Ngày Phụ Nữ: Có những bà mẹ chọn chông gai - Dân Làm Báo

Ngày Phụ Nữ: Có những bà mẹ chọn chông gai

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), đang cầu nguyện cho con mình sau khi blogger này bị bắt khẩn cấp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khánh An (VOA) - Tháng 10 là tháng đặc biệt dành cho phụ nữ. Thế nhưng ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, 1 phụ nữ trẻ tiên phong trong những phong trào đòi công bằng, công lý cho những người dân “thấp cổ bé họng” lại bị bắt trong tháng đặc biệt này, để lại 2 con thơ mỗi ngày ngồi ngóng mẹ, tìm hy vọng trong mỗi tiếng xe dừng lại nhà và rồi thất vọng thốt lên “Lại không phải mẹ nữa rồi!

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, Khánh An có cuộc trò chuyện nhỏ với bà Tuyết Lan, thân mẫu của người phụ nữ hiện đang được nhiều cư dân mạng gọi là “anh thư nước Việt” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm hay Mẹ Nấm Gấu. Hiện bà Tuyết Lan đang chăm sóc cho hai con của Như Quỳnh là bé Nấm (10 tuổi) và bé Gấu (gần 4 tuổi).

Dù đã hơn một tuần kể từ khi Như Quỳnh bị bắt, nhưng khi kể lại sự việc cho VOA, bà Lan vẫn không kiềm được xúc động, dù người mẹ này đã nhiều phen đối diện với cảnh con gái mình bị bắt đem đi. Bà kể:

“Khi công an tới nhà tôi mà cầm một xấp giấy tờ là tôi đã biết có chuyện chẳng lành rồi. Họ đi thẳng vào nhà tôi, bảo mời tôi vào đây làm việc và không được dọn cơm [vì sắp tới giờ ăn trưa] để cho họ làm việc. Họ đọc lệnh bắt, theo khoản 1 Điều 88, khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng và đọc lệnh xét nhà. Họ đọc xong thì tôi hỏi ‘Vậy con tôi đâu?’, vì lúc đó không có Quỳnh ở nhà. Họ trả lời thẳng với tôi là ‘Tí nữa thì Quỳnh sẽ về’. Khoảng 20 phút sau thì tôi thấy người ta chở con tôi về, hai tay bị còng lại. Lúc đó tôi bị họ khống chế phải ngồi im tại chỗ, không được di chuyển, phải ngồi im tại bàn. Tôi thấy vậy thiệt là đau lòng”.

Đau lòng vì một lần nữa chứng kiến cảnh con gái bị còng tay, càng đau lòng hơn khi cảnh tượng ấy lại diễn ra ngay trước mắt đứa cháu ngoại chưa tròn 10 tuổi của bà, bé Nấm, khi cháu vừa từ trường học trở về, nên bà Lan đã hỏi thẳng nhà cầm quyền: “Tại sao lại còng tay con gái tôi khi nó chưa bị kết tội là ‘có tội’?”. Câu trả lời bà nhận được là “để tránh trường hợp bị can chạy trốn hoặc đập đầu vào tường”.

Câu trả lời đó không đủ để làm vơi tổn thương trong lòng của một đứa trẻ đang tuổi lớn, tuổi khôn như Nấm.

“Từ đó mỗi khi đi học về, nhất là buổi chiều, nó trèo lên giường nằm, quay mặt vào trong và nằm im. Nó nói ‘Con mệt lắm, con muốn ngủ lắm, bà đừng có kêu con, đừng có đi nhà thờ nữa. Con không muốn gì nữa hết á. Chắc đây sẽ là một tổn thương của tuổi thơ mà không có gì xóa được, rất sâu sắc, mà tôi nghĩ nó sẽ ám ảnh suốt cuộc đời con bé luôn”.

Từ nhỏ, Nấm đã chứng kiến mẹ bị bắt hết lần này đến lần khác. Mỗi lần như thế, Nấm và giờ có thêm “người đồng hành tí hon” vẫn còn bú sữa là em Gấu, lại bắt đầu những đêm ngủ không tròn giấc vì nhớ và ngóng mẹ.

“Mỗi lần mẹ nó bị bắt thì tôi phải đi kiếm mẹ nó. Có lần thì người ta thả 12 giờ đêm, có khi 1 giờ sáng, sớm thì là 10:30, thì nó cứ đợi, cứ ngồi, cứ nằm, hễ nghe tiếng xe hay tiếng lách cách là nó lại ngồi dậy ngó vô, rồi nói ‘Không phải mẹ nữa rồi’. Cái câu đó bây giờ thằng em nó, thằng Gấu cũng vậy, cứ nghe tiếng xe honda đi tới dừng ở cửa là nó ngồi bật lên liền. Nó bảo ‘Tí về, mẹ Tí về rồi bà’, xong rồi lại nói ‘Lại không phải mẹ nữa rồi’”.

Bảo muốn nhắn gì với mẹ không, Nấm chỉ nói gọn một câu:

“Con nhớ mẹ”

rồi chạy đi giấu hàng nước mắt…

Măng khổ, tre còn khổ hơn! Bà ngoại của Nấm, bà Tuyết Lan, cũng bị nỗi ám ảnh bị buộc xa con dằn vặt nhiều năm.

“Từ ngày 2/9/2009, không bao giờ tôi ngủ sau 12 giờ đêm. Cái ngày 2/9 cũng như vậy, cũng xảy ra như vậy, cũng 12 giờ đêm đến đập cửa, soát nhà rồi dẫn con tôi đi như vậy. Nó ám ảnh tôi đến bây giờ, không bao giờ tôi ngủ sau 12 giờ đêm. 4 giờ sáng tôi đã dậy đi lễ rồi. Cho nên bây giờ, tôi cảm thấy một cái gì đó nó u uất, tối dài. Mỗi lần nhìn 2 đứa cháu thì không cầm được nước mắt. Rồi cháu tôi sẽ ra sao? Trong khi chắc chắn là bà càng ngày bà càng yếu đi, bà càng già đi. Rồi bà không cập nhật những thông tin hàng ngày, bà không thể giáo dục cháu hoàn chỉnh như mẹ cháu được. Bà không thể thay mẹ cháu để dẫn cháu đi đây đi đó hay đi chơi. Bà thì chân đau, bà cũng bệnh, cũng mỏi mệt, bà quá mỏi mệt vì cuộc sống rồi…”

Dù vẫn luôn được xem là một phụ nữ cứng rắn và quyết liệt, nhưng trước khi chọn công khai lên tiếng trước những xâm lấn của láng giềng phương Bắc, những hiểm họa về môi trường trong các công trình, dự án như Bauxite, Formosa… hay những bất công trong xã hội qua các vụ cưỡng chế đất đai, các án oan sai…, Như Quỳnh có lẽ đã nhiều lần cân nhắc, đắn đo và đau đớn khi bước đi trên con đường mà chắng mấy ai, đặc biệt là những người mẹ có con thơ, lựa chọn để đi.

Kim Tiến, một người bạn của Mẹ Nấm, cũng là một bà mẹ trẻ, nói với VOA:

“Tất nhiên người mẹ nào cũng có nỗi sợ xa con. Nhưng mình nghĩ nỗi sợ đó không vượt qua được nỗi sợ là con chị sẽ phải sống trong một xã hội đầy những bất công, tệ nạn. Chính vì yêu thương con mình nên chị mới dấn thân. Mình nghĩ nỗi buồn, nỗi sợ hãi lớn nhất của chị không phải là bị tù đày, mà là phải xa những đứa con thân yêu của mình. Mình nghĩ đó cũng là nỗi sợ chung của những người mẹ đang đấu tranh, đang dấn thân trong xã hội”.

Thân mẫu của người mẹ can trường ấy, bà Tuyết Lan, khi được hỏi nếu quay ngược thời gian, bà có ngăn cản con gái bước vào con đường đầy nước mắt này không, bà nói:

“Chúa đã ban cho mỗi người mỗi tính. Tôi có kiềm chế Quỳnh thì nó cũng sẽ đi theo con đường của nó. Bản thân tôi cũng vậy, tôi cũng không chịu được cái bất công, tôi không chịu được cái ác, tôi sẵn sàng đi đến cùng dù bản thân tôi là người chịu thiệt hại. Chắc chị cũng nhớ ngày trước năm 1975, bao nhiêu người đi tìm cái sống, mà đã nắm cái chết trong đại dương mênh mông như vậy, mà họ vẫn đi. Nếu bây giờ, tôi biết là nếu cơ hội đến với dân tộc Việt Nam một lần nữa để cho họ được thoát thân, đi tìm cái sống trong cái chết, thì tôi tin chắc rằng nhiều người họ vẫn phải chọn lựa cũng như con gái tôi và tôi cũng vậy thôi. Phải mở ra một con đường nào đó. Bắt buộc con đường mình đã lựa chọn rồi thì mình không có đường lùi nữa, vì đường lùi thì nó cũng đi tới chỗ diệt vong thôi”.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tốt nghiệp ngành Anh ngữ tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM và làm việc cho một công ty du lịch nước ngoài. Cô trở thành một trong những blogger nổi tiếng của Việt Nam sau khi lên tiếng phản biện các vấn đề lớn trong xã hội qua các bài viết dưới bút danh “Mẹ Nấm” từ năm 2009. Cô cũng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bị bắt giam nhiều lần. Như Quỳnh còn là người khởi xướng, tham gia “Mạng Lưới Blogger Việt Nam” và tổ chức các hoạt động ủng hộ dân chủ, nhân quyền như “Dã ngoại nhân quyền”, “Không bán nước”, “No-HD981”, “Chúng tôi muốn biết”, “We Are One”… và gần đây là lên tiếng chống lại tập đoàn Formosa. Nhà nước Việt Nam đã bắt giam cô vào ngày 10/10 theo điều 88 – Tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam.



20.10.2016

Khánh An


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo