Giáo sư Nguyễn ngọc Bích từ trần, một thư viện vừa cháy - Dân Làm Báo

Giáo sư Nguyễn ngọc Bích từ trần, một thư viện vừa cháy

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Ảnh: Người Việt Onlie. 
Từ Thức (Danlambao) - Tin Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từ trần khiến bạn bè của anh - rất đông - sững sờ. Một người gần 80 tuổi thọ ( anh sinh năm 1937 ) ra đi là chuyện thường tình, một tin buồn đến hàng tuần, hàng tháng. Sinh, bệnh, lão tử là lẽ trời. Nhưng tin anh Bích ra đi khiến người ta bàng hoàng, bởi vì anh là người lúc nào cũng hăng say hoạt động, lúc nào cũng tươi cười, lúc nào cũng lạc quan, lúc nào cũng ân cần, khiến người ta nghĩ anh sẽ không bao giờ ra đi, hay sẽ là người cuối cùng ra đi. 

Người ta không tin chuyện anh ra đi, bởi vì không muốn tin, bởi vì hy vọng đó chỉ là tin đồn vô căn cứ.

Anh Bích ra đi thảnh thơi như anh đã đến, đã sống. Trên máy bay từ Washington D.C đi họp về biển Đông ở Phi Luật Tân, ngày 03 tháng Ba, anh thấy mệt, nằm nghỉ, 15 phút sau ra đi. Vĩnh viễn. 

Một người bạn nói nghe tin anh mất thật buồn, nhưng nghĩ lại, thấy cũng an ủi: anh ra đi không đau đớn, bên cạnh chị Bích, người vợ cũng là người bạn đồng hành, đồng chí. Một cái chết rất thảnh thơi. Cũng như Molière chết trên sân khấu, anh Bích ra đi trên đường hoạt động. (Sự thực, chuyện Molière chết trên sân khấu chỉ là huyền thoại, ông ta chết trên giường, như một ông công chức). 

Anh Bích ra đi trên đường hoạt động, chắc anh cũng không mong một cách ra đi đẹp hơn. Tôi vẫn nói giỡn: anh là "người cứu nước full time". Một người ăn cơm nhà, vác ngà voi không ngừng, không nghỉ, không biết mệt. 

Có người Việt chỉ túi bụi làm ăn; có người cứu nước cuối tuần, có người tham gia việc nước năm thì mười họa, cho khỏi áy náy. Anh thuộc thiểu số những người suốt ngày, suốt năm chỉ lo chuyện chung. 

Có người hoạt động vì háo danh, ham quyền, anh hoạt động vì là chuyện phải làm, không thể chắp tay đứng nhìn. 

Có người gọi anh là "Mister Yes", anh nghe, cười xoà, vui vẻ. Mister Yes vì anh không biết từ chối, ai nhờ làm gì anh cũng nhận, công việc gì khó khăn người ta đổ lên vai, cũng vác. Chữ NO không có trong tự điển của giáo sư Bích. 

Mấy năm trước, một nhóm anh em muốn giúp một nữ sinh trong nước, nổi tiếng vì bị nhà nước đày đọa chỉ vì có lòng với đất nước. Chuyện đầu tiên là giúp cô học Anh ngữ qua điện thoại. Ai lo được chuyện đó? Tiện nhất là trao cho một ông đã bận bù đầu là ông Bích. Anh và chị vui vẻ nhận, lo chu đáo, thỉnh thoảng báo cáo anh em về kết quả của việc làm.

Anh Bích là một người ôm đồm nhiều chuyện, vì anh thiện chí cùng mình, nhưng cũng vì anh có nhiều tài. Anh là trí thức, nhà ngoại giao, nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu và học giả. 

Nhà ngoại giao, anh thuộc nhóm cuối cùng những người sang Mỹ để vận động Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ VNCH. Còn nước còn tát. Nhưng tài phiệt có đường đi của họ, việc không thành. 

Nhà báo, anh là Tổng Giám Đốc cuối cùng của Việt Nam Thông Tấn Xã của Việt Nam Cộng Hoà, cựu giám đốc chương trình Việt ngữ của đài RFA ở Hoa Kỳ. 

