Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận - Chiều 29-7-2016, kỳ họp thứ nhất của Đảng hội (Việt cộng gọi là Quốc hội) khóa 14 đã bế mạc sau hơn một tuần làm việc (bắt đầu từ 20-07). Theo bài viết trên báo Nhân Dân điện tử ngày 30-07, trong buổi kết thúc này, ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều bộ trưởng cũng lên tiếng giải đáp các thắc mắc của một số đại biểu về các vấn đề thời sự quan trọng.
Một trong những vấn đề ấy là “sự cố môi trường” (chữ của báo ND) ở bốn tỉnh miền trung. “Giải đáp nội dung này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: bước đầu, Công ty Hưng Nghiệp Formosa đã cam kết chuyển cho VN 250 triệu USD để khắc phục hậu quả sự cố môi trường (trong tổng số tiền phải bồi thường là 500 triệu USD). Các công việc liên quan hỗ trợ, bồi thường cho người dân được Chính phủ chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt. Bộ đang tiến hành các biện pháp xử phạt 53 hành vi vi phạm hành chính đối với Công ty này, cùng với đó là kế hoạch rất toàn diện về khắc phục các vi phạm của Formosa... Ngay từ khi xảy ra sự cố, Bộ phối hợp các bên liên quan, bên cạnh tìm ra nguyên nhân, còn tiến hành bài bản, hệ thống và khoa học đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, sinh thái môi trường biển. Dự kiến ngày 15-8-2016, sau khi được các nhà khoa học thẩm định, Bộ sẽ công bố các thông tin về xét nghiệm môi trường, đánh giá về mức độ ô nhiễm cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục, phục hồi các hệ sinh thái, môi trường…”.
Báo cáo của Thủ tướng và giải đáp của bộ trưởng TN-MT trên đây cho chúng ta thấy: dù bị công luận phân tích và phê phán kịch liệt kể từ cuộc họp báo hôm 30-06, Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn điềm nhiên nhận số tiền bồi thường 500 triệu USD hết sức bèo bọt từ Formoma trong khi chưa nắm rõ mức độ thiệt hại của thảm hoạ môi trường. Mà nắm vững sao được, vì hôm 26-7-2016, Quỹ bảo vệ Biển Đức Deutsche Stiftung Meereschutz (DSM), có Tuyên bố báo chí tiết lộ rằng “Chính phủ VN đã nhờ một số chuyên gia quốc tế tư vấn cho quá trình điều tra thảm họa môi sinh này. Nhưng đáng tiếc nhiệm vụ của họ lại chỉ hạn chế trong việc đọc và góp ý kiến cho bản báo cáo của một số nhà khoa học trong nước, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học VN đưa ra, cũng như một chuyến tham quan cưỡi ngựa xem hoa tại chỗ, như chuyên gia Đức, Tiến sỹ Friedhelm Schroeder cho biết. Nhà hóa học từng có 25 năm thâm niên tại trung tâm nghiên cứu Helmholtz Geesthacht, hiện là cố vấn khoa học của viện này lấy làm tiếc là ý nguyện được tự lấy mẫu (mang về Đức) đã không được chấp thuận”. Tuyên bố báo chí này cũng cho hay là nhà cầm quyền VN “không hề có giải pháp làm sạch môi sinh” dù Trần Hồng Hà khẳng định: “Ngay từ khi xảy ra sự cố, Bộ phối hợp các bên liên quan, bên cạnh tìm ra nguyên nhân, còn tiến hành bài bản, hệ thống và khoa học đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, sinh thái môi trường biển. Dự kiến ngày 15-8-2016, sau khi được các nhà khoa học thẩm định, Bộ sẽ công bố các thông tin về xét nghiệm môi trường, đánh giá về mức độ ô nhiễm cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục, phục hồi các hệ sinh thái, môi trường”.
Về lý do chậm trễ trong việc đưa ra kết luận thảm họa môi trường, Báo cáo của Nguyễn Xuân Phúc lý giải rằng đó là do quá trình đấu tranh để buộc Formosa thừa nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, báo cáo hoàn toàn không đề cập gì đến việc nhiều quan chức lãnh đạo thuộc nội các chính phủ đã liên tục công bố sai trái về nguyên nhân cá chết hoặc cấm cản việc thông tin điều tra độc lập về vụ việc (điển hình là Võ Tuấn Nhân và Trương Minh Tuấn); những công bố và cấm cản này chẳng những đã lừa dối người dân mà còn chạy tội cho Formosa trong khi (theo báo cáo) chính phủ "đấu tranh" với nó. Mỉa mai thay, kết quả của cuộc "đấu tranh" giữa một bên là chính phủ quốc gia, một bên chỉ là một công ty nước ngoài lại dẫn đến kết luận là Formosa thừa nhận có 53 hành vi vi phạm hành chính, đang lúc công luận cho đây là những vi phạm hình sự và đáng bị đưa ra tòa. Thành thử chẳng lạ gì mà báo Nhân Dân dùng chữ “sự cố môi trường” theo đuôi Tổng bí thư cộng đảng. Khi nói về vụ cá chết lần đầu tiên hôm 18-07 nhân phát biểu tại hội nghị do Hội đồng bầu cử tổ chức, Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “Sự cố hải sản chết bất thường ở một số tỉnh ven biển miền Trung; sự chống phá quyết liệt của các lực lượng thù địch... đã gây không ít khó khăn cho công tác bầu cử”. Rõ ràng là thái độ bao che tiếp cho tội phạm sinh thái lừng lẫy năm châu này!
Báo cáo cũng không giải thích được vì sao Formosa chỉ trong giai đoạn chạy thử nghiệm mà có thể dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt - một hiện tượng mà bình thường một nhà máy thép đi vào hoạt động nếu có làm tổn hại môi trường cũng phải đến nhiều năm người ta mới khám phá ra hệ luỵ của nó. Chính vì vậy mà báo cáo hoàn toàn không đả động gì đến số lượng và loại hóa chất độc hại mà Formosa đã thải ra trong mấy ngày. Điều đó dễ hiểu vì theo Tiến sỹ Schroeder (trong Tuyên bố báo chí nói trên), chính sách bảo vệ môi trường trong thực tế là không hoạt động ở VN. Toàn bộ vùng bờ biển bị ảnh hưởng bao gồm vô số nhà máy mà hầu hết đều thải thẳng nước không lọc xuống biển, ông giải thích, đồng thời phê phán rằng: trong quá trình điều tra, người ta đã bỏ qua tất cả các thủ phạm tiềm năng khác.
Về việc truy cứu trách nhiệm, Báo cáo cũng cho biết là Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND Hà Tĩnh tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với những thiếu sót của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trời! Trước một thảm họa lớn lao như thế, với những tuyên bố và hành vi cố tình lừa bịp người dân, bao che thủ phạm trong cả mấy tháng sau khi cá chết, với nhiều chỉ dấu làm "sai quy trình" trầm trọng của cán bộ (do đã nuốt lỡ tiền “lại quả” của Formosa), chưa kể cả một chiến dịch đàn áp khốc liệt từ mấy tháng qua do bộ công an thực hiện đối với những công dân lên tiếng bảo vệ môi trường... Chính phủ dự trù chỉ “kiểm điểm” và “làm rõ trách nhiệm” với những "thiếu sót” để rồi sau đó làm chìm xuồng vụ việc. Thật là láo xược với dân chưa từng thấy!
Một thái độ láo xược khác phải đề cập, lần này không từ Chính phủ mà là từ Quốc hội Việt cộng, qua lời nói của kẻ đứng đầu nó: Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tại buổi họp báo hôm 23-7-2016, tân Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị cộng đảng đã phát biểu như sau: “Vai trò dân chủ rất quan trọng. Trong một gia đình, bố mẹ không tôn trọng con cái thì sau con cái cũng không tôn trọng người khác… Một đất nước thiếu dân chủ thì lòng dân không yên”. (BBC ngày 25-7-2016). Câu này gợi nhớ phát biểu tương tự của cựu đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh vốn từng ăn nói lôm côm trước cộng đồng người Việt tại Mỹ cách đây nhiều năm và đã được đồng bào dạy cho một bài học. Thoạt nghe, lời của Nguyễn Thị Kim Ngân có vẻ tiến bộ. Nhưng theo Bác sĩ Nguyễn Đan Quế (bài “Bà Ngân láo”), “đây là cách nói rất mách qué, xấc xược, láo lếu, vô học. Ai là bố mẹ? Ai là con cái? Ngân cũng tỏ ra là đứa con gái mất dạy, không biết nghe lời bố Hồ đã dầy công dạy bảo: dân là chủ, cán bộ là đầy tớ! Đây cũng là lối nói lừa bịp hết sức lưu manh về chính trị. Mà theo tôi là cố tình của bè lũ bộ chính trị ở Hà Nội, Ngân chỉ là phát ngôn viên. Thực chất vẫn chỉ quảng cáo kiểu ‘thuốc ho Bà Lang Trọc’ cho chiêu bài bịp bợm dân chủ từ trên xuống. Dân chủ do trên ban phát theo kịch bản mà 19 tên trong Bộ chính trị đạo diễn. Dân tộc ta bác bỏ hoàn toàn loại dân chủ giả hiệu này”.
Chưa hết, trong kỳ họp đầu tiên của tân Quốc hội khóa 14, Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định “sẽ giám sát chặt chẽ vụ Formosa” đang khi kẻ đầu têu chịu trách nhiệm cấp phép đầu tư cho dự án Formosa (tức Võ Kim Cự) lại vừa được phê chuẩn vào ban Kinh tế Quốc hội. Việc chính thức phê chuẩn kẻ đang bị dư luận và báo chí tập trung chú ý trong những ngày qua sau khi nhà cầm quyền VN thừa nhận Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường lớn nhất từ trước tới nay đã gây nhiều công phẫn trong dân chúng, giới chuyên gia và các nhà hoạt động (x. VOA 25-07-2016).
Cũng trong thời gian này, 11 ngày sau Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ tranh chấp Phi-Hoa (12-07), Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố: “Phán quyết dài tới 500-600 trang nên chúng ta phải nghiên cứu kỹ xem có vấn đề gì ảnh hưởng đến lợi ích của VN thì sẽ phát biểu tiếp”. Đây là kiểu láo xược trắng trợn vô liêm sỉ. Phán quyết dài 500-600 trang, nhưng hầu hết là tài liệu, lý luận, giải thích những yếu tố đưa tới phán quyết. Còn bản chất của phán quyết chỉ là những câu trả lời “có” hay là “không” cho 15 câu hỏi (đệ trình) của Phi, 15 câu hỏi này được tóm tắt trong vài trang giấy và đã được cả thế giới biết rõ từ 3 năm nay. Chính phủ VN đã có 3 năm để suy nghĩ xem hậu quả của mỗi câu hỏi sẽ là gì nếu được trả lời “có” hay “không”, sẽ tốt hay xấu cho VN và sửa soạn sẵn phản ứng cho mỗi trường hợp. Vậy mà bây giờ lại viện cớ là phán quyết dày 500, 600 trang, cần thì giờ để đọc! Rồi đang khi dân chúng Phi đổ ra đường reo hò mừng thắng lợi, người Việt ở Phi cũng kéo nhau đến tòa đại sứ Trung Cộng tại Manila đòi trả lại đất đai của tổ tiên, còn dân Việt trong nước bao người đã xuống đường phản đối Ðường Chín Ðoạn, chung vui với dân Phi, thì Nguyễn Thị Kim Ngân lại chỉ trích: “Không phải cứ hô hào, kích động thật to, là có được chủ quyền. Một số tổ chức cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ, nhưng chưa làm gì cho đất nước, chỉ nói và kích động làm rối tình hình.”
Tưởng chỉ có đám dư luận viên hạng bét mới dùng luận điệu “đã làm được gì cho đất nước chưa”, không ngờ chủ tịch QH cũng dùng luận điệu đó. Điều này cho thấy tư cách và trình độ y thị. Ngăn cấm người khác ý với mình đóng góp cho đất nước, viết hẳn vào điều 4 Hiến pháp quyền thống trị tuyệt đối và toàn diện của đảng, dùng hệ thống công an vĩ đại tốn kém để bịt miệng trói tay người dân, gạt bỏ tất cả các ứng cử viên quốc hội không theo phe mình… Vậy mà còn chất vấn người ta đã làm được gì cho đất nước chưa! Đảng của mình thì tham nhũng bóc lột, gian dối bạo hành chưa từng thấy trong lịch sử, làm đất nước suy kiệt mọi mặt, hủy hoại môi trường, phá hoại đạo đức, lệ thuộc Tàu cộng, vậy mà còn trơ trẽn hỏi người khác đã làm được gì cho đất nước chưa!
Thành ra sẽ mãi mãi không thể tin được cái đảng, cái nhà nước, cái quốc hội gồm những kẻ vô tổ quốc, vô đồng bào, vô dân tộc này. Nhân dân phải xuống đường hàng vạn, hàng triệu để dứt bỏ cho được cái nguyên nhân số một làm dân tộc điêu đứng và Tổ quốc lâm nguy như hiện nay.
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 248 (01-08-2016)
Ban biên tập