So sánh Formosa với Woburn: Vụ kiện ô nhiễm môi trường lớn nhất nước Mỹ - Dân Làm Báo

So sánh Formosa với Woburn: Vụ kiện ô nhiễm môi trường lớn nhất nước Mỹ

Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Chế độ cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ không có kế hoạch, chính sách gì để giải quyết thảm nạn do Formosa gây ra và người dân cũng đừng hi vọng gì sự giúp đỡ của chế độ phản dân, hại nước này. Hãy tự cứu lấy mình...

*

Ba tuần lễ vừa qua, người dân Việt Nam xôn xao về vụ cá chết hàng loạt trải dài trên bờ biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, đến Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Đến ngày hôm nay đã ba tuần trôi qua, dù chưa có công bố chính thức của chính quyền cộng sản Việt Nam về nguyên nhân gây ra thảm họa nhưng những chỉ dấu cho thấy rõ ràng là cá chết hàng loạt vì bị nhiễm chất độc chứa trong chất thải của khu công nghiệp luyện thép Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Thiệt hại về vật chất liên quan đến đời sống hàng trăm ngàn ngư dân nằm trong 4 tỉnh nói trên chưa thể ước tính, nhưng sự ô nhiễm môi trường còn nặng nề, di hại nhiều hơn.

Để cho độc giả thấy rõ sự quan trọng của môi trường đối với người dân cũng như chính phủ Mỹ như thế nào, người viết xin nhắc lại một vụ kiện lớn nhất về thảm họa môi sinh đã xẩy ra ở Woburn, Boston, tiểu bang Massachusetts thập niên 80.

Câu chuyện bắt đầu vào cuối thập niên 70 khi một số kỹ sư xây dựng phát giác ra hai giếng nước G và H ở Woburn đã đóng, không còn sử dụng, có nhiễm một số chất bị nghi ngờ gây ung thư, kể cả TCE (Tricholoroethylene). TCE là chất gây rối loạn bạch cầu trong máu, hủy hoại hệ thần kinh, gan... được chứng minh rõ ràng trong phòng thí nghiệm với động vật.

Woburn là một thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang Massachusetts với khoảng 40.000 dân, người dân dùng nước được cung cấp bởi các giếng bơm (Well, Fountain).

Woburn có một số nhà máy thuộc da hoạt động đã lâu đời. Những nhà máy này là hãng con của tổ hợp W. R. Grace & Co, W.R. Grace & Co lại thuộc tổ hợp khổng lồ Beatrice Foods có chi nhánh, hãng sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... ở nhiều nước trên thế giới.

Trong thời gian từ 1966 đến giữa thập niên 80, hơn 10 gia đình có con em ở Woburn bị chết vì bệnh hoại huyết (leukemia), một số khác cũng đang bị bệnh. Việc phát giác ra sự ô nhiễm của các giếng nước G và H, hai giếng nằm gần nhà máy thuộc da nhất, khiến nẩy sinh ra nghi ngờ là các giếng nước khác người dân Woburn sử dụng cũng bị nhiễm hóa chất gây bệnh hoại huyết. Các mẫu nước uống lấy từ các giếng ở Woburn có màu hơi vàng chứ không trong suốt như các nơi khác, đồng thời có mùi lạ mà người dân không hiểu tại sao.

Đầu năm 1981, một báo cáo của trung tâm kiểm soát bệnh dịch cho thấy tỉ lệ chết vì ung thư ở Woburn cao gấp 7 lần các nơi khác. Tuy nhiên báo cáo này không kết luận rõ ràng là những trường hợp chết vì ung thư là do nhiễm độc hóa chất từ các giếng nước sử dụng ở Woburn.

Cha mẹ của các trẻ em bị chết vì bệnh ung thư máu đã tham khảo ý kiến một luật sư tên Joe Mulligan, thưa những người chịu trách nhiệm về việc nhiễm độc hóa chất ở các giếng nước tại Wobrun ra tòa nhưng hồ sơ cuối cùng bị bỏ lơ.

Jan Schlichtman, một luật sư trẻ chỉ mới 30 tuổi, tốt nghiệp ở Cornell Private University, trước đó có thời gian làm việc với Joe Mulligan, có văn phòng cùng vài cộng sự viên chuyên về tai nạn lưu thông.

Ban đầu khi nhận được lời kêu gọi của người dân Woburn, Jan cũng thờ ơ vì nếu khởi tố vụ kiện, không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên những diễn tiến tình cờ sau đó khi gặp gỡ người dân Woburn đã khiến Jan quyết định đảm trách vụ kiện.