Nhà giáo, anh đã cùng chị, giáo sư Đào thị Hợi, người bạn đời của anh, về VN mở Viện Đại học Cửu Long (1972). Người ta nói một người đàn ông thành công, bao giờ đằng sau cũng có người vợ giỏi. Chị Hợi không đứng sau lưng anh, lúc nào chị cũng ở bên cạnh, tham dự, khuyến khích anh trong bất cứ cuộc hành trình nào. 

Trí thức, anh tốt nghiệp Princeton, thông thạo Pháp ngữ (học trường Pháp Chasseloup Laubat), Anh ngữ, Nhật ngữ. Một lần, đi gặp dân biểu Đức ở Berlin để vận động cho dân quyền ở VN, anh đứng dậy phát biểu. Tôi nghĩ anh sẽ nói tiếng Anh, hay tiếng Việt để anh em địa phương dịch, nhưng anh nói tiếng Đức. Anh học tiếng Nhật ở Tokyo, tiếng Tây ban Nha ở Madrid, học tiếng Nga, tiếng Tầu. Ngôn ngữ nào anh cũng học, nhưng cái đam mê của anh là phát triển văn hóa Việt. Đó không phải là chuyện đương nhiên, vì có nhiều người thông thạo văn hoá Tây, Tầu nhưng văn hoá dân tộc thì mù tịt. Thỉnh thoảng nhận được cái mails của anh, nói câu thơ đó cậu chép sai, chữ đó phải viết gi, không phải d, y thay vì i...

Anh là một cuốn tự điển biết đi, cái gì cũng biết. Và biết tới nơi tới chốn. Théc méc chuyện gì, chỉ việc tra tự điển sống là ông Bích. Một câu thơ Đường tối nghiã, một điển tích trong Tỳ Bà Hành, một chi tiết về Hoàng Sa, một giai thoại về Nguyễn Công Trứ, một quan điểm của Lương Khải Siêu… 

Ngạn ngữ Phi Châu: "Mỗi lần một người già từ trần là một thư viện bị cháy". Trên chuyến máy bay TK086 Washington DC-Manila, hai ba cái thư viện, trong 15 phút, trở thành tro bụi. Hai ba cái thư viện, vì người ra đi là một ông già uyên bác. Đúng ra là một người trẻ uyên bác. Một người trẻ 79 tuổi, trẻ hơn nhiều ông già ba, bốn mươi tuổi. Về chuyện thư viện cháy, phải hoan nghênh những anh chị đầy thiện chí đang tìm gặp những người Việt lớn tuổi, phỏng vấn, ghi âm những kỷ niệm sống của họ. Sau này, ai muốn viết sử, muốn hiểu về VN những ngày tao loạn cũng như những buổi thanh bình, chỉ cần nghe lại những chứng nhân quý báu.

Người Do Thái đã làm chuyện đó; họ có hàng trăm ngàn cuốn phim của những người Do Thái nói về Holocauste, về những ngày lập quốc của họ.

Ảnh: VOA Tiếng Việt
Một chiến sĩ văn hóa

Là học giả, anh đã nghiên cứu, viết báo, viết sách, thuyết trình về đủ mọi đề tài. Anh là học giả thứ thiệt, của lạ ở VN, bên cạnh những học giả giả, nhan nhản trong xã hội ta.

Với người Việt, trở thành học giả dễ hơn trở thành thợ hớt tóc, hay đầu bếp biết nấu sườn xào chua ngọt. Chỉ cần thuổng vài trang nơi này, cầm nhầm vài đoạn nơi kia, in một cuốn sách tào lao, vô thưởng vô phạt là một sớm một chiều vỗ ngực trở thành học giả. 

