Bà Hillary Clinton có thể là một nữ tổng thống lớn của Hoa Kỳ? - Dân Làm Báo

Bà Hillary Clinton có thể là một nữ tổng thống lớn của Hoa Kỳ?

Chu Chi Nam (Danlambao) - Ngày hôm nay, qua nhiều cuộc thăm dò, mà thường tương đối đúng trong quá khứ, thì bà Hillary Clinton sẽ thắng cử, trong cuộc bầu cử sắp tới, vào ngày 8/11/2016, mặc dầu cuộc tranh cử còn rất gay go, lúc lên lúc xuống, đối thủ của bà không ngừng gây cho bà những khó khăn. Nhưng người xưa có câu: “Khó khăn là bước thang của bậc anh tài, là mồ chôn những người yếu đuối.”

Nếu kỳ này bà thắng cử, thì câu hỏi được đặt ra, đó là: “Liệu bà sẽ là một anh tài hay nói rõ hơn là một nữ tổng thống lớn của Hoa Kỳ hay không, trong vòng ít nhất một nhiệm kỳ 4 năm, Bà có đủ tài cán, sáng suốt và can đảm để lấy những quyết định to lớn, có lợi ngắn hạn và cả dài hạn, không những về chính trị quốc nội, mà cả quốc ngoại, cho Hoa Kỳ mà cho cả thế giới hay không?”

I) Thế nào là một tổng thống lớn?

Tổng thống lớn hay là vĩ đại, là một tổng thống, như vừa nói là một người dám lấy những quyết định to lớn, không những có lợi cho Hoa Kỳ mà cả thế giới, có ích cho hiện tại mà còn có hậu quả tốt cho cả tương lai.

Trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ, một người tổng thống lớn, vĩ đại, đó là ông Franklin Roosevelt (1932-1945); ông ra tranh cử vào năm 1932, đang lúc Hoa kỳ và cả thế giới lâm vào cuộc Đại khủng hoảng kinh tế (1929-1933); ông đã thắng cử, và đã đưa ra những biện pháp lớn, áp dụng lý thuyết của nhà kinh tế Keynes, đã đưa nước Hoa Kỳ không những thoát khỏi khủng hoảng, mà còn giúp Hoa Kỳ đến chỗ giầu mạnh. Không những vậy, ông còn tham gia Đệ Nhị thế Chiến (1939-1945), đưa đến chiến thắng, giúp thế giới thoát khỏi đe dọa độc tài Phát xít Đức-Ý-Nhật. Đồng thời ông thành lập ra Tổ chức Liên Hiệp Quốc, Hệ thống tiền tệ quốc tế với Quĩ tiền tệ thế giới (IMF), Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), Ngân hàng quốc tế (WB), với những hậu quả tốt còn kéo dài cho tới ngày hôm nay.

II) Điều kiện để trở thành một người tổng thống lớn:

Người Việt Nam chúng ta có câu: “Thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo thời thế.” Thường thì lúc đầu là thời thế tạo anh hùng. Nhưng anh hùng cũng phải đủ tài cán, sửa soạn để bắt thời cơ, thời thế. Thời thế có thể ví như những ngọn sóng lớn, lúc thủy triều dâng, đưa người anh hùng lên đầu ngọn sóng. Nhưng người anh hùng cũng phải đủ tài để đạp ngọn sóng, cỡi sóng, để tồn tại, để thực hiện những điều mình muốn làm, và những điều này có lợi cho quốc gia, dân tộc, có hậu quả tốt lâu bền, chứ không, với thời gian lâu dài chỉ toàn là hậu quả xấu, thì không thể gọi là anh hùng được. Trường hợp điển hình là Hitler, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh.

