Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Vụ xả lũ ở hồ chứa nước của nhà máy thủy điện (NMTĐ) Hố Hô vào ngày 14.10.2016 đã gây ra lũ lụt ở huyện Hương Khê, giáp ranh tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình, nhận chìm hàng chục ngàn ngôi nhà của dân trong biển nước, cuốn trôi nhiều vật dụng, hoa mầu, gia súc theo giòng nước. Thiệt hại về nhân mạng, tài sản chưa được thống kê chính thức, nhưng tin tức cho biết đã có 35 người bị thiệt mạng, cùng nhiều người mất tích.
Theo ông Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ cho biết, sau khi nghe tin, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tức tốc gửi tin nhắn, công điện chia buồn đến người dân huyện Hương Khê - Hà Tĩnh, đến ngày 17.10.2016, do “bức xúc” vì có nhiều người chết, mất tích trong vụ xả lũ, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố, yêu cầu “quyết liệt” làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xả lũ, xác định cụ thể để bồi thường thiệt hại, đề xuất phương án “khắc phục khó khăn” chống lại lũ lụt, báo cáo chính phủ trước ngày 25.10.2016.
Tuy nhiên, ông Vũ Mạnh Hùng, giám đốc công ty cổ phần thủy điện Hố Bốn, kiêm trưởng ban phòng chống thiên tai của nhà máy Hố Hô, tuyên bố việc xả lũ của nhà máy Hố Hô là “đúng quy trình”. Cũng theo ông Hùng, Hố Hô là nhà máy thủy điện nhỏ, có công suất là 14 Megawatt (MW), nên hồ chứa nước không có “chức năng” điều tiết lũ, hễ hồ đầy nước là xả, không thì bị vỡ hồ chứa.
Lời tuyên bố của ông Vũ Mạnh Hùng về mặt kỹ thuật, an toàn cho nhà máy, không sai. Người viết đoán rằng nhà máy thủy điện Hố Hô được xây dựng theo kiểu mẫu thủy điện lưu trữ (Storage Water Power Plant), tức là một dung tích nước được giữ lại trong hồ chứa, từ mưa hay dẫn từ sông vào (Dung tích hồ chứa ở Hố Hô là 38.000.000m³). Khi cần cho máy chạy, nước sẽ được dẫn vào các đường ống, qua turbine và sản xuất ra điện.
Vấn đề được đặt ra là, miền Bắc - Trung bộ VN là nơi có mưa bão, lũ lụt hàng năm, khi xây dựng một nhà máy thủy điện nằm trên cao, chung quanh bên dưới là làng mạc, dân cư mà không có hồ dự trữ để điều tiết mực nước trong hồ là vi phạm luật an toàn về thủy điện trong thiết kế. Do đó khi mưa quá lớn, nhà máy phải xả nước trong hồ để tránh bị vỡ hồ chứa, nếu không hậu quả còn kinh hoàng, khủng khiếp hơn. Nếu có hồ dự trữ, điều tiết, vào mùa hè, nắng hạn, khi thiếu nước cho máy chạy, có thể đưa ngược nước trong hồ dự trữ vào hồ chứa để chạy máy.
Nhưng xây cất hồ dự trữ để điều tiết dung lượng nước cho một nhà máy nhỏ như thủy điện Hố Hô thì rất tốn kém, không có lợi về mặt kinh tế nên những người đầu tư đã bỏ qua yếu tố an toàn này. Từ đó, đặt ra thêm câu hỏi: Những người ký, cấp giấy phép cho việc xây dựng thủy điện Hố Hô là ai, sở công thương ở Hà Tĩnh, bộ Công Thương có biết được nguy hiểm của việc xây dựng nhà máy này không? Đừng quên rằng ngay sau khi đưa vào hoạt động, thủy điện Hố Hô năm 2010 đã phải ngưng trệ vì bị lũ lụt tàn phá gần như toàn bộ nhà máy, đến 2013 mới xây dựng và hoạt động trở lại.
Đồng thời, nếu so sánh tai nạn lũ lụt của huyện Hương Khê do nhà máy thủy điện Hố Hô gây ra với thảm họa Formosa thì nơi nào nghiêm trọng hơn? Đồng ý rằng thiệt hại về nhân mạng ở Hương Khê nặng nề với 35 người chết, một số mất tích, nhưng phạm vi thiệt hại về kinh tế, môi trường và ảnh hưởng xã hội, sức khỏe của người dân về lâu dài... thì Hố Hô chỉ là một con chuột so với con voi Formosa. Cho nên ông Nguyễn Xuân Phúc đã mạnh bạo tuyên bố nếu Hố Hô xả lũ sai thì phải đền bù cho dân, bởi thủy điện Hố Hô hoàn toàn của người Việt Nam, không có yếu tố nước ngoài, không sợ làm phiền lòng anh bạn láng giềng.
Đền bù cho dân là chuyện đương nhiên, nhưng đền bù như thế nào cho gia đình 35 người đã chết do vụ xả lũ gây ra? Ước tính tổn thất về hoa màu, gia súc, vật dụng canh tác, của cải... của những nạn nhân trong vùng lũ lụt thì có thể được nhưng làm sao đánh giá được những tổn thất về tinh thần, thể chất của những gia đình bị mất người thân?