Việc Jan Schlichtman, đại diện người dân ở Woburn khởi kiện W.R.Grace Co và Beatrice Foods là một cuộc chiến đấu của David (Schlichtman) chống Goliath ( W.R.Grace & Beatrice) vì văn phòng luật sư của Jan Schlichtman chỉ có 4 người chống lại lực lượng luật sư hùng hậu của tổ hợp Beatrice Foods, đứng đầu là Jerry Facher với cả trăm cố vấn pháp luật...

Chỉ mấy ngày sau khi lập hồ sơ khởi tố nhà máy thuộc da do J. Riley Jr. quản lý ở Woburn làm ô nhiễm môi trường, Jan Schlichtman được tòa án cho phép khám xét tường tận khu vực, thu thập bằng chứng, lấy mẫu đất, lục soát các kho chứa hóa chất, bãi rác, thẩm vấn các nhân viên đã và đang làm việc cho nhà máy, người dân trong khu vực...

Những cuộc thẩm vấn với sự hiện diện của luật sư hai bên, được ghi âm làm bằng chứng. Nhiều nhân viên của nhà máy sợ mất việc không dám khai rõ, nhưng cũng có người can đảm nói hết sự thật.

Vụ án kéo dài nhiều năm, khởi thủy Jan nghĩ rằng đây chỉ là một vụ kiện nhỏ, sẽ kết thúc nhanh chóng. Chính bản thân Jan cùng 2 cộng sự viên là Kevin Conway và James Gordon không lường trước được hậu quả là họ sẽ bị khánh tận tài sản khi khởi tố.

Càng về sau vụ kiện càng bùng nổ lớn, không phải trong phòng xử mà ở bên ngoài hành lang tràn ngập phóng viên, ký giả. Những bằng chứng ô nhiễm môi trường trở thành một cuộc chiến tranh luận giữa các chuyên viên địa chất, thủy học. Đã có 130 nhân chứng được thẩm vấn, hồ sơ, chứng từ, tài liệu, báo cáo phân chất, thử nghiệm của bác sĩ, bệnh viện về bệnh ung thư máu... lên tới 24.000 trang giấy A4.

Khi vụ kiện bắt đầu kéo dài với những phí tổn trả cho các chuyên viên phân tích các mẫu nước, đất, những thẩm định đánh giá của bác sĩ chuyên môn về máu, về ung thư… đã khiến cho Jan Schlichtman và các cộng sự viên khánh kiệt, phải cầm cố nhà cửa và những kỷ vật quý giá. Tuy vậy vì lương tâm nghề nghiệp, Jan và các cộng sự viên không bỏ cuộc, quyết tâm theo đuổi đến cùng. Sau đó Jan cũng nhận được sự trợ giúp của một giáo sư luật ở Harvard, Professor Charles Nesson, chuyên viên thượng thặng về bằng chứng.

Hồ sơ khởi tố của Jan Schlichtman đưa ra chứng cớ là 15 mẫu đất (mẫu tây: Acres) chung quanh nhà máy thuộc da ở Woburn bị nhiễm các chất độc gây ung thư, đặc biệt là TCE.

Giai đoạn 1 của vụ án bắt đầu vào tháng 03.1986, chánh án là Walter Jay Skinner, một người nổi tiếng nhiều kinh nghiệm trong tố tụng, có lương tâm và công bằng khi xét xử.

Tuy nhiên, khi nhận ghế chánh án, những diễn tiến của phiên tòa khiến thẩm phán Skinner hoang mang, không hiểu phải quyết định như thế nào, dù có bằng chứng rõ ràng là các giếng nước G, H bị nhiễm hóa chất gây ung thư.

Các hóa chất độc hại và TCE đã thấm vào trong lòng đất, trôi theo các mạch nước ngầm rồi hòa tan trong các giếng nước ở Woburn như thế nào? Không ai chứng minh được nhưng cũng không ai dám phủ nhận tiến trình đó.

Trong giai đoạn này không có nhân chứng nào được Jan Schlichtman đưa ra hiện diện ở phiên tòa. Vì không có câu trả lời rõ ràng với câu hỏi trên, bồi thẩm đoàn kết luận những chứng cớ buộc tội nhà máy thuộc da của W.R. Grace & Co làm ô nhiễm môi trường là không vững chắc nhưng đồng thời cũng không bác bỏ các chứng cớ.

Chánh án Skinner đề nghị bên nguyên cáo cũng như bị cáo cố gắng tìm thỏa hiệp hoặc tiếp tục tìm kiếm đưa ra thêm chứng cớ. Kết thúc giai đoạn 1 của vụ án kéo dài 78 ngày là một thỏa hiệp. W.R. Grace & Co cũng như Beatrice Foods không nhận lỗi nhưng để tránh lôi kéo dư luận có ảnh hưởng không tốt đến biểu tượng, sản phẩm của mình, đồng ý bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, cộng án phí, tất cả là $8.000.000. Theo đó mỗi gia đình có con em bị chết được đền bù $375.000.

Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Jan Schlichtman cũng như người dân Woburn, những gia đình có con em chết vì ung thư máu không hài lòng với kết quả đạt được, nhất là Anne Anderson, người có con trai tên Jimmy Anderson chết vì ung thư máu, Anne Anderson không tha thiết chuyện bồi thường tiền bạc, không chấp nhận kết luận rằng con trai mình chết vì bệnh hoại huyết chỉ là do tình cờ. Người dân Woburn yêu cầu những người có trách nhiệm phải điều tra và có câu trả lời rõ ràng về sư ô nhiễm.

Năm 1987, Jan Schlichtman cố gắng xin tái xét vụ kiện ở tòa phúc thẩm nhưng thất bại nên quyết định chuyển nội vụ cho sở Môi Trường EPA (Environmental Protection Agency). Tất cả hồ sơ vụ kiện được chuyển giao cho ETA để nơi này khởi tố W.R. Grace & Co và Beatrice Foods.

Khi ETA vào cuộc, để tránh những phiền phức, bất lợi khi phải đối mặt với luật pháp lần thứ hai, chủ tịch đoàn của W.R. Grace, Beatrice Foods theo sự cố vấn các luật sư của họ, đồng ý bồi thường $68.000.000 cho việc tái tạo, làm sạch môi trường ở Woburn.

Trong suốt diễn tiến chậm chạp của phiên tòa. Jan Schlichtman theo lời đề nghị của Professor Charles Nesson, chấp thuận để phóng viên Jonathan Harr gia nhập vào nhóm mình, ghi chép lại mọi tiến triển của vụ kiện.

Jonathan Harr sau đó đã tổng kết mọi sự việc, viết thành một cuốn sách với tựa đề A Civil Action. A Civil Action trở thành một quyển sách bán chạy nhất (Best Seller) năm 1995, được quay thành phim với tài tử John Travolta trong vai Jan Schlichtman.

Hơn thế nữa A Civil Action còn trở thành đề tài giảng dậy, bàn thảo trong nhiều trường đại học của Mỹ. Đồng thời nó cũng làm thay đổi quan niệm, suy nghĩ, nhận định về sự quan trọng của môi trường đối với người dân cũng như chính phủ Mỹ.

So sánh vụ ô nhiễm môi trường ở Formosa và Woburn, người ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt.

Ở Woburn, hóa chất thải ra trong quá trình thuộc da được chôn xuống dưới đất trong các bao, bì hay thùng sắt, nhiều nhất là TCE vì đây là chất cần thiết làm cho da trở nên trơn, láng. Những hóa chất này do rò rỉ đã thấm sâu vào đất, đi theo các mạch nước ngầm, hòa vào các giếng nước nên khó lòng phát hiện.

Quá trình này đòi hỏi thời gian lâu dài từ vài tháng đến nhiều năm. Ảnh hưởng kinh tế, xã hội ở Woburn cũng không nặng nề hay có dấu hiệu rõ ràng. Nhà máy thuộc da của Riley Jr. Bị đóng cửa sau vụ kiện, số nhân viên làm việc ở đó không quá trăm người, gánh nặng xã hội không lớn.

Ở Formosa, các chất thải độc hại được phun thẳng ra biển, làm ô nhiễm môi trường ngay lập tức và khi nồng độ tăng cao, sinh vật ở biển bị ảnh hưởng trực tiếp nên cá mới chết hàng loạt nhanh chóng như vậy. Theo giòng thủy triều, chất độc hại trong nước biển trôi về phía Nam nên gây ra thảm họa môi trường trong một phạm vi rộng lớn, trải dài trên 4 tỉnh.

Một khu vực nhỏ như Woburn cần $68.000.000 để tái tạo, làm sạch sẽ môi trường thì 4 vùng bờ biển Việt Nam cần bao nhiêu để tái tạo khi nơi này trở thành vùng biển chết không có tôm, cá...? Gấp chục lần, trăm lần hay hơn nữa số tiền bồi thường ở Woburn và ai sẽ bôi thường?

Gánh nặng kinh tế mà xã hội, đất nước phải chịu đựng là hàng trăm ngàn ngư dân thất nghiệp tràn về thành phố kiếm cách sinh sống vì không còn ngư trường để hành nghề.

Chế độ cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ không có kế hoạch, chính sách gì để giải quyết thảm nạn do Formosa gây ra và người dân cũng đừng hi vọng gì sự giúp đỡ của chế độ phản dân, hại nước này.

Hãy tự cứu lấy mình.




Tài liệu tham khảo:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo