Đinh Chỉ Thiên (Danlambao) - Trong những cuộc biểu tình đòi hỏi chế độ CSVN về sự minh bạch và giữ gìn môi trường sống an toàn dân chúng vừa rồi sau sự kiện Formosa xả nước thải và cá chết, người dân nhận thấy có những sắc thái mới. Đó là: số lượng người tham dự đông hơn, có nhiều thành phần trẻ tham gia hơn, cuộc biểu tình lan rộng hơn ở nhiều địa phương, biết ứng dụng mạng xã hội để biến cuộc biểu tình trở thành có tổ chức, đồng lòng vì ý nghĩa chung của cuộc biểu tình mặc dù không có xuất hiện nhiều nhân vật chủ chốt, có sự tham gia của tu sĩ giáo hội Thiên Chúa giáo. Và quan trong hơn hết là tinh thần đấu tranh bất bạo động được truyền đi trong các cuộc biểu tình này, để từ đó dù là tự phát các cuộc biểu tình mang ý thức chung “bất bạo động”. Ý thức chung chính là thành quả đầu tiên của các cuộc biểu tình tự phát (không có lãnh tụ).
Ngược lại, bên phía chính quyền CS người ta nhận thấy sự trấn áp hung bạo hơn của CA sắc phục, CA chìm, đội ngũ gọi là TNXP. Dưới tảng băng hung bạo này, nếu chú ý người dân có thể nhận thấy có sự chuẩn bị bài bản của chê độ CSVN để đối phó các cuộc biểu tình vừa qua. Đó là: tổ chức nhóm sắc phục đông đảo mới mang tên TNXP với sự trà trộn của sĩ quan quân đội, sự đóng chốt đông đảo của lực lượng trấn áp biểu tình trên các nẻo đường. Nghiêm trọng hơn là sự xuất hiện dày đặc của những rào cản căng giây thép gai để cô lập sự di chuyển của công chúng.
Lần đầu tiên, 41 năm sau chiến tranh, sự chuẩn bị “đón” cuộc biểu tình của chế độ đã làm cho không khí các thành phố lớn trở nên nặng nề. Những rào cản cùng những khung đường vắng tênh dân chúng nhưng đầy lính sắc phục gợi nhớ đến hình ảnh thời chiến tranh. Chính quyền CSVN đã dại dột đem hình ảnh ngột ngạt vào lòng dân chúng. Ngày xưa những người CS dùng khủng bố để tác động vào tâm lý quần chúng thì không khi căng thẳng nặng nề của chiến tranh ngày hôm nay cũng có tác động tương tự. Những người dân đầu tắt mặt tối kiếm sống, bàng quang với những biến động sẽ cảm thấy biến động cận kề. Họ bắt đầu tự vấn. Điều gì đã xảy ra và điều gì sẽ xảy ra? Những điều xảy ra có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình? Một khi có tự vấn thì lập tức có hoài nghi. Có hoài nghi tức là có tâm trạng không bình thường. Đó chính là dư chấn mạnh mẽ từ những thông điệp mà những người biểu tình mang tới.
Sai lầm nghiêm trọng kế đến chính là sự đàn áp dã man, thô bạo lên trên người biểu tình ôn hòa. Điểm son cần ghi nhớ trong các cuộc biểu tình vừa qua là những người tham dự cuộc biểu tình biết mình sẽ bị đánh. Có người tuyên bố sẵn sàng chờ đón để bị đánh như trường hợp ông Huỳnh Ngọc Chênh và vài nhân sự khác. Biết mà vẫn hiên ngang không chùng bước chính là họ được trang bị một ý chí. Cuộc biểu tình vừa qua hoàn toàn không có người tổ chức, không có lãnh tụ. Không có tổ chức, không có lãnh tụ mà đồng loạt biểu lộ được ý chí chính là sự thành công của đấu tranh bất bạo động. Cốt lõi của đấu tranh bất bạo động là không đấu tranh bằng vũ lực và không chống lại bằng vũ lực, mà dùng ý chí của mình để tác động lên lý trí và tâm thức người khác dù người khác đó là kẻ thù. Những gương mặt vô nhân tính, cùng hành vi rượt đuổi, đấm đá của những tên CA chìm nổi côn đồ to con lớn xác do bồi dưỡng lên những thân thể nhỏ bé bị đánh đập, lôi lên xe chính là hình ảnh đánh động mạnh nhất vào những người chung quanh. Trong cấp thời những người biểu tình chưa cần đánh động vào đám nhân sự phía nhà nước, mà chính là đánh động vào tập thể quần chúng chưa chuẩn bị nhập cuộc như họ. Hình ảnh người dân quê ngồi trương biểu ngữ ở vỉa hè quốc lộ chốn thị thành, xa xăm nơi mảnh đời của họ; hay hình từng tốp thanh niên trong trắng hăng hái giương cao thông điệp trên tay; hay hình ảnh những gương mặt điềm tĩnh, tự tin ngồi tọa kháng trước đám nha trảo trong sắc phục hờm hờm giở thói côn đồ vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều người chưa tham dự còn đứng bên ngoài quan sát. Những con người ấy đã chuyển tải ý chí.