Chưa có tòa án hay cuộc điều tra nào kết luận ban giám đốc thủy điện Hố Hô xả lũ sai, nhưng nhiều tờ báo lề đảng như Dân Trí, Đất Việt, Tiền Phong, Phụ Nữ Việt Nam, Người Lao Động... đã đưa tin cho rằng nguyên nhân lũ lụt ở huyện Hương Khê do nhà máy điện Hố Hô xả lũ sai, thái độ khác hẳn khi thảm họa Formosa gây ra. Giả sử ban giám đốc của nhà máy điện Hố Hô không xả lũ kịp mà để vỡ hồ chứa thì chuyện gì xẩy ra? 38.000.000m³ nước cùng lúc ập xuống các làng, xã của huyện Hương Khê thì tai họa còn khủng khiếp đến như thế nào?
Ông Vũ Mạnh Hùng nếu không có dù che đủ mát, chắc chắn sẽ trở thành một con dê tế thần cho Nguyễn Xuân Phúc hoặc bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh làm thịt để xoa dịu dư luận, giảm áp lực của dân chúng đang công phẫn vì nhiều nguyên nhân.
Người viết không bênh vực cho ban giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô trong việc xả lũ. Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng vụ Hố Hô mới chỉ có những nhận xét, đánh giá nhất thời, chưa có điều tra, kết luận rõ ràng. Việc xả lũ “đúng quy trình” theo lời ông giám đốc Hố Hô, tất nhiên chỉ là lời biện hộ, bào chữa cho việc thiết kế, xây dựng, kinh doanh thủy điện một cách cẩu thả, ngu dốt, thiếu kiến thức khoa học, kỹ thuật, tối mắt vì lợi nhuận, coi thường những hiểm nguy về sinh mạng, tài sản của dân chúng dưới vùng hạ lưu.
Tuy nhiên cần phải điều tra cho rõ, liệu việc xả lũ vào ngày 14.10.2016 có thể hoãn lại 24-48 tiếng đồng hồ không? Khi hồ chứa nước bị vỡ thì hậu quả sẽ ra sao? Thảm họa ở Hương Khê xẩy ra có thể tránh được nếungười dân được báo trước khoảng 24-48 tiếng đồng hồ, thiệt hại có thể giảm thiểu rất nhiều, sẽ không có hoặc rất ít thương vong về nhân mạng. Đây là những điểm cần phải điều tra cặn kẽ, tìm hiểu thật rõ ràng trước khi có kết luận việc xả lũ là sai, lý do tại sao ban giám đốc NMTĐ Hố Hô không thông báo cho UBND huyện Hương Khê?
Thủy điện Hố Hô hoạt động từ năm 2013, đến nay là 4 năm, những năm trước nhà máy này xả lũ ra sao, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân dưới vùng hạ lưu như thế nào? Ảnh hưởng của mưa, lũ tác động đến sự hoạt động của nhà máy các năm 2013, 2014, 2015 cần được đánh giá cho đúng trước khi kết tội ban giám đốc NMTĐ Hố Hô
Giám đốc NMTĐ Hố Hô, Vũ Mạnh Hùng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về cái chết của hơn 35 người dân huyện Hương Khê là chuyện đương nhiên, nhưng nếu chỉ kết tội Vũ Mạnh Hùng mà không nói đến trách nhiệm những người phê, duyệt, ký giấy phép cho xây dựng, hoạt động NMTĐ Hố Hô là điều vô cùng thiếu sót trong việc truy tầm thủ phạm gây ra thảm họa Hố Hô. Họ là ai? Không thấy nghe hay nói đến tên, phòng, sở làm việc của những người này.
Sau vụ xả lũ ngày 14.10.2016, gây ngập lụt với hơn 35 người chết, một số người mất tích, liệu nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn được phép tiếp tục hoạt động hay sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn? Nếu Hố Hô bị đóng cửa vĩnh viễn thì những nhà máy thủy điện khác có quy trình hoạt động, thiết kế giống như Hố Hô có chịu chung số phận hay không? Trong chế độ cộng sản với hệ thống quyền lực tuyệt đối của đảng hiện nay, câu hỏi này vĩnh viễn không có câu trả lời.
Kiến nghị phá bỏ những nhà máy thủy điện mô hình như Hố Hô đã được luật sư Ngô Ngọc Trai cùng 12 luật sư khác từ các đoàn luật sư Tp HCM, Hà Nội, Tây Ninh... gửi đến các ông TBT Nguyễn Phú Trọng, TT Nguyễn Xuân Phúc, CTN Trần Đại Quang, CTQH Nguyễn Thị Kim Ngân bằng đường bưu điện rồi thì cũng như hàng chục hay hàng trăm kiến nghị khác từ những vị lão thành cách mạng đến nhân sĩ trí thức, tướng lãnh... đã được gửi đến chế độ, đảng CSVN, bộ chính trị, quốc hội...mấy chục năm qua, sẽ đi thẳng vào sọt rác và không bao giờ được bàn thảo, nói tới hoặc trả lời.
Có thể nói vụ lũ lụt gây ra cái chết oan ức, tức tưởi của hơn 35 người dân Hà Tĩnh là vụ án mạng không có thủ phạm. Hay nói cho đúng hơn, giống như thảm họa Formosa, thủ phạm chính là đảng và chế độ CSVN. Do đó đừng hỏi tại sao, mỗi khi đất nước, dân tộc có thảm họa do con người gây ra, do thiên tai, hoặc có biến cố nghiêm trọng, những người lãnh đạo chế độ cộng sản VN thường giữ im lặng tuyệt đối.