Anh là tác giả nhiều cuốn sách bằng Anh ngữ, Việt ngữ. Anh, chị chủ trương nhà xuất bản miền Đông Hoa kỳ cùng với chị Trương Anh Thụy, in sách của tác giả trong cũng như ngoài nước. Anh dịch thơ Việt Nam (thí dụ thơ Nguyễn Chí Thiện) ra Anh Ngữ, dịch thơ ngoại quốc, kể cả một kho tàng văn hoá xa lạ với người VN là thơ Iran sang Việt Ngữ. Anh là cái cầu bắc giữa những dòng văn hoá. Anh viết North VN: Backtracking on socialism (1975) để người ngoại quốc hiểu thực chất chiến tranh VN. Anh viết A Thousand years of Vietnamese Poetry (Knopf.NY 1975), xuất bản War and Exil: A Vietnamese Anthology (1969), in sách về văn hoá Việt, kiến trúc Việt, hội hoạ Thái Tuấn, nghệ thuật chụp hình Trần Cao Lĩnh, về chữ Nôm, để người ngoại quốc và giới trẻ Việt sinh ở hải ngoại thấy VN không phải chỉ là một bãi chiến trường. VN không phải chỉ là phở và chả giò. Anh dịch sách báo ngoại quốc, muốn người Việt mở mang kiến thức, đón nhận tinh hoa văn hoá của thế giới. Vì ý thức rằng muốn xây dựng đất nước, phải nâng cao dân trí , phát triển văn hóa. Phát triển văn hoá là bám vào rễ để vươn ra. Cố chấp hay thiển cận, chỉ ôm lấy rễ sẽ chết vì cằn cỗi; vọng ngoại, chỉ chạy theo thiên hạ sẽ sống như một người lang thang, không nhà.

Anh Bích là một người hoạt động chính trị, vì đó là bổn phận một người dân trong một giai đoạn cực kỳ đen tối của đất nước, nhưng ý thức được vai trò quyết định của văn hoá . Một người như vậy cực hiếm, rất cần cho VN. Vì thường thường, những người hoạt động ít để ý tới văn hoá, những người làm văn hoá có thói quen ngồi trong tháp ngà, nhiều khi vì lười, hay vì nhát, hay cả hai.

André Malraux nói ông ta đã gặp nhiều lãnh tụ, nhưng hai người ông ta nể nhất là Chu Ân Lai và Nerhu, vì họ là những nhà chính trị nhưng có văn hoá. Nói chuyện chính trị với họ khác hẳn nói với những người khác. Khác với những người chỉ hùng hổ chống Cộng quá khích, thiển cận (những người càng chống, Cộng Sản càng mạnh) hay những người chỉ lo chuyện xa vời, nhắm mắt trước thực tế, anh Bích hoạt động tích cực, tả xung hữu đột, nhiều khi đơn thương độc mã, nhưng luôn luôn đóng góp vào việc xây dựng nền móng cho một xã hội lành mạnh. Bởi vì sẽ không bao giờ có dân chủ đích thực, nếu không có công dân tốt, không có công dân tốt nếu xã hội hỗn loạn, nếu văn hoá tiếp đục suy đồi. Anh tổ chức hội nghi về biển Đông với nhóm VOICE và Họp mặt Dân Chủ, gõ cửa báo chí và chính trị gia Hoa kỳ , báo động về vi phạm nhân quyền ở VN, tiếp tay với nhóm Lao Động Việt, để giúp nhân công Việt Nam bị bán ra ngoài hay bị đàn áp ở VN. Mỗi lần thấy việc gì khó nhá quá, anh em nhìn nhau: hay là gọi anh Bích ? Ai cần tiếp tay, ới một tiếng, có ông Bích. 

Anh muốn bắc cầu, lấp hố. Giữa người Việt và người ngoại quốc là những cái hố, không ai hiểu ai. Giữa người VN với nhau, cái hố còn sâu hơn nưã, tai hại hơn nưã, và vô lý nữa, bởi vì hố sâu không phải chỉ vì ngộ nhận, nhiều khi chỉ vì cố chấp, hố sâu giữa người già người trẻ, người CS người quốc gia, người Nam người Bắc , ngay cả những người cùng một nhóm, trên lý thuyết đi chung một đường.

Anh sẵn sàng cộng tác với bất cứ ai, già trẻ, Nam Bắc, Công giáo, Phật Giáo, nhóm này, nhóm kia. Gặp anh năm phút, có cảm tưởng như đã quen anh từ lâu. Anh gia nhập Hội Nhà Báo Độc Lập để bắc cầu với anh em trong nước. Những người tranh đấu cho dân chủ từ trong nước ra, từ các nơi về Mỹ, ai cũng được anh tiếp đón tận tình.

