Trần Quốc Việt (Danlambao) - Chính trị là đầu máy của chuyến tàu lịch sử. Một quốc gia lên Trăng, lên Sao Hỏa hay một quốc gia thu mình trong những cái hang chung và riêng để tự ngắm bóng và tự lụi tàn, xét cho cùng, đều do chính trị, hay đúng hơn, do thể chế quyết định.
Và nếu chúng ta vẫn còn sống sót qua căn bệnh ung thư này, tất cả chúng ta sẽ bước vào cái hang Bắc Thuộc mà tiền nhân chúng ta đã trải qua và đã vượt thoát. Khi ngày ấy đến chúng ta sẽ có rất nhiều thời gian mơ màng ngắm bóng mình di chuyển trên vách. Một điểm khác biệt giữa hang Bắc Thuộc mới này với các hang Bắc Thuộc xưa là những người trong hang mới này nói chuyện với nhau bằng tiếng Tàu...
*
Từ Thức lạc vào cõi tiên vào đời nhà Trần. Ông trở về trần gian vào đời vua thứ ba của nhà Lê. Tám mươi năm đã trôi qua.
Rip Van Winkle lên núi uống rượu của ma vào đời vua Anh George Đệ Tam. Ngủ say qua đêm, ông trở về làng vào đời vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington. Hai mươi năm đã trôi qua.
Dưới mắt Từ Thức cảnh và người đã thay đổi hoàn toàn. Nhưng nền chính trị phong kiến vẫn không đổi, chỉ là rượu cũ bình mới.
Dưới mắt Rip Van Winkle cảnh và người đã thay đổi khá nhiều. Nhưng bất ngờ lớn nhất là thay đổi về chính trị. Qua một đêm ngủ, từ một "thần dân trung thành của vua Anh" ông trở thành công dân tự do của một nước mới giành được độc lập. Ngày ông trở về làng mùa bầu cử đang diễn ra sôi nổi. Ông ngơ ngác khi người ta hỏi ông: "Ông bỏ phiếu cho phe nào."
Từ Thức trở vào núi để tìm lại thiên đường đã mất.
Rip Van Winkle ở lại làng để an vui cuộc đời trần thế. Ông sẽ học hỏi để bắt đầu hành xử như người tự do. Mùa bầu cử kế tiếp chắc ông sẽ biết mình sẽ bỏ phiếu cho đảng nào.
Câu chuyện của họ phản ánh một cách đặc trưng lịch sử và số phận của hai quốc gia.
Martin Luther King nói về Rip Van Winkle như sau:
"Điều khiến ta ấn tượng nhất về truyện Rip Van Winkle không phải là ông ngủ 20 năm, nhưng ông ngủ qua cuộc cách mạng. Khi ông ngáy khò trên núi, cuộc cách mạng lớn đã diễn ra... Nhưng Rip Van Winkle không biết gì về cuộc cách mạng này; ông đang ngủ... Không có gì bi kịch hơn là ngủ qua cuộc cách mạng."
Nhân dân Việt Nam đã ngủ qua biết bao nhiêu mùa cách mạng diễn ra trên thế giới từ năm 1989, "năm của phép lạ", đến mùa Cách mạng Màu đến Mùa Xuân Ả Rập. Trong bối cảnh hiện nay chiếc kim đồng hồ Việt Nam một là đứng yên hai là quay ngược. Còn gì bi kịch hơn khi một dân tộc vô cảm với số phận của mình và ngủ mê mệt qua bao mùa cách mạng.
Từ Thức "chợt thấy ở vách đá bỗng nứt toác ra một cái hang" liền đi vào cõi tiên và tìm được hạnh phúc ngắn ngủi với Giáng Hương. Hạnh phúc và đau khổ của Từ Thức mang tính cá nhân.
Hồ Chí Minh ở trong hang Pắc Bó và đặt tên suối là suối Lê Nin và tên núi là núi Các Mác. "Thiên đường" Mác Lê ông tìm thấy và áp đặt lên nhân dân Việt Nam là bi kịch lớn nhất trong lịch sử của đất nước. Đau khổ chung và riêng ấy của tất cả người Việt từ xưa đến nay khởi đi từ cái hang ấy.
Năm 1969 người đầu tiên lên Mặt Trăng là người Mỹ tên Neil Armstrong. Từ đấy "đường chân trời của con người bỗng mở rộng đến 200.000 dặm."
Vài thập niên tới khi con người lên Sao Hỏa "đường chân trời của chúng ta mở rộng gấp 1000 lần hơn."
Nhà văn Mỹ Lydia Netzer viết như sau nhân sự kiện xe tự hành Curiosity của Mỹ mới đây đáp xuống Sao Hỏa:
"Hãy nhớ ẩn dụ của Plato về cái hang. Trong hang, người ta nhìn bóng di chuyển trên vách. Họ nhìn bóng di chuyển, và họ tưởng đó là thực. Thử hỏi nếu họ đi ra ngoài hang và thấy mặt trời thì sao? Đó là chúng ta khi di chuyển từ Trái Đất đến Mặt Trăng. Đó là Neil Armstrong khi đứng trên Mặt Trăng nhìn về Trái Đất.
Điều lý thú về cái hang là không chỉ có một cái hang. Có nhiều, thật nhiều hang, tất cả đều lồng lẫn vào nhau. Mặt Trăng là cái hang đầu tiên của chúng ta; hang kế tiếp sẽ là Sao Hỏa. Và rồi sẽ có những hang khác nối tiếp nhau.
Khi người ta chế giễu chuyện đưa người lên Sao Hỏa, và nói rằng những hình ảnh về các dấu bánh xe trên sa mạc đỏ không đáng mất công khi trong nước còn có nhiều thứ chúng ta phải chi tiêu, tôi cảm thấy sợ sự tù túng kín mít. Như thể, vì tội lỗi hay xấu hổ, chúng ta cố bò lại vào hang để xem bóng di chuyển trên vách. Như thể để mãi mãi là trẻ con chúng ta hãy ở nhà với cha mẹ, dù biết rằng con đường dẫn đến thành phố, và rồi đến thành phố khác."
Để lớn lên con người phải luôn luôn vươn ra, phải luôn mở rộng đường chân trời của mình.
Còn ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều Từ Thức. Họ sống trong cái hang của sự hoài niệm về một quá khứ họ cho là đẹp, nhưng quá khứ ấy chính là cội nguồn của mọi suy đồi thối nát hiện nay cả về đạo lý và chính trị. Họ vùi thân trong cái hang của rượu bia và nhục dục để quên đi thực tại đầy bất bênh và đau khổ, để khỏi suy nghĩ về tương lai mà chắc có lẽ chẳng có gì thay đổi. Họ bị cuốn xoay tròn trong cái hang hưởng thụ và kiếm chác để hy vọng mua được sự sướng thân và an nhàn. Họ cúi gập lưng để mong được luồn vào cái hang của quyền lực để mong khai thác qua nhiều thế hệ quặng mỏ giàu sang tích tụ từ mồ hôi, máu và nước mắt của người dân.
Còn con cháu của Rip Van Winkle hôm nay đang đắn đo nên chọn tổng thống thuộc đảng nào cho mùa bầu cử sắp đến, và chờ ngày chứng kiến cảnh con người lần đầu tiên đặt chân lên Sao Hỏa để giã từ hang Mặt Trăng.
Chính trị là đầu máy của chuyến tàu lịch sử. Một quốc gia lên Trăng, lên Sao Hỏa hay một quốc gia thu mình trong những cái hang chung và riêng để tự ngắm bóng và tự lụi tàn, xét cho cùng, đều do chính trị, hay đúng hơn, do thể chế quyết định.
Tương lai nào cho Việt Nam trên cái nền mờ mịt ấy? Có hai kịch bản mà tất cả đều được báo trước.
Nhà văn Nga Mikhail Saltykov-Shchedrin vào năm 1869 đã viết về thành phố giả tưởng Glupov, ("Phố Ngu"), nơi mọi người chỉ biết chấp nhận số phận của họ, rồi trở nên say sưa và giết hại lẫn nhau. Kịch bản này đang diễn ra hằng ngày. Ta hãy đọc các báo trong nước ở mục pháp luật thì thấy rất rõ những chỉ dấu của kịch bản này. Ngày mai bắt đầu từ bây giờ. Tương lai ấy là điều chắc chắn sẽ đến vì khối ung thư về sự suy đồi đạo lý đang sinh sôi tràn lan khắp cơ thể của xã hội Việt Nam.
Và nếu chúng ta vẫn còn sống sót qua căn bệnh ung thư này, tất cả chúng ta sẽ bước vào cái hang Bắc Thuộc mà tiền nhân chúng ta đã trải qua và đã vượt thoát. Khi ngày ấy đến chúng ta sẽ có rất nhiều thời gian mơ màng ngắm bóng mình di chuyển trên vách. Một điểm khác biệt giữa hang Bắc Thuộc mới này với các hang Bắc Thuộc xưa là những người trong hang mới này nói chuyện với nhau bằng tiếng Tàu.
Nhưng chúng ta sẽ thoát được cái bẫy đã giăng sẵn của tương lai nếu chúng ta biết đứng dậy và đi tới như những thế hệ tiền nhân ngày xưa. Chúng ta đã vấp ngã, đã bị thương, nhưng nếu tinh thần chúng ta vẫn còn cứng rắn, lòng chúng ta vẫn còn cháy bỏng với khao khát tự do và dân chủ-huyết lộ của tương lai-thì đường hy vọng sẽ mở ra và nâng đỡ bước chân chúng ta.
Hôm nay chúng ta hãy đọc lại lời thơ của Phan Bội Châu. Ông mở đầu bài thơ Chúc Tết Thanh Niên bằng một từ được lặp lại ba lần như thúc giục ta:
"Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy"
Hôm nay chúng ta hãy đọc lại bài thơ Chiêu Hồn Nước của Phạm Tất Đắc. Trong bài thơ yêu nước tuyệt vời này ông kêu gọi mọi người hãy
"Nên mau mau dậy ngay kẻo muộn"
Nắng đã lên rồi! Hãy thức dậy ai ơi. Hãy thức dậy để học làm người lớn và để mở rộng đường chân trời cho mình và các thế hệ tương lai.
____________________________________________________________
Tài Liệu tham khảo:
1. Truyện Từ Thức của Nguyễn Dữ trong Truyền Kỳ Mạn Lục
2. Truyện Rip Van Winkle của Washington Irving
3. The Man in the Moon của Lydia Netzer, New York Times, 27/8/2012