Đỗ Nam Hải (Danlambao) - Năm 2008 tôi có viết bài mang tựa đề: Vô Cảm Hay Tội Ác. Nội dung đề cập đến sự thờ ơ, vô cảm của nhiều người Việt Nam hôm nay trước những cái xấu, cái ác đang lộng hành xung quanh mình. Chúng đang ngày càng lấn át cái tốt, cái thiện và đẩy người dân vào tình trạng bất an, bất ổn. Tám năm sau - năm 2016, thực trạng trên lại càng tồi tệ hơn và không hề có dấu hiệu nào cho thấy sự dừng lại.
Song song với nó là sự hiện diện vừa mới, vừa cũ của yếu tố Trung Quốc càng đẩy vấn đề tới mức cực kỳ nguy hiểm. Theo tôi, nếu dân tộc không dám dũng cảm đứng lên đấu tranh bằng con đường dân chủ hóa đất nước thì trong một tương lai rất gần, Việt Nam nhất định sẽ chỉ còn là một Khu tự trị, một sắc dân thiểu số của “Nước mẹ Trung Hoa vĩ đại” mà thôi! Và chúng ta sẽ mất Tổ Quốc!
Đây là một thực tế đang hiện ra trước mắt, nó mang tới sự chết chóc theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen và đang sồng sộc xông vào đất nước ta từ nhiều ngả khác nhau: đường bộ, đường sông, đường không và đường biển. Nó hoàn toàn không phải là những lời cảnh báo vô căn cứ của “các thế lực thù địch” như bộ máy tuyên truyền trong nước vẫn thường gầm gừ, phỉ báng đối với những người đã và đang đấu tranh cho dân chủ và dân quyền.
Không đúng! Họ chính là những Người yêu nước và là những Người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam! Họ có mặt ở cả trong và ngoài nước. Lịch sử rất công bằng và nhất định sẽ ghi công lao to lớn của họ. Ở trong nước, họ đang hàng ngày, hàng giờ phải trực tiếp chiến đấu với bộ máy công an Việt Nam; họ phải tự mình tổ chức lấy trận địa và tự mình rèn giũa vũ khí lý luận để chống lại cái gọi là "những quan điểm chính thống của đảng ta” - những thứ mà nhân loại tiến bộ từ lâu đã ném vào sọt rác của lịch sử!
Đề cập đến “yếu tố Trung Quốc”, trong bài Việt Nam Đất Nước Tôi, viết vào tháng 6/2000 tôi đã có dịp trình bày:
“...Có ai ngờ rằng sau 30 năm với hai cuộc chiến tranh thì dân tộc ta lại phải bước tiếp vào hai cuộc chiến tranh nữa ở biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc mà nguyên nhân sâu xa đều do Nhà cầm quyền Bắc Kinh gây ra. Máu của hàng trăm ngàn những người lính trẻ, những người dân Việt Nam vô tội lại phải đổ xuống. Mặc dầu họ - Những người nay đã khoác áo cộng sản từng nhiều lần tuyên bố: "Tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc là như môi với răng, môi hở thì răng lạnh!".
Vì điều kiện địa lý, chúng ta không có cách lựa chọn nào khác hơn. Chúng ta luôn mong muốn cùng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, nhất là với nhân dân Trung Quốc - Những người cũng đã chịu quá nhiều thương đau. Nhưng với lịch sử đã qua, với những gì vẫn đang tiếp tục cho chúng ta thấy bản chất bá quyền nước lớn của đầu óc đại Hán là không hề thay đổi trong giới cầm quyền Bắc Kinh. Chẳng những là đối với Việt Nam mà còn là đối với các nước khác trong khu vực ASEAN. Đây là khó khăn nhưng cũng là thuận lợi để Việt Nam có thể thiết lập được những mối quan hệ bền vững với các nước này. Từ đó sẽ tạo ra những đối trọng đủ mạnh đối phó với họ.
Chính sợi dây ràng buộc "cùng ý thức hệ" hiện nay mới là nguy hiểm nhất, nó làm cho thế giới và các nước trong khu vực nghi ngại chúng ta. Sợi dây ấy có thể đứt bất cứ lúc nào như nó đã từng bị đứt và bên chịu thiệt thòi vẫn là dân tộc Việt Nam. Một khi đã biết được dã tâm muốn "đánh tráo nỏ thần" rồi mà vẫn cho phép họ được "ở rể" thì những kẻ có tội với dân tộc chính là những "An Dương Vương" thời nay!”.
Hơn bao giờ hết, để cho nguy cơ mất nước đang đến rất gần từ kẻ thù truyền kiếp phương Bắc; nếu tội của “Cha con Triệu Đà - Trọng Thủy” là 1 thì tội của các “An Dương Vương thời nay” phải là 10! Trong đó, ông Hồ Chí Minh phải là người chịu trách nhiệm lớn nhất trước dân tộc và trước lịch sử!
Xin trân trọng kính chào Quý bạn đọc xa gần!
441 Nguyễn Kiệm, P.9, Q. Phú Nhuận - Sài Gòn.
*
Vô cảm hay tội ác?
Đỗ Nam Hải (Phương Nam) - tháng 11/2008.
1) Câu chuyện kể thứ nhất:
Báo Người Hà Nội thuộc Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội, số 39, ra ngày thứ 6 - 26/9/2008 có bài viết của tác giả Đoàn Nhất Trí, với tựa đề “Vô Cảm” nói về một câu chuyện xảy ra tại Hà Nội, trên trang 1 như sau:
“Một em học sinh của tôi đang học năm thứ 2 trung cấp điện kể:
Tại quán nước bên vỉa hè đường Nguyễn Trãi, em uống một cốc nước chè đá (trà đá) xong, mở ví trả tiền rồi đứng dậy định về lớp học thì bị một thanh niên chừng gần 30 tuổi, cầm tay giữ lại nói:
- Đưa tao hai trăm ngàn đồng, tao bán cho cái đồng hồ này! Vừa nói, nó vừa tháo chiếc đồng hồ điện tử đeo tay ra nhét vào tay em. Em không cầm, trả lời:
- Tôi có đồng hồ rồi. Cũng không có tiền để mua.
- Nó gằn giọng:
- Muốn trả hai trăm, năm trăm hay muốn ăn gạch vào đầu?
Em định đi, đã bị hai thằng đầu trọc khác áp sát. Đứa đứng phía sau lưng, đứa đứng bên trái, ba phía là bọn chúng, trước mặt là bàn nước, em hết đường thoát. Thằng “bán” đồng hồ trợn mắt:
- Mày có mua không thì bảo?
Phía bên kia đường có hai anh công an giao thông đứng nhìn người qua lại nhưng em không dám gọi, đành vét ví được hai trăm ngàn đồng đưa cho nó và cầm chiếc đồng hồ rởm đứng lên. Số tiền ấy do cha mẹ gửi ở quê lên cho em ăn học. Cậu học sinh của tôi còn kể thêm: quán nước đông người ngồi, sát với quán nước là bến chờ xe buýt cũng đông người đợi xe. Thế nhưng, trước cảnh trấn lột diễn ra công khai ngay giữa ban ngày như thế, không có ai dám nói gì. Tất cả đều im như thóc, chẳng khác gì gà con thấy quạ. Tôi cật vấn cậu học trò:
- Thế sao em không bỏ chạy ngay từ phút đầu?
- Thưa, chạy thì chết nữa; tiền mất, tật mang. Bỏ chạy chúng sẽ đuổi theo, vừa chạy vừa hô “cướp, bắt lấy nó”, mọi người sẽ đổ xô lại. Lúc ấy sẽ lãnh đủ những đòn đánh hôi của người đi đường dừng lại, dân bên đường đổ ra. Thằng bạn em cũng có lần bị trấn, nó bỏ chạy như thế và bị đánh về ốm mấy tháng mới gượng dậy được!
Tôi chỉ còn biết an ủi cậu học sinh của tôi bằng câu cửa miệng “Thôi em ạ, của đi thay người”. Tuy vậy lòng tôi cứ sục sôi lên trước những câu hỏi. So với ba thằng nghiện và ăn cắp vặt, ta có hàng nghìn, hàng vạn người tốt nhưng sao ta không dám thẳng tay quật nó xuống, còng tay nó lại đưa nó vào nhà cải tạo? Đành rằng nó cũng là đồng bào ta, nhưng nó là kẻ sa ngã, biến chất và phạm tội, cần phải nghiêm trị. Chẳng nhẽ mọi người đều vô cảm hết sao? Thói đời vô cảm trước đồng loại ấy sao có thể đồng hành và phát triển cùng dân trí, an ninh trật tự xã hội của một chính quyền ngày càng vững mạnh?
Trong câu chuyện này không thể nói “nước xa không cứu được lửa gần”. Rõ ràng phía bên kia đường, tức chỉ cách hơn chục mét có hai viên công an đứng đấy mà ba tên trấn lột vẫn ngang nhiên hành sự giữa Thủ đô, giữa thanh thiên bạch nhật thì ở những nơi không hề có bóng dáng các anh, chúng còn lộng hành đến thế nào nữa? Lại nữa, lúc có người cần đến sự giúp đỡ của đồng loại thì đồng loại làm ngơ, nhưng khi kẻ xấu lừa: “Nó là cướp! Bắt lấy thằng ăn cướp” thì tất cả xúm vào đánh người vô tội như đòn thù, cứ như để trút bỏ nỗi uất hận nào đó luôn đeo trong người! Xưa có thế không?”.
2) Câu chuyện kể thứ hai:
Câu chuyện trên làm tôi nhớ lại một sự việc mà tôi đã chứng kiến và trực tiếp tham gia, cách đây gần 3 năm: đầu năm 2006, lúc này tuy rằng tôi đã bị công an Việt Nam mời đi làm việc nhiều lần và theo dõi gần 2 năm nhưng chưa đến mức bị họ cắm chốt trước cửa nhà suốt ngày đêm như hiện nay. Hôm ấy là chiều Chủ nhật, tôi đang đi xe máy trên đường Nguyễn Oanh, theo hướng từ quận 12 về nội ô Sài Gòn. Từ xa chừng 100 m, tôi nhìn thấy 2 thanh niên đang đấm đá túi bụi 2 cậu thanh niên khác. Lúc này đường Nguyễn Oanh – Gò Vấp có rất đông người qua lại và tất cả đều nhìn thấy đám đánh nhau kia. Nhưng thật đáng tiếc, tất cả họ đều làm ngơ và không hề có một sự can ngăn nào.
Tôi liền chạy xe thật nhanh lại và nhận thấy cậu thanh niên bị đánh mặt mày bê bết máu. Tôi vội thét lên: “Dừng lại! Tại sao lại đánh nhau thế này?”. Nghe thấy vậy, 2 cậu thanh niên đang say máu đánh người kia chợt giật mình quay lại và nhìn thấy tôi đã rời khỏi xe và chạy nhanh về phía chúng. Hai cậu này vội vàng dừng đánh người và nhảy ngay lên chiếc xe máy của chúng, rồi chạy thẳng.
Lúc này tôi mới có thể nhìn kỹ hơn người bị đánh đang gục xuống bất động. Cháu có dáng thư sinh và tuổi chừng 19-20. Cậu bạn cũng có dáng nhỏ bé, bị đánh nhưng nhẹ hơn và đang rất sợ hãi. Tôi lấy mấy tờ khăn giấy để ngăn máu đang chảy thành dòng trên mặt cháu. Điều đáng nói ở đây là: bên cạnh sự thờ ơ của đám đông đang đi trên đường kia thì cách đám đánh nhau ấy chỉ khoảng 5–7 m là một bót gác của trường Cao đẳng kỹ thuật quân sự Vinhempic - Bộ quốc phòng. Bên trong bốt gác lúc ấy có một cậu lính trẻ đang ôm súng gác. Quá bực tức, tôi bước đến trước mặt cậu ta và nói: “Tại sao cậu đứng đây mà không can ngăn chuyện đánh nhau vừa rồi? Chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam mà như thế à? Thế các thủ trưởng của cậu hàng ngày dạy cậu những gì?”.
Nghe tôi hỏi dồn dập như vậy, cậu ta cứ ấp a ấp úng rồi ngượng ngùng quay mặt đi. Tôi không nói gì thêm vì phải quay lại đưa người bị thương đi cấp cứu gấp. Ngồi sau lưng tôi, máu từ trên mặt cháu vẫn tiếp tục nhỏ xuống vai áo tôi. Khoảng 10 phút sau thì chúng tôi tới được Bệnh viện quân y 175. Tôi vội làm thủ tục nhập viện cho cháu vì bác sĩ xác định cháu bị đa chấn thương toàn thân. Đặc biệt, cháu bị dập sống mũi nên cần phải mổ gấp để sắp xếp lại phần sụn bên trong. Sau đó, tôi gọi điện thoại báo cho gia đình cháu biết tin.
Vài ngày sau khi cháu ra viện, chúng tôi có dịp đi ăn sáng cùng nhau, nên tôi biết thêm một số chi tiết: Gia đình cháu sinh sống ở Đà Lạt. Bố cháu là sỹ quan quân đội và hiện nay là giáo viên của Học viện lục quân Đà Lạt, còn cháu đang là sinh viên của một trường đại học ở Sài Gòn. Hôm ấy cháu đang đứng trước cổng trường Cao đẳng kỹ thuật Vinhempic để chờ một người bạn là học viên của trường này ra đón thì không may gặp nạn. Người lính gác hôm ấy đã chứng kiến sự việc của cháu từ đầu đến cuối. Cho đến bây giờ cháu vẫn không hiểu vì sao cháu lại bị đánh, vì cháu không hề quen biết và cũng chưa bao giờ gặp mặt hai người đã đánh cháu. Theo cháu thì rất có thể là họ đã lầm cháu với một thanh niên nào đó mà họ muốn đánh.
Một số nhận xét:
a) Trong bài báo trên, thầy giáo Đoàn Nhất Trí đã bức xúc đặt ra một số câu hỏi cho cậu học sinh của mình và đã được em trả lời một cách rất rõ ràng: rằng em không hy vọng gì vào những nhân viên công quyền mà cụ thể là 2 công an giao thông đang đứng bên kia đường. Em cũng chẳng trông chờ gì vào đám đông nọ sẽ làm gì để giúp em được an toàn khi em bị những kẻ ác ức hiếp. Thậm chí em còn lo sợ là có thể họ còn gây thêm nguy hiểm cho mình như người bạn của em đã từng phải gánh chịu trước đó. Cuối cùng, em đành phải tự xử lý tình huống ấy theo cách chịu thiệt về mình. Tất cả đều xuất phát từ “thực tiễn sinh động” đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ xung quanh em.
b) Những câu chuyện về sự thờ ơ, vô cảm, về sự bất lực của cái thiện trước sự lên ngôi của cái ác là có ở mọi lúc, mọi nơi. Hiện thực ấy đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng mà những người dân Việt Nam, những người nước ngoài sống ở Việt Nam không khó để nhận ra. Báo, đài trong nước chỉ nêu được một phần rất nhỏ về hiện thực đau đớn ấy. Tuy vậy, chúng cũng đã xuất hiện nhan nhản trên các báo, đài trong nước. Sau đây chỉ là một số ít ví dụ để minh họa:
- Giết người chỉ vì con gà bị mắc bẫy.
- Hai con nghiện dùng kim tiêm vào bệnh viện cướp tài sản.
- Án mạng từ câu chửi thề.
- Thuê côn đồ đánh chết người vẫn sống nhởn nhơ.
- Bị rạch mặt vì giành chỗ bán hàng rong.
- v.v…
Những trường hợp nêu trên không phải là những “Nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình” nữa mà đã và đang xảy ra thường xuyên, phổ biến trên khắp các thôn xóm, buôn làng Việt Nam. Có thể nói rằng: Trong xã hội Việt Nam hôm nay, những cái cần mất thì lại còn - những cái cần còn thì lại mất!
Sự tử tế, sự trung thực đang dần lụi tàn và thay vào đó là những thói xấu, thói đạo đức giả đang ngày càng lộng hành. Ai không tin điều này, xin hãy làm cuộc điều tra xã hội học một cách nghiêm túc sẽ rõ.
Và câu nói của Mục sư – Nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng người Mỹ, ông Martin Luther King, Jr. (1929-1968) từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị: "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của những kẻ xấu, mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt!".
Phụ lục:
1) Kỹ sư Đỗ Nam Hải trả lời phỏng vấn Sài Gòn radio, tháng 6 năm 2016:
2) Việt Nam Đất Nước Tôi. (Phương Nam – tháng 6/2000).