
- Dù sao hiện nay cũng có một số nước chung quanh buôn bán với Trung cộng, như Nhật bản, Nam Hàn, Đài loan, Việt Nam, Úc v.v..., và có dự trữ một số đồng Nhân dân tệ; Trung cộng muốn giữ chữ tín để tiếp tục buôn bán trong tương lai.
- Trung cộng sắp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 9 sắp tới, Trung cộng không muốn bị chỉ mặt là cường quốc phá vỡ sự ổn định tiền tệ thế giới, tìm cách cạnh tranh bất chính, qua chính sách tiền tệ, như Trung cộng đã làm từ trước.
- Mặc dầu xa cách, nhưng kinh tế Trung cộng cũng rất bị ảnh hưởng bởi kinh tế Hoa ký, và hiện nay là mùa tranh cử tổng thống, Trung cộng không muốn các ứng cử viên dùng Trung cộng, tố cáo như một nguyên do đưa đến sự bất ổn kinh tế thế giới và những khó khăn của kinh tế Hoa kỳ.
Cũng từ đó mà có Trường phái Lạc quan cho rằng mặc dù dao động, nhưng đồng Nhân dân tệ sẽ ổn định, như nền kinh tế Trung cộng và ngay cả hệ thống chính trị Trung cộng.
Những người theo Trường Phái lạc quan này phải kể đầu tiên là Tập cận Bình, sau đó là Lý khắc Cường và người tin cẩn của họ Tập, lo về kinh tế, đó là Lưu Hạc (Liu He), năm nay 63 tuổi, có học ở Hoa kỳ, đứng đầu Tổ kinh tế Trung Ương Đảng. Tất nhiên ngoài những người đó ra, còn thêm một số nhà kinh tế, bình luận gia thế giới.
Nhưng một câu hỏi nữa lại đến với chúng ta là liệu chính quyền Trung cộng có đủ phương tiện để làm việc này hay không.
Cũng theo Trường phái Lạc quan thì là có. Họ nêu ra một số lý do sau đây:
- Kinh tế Trung cộng, mới bắt đầu phát triển mấy chục năm, mà nay đã leo lên hàng kinh tế thứ nhì trên thế giới, nếu tính theo Tổng sản lượng (10 000 tỷ $), chỉ sau Hoa kỳ (17 000 tỷ $), đã tăng trưởng một thời gian dài với 2 con số, nay chậm lại, với 1 con số, như năm 2015 là vào khoảng 6,8 %. Đây là một hiện tượng bình thường. Không có chi đáng hốt hoảng, lo ngại.
- Số dự trữ ngoại tệ, với con số khổng lồ trước đây là vào khoảng 4 850 tỷ $, cho tới cuối năm 2015 đã mất đi vào khoảng hơn 1 500 tỷ, còn lại 3 300 tỷ $. Con số này cũng còn lớn để giúp chính phủ tung ra thị trường để cứu đồng Nhân dân tệ.
- Mặc dầu phát triển chậm lại, nhưng cán cân ngoại thương vẫn thặng dư, năm 2 015 vừa qua là thặng dư 3,2%, tức 320 tỷ $, trung bình mỗi ngày gần 1 tỷ. Với con số này Trung cộng cũng đã có thể xoay sở trên thị trường.
Mặc dù chính quyền Trung cộng áp dụng mọi biện pháp để ổn định đồng nhân dân tệ, với tất cả nỗ lực để cứu nền kinh tế đang xuống dốc, nhưng có vẻ sự khó khăn càng ngày càng nhiều hơn dự đoán và khả năng của họ. Theo dự tính thì chính quyền sẽ chi ra khoảng 300 T ỉ $ cho năm 2016 để ngăn đồng nhân dân tệ không bị phá giá. Nhưng chỉ trong tháng 01/2016 Trung cộng đã 3 lần bơm tiền vào thị trường tổng cộng gần 180 tỉ (ngày 20.01 là 60 tỉ $, ngày 26.01 là 67 tỉ $ và ngày 28.01 l à 52 t ỉ). Song song nhiều hãng xưởng ngoại quốc cũng đã quay lưng lại với Trung c ộng, theo thống kê thì trong năm rồi số tiền đầu tư rút khỏi Trung cộng đã lên đến cả 1 ngàn tỉ; mới đây 2000 công ty Đài loan cũng đã rút khỏi đất nước này. Đó là chưa kể các thành phần có tiền cũng tìm đủ mọi cách chuyển tiền ra nước ngoài. Ngay cả tỉ phú giầu nhất châu Á, ông Lý Gia Thành đã rút vốn khỏi Trung cộng từ năm 2011.
Từ những sự kiện trên, người ta cũng có thể nói trường phái bi quan có lý hơn, tương lai nước Trung cộng không mấy sáng sủa như trước đây, nếu không muốn nói là đen tối.
Paris ngày 06/02/2016
(1) Xin xem thêm những bài về Trung Cộng, trên http://perso.orange.fr/chuchinam/