Một người bạn nói anh Bích có tâm Phật. Anh không biết đố kỵ, ghen ghét, hận thù, ai cũng là bạn. Chữ ganh ghét không có trong tự điển của Phật tử Tâm Việt (pháp danh của anh). Anh bất đồng ý kiến với nhiều người, nhưng không nói xấu ai, không đả kích người khác.

Năm ngoái, ngồi nói chuyện với vài anh em tới dự cuộc họp mặt về biển Đông lần đầu ở Manila, Phi Luật Tân, tôi nói đuà “chỉ cần nhìn anh Bích cũng biết tại sao Cộng Sản nó thắng, mình thua dài dài". Anh hỏi tại sao? “Bởi vì CS nó gian ác, mà anh thì hiền lành quá, ai cũng tin, ai cũng cho là người tốt. Thua là phải’’. Anh cười xòa.

Quả thực, anh chỉ thấy cái tốt ở những người khác. Chỉ thấy cái khía cạnh tích cực, lạc quan của người và việc. Không có vấn đề, chỉ có giải pháp. Anh không oán trách ai. Kể cả những người đã xuyên tạc, đả kích anh trên Internet. Một người bạn than phiền vì bị thiên hạ đánh, bịa chuyện bôi xấu, tôi nói: để ý làm gì ba cái vặt ấy, đến như ông Bích mà người ta cũng không tha. Nếu không, nước mình đã khá từ lâu rồi. Tôi tiếc đã không nói với anh Bích một điều mà tôi nghĩ, từ lâu: cái nước VN nó lận đận, thê thảm như vậy, bởi vì những người như anh, ít quá. Anh ra đi, 2, 3 cái thư viện bốc cháy, mấy cái cầu sụp .

Sayonara

Người Pháp nói, chua chát: Bao giờ những người tốt vẫn ra đi trước thiên hạ.

Anh ra đi, trong khi nhiều tên ăn hại, bán nước vẫn sống nhăn, làm khổ dân, làm tiêu tan đất nước.

Anh ra đi, bỏ lại ngổn ngang bao nhiêu dự án, chắc sẽ không có ai cáng đáng. Ít có ai làm việc nước full time, ít có người trước những vấn đề mênh mông mà không có lúc nản lòng. Người như vậy hiếm quá, anh Bích ạ.

Bây giờ, anh đi rồi mới thấy rõ điều đó. Anh theo đúng câu danh ngôn: Hãy thắp lên một ngọn nến, hơn là ngồi nguyền ruả bóng tối. Đất nước mình còn quá tiêu điều, dân mình bị đầy đọa, vì những người thắp nến còn ít hơn những người nguyền rủa bóng tối, những người có lòng với quê hương còn quá đơn độc.

Adieu, anh Bích. Chào anh vĩnh biệt. Hay đúng ra Sayonara, chỉ là một lời tạm biệt.

Tạm biệt, bởi vì nơi anh đến, sớm muộn gì anh em cũng gặp lại. Ở đó, chắc anh đã gặp lại những người bạn đồng hành đã cùng anh vác ngà voi, những Nguyễn Tự Cừờng, Ngô Vương Toại, Nguyễn Minh Diễm, Nguyễn Xuân Phước..những người bạn tốt, những công dân mà nước Việt có thể hãnh diện, đã ra đi trước anh. Chắc các anh đang nhậu; nhưng anh đâu biết nhậu nhẹt. (Ít ra cũng kiếm được một chỗ yếu của ông Bích).

Tạm biệt, bởi vì anh vẫn sống mãi trong lòng những người ở lại. Không ai quên mái tóc bạc, nụ cười thường trực, những cái vỗ vai thân thiện, tiếng hát và gịọng ngâm thơ sang sảng của anh trong những đêm văn nghệ bỏ túi, những buổi tranh luận sôi nổi nhưng tương kính, những cuộc trao đổi với anh sau đó người ta cảm thấy mình thông minh hơn.

Sayonara, anh Bích. 

Paris, tháng 3/2016

Từ Thức
danlambaovn.blogspot.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo