Vũ Đông Hà (Danlambao) - Hình ảnh xác người gói chiếu chở trên xe gắn máy đã có những tác động chính trị và xã hội đã buộc các thành phần liên quan phải “vào cuộc”. Nội trong một ngày 15/9, hàng loạt thông tin, chứng cứ được trình bày nhằm giảm nhiệt những bức xúc của dư luận về hình ảnh không làm đẹp mặt cho một chế độ lúc nào cũng treo trên đầu người dân khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, độc lập - tự do - hạnh phúc.”
Người qua đời là chị Lò Thị Phanh, 40 tuổi, người dân tộc Thái ở xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Chị Phanh mất vào ngày 12/09 và hình ảnh xác của chị bó chiếu, nằm vắt ngang trên xe gắn máy đã làm xã hội xúc động, đặt ra nhiều câu hỏi và lên án bệnh viện cũng như chế độ. Làn sóng phẫn nộ của dư luận làm cho nhà cầm quyền không thể không quan tâm.
- Trước hết là từ giới chức cầm quyền địa phương.
Vào ngày 15/09, Ông Lò Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Mường Sại cho biết giới cầm quyền địa phương biết rõ gia đình chị Lò Thị Phanh thuộc diện nghèo nhất xã và “sau đó, chính quyền cùng với nhân dân đã cùng giúp đỡ, chia sẻ với gia đình chị. Chính quyền hỗ trợ một phần kinh phí để gia đình mai táng cho chị Phanh. Ngoài ra, người dân thôn bản ở đây người thì mang gạo, người mang thức ăn đến để lo ma chay cho chị theo đúng hương ước làng bản.”
“Nếu gia cảnh nhà chị Phanh có con cái còn đang đi học, chúng tôi sẽ cùng chung tay với các ban ngành, đoàn thể, nhà trường giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để các cháu học tập, không ảnh hưởng đến tương lai sau này.” (1)
Ở địa phương, “mối quan tâm”của giới chức cầm quyền dành cho người chết đã được biểu hiện và gửi đến dư luận.
- Từ Bộ Y Tế.
Cùng ngày 15/09, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế là ông Lương Ngọc Khuê gửi văn bản yêu cầu Sở Y tế Sơn La xác minh vụ việc bệnh viện Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La để gia đình chở bệnh nhân nặng trên xe máy về nhà... xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm, báo về Bộ Y tế trước 23-9. (2)
- Từ Sở Y tế tỉnh.
Cũng trong ngày 15/09, Giám đốc Sở Y tế Sơn La là ông Lầu Sáy Chứ khẳng định với phóng viên báo chí rằng: “bệnh nhân không tử vong tại bệnh viện. Khi xuất viện, chị này sức khỏe yếu nhưng vẫn ổn định. Quãng đường từ Bệnh viện về nhà xa 60-70 km, có thể bệnh nhân đã tử vong dọc đường và được người nhà chở sau xe gắn máy như những bức hình mọi người nhìn thấy trên mạng.” (3)
“Đồng hành với giới chức địa phương, Giám đốc Sở Y tế Sơn La cũng cho biết là trong ngày 15/9 đã cử ban giám đốc Bệnh viện lao và bệnh phổi Sơn La về tận nhà chị Phanh thăm hỏi động viên, vì hầu hết các bệnh nhân nghi nhiễm HIV-AIDS, lao phổi trên địa bàn tỉnh đều rất nghèo túng, khó khăn.” (4)
- Từ bệnh viện.
Từ Bộ xuống Sở, xuống đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Sơn La, bác sĩ Lương Văn Tuận, Giám đốc Bệnh viện cũng trong cùng ngày 15/9 cho biết: “Chị Phanh nhập viện vào ngày 28/8 trong tình trạng nguy kịch, cơ thể suy nhược, cao 1,6 m nhưng chỉ nặng 32 kg. Bệnh nhân được chẩn đoán suy kiệt trên bệnh cảnh nghi ngờ nhiễm HIV. Các bác sĩ đã tiến hành điều trị, hồi sức tích cực và lấy máu gửi đi xét nghiệm HIV song hiện chưa có kết quả.” (5)
Ở đây có 3 điểm cần được ghi nhận:
- Thông tin trước đây chị Phanh bị chết vì bệnh lao nay được thông báo là “nghi ngờ nhiễm HIV”;
- Cho đến nay chưa có kết quả để xác nhận chị Phanh bị HIV;
- Bệnh viện đã cho phép người bị nghi ngờ là nhiễm HIV vốn lây lan nguy hiểm về nhà;
- Đến người nhà của người quá cố:
Và lúc này, một đơn xin rời bệnh viện được ký tên là Lò Văn Muôn, anh trai của người quá cố Lò Thị Phanh được gửi cho báo chí để đăng tải:
“Kính gửi khoa lao HIV bệnh viện lao.
Tên là Lò Văn Muôn, là anh trai Lò Thị Phanh. Hiện giờ bệnh của em tôi nặng lắm, là được bác sĩ giải thích nhưng vì điều kiện khó khăn nên gia đình tôi xin đưa em tôi về nhà. Trong quá trình về nhà nếu xảy ra vấn đề gì, nhà tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm, không kiện cáo gì khoa phòng bệnh viện”.
Nội dung lá đơn không ghi ngày tháng này có 3 điểm chính muốn gửi đến dư luận:
1. Bác sĩ đã giải thích;
2. Gia đình xin đưa về nhà;
3. Gia đình hoàn toàn chịu trách nhiệm và không kiện cáo gì khoa phòng bệnh viện.
Đồng thời, song song với nội dung này là trình bày của bác sĩ giám đốc bệnh viện gửi đến dư luận qua thông tin lề đảng:
“Cách đây 3 ngày, người anh trai đã làm đơn gửi lên lãnh đạo bệnh viện xin cho đưa chị Phanh về nhà để tự điều trị. Các bác sĩ khuyên nên để bệnh nhân ở lại viện để điều trị, gia đình từ chối.” (6)
Tại sao gia đình từ chối khi mà...
Theo bác sĩ Lương Văn Tuận:
“Quá trình điều trị thì các y, bác sĩ ở khoa đã rất cố gắng và khi giao ban, lãnh đạo viện cũng có lưu ý về trường hợp này. Sau vài ngày điều trị, bệnh nhân đã khỏe lên, đi lại, nói rất tốt...”
"Tuy nhiên, trong quá trình điều trị dù bệnh viện hướng dẫn nhưng bệnh nhân đi ra ngoài tắm rửa, không giữ gìn nên quay về bị cảm và các y, bác sỹ lại tích cực điều trị...”
“Bệnh viện có giải thích là do bệnh tình nặng và đang được điều trị đặc biệt nên bệnh nhân phải ở lại... Các y bác sĩ tiếp tục giải thích nhưng người nhà dứt khoát không hợp tác, đòi về. Khi gia đình kiên quyết như vậy thì Khoa yêu cầu phải làm đơn, chứ chúng tôi đã giải thích rõ là phải giữ bệnh nhân để điều trị.”
“Ở đây, bệnh nhân đều là các gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa nên y, bác sĩ còn quyên góp bằng chính tiền của mình để tổ chức nồi cháo tình thương vào thứ 4 hàng tuần cho các bệnh nhân nghèo thì không hà cớ gì với trường hợp của bệnh nhân P., gia đình khó khăn như vậy mà chúng tôi không quan tâm.”
“Bệnh nhân P. khi ra viện, các chỉ số sinh tồn còn rất tốt và khi bệnh viện giải thích thì ngay chính trong bệnh án còn lưu, gia đình cũng ghi rõ là không cần gì cả và tự đưa về.”
“Khi bệnh nhân P. về thì theo quy định là được hưởng tất cả các chế độ ăn uống, đi lại và các y tá làm thủ tục thanh toán thì người nhà nói rằng không cần gì cả mà giờ “chỉ cần đưa em tôi về thôi”. (6)
Tại sao bác sĩ bệnh viện tốt, chu đáo, nhiệt tình đến thế mà người thân nằng nặc đòi về, làm cả đơn xin xuất viện và “không cần gì cả”?
“Đồng hành” với sự “quan tâm, hỗ trợ” của giới cầm quyền địa phương, Sở Y tế Sơn La, lá đơn làm sạch trách nhiệm của bệnh viện ký tên Lò Văn Muôn, cũng trong cùng một ngày 15/9, diễn biến dẫn đến hình ảnh “xác người gói chiếu” được báo chí lề đảng đăng lại qua lời kể của người anh trai Lò Văn Muôn:
“Em tôi ban đầu rất tỉnh táo, sức khỏe ổn định, đến khi tôi đỗ xe để đổ xăng thì Phanh khó thở, lịm đi rồi mất”, anh Muôn thuật lại. Người anh trai cho biết đã nhờ người dân bên đường mua chiếu rồi quấn thi thể em gái lại rồi tiếp tục chở bằng xe máy về nhà để lo hậu sự. "Tôi cũng không còn cách nào khác, đành chở em về nhà như vậy”, người anh chia sẻ. (5)
“Chiếc xe máy chở Phanh được người dân chụp lại được chúng tôi thuê của một người làm xe ôm ở cổng bệnh viện. Họ nhận chở với chi phí 400.000 đồng. Tôi ngồi sau đỡ, đi được 30 phút thì Phanh qua đời”. (7)
Trong lời kể lại vào 3 ngày sau của anh Muôn: “Em tôi ban đầu rất tỉnh táo, sức khỏe ổn định...” phát biểu này cũng đồng hành cùng với phát biểu của giám đốc bệnh viện bác sĩ Lương Văn Tuận:
“Trước khi xuất viện, bệnh nhân Phanh hoàn toàn tỉnh táo, bác sĩ kiểm tra cho thấy các chỉ số đều bình thường.” (5)
“Khi bệnh nhân ra viện là vào khoảng 10h30 ngày 12/9 thì tình trạng mạch, huyết áp vẫn ổn định chứ không phải trong tình trạng cấp cứu và nặng như một số thông tin.” (6)
Từ lời kể lại 3 ngày sau của người anh lẫn ông bác sĩ đều nói lên 1 điều: nạn nhân ra khỏi bệnh viện trong tình trạng sức khỏe ổn định chứ không có chuyện chết hay hấp hối gì cả. Tuy nhiên, chỉ 30' sau thì chị Phanh với tình trạng mạch, huyết áp, mọi chỉ số bình thường đã chết trên chiếc xe ôm.
Toàn bộ mọi diễn tiến xảy ra trong 1 ngày 15/09 được đăng trên báo chí lề đảng, với sự tham gia trình bày phát biểu, chứng cứ của nhiều quan chức bật lên 3 điều chính:
Quan tâm hàng đầu của Bộ Y tế là không thể có chuyện bệnh viện Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La để gia đình chở bệnh nhân đã chết hay trong tình trạng nguy kịch trên xe máy về nhà. Quan tâm này tức thì đã được giải quyết bằng:
- Những phát biểu của Giám đốc sở Y Tế Sơn La và Giám đốc bệnh viện Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Sơn La về nỗ lực chữa trị chu đáo, quan tâm tối đa và không muốn cho bệnh nhân xuất viện.
- Lá đơn xin xuất viện của người anh trong đó giành hết trách nhiệm thuộc về gia đình trong việc đòi đưa em về nhà và khẳng định bệnh viện không chịu trách nhiệm gì trong quyết định của gia đình.
- Lời kể của Lò Văn Muôn về cái chết của em gái với phóng viên.
- Tất cả được giải quyết êm thắm trong “tình người mênh mông” với sự có mặt và hỗ trợ nhiệt tình của quan chức địa phương và sở y tế Sơn La ngay tại nhà người chết.
Xác người bó chiếu trên đường phố hoang mang. Dù dưới phiên bản nào để trình diễn sự việc thì vẫn luôn còn đó hình ảnh của sự thật không thể chối bỏ: sự tận cùng của người sống lẫn người chết trên đất nước được cho là “tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”
16.09.2016
_______________________
(6) http://vntb.org/vu-cho-thi-the-bang-xe-may-la-don-dau-don-va-thong-tin-cua-giam-doc-benh-vien.html