Hitler, lợi dụng lòng yêu nước, tự ái dân tộc bị tổn thương sau vụ bại trận Thế Chiến thứ Nhất (1941-1918), bị 2 Cường quốc Anh Pháp, buộc trả tiền thua trận quá cao, liền đó có cuộc khủng hoảng kinh tế (1929-1933), đã được đưa lên đầu ngọn sóng, lãnh đạo dân Đức; tuy nhiên sau đó, vì chủ trương chính sách kỳ thị chủng tộc, cho rằng giòng giống Aryen là đứng đầu thế giới, chủ trương chính sách hiếu chiến, bành trướng, tiêu diệt dân Do Thái, đưa không những dân tộc Đức mà cả Âu châu và thế giới đi vào cuộc Đệ Nhị Thế Chiến, mà hậu quả không những thảm bại cho Đức mà cả thế giới và còn kéo dài cho tới hôm nay.

Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh cũng vậy. Nhờ Phong trào đòi độc lập, giải phóng các dân tộc bị trị, đã được đưa lên đầu thủy triều; nhưng lỗi lầm to lớn nhất của 2 người này là vội vã nhập cảng lý thuyết Mác-Lê, cặn bã của văn hóa Tây phương, chủ trương đấu tranh giai cấp, bạo động lịch sử, xúi dục con đấu bố, vợ tố chồng, bạn bè tìm cách sát hại lẫn nhau, vứt bỏ mọi giá trị nhân bản, tốt đẹp cổ truyền, đưa đến một xã hội không còn tình người, kẻ này cấu xé kẻ khác, không đạo đức, chẳng ra con người, như xã hội cộng sản Tàu và Việt Nam hiện nay.

Được đưa lền đầu ngọn sóng, tức là "thời thế tạo anh hùng"; sau đó lấy những quyết định "anh hùng tạo thời thế"; nhưng những quyết định này không những phải tốt cho hiện tại, mà còn phải tốt và kéo dài cho tương lai. Đó mới thật là anh hùng. Nếu không chỉ là anh hung rơm hay là tội đồ của dân tộc. Lịch sử Việt Nam hiện đại, anh hùng rơm đó là Dương Văn Minh, tội đồ của dân tộc đó là Hồ Chí Minh. Dương Văn Minh thì 3 lần thời thế đưa lên làm chủ tịch nhà nước, một lần với cuộc đảo chính 1/11/1963, một lần với cuộc chỉnh lý của tướng Nguyền Khánh, lần thứ 3 khi miền Nam đang thất thủ tháng 4 năm 1975, nhưng rồi sau đó thì bị những ngọn sóng của thời thế vùi dập. Hồ Chí Minh thì nhập cảng lý thuyết Mác-Lê vào Việt Nam, trong khi đó thì chính ông tự thú nhận trong quyển "Những mẩu chuyện về cuộc đời Hồ Chủ tịch" tác giả là Trần Dân Tiên, chính là ông, đã thú nhận khi đi họp Hội nghị Tours ở Pháp năm 1920, tiếng Pháp ông hiểu chữ được chữ không, không phân biệt nổi Đệ Nhị và Đệ Tam Quốc tế Cộng sản. Chủ thuyết này vẫn còn đang hoành hành ở Việt Nam, mà hậu quả xâu xa còn kéo dài không biết bao lâu. Hồ Chí Minh quả là tội đồ của dân tộc.

Không những họ Hồ mà ngay chính cả Lénine và Mao.

Liên Sô thì đã vứt bỏ chủ nghĩ Mác Lê. Nhưng Trung cộng và Việt Nam thì vẫn còn giữ.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến bức thư mà ông La Vũ gửi cho ông Tập Cận Bình mới đây, theo đó:

“Cha chúng ta đều là đại công thần của Mao. Nhưng điều đáng tiếc đó là sau cuộc cách mạng Mao trạch Đông là một chế độ độc đảng, độc tài. Đây là điều khác biệt lớn nhất giữa Mao và Washington. Vì sau cuộc cách mạng Washington là một chế độ dân chủ.”

Ông La Vũ, hiện sống ở Hoa Kỳ con của ông La Thụy Khanh, ông Tập Cận Bình hiện là lãnh đạo Trung cộng, con của ông Tập Trọng Huấn, thân sinh của 2 ông đều đi theo Mao rất sớm, có thể nói lúc còn nhỏ, một người làm đến chức Phó Thủ tướng, Đặc trách về công an, tình báo, nội vụ, người kia cũng là Phó Thủ tướng, đặc trách về Thông tin, Tuyên truyền, Ý thức hệ. Hai người vợ cũng rất thân với nhau. Tất nhiên những người con, trong đó có ông La Vũ và Tập Cận Bình, là những người bạn nối khố, từ thuở nhỏ.

Chỉ đáng tiếc là ông Tập Trọng Huấn và ông La Thụy Khanh đều là nạn nhân của độc tài Mao, trong thời kỳ Cách mạng Hồng vệ binh (1964-1976), cả 2 đề bị cầm tù hay giam lỏng, có người phải nhảy lầu tự tử.

Bà Hillary Clinton, trong thời gian làm Ngoại trưởng, cũng có tuyên bố:

“Giới lãnh đạo Trung cộng hiện nay đang đi theo một chính sách phản lại lòng dân, đi ngược lại trào lưu tiến bộ của nhân loại là dân chủ, nhân quyền. Nhưng họ vẫn cố bám víu vào quyền hành. Làm như vậy chỉ làm khổ dân và làm trò cười cho người khác.”

III) Bà Hillary Clinton có đủ hoàn cảnh và những điều kiện để trở thành một người tổng thống lớn hay không?

1. Giả thuyết cho rằng bà Clinton không có đủ điều kiện:

Những người theo giả thuyết này đưa ra một số dữ kiện sau đây:

- Bà là một người "lươn lẹo, dối trá", ít nhất có 1/4 dân Hoa Kỳ không tin tưởng ở bà với một mực độ khá cao, mà để làm việc lớn, thì phải có lòng tin tưởng không phải là của toàn dân, nhưng cũng phải là của số đông, không có những thành phần chống đối quyết liệt. Có một tầng lớp dân Hoa Kỳ chống đối bà quyết liệt.

- Đường lối quốc nội và hải ngoại của bà cũng chỉ là đi theo vết chân của Obama, có vẻ nói nhiều, nói hay, nhưng thực tế thì không được như vậy.

- Thêm vào đó, theo như dự đoán của một số nhà kinh tế, thì vào năm 2017, Hoa Kỳ và có thể toàn thế giới sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, có tính cách chu kỳ cứ vào khoảng, xưa kia là 20, 30 năm, nay ngắn hơn vào khoảng 10 hay hơn 10 năm. Một lý do nữa đó là nợ công chính phủ, riêng của Hoa kỳ, đã là 100% tổng sản lượng quốc gia, thế giới còn hơn nữa. Nhật Bản là 400%, Trung cộng là 380 %; giá dầu hỏa vẫn còn thấp, những nước sống về dầu hỏa như Vénézuela, Iran, Nga v.v... kinh tế rất khó khan, làm cho nền kinh tế thế giới rất bấp bênh, tụt xuống vực thẳm lúc nào không hay.

2. Giả thuyết cho rằng bà Clinton có đủ hoàn cảnh và điều kiện:

- Bà là một người có tài cá nhân và có kinh nghiệm nhất, hơn cả Bill Clinton và Obama. Cả ba người đều là luật sư lúc ban đầu, nhưng riêng bà được xếp vào hạng 100 người luật sư giỏi nhất Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Bà có nhiều kinh nghiệm nhất, không những là 8 năm làm Đệ Nhất Phu nhân, 10 năm làm Thượng Nghi sĩ và 4 Năm làm Ngoại trưởng. Trong thời gian làm Đệ Nhất Phu nhân, vào năm 1995, bà có tham dự một buổi họp về Quyền Phụ nữ, do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Bắc Kinh, bà tuyên bố: "Quyền phụ nữ cũng là nhân quyền", chỉ trích Trung cộng không những vi phạm nhân quyền mà còn miệt thị người phụ nữ, đã gây tiếng vang và sự bất mãn của giới lãnh đạo Trung cộng. Trong thời gian bà làm Ngoại trưởng, bà thường đi họp những hội nghị thường niên của các nước Đông Nam Á. Chính bà làm sống dậy hội nghị về các nước có liên quan đến sông Mê Kông. Bà có tâm sự là đã nhiều lần gặp những giới chức quan trọng nhất của Trung cộng, và đã ngay thẳng nói với họ: “Việc Trung cộng bảo biển Đông Nam Á là của mình dựa trên sự kiện địa lý và một vài dữ kiện như một vài đồng bạc, mảnh vụn của một vài chiếc tàu xưa kia, sự kiện này là hoàn toàn trái với luật quốc tế. Làm như Trung cộng thì Hoa Kỳ cũng có thể làm, vì phía tây của Hoa Kỳ, từ Alaska cho tới San Diego, giáp giới với biển Thái Bình Dương, còn việc đưa ra bằng chứng một vài mảnh vụn của những chiếc tàu nằm trong lòng biển thì quá dễ dàng. Nên nhớ là ít nhất từ sau Thế Chiến Thứ Hai, nhờ Hoa kỳ mà sự lưu thông hàng hải ở vùng biển Thái Bình Dương được dễ dàng và bảo đảm.”

Ngoài việc có tài và nhiều kinh nghiệm, nếu trường hợp bà đắc cử, thì bà được hưởng một tình trạng quốc nội và ngay cả quốc ngoại tốt, do Obama để lại:

- Về quốc nội, nhất là về kinh tế, nếu bà được đắc cử, thì bà được hưởng một tình trạng kinh tế tương đối tốt đẹp. Không cần đi quá xa, chúng ta chỉ cần so sánh tình trạng kinh tế hiện nay với 3 người tiền nhiệm của bà.

Với Bill Clinton, chồng bà, ông lên nhậm chức vào năm 1993, lúc này tình trạng kinh tế và xã hội của Hoa Kỳ sau một nhiệm kỳ của Georges Bush (cha) không mấy sáng sủa, mặc dầu Hoa Kỳ vừa mới chiến thắng Irak ở Koweit. Chính vì tình trạng quốc nội không sáng sủa, kinh tế khựng lại, sự bất mãn của cộng đồng da màu gia tăng, có những cuộc biểu tình đốt phá; chính vì vậy mà Clinton đã dựa vào câu: “Nguy hiểm của Hoa Kỳ không phải đến từ nước ngoài, mà đến từ trong lòng nước Hoa Kỳ.” Và ông đã thắng cử.

So với Georges Bush (con), thì không cần chứng minh, vì vừa mới nhậm chức thì đã xảy ra vụ khủng bố 9/11, rồi chiến tranh A Phú Hãn, chiến tranh Irak.

So với Obama, thì cũng không cần dài dòng, vì vừa mới nhậm chức thì Obama bị cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, bắt đầu từ Hoa Kỳ, sau đó lan tỏa ra thế giới.

Nếu bà Hillary Clinton thắng cử thì tương đối tình hình kinh tế Hoa Kỳ tốt đẹp. Có người tiên đoán là vào năm 2017, Hoa Kỳ và cả thế giới sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế mới, họ đưa ra một số luận cứ như sau:

Họ dựa vào thuyết khủng hoảng chu kỳ, ngày xưa xa xôi, thì cứ 20 năm có một cuộc khủng hoảng, bây giờ ngắn hơn chỉ trong vòng 10 năm. Hoa Kỳ và thế giới vừa mới trải qua cuộc khủng hoảng 2008, nay cuộc khủng hoảng sẽ trở lại vào năm 2017 hay 2018, theo chu kỳ.

Thực ra lý thuyết chu kỳ này đã lỗi thời. Không cần đi vào lý thuyết, chúng ta cứ lấy thí dụ một cặp vợ chồng rời bố mẹ, lập gia đình: nào phải mua nhà, mua xe, mua đồ dùng cho gia đính, tất cả, vào thời xưa, có thể kéo dài độ 20 năm, rồi phải mua sắm cái mới, ngay cả căn nhà cũng phải tu bổ, đó chính là thuyết kinh tế khủng hoảng chu kỳ vậy. Nhưng ngày hôm nay khác, hiện chúng ta đang sống trong một nền văn minh “xài rồi bỏ”, đời sống những đồ dùng rất ngắn. Lấy một thí dụ điển hình là điện thoại cầm tay hay chiếc bật lửa hút thuốc. Giới trẻ không cần xài lâu một chiếc điện thoại cầm tay, chỉ cần có một chiếc mới, với một vài công dụng hơn chiếc cũ là chúng bỏ chiếc cũ và mua chiếc mới. Những người hút thuốc lá, chỉ cần dùng chiếc bật lửa xài xong thì bỏ.

Vì vậy nên áp dụng lý thuyết khủng hoảng chu kỳ vào kinh tế hiện đại không còn hợp thời nữa.

Có người thì đưa ra nguyên do rằng kinh tế Mỹ và thế giới sẽ khủng hoảng vì nợ công càng ngày càng tăng. Có ngày chiếc bong bóng này sẽ bùng nổ đưa đến khủng hoảng. Thực ra quan niệm này chưa trở thành một lý thuyết và có tiền lệ. Nợ công đến mức độ nào, trong thời gian bao lâu, sẽ dẫn đến khủng hoảng. Chưa một nhà kinh tế nào có thể lập thuyết về vấn đề, khác với khủng hoảng chu kỳ.

Đồng ý rằng nợ công của Hoa Kỳ hiện nay lên đến 100% tổng sản lượng quốc gia, nợ công Nhật lên đế 400%, Trung cộng lên đến 382%, đấy là con số chính thức, nhưng thực tế với Trung cộng, con số này còn cao hơn nhiều. Đồng ý rằng kinh tế Nhật và kinh tế Trung cộng gặp khó khăn, nhưng bảo rằng đi đến khủng hoảng thì không đúng lắm.

Ngược lại kinh tế Hoa Kỳ, nếu không nói là khởi sắc, thì cũng có thể nói là "tương đối tốt", dựa vào một số dữ kiện sau đây:

- Chỉ số thất nghiệp trên dưới 5%, đây là con số tốt, trong khi đó ở nhiều nước khác, ngay cả Âu châu, trung bình là 10%. Có người phản bác lại bảo rằng Hoa Kỳ có tạo ra công ăn việc làm, nhưng những việc này chỉ có tính cách tạm thời, chứ không phải là công ăn việc làm tốt, lâu bền. Đồng ý. Nhưng đây là chiều hướng kinh tế hiện đại. Sau một thời gian toàn cầu hóa kinh tế, bảo rằng chiều hướng này không còn nữa, thì không đúng, nhưng chỉ đúng với trường hợp những hãng xưởng thật lớn, còn là khuynh hướng "Trở về quốc nội". Khi trở về quốc nội, thì những hãng xưởng bậc trung và bậc nhỏ giữ một vai trò quan trọng, nên những công việc tạo ra, có tính chất tạm thời và không cần đến kỹ thuật thiệt cao. Hơn thế nữa ở Hoa Kỳ, dù một người có kỹ thuật cao, con ông cháu cha, nhà giàu, nhưng khi họ thất nghiệp, chỉ cần một thời gian ngắn, là họ đi làm, chấp nhận dẽ dàng bất cứ một công việc gì đến với họ, chứ không ngồi ăn thất nghiệp.

- Một chỉ dấu khác tốt cho kinh tế Hoa Kỳ đó là chỉ dấu đầu tư. Đường biểu diễn của chỉ dấu này không tăng mạnh, nhưng có tăng, đủ để tránh khủng hoảng.

- Chỉ dấu tốt thứ tới là chỉ dấu tiêu dùng, nhờ giá dầu hỏa thấp, nên dân Hoa kỳ có được thặng dư trong ngân khoản này, nên đã dùng tiền tiêu xài thứ khác, hay mua xe mới. Chỉ dấu mua xe mới tăng, khác hẳn với năm 2009, hãng xe lớn của Hoa Kỳ lâm vào tình trạng phá sản. Một cách tổng quát, chỉ dấu tiêu thụ của dân tăng một cách tương đối vào năm qua.

- Chỉ dấu tốt cho kinh tế Hoa Kỳ hiện nay, đó là thị trường chứng khoán. Tất nhiên thị trường này có lúc trồi sụt; nhưng tương đối thì thị trường này tăng, không tăng nhiều, nhưng có tăng, đủ để tránh cho một cuộc khủng hoảng gần, vào những năm 2017 hay 2018. Xa nữa thì không rõ.

- Những chỉ dấu tốt khác là cán cân ngoại thương và tăng trưởng tổng sản lượng: Cán cân ngoại thương đi từ con số - 5,7; -5,8 vào năm 2005; 2006, nay chỉ còn -2,4; -2,3 năm 2014; 2015. Tổng sản lượng quốc gia tăng, với con số + 2,2; + 2,4 năm 2013; 2014; năm 2015 là + 3,1. Tôi lấy con số một năm trước cho chính xác.

Đó là về kinh tế quốc nội, còn về đối ngoại thì như thế nào?

Người ta có thể nói, nếu bà Hillary Clinton thắng cử, thì bà cũng được hưởng một tình trạng chính trị đối ngoại tương đối tốt.

Phải công nhận rằng vào nhiệm kỳ đầu của Obama, ông này phải chăng còn quá lý tưởng, nên đi theo một chính sách ngoại giao "ngây thơ", muốn bắt tay với thế giới Ả Rập, như bài diễn văn ông đọc tại thủ đô Le Caire của Ai Cập, và thủ đô Jakarta của Nam dương, một nước Ả Rập lớn không những ở châu Á mà ở cả thế giới.

Không những vậy, ông còn muốn bắt tay với cả Trung cộng. Vào ngay những ngày đầu của nhiệm kỳ đầu, ông tuyên bố: "Trung cộng là một đại cường quốc, nhưng không hành xử có trách nhiệm như một đại cường quốc", hy vọng rằng Trung cộng sẽ thay đổi.

Tuy nhiên đến nhiệm kỳ nhì, thì đường lối ngoại giao của ông đã thay đổi, không còn ảo tưởng về Trung cộng và thế giới Ả Rập.

Đây là 2 vấn đề lớn mà nếu bà Clinton thắng cử phải đương đầu: vấn đề Trung Đông trong đó có dính dàng đến Nga và Âu châu; vấn đề châu Á Thái Bình Dương có liên quan đến Trung cộng.

Nhưng di sản mà Obama để lại có xấu như một vài người nghĩ hay không?

Cũng không đến nỗi xấu lắm, nếu không muốn nói là tốt.

Vấn đề Trung Đông, vấn đề chính ở đây là vấn đề Nhà nước Hồi giáo? Như tin mới nhất cho chúng ta biết, những người Hồi giáo cực đoan đã chiếm vùng này, định lập nên một Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên ngày hôm nay, nhà nước này đã bị đánh bật ra khỏi vùng Moussoul, phía bắc Irak. Những lực lượng tham chiến gồm có nhiều, trước tiên là Liên minh các nước Trung Đông đứng đầu bởi Hoa Kỳ, sau đó có Nga và Syrie, rồi tới Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và ngay cả Lực lượng người Kurkes, ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, muốn trở thành độc lập. Có người trách Hoa kỳ ở Trung Đông là đã nhân nhượng chính quyền độc đoán, độc tài Assad của Syrie, mà trước đây Obama đã dọa trừng phạt vì chính quyền này xử dụng vũ khí hóa học để giết những lực lượg đối lập. Rồi Obama lại nuốt lời hứa. Thêm vào đó ông lại dung túng Iran, ký hiệp ước về vấn đề nguyên tử và bỏ cấm vận cho Iran; ngay cả yếu mền với Nga, công nhận một phần nào sự có mặt của Nga ở vùng này, mà quên đi sự kiện Nga gửi quân chiếm đóng vùng Krimée của Ukhraine.

Đồng ý có những sự kiện đó, nhưng đã từ lâu, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ là chỉ có đồng minh trong từng hoàn cảnh, chứ không có bạn lâu dài.

Trong hoàn cảnh chống khủng bố ở Trung Đông, Hoa Kỳ chấp nhận bất cứ lực lương nào, quốc gia nào đóng góp vào việc loại trừ khủng bố, Nhà nước Hồi giáo trong vùng này. Chúng ta nên nhớ việc đánh bật Nhà nước Hồi giáo khỏi Irak, nước Iran, ngay cả Syrie, trong đó có Nga, Lực Lượng Kurkes giữ một vai trò quan trọng.

Bảo rằng Lực lượng Nhà nước Hồi giáo đã bị tiêu diệt 100% khi bị đánh bật khỏi cứ điểm quan trọng là thành phố Moussoul, thì không đúng; nhưng lực lượng Nhà nước Hồi giáo đã bị khá yếu ở vùng này. Đây là một di sản tương đối tốt đẹp, mà bà Hillary Clinton, nếu đắc cử, được hưởng.

Về châu Á Thái Bình Dương và chiến lược chuyển trục của Hoa Kỳ:

Đây là một vùng quan trọng và có lẽ sẽ nóng bỏng trong tương lai về vấn đề bang giao quốc tế.

Nhiều người thấy việc Obama đi sang Hàng Châu dự cuộc Họp Thượng đỉnh G20, không được trải thảm đỏ tiếp đón, rồi việc Tổng thống Phi Luật Tân Duterte tuyên bố lung tung, làm ra có vẻ bỏ Mỹ, theo Trung cộng, thì nghĩ rằng chính sách chuyển trục của Hoa Kỳ là thất bại.

Đó chỉ là cái nhìn ngắn hạn và hời hợt bề ngoài. Nếu nhìn sâu và dài hạn thì không phải như vậy.

Hoa Kỳ đã thành công trong việc chuyển trục, đã đặt được mình vào cái thế tất thắng lâu dài về tương lai.

Thực vậy, người ta có thể nói chưa bao giờ Hoa Kỳ có những Hiệp ước liên minh quân sự với những nước hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và ngay cả Ấn Độ, như vào lúc này. Chưa bao giờ Hoa Kỳ có những cuộc tập trận hỗn hợp nhiều bằng hiện nay.

Hoa Kỳ đã chuyển 60% lực lương hải quân sang châu Á Thái Bình Dương, ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, nhưng ngân sách cho châu Á Thái Bình Dương vẫn tăng; như sự kiện Hoa Kỳ vừa tăng cường Hạm đội Bảy, của vùng này, bằng một số tàu từ Hạm đội Ba, gần đây.

Có thể nói Obama đã đặt được thế chiến lược lâu dài ở vùng này, nhấn mạnh đến thế cờ, chứ không quan tâm đến một vài hành động và con tốt nhỏ.

Đây cũng là một di sản tốt, mà nếu bà Hillary Clinton đắc cử tổng thống, thì được thừa hưởng.

Người Việt Nam, xưa kia các cụ trồng dâu, nuôi tằm có câu: “Sẵn nong, sẵn né, sẵn cả con bé giữ em.”

Ngày hôm nay quả thực tình hình quốc nội và cả quốc ngoại của Hoa kỳ tương đối tốt. Nhưng "Con tằm Hillary Clinton" có nhả tơ tốt hay không.

Đây là một câu hỏi lớn và chờ tương lai trả lời.

Tuy nhiên dầu sao Hoa Kỳ vẫn là một nước dân chủ, nếu con tằm Clinton không nhã tơ tốt, lấy những quyết định quan trọng, tốt để trở thành một vị tổng thống lớn, thì cũng không có thể nhả tơ xấu, vì sự quân bằng quyền lực, Thượng Viện và Hạ Viện không cho phép. Khác hẳn với những nước độc tài như Trung cộng, Việt Nam, Bắc Hàn của Mao, Hồ và Kim, cùng con cháu sau này, vẫn tiếp tục nhả tơ xấu, dù dân đã chán ghét. (1)

Paris ngày 02/11/2016



(1). Xin xem thêm những bài viết về Hoa ky, trên:
http://perso.orange.fr/chuchinam


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo