Những món nợ đồng-lần - Dân Làm Báo

Những món nợ đồng-lần

Phạm Minh Tâm (Danlambao) - Tại Miền Nam, vào giữa thập niên 50 trở đi, học sinh ở cấp lớp Nhì, lớp Nhất bậc Tiểu học có hai môn học mà bây giờ nhớ lại mới thấy thật tuyệt vời. Đó là môn Đức dục và Công dân giáo dục. Mỗi tuần, học sinh có một bài học Đức dục và một bài Công dân giáo dục chỉ dài khoảng nửa trang vở viết tay, phải học thuộc lòng để lên khoanh tay trả bài cho thầy, cô giáo.

Các bài Đức dục thì dạy về những đức tính một người cần có để trưởng thành và sau mỗi bài thường có câu cách ngôn dễ nhập tâm. Bài Công dân giáo dục thì đương nhiên là dạy để làm công dân của đất nước mà nếu tổng hợp lại thì có đủ những điều nhân, nghĩa, lễ, trí và tín nhưng được diễn tả thành các ý nghĩa đơn giản phù hợp với cảm nhận của tuổi thơ; như các chất dinh dưỡng được xay nghiền ra cho dễ tiêu hóa. Ví dụ bổn phận khi đi đường, nếu thấy cụ già đánh rơi gậy thì lại nhặt giúp hoặc dắt sang đường; có đám tang đi ngang phải ngừng lại, nghiêm chỉnh ngả nón chào. Nhờ vậy, bản thân người viết giờ này vẫn còn giữ kỹ câu cách ngôn “Người chê ta mà chê phải là thầy ta; kẻ nịnh hót ta là cừu địch hại ta” và một ý niệm then chốt trong một bài Công dân giáo dục “mỗi người đều là con nợ của xã hội”. Cả hai đã theo tôi suốt chặng đường lớn lên làm con dân của đất nước và ngay cả khi đã làm kẻ lưu vong sau 1975. 

Và vì là con nợ của xã hội nên không có chủ trực tiếp đòi mà chỉ có người trả tự ý thức khi sống giữa những nhu cầu xã hội thôi thúc tùy theo từng lương tri. Cũng vì thế mà cứ canh cánh bên lòng những “món nợ xã hội” ngày xưa cô giáo giảng nghĩa rồi đem nhân lên từng ngày, rồi càng ngày càng đan kết nhau thành món nợ đồng lần mà bây giờ, ngồi nhẩm tính không biết mình đã trả được chút nào chưa. Cuối cùng chỉ mong sao sau khi tính sổ đời thì tuy không được “trang trắng vỗ tay reo” như cụ Nguyễn Công Trứ với món nợ tang bồng thì cũng không đến nỗi làm kẻ quỵt nợ ra đi.

Sau ngày 30-4-1975, cái gánh nợ này trên vai hết thảy những người Miền Nam phải nặng thêm, nhất là với những người đã bằng cách này hay cách khác, bỏ nước ra ra đi với lý do “tỵ nạn cộng sản”. Rồi những người “tỵ nạn cộng sản” giờ đây đã ổn định cuộc sống vật chất thành một “cộng đồng” tuy rải rác khắp nơi nhưng cùng chung khí thế Cộng đồng Người Việt Tự do hải ngoại thì cũng chung thêm món nợ được bao dung tại các nước đang định cư. Song le, có thể tuyệt đại đa số bây giờ đã rất ung dung quên mất mình đang là những người “nợ như Chúa Chổm”. Đồng thời, cũng có mấy ai giờ này chịu khó lắng lòng xuống, lật ra từng trang sổ nợ của đời mình mà làm một con tính cộng trừ sau 41 năm lưu vong biệt xứ. Sau 41 năm góp lại chuyện đời. Sau 41 năm nhìn lại mình và nhìn nhau theo nghĩa cùng chung một nguồn cội.

Những con người sòng phẳng cả vốn lẫn lời

Nhà cách mạng nhiệt thành, người anh hùng trẻ Nguyễn Thái Học, lúc cùng 12 đồng chí rời nhà tù Hỏa Lò chiều ngày 16-6-1930 để lên Yên Bái lãnh án tử hình đã vừa đi vừa đánh động các tù nhân chính trị còn lại bằng lời từ biệt “chào các anh em ở lại... chúng tôi đi trả nợ nước đây... Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều... nhiều nữa”. Món nợ nước trả như thế này thật oan khiên, cay nghiệt làm nhức nhối tâm can từng thế hệ; làm cụ Phan Bội Châu trong bài văn tế Mười ba liệt sĩ Yên Bái còn phải chạnh lòng “...Tiếc nước còn đau nghĩ mình càng tủi...” Ông Nguyễn Thái Học đã thực sự trả món nợ nặng nhất và cũng đẹp nhất đời người bằng chính mạng sống mình, bằng cái chết mà những kẻ đẩy ông vào cho là một hình phạt; người khác nhìn vào thấy thê lương nhưng chính ông lại cho đó là một hành động trả nợ cho đất nước, tạ tình với Quê hương đang trong vòng nô lệ. Trước ông và sau ông, đã đang và sẽ vẫn còn những con người sòng phẳng nhận và trả món nợ nước non này. Nếu lãng mạn hào sảng một chút kiểu Nguyễn Công Trứ thì gọi đó là “tang bồng hồ thỉ nam nhi trái” hay vừa mang nét bi tráng vừa kiêu hùng thì là đáp lời sông núi bằng mang lấy nợ máu xương.

Trong tuần qua, đó đây trong cộng đồng người Việt vừa chia sẻ với gia đình họ Nguyễn một cái tang mà cũng có thể xem như là tang chung đốivới những anh em cùng chung tên gọi người Việt quốc gia; những người thành tâm, thiện chí và cả đời tận tụy với món nợ nước non. Đó là sự ra đi đột ngột của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Nhiều bài viết nói về ông, ca tụng tinh thần làm việc không mệt mỏi của ông trong nhiều lãnh vực của Quê hương, của đất nước hiện nay từ trong nội địa đến hải ngoại. Đặc biệt là trong địa hạt văn hoá, học thuật. Theo một bài viết nhan đề “Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từ trần, một thư viện vừa cháy” tác giả Từ Thức đã ghi nhận “Anh Bích là một người hoạt động chính trị, vì đó là bổn phận một người dân trong một giai đoạn cực kỳ đen tối của đất nước, nhưng ý thức được vai trò vô cùng quan trọng của văn hóa. Một người như vậy cực hiếm, và rất cần cho Việt Nam. Vì thường thường, những người hoạt động ít có ý thức văn hoá, những người làm văn hoá có thói quen ngồi trong tháp ngà, nhiều khi vì lười, hay vì nhát. André Malraux nói ông ta đã gặp nhiều lãnh tụ, nhưng hai người ông ta nể nhất là Chu Ân Lai và Nerhu, vì họ là những nhà chính trị nhưng có văn hoá. Nói chuyện chính trị với họ khác hẳn nói với những người khác. Khác với những người chỉ hùng hổ chống Cộng bằng miệng, quá khích, thiển cận (những người càng chống, Cộng Sản càng mạnh…) Trộm nghĩ theo ý nghĩa nhắn nhủ của Nguyễn Thái Học thì giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã trả xong món nợ với Quê hương.

Tâm ý và thiên kiến

Người viết rất tâm đắc với tác giả Từ Thức sau khi nói về các hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội… của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích bằng cách gọi gọn “đó là bổn phận một người dân… anh thuộc thiểu số những người suốt ngày, suốt năm chỉ lo chuyện chung. Có người hoạt động vì háo danh, ham quyền, anh hoạt động vì là chuyện phải làm, không thể chắp tay đứng nhìn. Không chờ đợi gì, không trông mong gì…”

Có điều, mỗi khi nghĩ về cái gọi là bổn phận một người dân lúc này, nhất là ở hải ngoại này, nhiều người đã chép miệng than sao thấy buồn vời vợi. Đất nước là của chung, mỗi người tuỳ theo lương tâm và ý thức trách nhiệm mà thể hiện chí hướng yêu Quê hương và đồng bào mình nhưng sao phức tạp quá và ai oán quá. Người ta hùng hổ chống cộng sản nhưng lại mang não trạng độc tài còn hơn cộng sản. Muốn ai cũng phải giống mình, không dung nạp nổi nhau. Các tổ chức chính trị và đấu tranh càng được thành lập nhiều thì khối người Việt Nam hải ngoại càng bị phân tán mỏng theo từng nhóm, từng tổ chức, từng đảng phái để như cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang nhận xét là ngồi ngó nhau, nghi ngờ nhau, khích bác nhau cho cay cho sâu, cho thật đau. Rồi chụp mũ, rồi vu khống. Có khi chỉ vì bất hòa giữa cá nhân mà mang thành kiến đạp đổ luôn một tập thể, mà chà đạp tên tuổi một tổ chức kiểu trời chu đất diệt. Cụ thể hơn, thay vì chống cộng sản lại đi kịch liệt chống nhau. Đấy là những người mà như tác giả Từ Thức nói là càng chống, Cộng Sản càng mạnh…

Tình trạng này càng ngày càng lây lan, có khi sang đến cả các lãnh vực đã có nguyên tắc sống và hành động rõ ràng. Cách đây không lâu, một ca đoàn nhà thờ ở Úc châu có tổ chức đêm thắp nến cầu nguyện cho 17 thanh niên tù nhân lương tâm Công giáo và Tin lành tại một trung tâm Công giáo. Đặc biệt là anh Trần Minh Nhật, một tù nhân lương tâm đang bị nhà cầm quyền cộng sản truy sát được nêu lên như đối tượng nổi bật trong đêm cầu nguyện này. Trường hợp anh Trần Minh Nhật cũng đã được một số chính khách Úc lưu tâm và quan ngại. Thư mời được chuyển đi với lời tha thiết "...mong ước việc làm thật nhỏ bé này sẽ đem lại nguồn an ủi cho các anh em trong lúc nguy khốn. Thiết nghĩ tâm tư ước muốn một Việt Nam tươi sáng, thật sự tự do và quyền làm người được tôn trọng là... mơ ước của toàn thể đồng bào không riêng gì người Công giáo... Nguyện xin Chúa Thánh Thần sáng soi cho việc chúng con đã và đang làm cho những anh em kém may mắn hơn chúng con được lan tỏa khắp Melbourne và Úc Châu, hầu đem lại hiệu quả tốt đẹp và trong tình hiệp nhất của đồng bào Việt Nam...” 

Với nội dung sự việc rất rõ ràng và mục đích cũng rất trong sáng như thế, rồi cô ca trưởng trong lời mở đầu còn nhấn mạnh thêm là trước hoàn cảnh của anh em như thế, không thể không lên tiếng; tuyên úy Trung tâm này là một linh mục trẻ Dòng Chúa Cứu Thế cũng cho biết lý do mà buổi cầu nguyện được tổ chức ở đây là vì nhà nguyện là nhà chung và buổi cầu nguyện cho công lý này là việc làm đúng... Buổi thắp nến diễn ra ngắn gọn chưa đầy một giờ trong sự tốt đẹp và tạm xem như hoàn hảo cả hình thức lẫn nội dung. Trong khoảng hai trăm người tham dự, có phần nửa là người ngoài Công giáo. Họ vì tiếng lương tâm mà đến. Song sau khi kết thúc, bên cạnh các lời khen đầy thiện cảm dành cho ca đoàn đứng tổ chức là phần thắc mắc về những khúc mắc phát sinh từ một thông báo của Ban điều hành Cộng đồng Công giáo Việt Nam ở địa phương gửi các chức sắc Việt Nam và mọi người, lý do vì “Trong 24 tiếng đồng hồ vừa qua, con có nhận được khá nhiều điện thoại thắc mắc về việc tổ chức này từ Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do và một số quý vị khác trong Cộng Đồng Người Việt tại Melbourne... con xin xác định đến quý Cha và quý vị chương trình "Thắp Nến Cầu Nguyện cho tù nhân lương tâm" vào Chúa Nhật này là do Ca Đoàn Hoan Ca thuộc Giáo Xứ St. Joseph Springvale tổ chức. Ban Điều Hành Hội Đồng Mục Vụ Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Melbourne chỉ biết qua các mạng lưới truyền thông, email và facebook…”.

Một việc khác, trong quá trình hoạt động của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, có cả việc “...tổ chức hội nghị về biển Đông với nhóm Voice và Họp mặt Dân Chủ, gõ cửa báo chí và chính trị gia Hoa kỳ, báo động về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, tiếp tay với nhóm Lao Động Việt, để giúp nhân công Việt Nam bị bán ra ngoài hay bị đàn áp ở Việt Nam...” làm bản thân người viết nhớ lại cách đây ít tháng, nhân một buổi họp mặt thân hữu của nhóm Lao Động Việt do một anh công nhân Việt Nam ở Mã Lai sang nói chuyện về tình trạng các công nhân Việt Nam đang bị Mã Lai giam giữ trái phép. Anh cho biết, để đưa từng người ra khỏi nhà tù, Lao Động Việt đã phải lo chi phí khoảng tám trăm Úc kim cho mỗi trường hợp. Nghe vậy, người viết thấy cần phải làm ngay một việc gì khả dĩ giúp Lao Động Việt lo cho anh em công nhân. Và đã hỗ trợ cho hai tổ chức Ủy ban Chống Tệ nạn Buôn Người - gọi tắt là AusACT như VietACT bên Hoa kỳ và TaiwanACT bên Đài loan - và Văn khố Thuyền nhân thực hiện một bữa cơm gây quỹ. Buổi gây quỹ này được sự ủng hộ của VOICE Úc châu và tổ chức “Hands for Hope” nhưng lại bị những đồng bào, đồng hương đã từng đứng chung nhau đả đảo Việt cộng trước tòa Đại sứ Việt Nam trong các dịp 30 tháng Tư hoặc các dịp biểu tình chống Trung cộng, chống văn công Việt cộng... không ủng hộ. Họ bảo rằng làm như vậy là có “có vấn đề”, là mắc mưu Việt cộng (???) theo lý lẽ “nghị luận” là công nhân Việt Nam là của Việt cộng cho sang, tại sao không để cho đám Việt cộng làm mà mình phải làm; tại sao không biết (???) cộng sản là lừa bịp mà lại tin chúng nó, nghe chúng nó để ra đi!!!... Tại sao... tại sao... và tại sao... Song kết quả buổi gây quỹ lại thành công nhờ vào những người mới lần đầu tiên tìm đến sinh hoạt xã hội kiểu như buổi gây quỹ này để đóng góp. Những đồng bào này nói vì nghe anh Đoàn Việt Trung, thành viên của Lao Động Việt tại Úc châu, trả lời phỏng vấn của đài SBS, thấy thương con cháu mình toàn là tuổi trẻ mới sinh ra và lớn lên sau này dưới chế độ cộng sản, không có điều kiện ra đi làm thuyền nhân như mình ngày trước làm người “tỵ nạn cộng sản”, không được tự do và học hỏi đầy đủ để hiểu biết về cộng sản như những người đã ra đi sau 30-4-1975, nên thấy khốn khổ quá, tội nghiệp quá…

Rõ ràng người Việt Nam mình còn mắc nợ nhau mối tình huynh đệ cùng sinh trong một bọc trăm trứng Rồng Tiên. Người Việt Nam lưu vong hải ngoại đang mắc nợ nhau một nhịp cầu niềm tin và tình đoàn kết vì những cái hố càng ngày càng được đào sâu.

Gia tài của Mẹ Việt Nam

Theo một vài thống kê về con số người Việt Nam đang định cư ở các nước tự do trên thế giới hiện nay thì đông nhất là tại Hoa Kỳ với trên hai triệu người, kế đến là Pháp, Úc Châu và Canada gần nửa triệu. Nơi ít nhất là Đan Mạch thì cũng gần 20 ngàn người. Còn nếu gom hết lại thì cũng xấp xỉ năm triệu người, không thua dân số Do thái thời họ phục quốc là bao. Song khi nhìn vào các sinh hoạt chung có tính cộng đồng hay truyền thống thì mới thấy tỷ lệ ra sao.

Lý lẽ cũng đơn giản và tự nhiên. 

Vài thập niên đầu thì do mới chân ướt chân ráo với hai bàn tay trắng nên phải lo cơm áo, lo gầy dựng lại. Sau khi đã ổn định thì lại tất bật đuổi theo đô la, theo sao cho kịp nhịp sống với nguời. Phải miệt mài đem hình hài trả cho xong món nợ áo cơm. Chuyện đất nước... xa xôi quá; làm gì được khi ở mãi tít mù bên kia một đại dương mênh mông. 

Nhiều người lại đã cố gắng bắt nối với anh em cựu này cựu nọ để cuối tuần ngồi lại cùng nhau xoa mạt chược, nhắc chuyện xưa hoài cảm thì cho đấy cũng là có tâm ý lắm rồi; còn đỡ hơn khối những người tự cho mình đang cứu nước bằng cách ngồi trước máy vi tính, rung đùi chuyển qua chuyển lại những bài thiên hạ chửi nhau. Hoặc a tòng chửi đổng những người chưa hề một lần gặp, chưa biết sự thể ra sao nhưng vẫn làm để chứng tỏ có khuynh hướng, có quan điểm. 

Số còn lại không nhỏ làm đau lòng Mẹ Cha hơn hết và cũng nguy hại hơn hết là lối suy nghĩ rằng nhờ vào ngày 30-4-1975 mới có cơ hội đi ngoại quốc và nhà cao cửa rộng như hiện có; mới dư tiền của về Việt Nam ăn chơi rồi bảo lãnh cho vợ nọ con kia hoặc cho người này người nọ sang du lịch để khoe cảnh phú túc...

Giờ đây, khi ngồi tính nợ với đời lại thấy vang vang trong đầu lời hát của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà ...đừng vùi lương tri dưới gót chân... đừng làm quê hương thêm tả tơi; đừng khoe khoang trên những xác người đã ngã gục chết cho đời được thêm vui...

Và trên hết mọi sự, đừng quỵt nợ.

Nguồn: Diễn Đàn Giáo Dân




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo