Paulus Lê Sơn (Danlambao) - Sau cuộc phỏng vấn với Lm Anton Lê Ngọc Thanh về báo chí của Việt Nam trong tương lai gần. Chúng tôi tiếp tục được Linh mục chia sẻ về truyền thông Công giáo. Kính mời quí vị theo dõi cuộc phỏng vấn giữa Paulus Lê Sơn và Linh mục Ant Lê Ngọc Thanh.
Paulus Lê Sơn: Thưa cha, cha đánh giá thế nào về lực lượng truyền thông Công Giáo hiện nay?
Linh mục Ant Lê Ngọc Thanh: Hiện nay truyền thông Công giáo thì tại một số Giáo phận, dòng tu cũng có tổ chức đào tạo. Nhưng đều phải đợi chờ vào cơ chế chính sách của nhà nước. Do đó, bên Công giáo chưa có lực lượng những người làm truyền thông chuyên nghiệp.
Bởi vì, khi ra một cơ quan truyền thông mang tính báo chí thì tức khắc là bị vi phạm luật đối với nhà nước nên không phát triển được.
Thời gian vừa qua những nơi nào mà chủ động thì nơi đó làm tốt công tác huấn luyện nhân sự cho tương lai. Nơi nào không chủ động được thì cố gắng dựng lên một website để cầm chừng thông tin những hoạt động tối thiểu, chứ chưa có tính mục vụ truyền thông như Giáo hội mong muốn.
Paulus Lê Sơn: Trước đây, DCCT có trang chuacuuthe.com và bây giờ có trang tinmungchonguoingheo.com thì được dư luận rất quan tâm. Hai trang này được khởi xướng từ cha và một số linh mục của DCCT. Vậy trong tương lai tới, cha có những dự định gì đối với truyền thông, thưa cha?
Linh mục Ant Lê Ngọc Thanh: Chúng tôi thấy có hai việc, thứ nhất là tiếp tục gia tăng việc huấn luyện để có nhiều người hơn có khả năng làm truyền thông. Thứ hai là nghiên cứu ứng dụng App, bởi vì tỉ lệ người sử dụng điện thoại di động để truy cập và đón nhận thông tin hiện nay chiếm đến gần 80 % người sử dụng internet.
Do đó, với cách truy cập hiện nay là truy cập vào website thì có hạn chế là rất lâu. Những điện thoại 3g hết tiền hay ít tiền thì truy cập lâu… Đã đến lúc chúng ta phải tạo ra những cái App đơn giản như thể chỉ chạm tay đến là cái App đó mở ra.
Hiện nay chúng tôi chưa tìm ra được ngôn ngữ nào tốt hơn ngôn ngữ nền tảng để họ viết bộ code của Facebook, nhưng tôi nghĩ trong tương lai sẽ có.
Paulus Lê Sơn: Thưa cha, về vấn đề nhân sự của truyền thông Công giáo thì cha có suy tính gì không?
Linh mục Ant Lê Ngọc Thanh: Hiện nay về phía Giáo hội chung thì cũng có nhiều người được gởi đi học truyền thông Công giáo chuyên nghiệp ở Roma, Philippine, Hoa Kỳ. Tuy nhiên những ứng dụng và thích nghi thì hiện nay bị hạn chế bởi chính sách và sự dấn thân quyết liệt cho quyền tự do báo chí của các vị ấy.
Còn mức độ thấp hơn, những người biết làm truyền thông căn bản, làm truyền thông để phục vụ công chúng thì số lượng này không có đông. Bởi vì không có cơ chế về nuôi quân, nên cũng không tạo ra được việc làm bền vững. Hầu hết đến nay đều làm việc trên tinh thần thiện nguyện.
Do đó, họ phải ưu tiên việc kiếm sống, có thời gian rảnh họ mới phục vụ được. Nên tin tức còn thưa thớt trong các hoạt động Công giáo.
Đã từng có lý tưởng là mỗi một Giáo xứ khi có sự kiện gì thì chuyển tin đi. Nhưng có hai khúc mắc, đó là họ chỉ muốn chuyển tin lên trang của họ chứ không muốn đưa lên trang công cộng để mọi người lấy, bởi vì đấy là công sức của họ, thì tin của họ chỉ quẩn quanh nơi Giáo xứ họ biết.
Cái thứ hai, họ mất công xây dựng lên trang Web rất công phu, nhưng lượng người truy cấp rất ít nên một thời gian sau họ nản, họ không đủ sức cầm cự và rồi họ bỏ cuộc.
Nên đã đến lúc phải có một số người làm chuyên nghiệp để làm như công cụ phục vụ và khuyến khích mọi người làm truyền thông tự do để tạo ra sự liên kết. Đó chính là hướng đi của truyền thông Công giáo cũng như trong xã hội vậy.
Paulus Lê Sơn: Nhắc lại vụ công an Nghệ an sách nhiễu các học viên của khóa huấn luyện truyền thông hồi tháng 11 năm 2015 do cha đặc trách. Cha nghĩ gì về vụ việc này?
Linh mục Ant Lê Ngọc Thanh: Những người tham gia khóa học đó bị sách nhiễu bởi công an thì không có gì là lạ. Chính tôi là người giảng dạy khóa đó, khi mới bước xuống máy bay thì công an đã mời tôi làm việc ngay tại sân bay Vinh, Nghệ an.
Như vậy, họ rất là căng thẳng và sợ hãi vì điều đó. Khi có nhiều người biết làm về truyền thông thì sự thật sẽ được minh bạch đồng nghĩa sự gian dối của họ không còn được che dấu. Như vậy cơ hội để lạm quyền, đàn áp bảo vệ chế độ bằng bạo lực không còn chắc chắn.
Đó chính là lý do mà họ ngăn cản hoạt động truyền thông. Cái việc mà họ câu lưu người này, triệu tập người kia, sách nhiễu nhiễu, đe dọa gia đình, đó chính là thủ đoạn để ngăn ngừa và tiêu diệt hoạt động truyền thông.
Trong thực tế, các cách thức mà họ làm chỉ phù hợp trước năm 1995. Còn bây giờ đều bị vô hiệu hết bởi vì người dân đứng góc núi cũng làm được truyền thông mà, làm sao anh ngăn cản được. Anh có đe họ thì họ chuyển tin cho bạn họ làm thì sao mà ngăn cản được.
Một chính sách như vậy chỉ mang lại thù oán cho nhân dân chứ không giải quyết được vấn đề.
Paulus Lê Sơn: Xin chân thành cám ơn cha đã cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.