Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Vào ngày 12 tháng Bảy, 2016, tòa Trọng tài thường trực PCA đã bác bỏ mọi cơ sở pháp lý về chủ quyền của Trung Cộng tại vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, và nhất là tại Hoàng Nhan đảo, hay còn gọi là Scarborough Shoal. Ba ngày sau đó, Weibo social media của Trung Cộng loan báo đã cho chiếc máy bay có khả năng ném bom nguyên tử H-6K, bay ngang vùng trời đảo Hoàng Nhan.
Chiếc phản lực cơ ném bom H-6K được giới phân tích quân sự coi là có khả năng ném bom nguyên tử hay phóng tên lửa có đầu đạn hạch tâm san bằng mọi căn cứ trú đóng của quân đội Mỹ tại vùng biển Hoàng Nhan. H-6K vốn xuất xứ từ chiếc Tupolev Tu-16 của Liên Xô, được chuyển sang cho Trung Cộng từ những năm 1950. Chiếc H-6K này là đời mới nhất có hệ thống tên lửa tầm trung và xa rất tân tiến với hệ thống hướng dẫn tìm mục tiêu bằng điện tử, có tên là CJ-20 với tầm bay xa khoảng 3500 km.
Hoàng Nhan đảo chỉ cách nơi trú đóng của các căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Philippines hay Singapore khoảng độ 120 km mà thôi cho nên chiếc H-6K của Trung Cộng có thừa sức tiêu diệt toàn bộ các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ về mặt lý thuyết; còn về thực tế, chiếc này không có khả năng tàng hình và dễ dàng bị các phản lực cơ tiêm kích của Hoa Kỳ phát hiện, hủy diệt từ xa.
Việc đem "đồ chơi" nguyên tử ra hù dọa một cách hiếu chiến xưa nay vẫn là điều tối kỵ trong công pháp quốc tế, trong ngoại giao; và thường đem đến những hậu quả bất lợi vì không một quốc gia nào muốn tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao kinh tế đối với những nước đem vũ khí nguyên tử ra hù dọa. Cho nên có thể nói, hành động này của Bắc Kinh là sự leo thang đáng kể trong việc đối đầu quân sự với Hoa Kỳ tại vùng tranh chấp Hoàng Nhan đảo ở biển Đông. Bắc Kinh hy vọng hành động này sẽ là một thông điệp khiến Hoa Kỳ hiểu là họ không nhường bước trước mọi áp lực từ ngoại giao đến quân sự buộc họ phải tuân thủ phán quyết của PCA để rồi mất quyền kiểm soát vùng biển tại đảo Hoàng này.
Thế nhưng Hoa Kỳ lại không nhìn theo góc cạnh của người ra thông điệp. Dưới ánh mắt của người Mỹ thì rõ ràng Trung Cộng đã phạm phải một điều cấm kỵ không thể tha thứ trong mối quan hệ giữa các siêu cường: đó là đem vũ khí hạch tâm ra hù dọa Hoa Kỳ. Trước đây vào thời Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô đã từng lén lút đưa tên lửa hạch tâm, tính đặt vài dàn ở Cuba đã bị Tổng Thống Kennedy của Hoa Kỳ chỉ mặt gọi tên buộc phải tháo gỡ ngay lập tức hay là phải chấp nhận bị tuyên chiến chính thức từ Hoa Kỳ. Vụ này được các báo chí đặt cho cái tên là "Cuban Missile Crisis", vốn làm Liên Xô choáng váng rúng động và phải đồng ý rút lui tháo gỡ toàn bộ hệ thống tên lửa hạch tâm đang lắp ráp tại Cuba.
Đó là Liên Xô không hề phụ thuộc về kinh tế vào Mỹ nặng nề như Trung Cộng ngày nay và chỉ đồng ý rút lui sau khi cân nhắc biết rõ Không-quân của Hoa Kỳ dư sức san bằng bình địa Liên Xô trong chớp nhoáng. Mạc Tư Khoa không thể liều lĩnh nông nỗi trong phút giây để rồi hư cả thế cuộc được. Nay thì Trung Cộng về mặt phòng thủ không gian còn yếu quá xa so với không quân Hoa Kỳ, cũng như phụ thuộc nặng nề vào Hoa Kỳ về kinh tế mà lại đem vũ khí hạch tâm ra dọa Hoa Kỳ thì rõ ràng Bắc Kinh đang đánh bài cào nhất chín nhì bù với hy vọng nước Mỹ còn đang lộn xộn bầu cử nên chưa sẵn sàng đối đầu để rồi sẽ nhân nhượng lập trường của mình tại biển Đông.
Đúng là chưa có tiền lệ một tổng thống gần mãn nhiệm kỳ khởi động một cuộc chiến tranh hay cuộc đối đầu trong nền chính trị Mỹ, nhưng đồng thời, cũng chưa có tiền lệ Hoa Kỳ chịu để yên và nhân nhượng trước một quốc gia dùng vũ khí hạch tâm để làm trò khỉ nhằm đối phó với mình. Điều này khiến giới phân tích gia phân vân không biết lần này, tiền lệ chính trị nào của nước Mỹ sẽ được phá vỡ: nước Mỹ sẽ chịu lùi bước nhìn Trung Cộng ra oai trước mủi mình, hù dọa các nước trong vùng sợ xanh mặt để lo cho xong bầu cử hay là quân lực trú phòng của Hoa Kỳ tại đây lại có hành động phản ứng rõ rệt cảnh cáo Trung Cộng mạnh mẽ hơn theo lệnh của Hoa Thịnh Đốn bất chấp những bận tâm về bầu cử đang hồi quyết liệt gay cấn giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa?
Bất luận là tiền lệ nào sẽ bị phá vỡ, hành động hù dọa hạch tâm của Trung Cộng đã khiến quốc gia này không đường quay trở lại nữa vì nếu Hoa Kỳ thất bại trong việc dạy cho Bắc Kinh một bài học vào lúc này như đã từng dạy dỗ Liên Xô trong thời Chiến Tranh Lạnh thông qua vụ "Cuban Missile Crisis", thì tức là Hoa Kỳ bật đèn xanh cho Trung Cộng tiếp tục coi vũ khí hạch tâm như là một đối sách ngoại giao hữu hiệu để dàn xếp những thỏa hiệp với các nước trong vùng nhằm tiếp tục xây dựng thêm các đường bay quân sự chiến lược trên các đảo san hô gần vùng biển đảo Hoàng Nhan, đe dọa trực tiếp đến các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Singapore và ở Phillippine.
Mặt khác, các nước trong vùng từ lâu vẫn nghi ngờ thật tâm của Hoa Kỳ trong việc ngăn cản sự bành trướng của Trung Cộng do bài học lịch sử về sự phản bội của Hoa Kỳ đối với đồng mình Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Hoa Kỳ đã bỏ mặc quốc gia Việt nam Cộng Hòa nhỏ bé này bị Cộng Sản tấn công bất chấp hiệp định hòa bình Paris 1973 đã được cam kết trước quốc tế. Chính phủ Phi vào tuần rồi cũng đã ra tuyên bố vấn đề hung hãn căng thẳng tại biển Đông do Trung Cộng gây ra có thể giải quyết được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm của Hoa Kỳ và mức độ can dự nhập cuộc nông sâu của quốc gia này mà thôi.
Từ lâu, Hoa Kỳ đã phải tốn không biết bao công sức để thuyết phục lãnh đạo các nước trong vùng về quyết tâm của mình trong việc bảo vệ an toàn hàng hải tại biển Đông. Ngay cả trước khi PCA ra phán quyết khoảng hơn hai tuần, Hoa Kỳ đã phải đã điều hai hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và USS USS John C. Stennis với gần hơn 144 máy bay tiêm kích hiện đại cùng với sáu đại chiến hạm hộ tống đến gần vùng biển đảo Hoàng Nhan để trấn an Philippines và các nước trong vùng về thật tâm hợp tác của Hoa Kỳ trong việc duy trì an ninh hàng hải và ngăn cản sự hiếu chiến lấn hiếp của Trung Cộng tại nơi này.
Cho nên nếu Hoa Kỳ lờ đi mà không phản ứng mạnh mẽ trước thái độ đem "đồ chơi" nguyên tử ra để hù dọa của Trung Cộng vì còn đang rối ren bầu cử thì coi như công sức thuyết phục trấn an của Hoa Kỳ nhằm giải tỏa mối nghi ngờ về quyết tâm can thiệp của mình bấy lâu nay bị trôi sông đổ bể hết. Nguyên giám đốc tình báo Hải-quân tại châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đại úy về hưu James Fanell đã phải thừa nhận hành động của Trung Cộng đem chiếc H-6K ra hù dọa là "cần phải được coi đây như là đe dọa khiêu khích trực tiếp đến Hạm Đội Bảy và đồng minh trong vùng.” Nếu lời nhận định của giới chức quân sự Hoa Kỳ thật sự là như vậy thì rõ ràng Trung Cộng đang nuốt phải trái cấm khi đem chiếc H-6K ra hù dọa, đẩy Hoa Kỳ vào thế buộc phải có phản ứng.
Còn một điểm nữa là các chuyên gia đang phân vân là sự loan báo Weibo của Trung Cộng về chuyến bay H-6K có phải thật sự nhằm hù dọa Washinton hay không hay chỉ lại là sự loan báo có tính cách tuyên truyền chính trị một chiều để lấy le trước cả tỷ dân Trung Quốc đang ngày càng giận dữ trước sự bất lực của Cộng đảng cầm quyền về an sinh xã hội cũng như về kinh tế, đang ngày một suy sụp đến tận cùng.
Trước đây, Cộng Sản Bắc Hàn cũng đã từng cho loan báo sẽ cho bắn tên lửa đến nước Mỹ trên truyền thông nhiều lần dù rằng các tên lửa này chưa chắc bay đến được Tokyo của Nhật Bản gần bên. Tuy nhiên, ở vị thế của Trung Cộng trên trường quốc tế như thế mà lại phải dùng chiêu láo lếu tuyên truyền rẻ tiền như Bắc Hàn để mị dân thì không khỏi làm mọi người ngạc nhiên.
Nếu đúng là như vậy thì Hoa Thịnh Đốn lại càng phải lấn tới đưa ra thông điệp quân sự mạnh mẽ để làm đổ bể mọi tuyên truyền vờ vịt của Bắc Kinh trước xã hội Trung Quốc. Biết đâu, biển Đông sẽ lặng sóng khi Cộng đảng tại Bắc Kinh sụp đổ?
19.07.2016