Lương tri nhân loại ở bất cứ chủng tộc nào, bất cứ nền văn hóa nào đều dành sự cảm thông cho nạn nhân, cho những người bị áp bức. Càng bị áp bức càng bị ngược đãi càng được cảm thông. Cho đến hôm nay, dù những cuộc biểu tình đã qua nhưng hình ảnh những người thanh niên bị siết cổ, hình ảnh người phụ nữ bị đánh xây xát ngồi ôm đứa con gái với anh mắt lo sợ vào lòng, hay hình ảnh rũ rượi ngồi gục bên vỉa hè của cô gái bị đánh và nhiều hình khác vẫn còn ở trong lòng mọi người. Từ tác động lý trí và tâm hồn sẽ có được sự đồng cảm và đồng hành. Đồng cảm và đồng hành là cốt lõi của tranh đấu bất bạo động.
Ở những xã hội dân chủ thật sự, biểu tình là áp kế đo lường lòng dân trước những chính sách của chính quyền. Qua đó chính quyền sẽ ghi nhận và điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Ở các quốc gia ấy, chính quyền không bao giờ trấn áp các cuộc tuần hành ôn hòa (ngoại trừ người biểu tình áp dụng bạo động, đập phá) mà còn giữ trật tự, an toàn cho đoàn biểu tình đi qua. Ngược lại, nhà nước của chế độ CSVN không có được bản lãnh đó. Trước những vấn nạn của đất nước, họ chưa bao giờ chứng minh được khả năng giải quyết vấn đề ở cấp cao có trí tuệ mà họ chỉ làm được những trò tiểu xảo ở cấp thấp nhất. Thay vì tìm ra nguyên nhân và cách giải quyết, họ né tránh, đổ thừa và trấn áp. Trong việc né tránh và đổ thừa họ lập ra đội ngũ truyền thông làm công việc che đậy, và vu cáo. Với những cuộc biểu tình của quần chúng họ lập ra đông đảo lực lượng sắc phục hay giả dạng dân thường áp dụng phương sách hạ cấp là kềm sát, phân tán, đánh đập và bắt đi. Trong ý nghĩa của đấu tranh bất bạo động việc chuẩn bị lực lượng hùng hậu áp đảo để trấn áp, đánh đập người biểu tình chính là biểu hiện sự thất bại trước sự bất bạo động của phía cầm quyền.
Vị cha già của nền độc lập Ấn độ, vị thầy của đấu tranh bất bạo động, ông Mahatma Gandhi đã nói với những người theo mình rằng: “trước tiên hết họ (nhà nước) không thèm nghe bạn, rồi họ cười cợt bạn, rồi họ chống lại bạn, rồi bạn thắng (First they ignore you, then they laugh at you, then they fight you, then you win)”. Trước tinh thần bất bạo động trong các cuộc biểu tình vừa qua, chế độ CSVN đang là kẻ thất bại. Họ chưa kịp không thèm nghe dân chúng, chưa kịp cười cợt bôi nhọ các cuộc biểu tình, họ đã thành lập lực lượng để đối đầu các cuộc biểu tình của quần chúng. Chắc chắn trong những ngày sắp tới, bao lâu mà nguyên nhân ô nhiểm ở vùng biển miền Trung chưa được giải trình, bao lâu mà chế độ không minh bạch trong việc điều hành guồng máy nhà nước chế độ này luôn nằm trong tình trạng báo động để đối phó. Chắc chắn họ phải căng con mắt ra chỗ nào có đông người. Trong tình huống ấy, họ là kẻ thất bại.
Trước thất bại này, công cuộc đấu tranh của nhân dân VN không dừng lại ở đó. Tinh thần bất bạo động vừa hình thành trong các cuộc biểu tình làm cho chế độ CSVN ra sức đối phó phải được đẩy mạnh thành phong trào đấu tranh bất bạo động. Bất hợp tác, bất tuân dân sự chính là xương sống của cuộc đấu tranh bất bạo động.
Sắp tới đây ngày 22 tháng 05 là ngày chế độ CSVN tổ chức bầu cử Quốc Hội và là ngày TT Obama đến thăm VN. Cuộc biểu tình nên được vận động để tiếp diễn như các cuộc biểu tình trước đây để các lực lượng CA chìm nồi, TNXP bị đặt trong tư thế đối đầu, lập các chốt chặn các ngả đường và đem rào cản căng giây thép gai vào thành phố tạo không khí ngột ngạt trong dân chúng và các nhà quan sát ngoại quốc. Bên cạnh đó nên tiến hành tẩy chay cuộc bầu cử bằng cách không tham dự bỏ phiếu, hoặc nếu bị ép buộc phải đi bỏ phiếu thì nên gạch tréo lá phiếu như là hành động không tín nhiệm các ứng cử viên mà chế độ đưa ra.
Kế đến, vận động nông dân miền Tây và ngư dân không nộp thuế viện dẫn lý do đồng bằng miền Tây thiếu nước, cánh đồng bị ngập mặn; vùng biển không thể đánh bắt vì sự tấn công của tàu cá Trung Cộng và vùng nước bị ô nhiễm. Cùng hỗ trợ với nông dân và ngư dân, các bộ phận khác cùng nhau chống lại việc nộp thuế. Phòng trào giành độc lập trước đây của Ấn độ bắt đầu mãnh liệt bằng việc chống thuế muối với cuộc tuần hành dài 388km của ông Mahatma Gandhi.
Tiếp theo, vận động từng đơn vị nhỏ, tự phát để tiến hành các cuộc đình công bãi thị, dự trữ nhu yếu phẩm cần thiết và không ra đường giao dịch đẩy mạnh tinh thần bất hợp tác, và tạo tinh thần ấy thành thái độ tẩy chay mọi sinh hoạt. Sự tẩy chay bắt đầu ở đơn vị nhỏ nhất là mỗi gia đình không chịu treo cờ trước nhà, dẹp bỏ hình ảnh Hồ chí Minh trong nhà.
Khi tinh thần bất hợp tác, bất tuân dân sự, tẩy chay đủ mạnh và phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng, bước kê tiếp là đòi hỏi cải tổ dân sinh. Đây là đòi hỏi bức thiết mà chế độ khó có lý do để đàn áp và cuối cùng là đỏi hỏi cải tổ chính trị.
Trong hoàn cảnh hiện nay, trước sự chai lỳ và sơ cứng trong việc điều hành đất nước, trước thói quen sử dụng bạo lực của đảng và nhà nước CSVN, những bước đấu tranh trên thật là khó khăn. Nếu các cuộc đấu tranh nằm trong lòng quần chúng thì sự khó khăn sẽ bớt đi. Ở thời điểm này hãy cố gắng truyền tải tinh thần đấu tranh bất bạo động trong dân chúng, biến đấu tranh bất bạo động thành phong trào. Điều có thể làm được hiện nay là mỗi người, với phương tiện sẵn có, đánh động vào sự thờ ơ của cố hữu của quần chúng. Bằng chứng là sự thờ ơ đã trở thành sự hưởng ứng với sự tham dự đông hơn trong các cuộc biểu tình vừa qua. Và điều quan trọng hơn nữa là sự can đảm. Trong buổi giao thời của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ chính ông Thomas Jefferson (sau này trở thành vị Tổng Thống nổi tiếng) đã nói “One man with courage is majority (Một người với lòng can đảm sẽ là quần chúng (đa số))”. Từ quần chúng sẽ nảy sinh lãnh tụ mà quần chúng lựa chọn.