Nhìn lại 2 cuộc nội chiến giữa Hoa Kỳ và Việt Nam - Dân Làm Báo

Nhìn lại 2 cuộc nội chiến giữa Hoa Kỳ và Việt Nam

Quê Hương (Danlambao) - Chúng ta đã từng biết Hoa Kỳ và Việt Nam đều có thời gian chiến tranh giữa 2 miền Nam - Bắc, nhưng kết quả thì hoàn toàn trái ngược.

Năm 1861, Hoa Kỳ bắt đầu cuộc nội chiến, miền Nam do tướng Lee cầm đầu còn miền Bắc thì do tướng Grant lãnh đạo. Cuộc nội chiến đã gây ra rất nhiều chết chóc và thương đau cho nhân dân hai miền. Sự hy sinh hàng ngày của các chiến sĩ đã khiến cho lương tâm 2 tướng lãnh chỉ huy của hai miền phải động lòng đau xót. Cho dù quân đội miền Bắc đang thắng thế và đủ khả năng đánh bại quân đội miền Nam của tướng Lee, nhưng tướng Grant chỉ huy quân đội miền Bắc vì không muốn chiến tranh tiếp tục, không muốn nhìn thấy những cảnh điêu tàn đổ nát về tài sản của nhân dân, nhất là không muốn chiến sĩ của 2 miền đất nước phải hy sinh. Cho nên mặc dù với sức mạnh vượt trội đối với quân miền Nam, tướng Grant đã nhiều lần gởi thư trao đổi với tướng Lee để dàn xếp cho một cuộc đầu hàng có điều kiện của miền Nam hầu chấm dứt sự chết chóc, sự tàn phá của chiến tranh.

Với tinh thần yêu nước, yêu dân và hiếu hòa của 2 tướng Grant và Lee nghĩ về đồng bào cùng chung dòng máu không muốn đào sâu thêm hận thù không đáng có cho nên, tướng Lee đã ra lệnh cho binh sĩ của ông buông súng đầu hàng. Quân đội miền Bắc của tướng Grant đã đón chào binh sĩ của quân đội miền Nam như là những anh hùng. Tướng Grant bên thắng cuộc đã bắt tay tướng Lee bên thua cuộc như là một người bạn thân. Cuộc nội chiến của đất nước Hoa Kỳ thực sự kết thúc vào năm 1865 sau 4 năm dài đổ nát. Không có hận thù, không có trại giam, không có trại cải tạo và cũng không có sự phân biệt bên này hay bên kia. Tất cả cùng nhau đem bầu nhiệt huyết xây dựng đất nước, tất cả những chiến sĩ hy sinh của 2 miền được chôn chung một nghĩa trang với dòng chữ "Nơi an nghỉ của những người con yêu Tổ quốc”. Với tinh thần và nghĩa cử cao đẹp như thế của chỉ huy hai miền đã đưa đất nước Hoa Kỳ hùng mạnh và phát triển như ngày hôm nay.

Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam sau 21 năm dài nội chiến. 

Nếu sau khi Hiệp định Geneve 1954 ra đời chia đôi đất nước, vĩ tuyến 17 là ranh giới giữa 2 miền. Miền Bắc VNDCH theo chủ nghĩa cộng sản nhận viện trợ của Liên Xô và Trung Cộng, còn miền Nam VNCH theo chủ nghĩa tư bản với nền dân chủ đa nguyên nhận viện trợ của Hoa Kỳ. 

Nếu miền Bắc không đem quân vào miền Nam để gây chiến tranh với mỹ từ “giải phóng” miền Nam dưới ách đô hộ của Hoa Kỳ như Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên thì chắc chắn cho đến hôm nay đất nước Việt Nam không bệ rạc và đi vào ngõ cụt như thế này. Bởi vì, tuy bị chiến tranh tàn phá nhưng miền Nam VN trước 1975 từng được mệnh danh là con rồng Đông Nam Á, còn Sài Gòn là hòn ngọc Viễn Đông. Chính thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore cũng thường mơ ước xây dựng đất nước của ông ngang hàng với Sài Gòn là ông đã mãn nguyện rồi. 

Trong cuộc chiến vừa qua công bằng và khách quan để nhận định là Cộng sản quốc tế, dẫn đầu là Liên Xô - Trung Cộng đã dùng bàn tay của các nhà lãnh đạo đảng CSVN đem xương máu của nhân dân miền Bắc vào Nam để thực hiện cho mưu đồ của chúng. Quân dân miền Nam không có tham vọng giải phóng miền Bắc, mà chỉ chiến đấu tự vệ và xây dựng đất nước phát triển phồn vinh cho dân giàu nước mạnh mà thôi. Khác với các nhà lãnh đạo đảng CSVN vì mải mê và trung thành với chủ nghĩa mà đã nhẫn tâm tiêu diệt trên 180.000 người dân mà đảng cho là thành phần địa chủ bóc lột trong đợt cải cách ruộng đất 1953 - 1956 [chắc chắn các thành phần địa chủ này không bằng một móng tay của các thành phần tư bản đỏ ngày nay trong guồng máy của đảng]. 

Chiến đấu tự vệ khi đất nước bị xâm lăng là việc làm chính đáng của quân dân miền Nam VNCH. Nhưng thật là xót xa và tủi hờn khi Hoa Kỳ một đồng minh quan trọng nhất của quân dân miền Nam VNCH đã vì quyền lợi riêng và chiến dịch toàn cầu, đã ngấm ngầm đi đêm với Trung Cộng và chính phủ miền Bắc Việt Nam để ép chính phủ miền Nam Việt Nam phải ký vào hiệp định đình ngưng bắn Paris 27/1/1973 và chờ ngày bầu cử có quốc tế giám sát để nhân dân miền Nam tự do chọn lựa người lãnh đạo đất nước giữa 3 thành phần là Chính phủ lâm thời CHMNVN do miền Bắc dựng lên năm 1969, chính phủ VNCH và thành phần trung lập thứ 3. [từ điều 11 - 14 của hiệp định] quy định: Kể từ ngày ngừng bắn thì bất cứ quân đội nào không phải là của 2 bên miền Nam VN [ tức là quân đội của CP LTCHMNVN và quan đội của VNCH] phải rút ra khỏi miền Nam để nhân dân miền Nam quyết định tương lai của đất nước. 

Tuy nhiên, chỉ có các quân đội đồng minh của VNCH rút ra khỏi miền Nam, còn quân đội miền Bắc thừa cơ hội đó đã công khai dồn toàn lực lượng vào Nam dưới màu áo của quân đội CP LTCHMNVN. 

Quân dân miền Nam VNCH chiến đấu trong cô đơn trước một thế lực sặc mùi hận thù của những người anh em miền Bắc với những phương tiện dồi dào và tăng viện trợ gấp 4 lần bình thường mà chính TBT Lê Duẩn đã từng tuyên bố: "Chúng ta đánh đây là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc”. 

Trận chiến không cân sức đã khiến cho quân dân miền Nam VN phải thua trong thế thắng.

Sau ngày tang thương của đất nước 30/4/1975 bên thắng cuộc miền Bắc đã tạo ra trại giam, trại cải tạo khắp nơi trong nước để nhằm mục đích là đày đọa hàng sĩ quan, hạ sĩ quan quân đội cùng các nhân viên cán bộ trong chính quyền VNCH. 

Đặc biệt, những tướng lãnh và sĩ quan cao cấp quân đội cùng các nhân sĩ VNCH được đưa đi thật xa ở những trại cải tạo được mô tả như địa ngục trần gian. Nhân dân thành thị thì bị tập trung vào vùng kinh tế mới với những vùng đất khô cằn sỏi đá. Hận thù đã được thêu dệt ra thành những câu chuyện như là thật và được đưa vào sách giáo khoa dạy học sinh, tuyên truyền trong nhân dân thường xuyên trên hệ thống truyền thanh khắp cả nước. Những gì xấu xa nhất đều bị nhà cầm quyền CSVN gọi là “tàn dư Mỹ- Ngụy”. Hàng chục ngàn người phải chịu chết trong những trại cải tạo và hàng triệu người bắt buộc phải bỏ nước ra đi tìm tự do. Số người chết ngoài biển cả bao la trên đường vượt biên hầu như không thể thống kê. 

Say men chiến thắng, đảng CSVN trong vai trò độc tôn lãnh đạo đất nước đã đưa ra những chính sách cho nền kinh tế đi từ thất bại này đến thất bại khác. 

Việt Nam sau 41 năm thống nhất dưới sự lãnh đạo của đảng, đất đai và biển đảo của đất nước đã bị mất dần vào tay Trung Cộng. Chủ trương ngoại giao luôn thân thiện và coi Trung Cộng là nước đàn anh cùng ý thức hệ với 16 chữ vàng, 4 tốt, là tình hữu nghị đời đời bền vững. 

Với những chính sách lỗi thời của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cuối cùng đất nước đã mất đi hầu hết những nhân tài lỗi lạc. Dân oan mất đất mất nhà càng ngày càng đông vì sự đền bù không thỏa đáng. Kinh tế thì đang trên đường phá sả. Nợ vay ở các ngân hàng thế giới đang đến hạn phải trả trên 110 tỷ đô la (con số này sẽ còn tiếp tục tang). 

Trung Cộng chẳng những đã chiếm của VN vùng đất địa đầu Ải Nam Quan, 2/3 thác bản Giốc, bãi Tục Lãm, cao điểm Lão Sơn, mà còn chiếm rất nhiều của vùng biển VN trong đó, quần đảo Hoàng Sa và các hòn đảo chiến lược của Trường Sa.

Việt Nam ngày nay vừa nằm trong tốp nghèo của thế giới, vừa nằm chót bảng ASEAN-6. Đây là một cái nhục mà đảng đã bắt buộc nhân dân phải gánh chịu. Trong khi đó thì thế lực tư bản đỏ nhờ guồng máy chính quyền càng ngày càng giàu thêm. Bức tranh đen tối cũng như mất nước vào tay kẻ thù Trung Cộng là không sao tránh khỏi nếu các nhà lãnh đạo ĐCSVN cứ tiếp tục đi theo lối mòn cũ.

Nếu muốn giữ toàn vẹn chủ quyền đất nước thì chỉ còn có một cách duy nhất là phải khẩn cấp thoát Trung, mạnh dạn thưa Trung Cộng ra tòa án quốc tế như Phillippine đã làm. Đồng thời liên minh quân sự với Hoa Kỳ, đây cũng là sự mong đợi của toàn dân.

22/4/2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo