Hồ Phú Bông (Danlambao) - Tôi không nhớ chính xác là đã mấy mươi năm mới quay lại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng, Sài Gòn! Nhưng dù bao nhiêu năm vật đổi sao dời thì ngôi giáo đường vẫn sừng sững tại đó. Cổng nhà thờ không trực diện với đường như các nhà thờ Huyện Sĩ, Ba Chuông hay Vườn Xoài... Cổng nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là đường chéo, cắt góc vuông của khu đất phía bên tay phải, nên thông thoáng rộng rãi dễ dàng hơn cho các phương tiện ra vô, đặc biệt trong các lễ lớn đỡ bị kẹt xe, kẹt đường.
Trả tiền cho bác xe ôm rồi lững thững với backpack sau lưng tôi bước vào bên trong. Phút chốc những náo nhiệt, ồn ào vã mồ hôi bên ngoài chợt chùng xuống rồi tan biến. Trước mặt là một không gian thoáng đãng và tĩnh. Hang Đá thờ Đức Mẹ quay lưng ra đường, vẫn là cái Hang Đá năm xưa nhưng có cái gì đó thật khó tả. Lác đác người đứng bên ngoài đang hướng về Đức Mẹ tay cầm tràng hạt nguyện cầu. Có người vào hẳn bên trong đang quỳ gối. Chắc chắn đây là giây phút thiêng liêng giao hòa giữa cõi Người và cõi Thiêng. Hang Đá quay lưng ra ngoài cũng là biểu hiện phân chia Đạo và Đời. Ngoài kia là Đời, trong nầy là Đạo. Tín đồ Chúa bước vào đây là bước vào Khung Cửa Hẹp. Khung cửa hẹp để được cứu rỗi. Còn ngoài kia là Đời, cửa Đời thênh thang rộng mở nên người vào đó rất đông để rồi bị đam mê cám dỗ, dễ dàng đi vào nơi tăm tối. Tôi bỗng nhớ đến Tác phẩm Khung Cửa Hẹp của André Gide... với chiếc áo đầm tím, cổ đeo cây Thập giá lóng lánh, tìm nhau trong ánh mắt hẹn hò. Day dứt giữa tình yêu Chúa và tình yêu Đời!
Bên phải lối vào là Giáo Đường. Lúc nầy gần trưa, không có lễ, nên vắng. Cửa nhà thờ vẫn mở và Nhà thờ có bao giờ đóng cửa với Thế gian? Đạo là đường và Chúa đã hành trình đường Thập tự để vào đời cứu thế gian cơ mà! Với cái ngơ ngác ban đầu của người ở xa về, tôi không hỏi ai và cũng không ai hỏi tôi, nhưng đứng trước cửa chính nhà thờ, nhìn vô những hàng ghế vắng rồi nhìn lên Điện thờ với hình tượng Chúa trên cây Thập Tự tôi biết chính tôi đang trở về, như con chiên đã đi lạc, như gã trai hoang đàng hư đốn quay về mái nhà xưa và được Cha nhân từ ra đón ôm vào lòng!
Trước khi về Việt Nam, cháu Huỳnh Phương Ngọc cho biết là có thể đến nhà thờ xin gặp Cha Phạm Trung Thành, người đỡ đầu cho chương trình giúp đỡ Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB). Bên ngoài đã biết chương trình đầy lòng bác ái và nhân đạo nầy nhưng từ khi Cha Phạm Trung Thành hưu trí thì bị gián đoạn. Nhà thờ không còn là nơi có thể tổ chức sinh hoạt từ thiện như trước. Vài Linh mục gắn bó với chương trình cũng phải về các địa phương xa xôi khác. Tưởng thế là nhịp cầu gãy đổ nhưng Chúa Jesus là cây cầu nối. Cây cầu, bắt ngang qua dòng sông đời tội lỗi đang chảy xiết, đưa tội nhân từ tội lỗi đến bến cứu rỗi, giải thoát. Chúa xuất thân từ nghèo hèn, đường hành đạo Ngài cũng nghèo hèn. Một hôm nằm nghỉ trên cỏ, gối đầu vào tảng đá Ngài nhìn trời: “Chim trời có tổ còn Con Người (Chúa) không có một chỗ gối đầu”! Nên Đạo Chúa đầu tiên là của những người bị bất hạnh, của những người cùng khổ! Từ mầu nhiệm thâm sâu đó chương trình giúp đỡ TPB lại được tiếp tục.
Tôi chọn đến nhà thờ vào sáng Thứ Hai, vì nghĩ rằng ngày Chúa nhật có nhiều lễ, rất đông người, khó có thể xin gặp được Cha Phạm Trung Thành vì Cha bận công tác mục vụ.
Thế nhưng, Chúa đã ban cho nhiều hơn mong đợi!
Tôi đến thật đúng lúc. Được trực tiếp tiếp xúc với một số TPB. Hôm đó là một trong 2 đợt / hàng tháng. Anh Nguyễn Bắc Truyển cho biết mỗi tháng cố gắng tổ chức được hai lần nhưng không có ngày giờ cố định vì địa điểm rất bận cho công tác Mục vụ. Chỉ chọn ngày nào có giờ trống và phải bàn giao địa điểm trước 2 giờ chiều. Điều nầy rất khó về mặt tổ chức trong lúc số người thiện nguyện thường bị làm khó dễ và theo dõi nên họ rất e ngại! Vì thế công việc thêm đa đoan. Hôm tôi đến có 86 TPB, được 6 Y/Nha/Dược sĩ và một số anh chị em bỏ công việc thường nhật đến phục vụ thiện nguyện. Buổi sinh hoạt có thêm một bữa ăn trưa (với quà tặng?). Cứ hình dung khối việc như thế mà thiếu nhân lực, thời gian thì hạn hẹp, sự vất vả sẽ như thế nào? Chỉ riêng việc liên lạc sắp xếp giờ giấc với các TPB ở xa, với các Y/Nha/Dược sĩ, với các người tình nguyện gác bỏ việc riêng đến trợ giúp đủ thấy ngay việc điều hành dài hạn một chương trình như thế nầy không hề đơn giản chút nào!
Khi tôi vừa bước vào cổng khuôn viên, gặp lúc anh Nguyễn Bắc Truyển trên tay cầm một xấp hồ sơ đang loay hoay tìm cách giúp một bác TPB cụt hai chân, chuyển sang xe lăn khác... anh trao ngay xấp giấy cho tôi cầm hộ, không kịp nói câu nào và cũng chẳng cần biết tôi là ai, để anh rảnh tay giúp... thì có thể hình dung được mức độ bận rộn!
Tôi biết anh qua mạng còn anh chẳng biết tôi là ai nhưng ngay sau đó là nụ cười rạng rỡ trao cho nhau và cái bắt tay thật chặt! Anh nói: “Tụi em vừa 'đuổi' một công an chìm ra khỏi đây.” Vậy thì, giữa anh công an chìm và tôi tự nhiên phải có cái gì đó khác biệt! Tôi hiểu, đó là sự bén nhạy phát xuất từ trái tim. Khi có tấm lòng thì tự nó thể hiện ra bên ngoài! Anh Nguyễn Bắc Truyển kêu chị Phượng (vợ anh) đem đến một cái nón lưỡi trai màu xanh trời có 4 chữ DCCT đội trùm lên nón lưỡi trai tôi đang có với câu nói vội: “Không có cái nón nầy thì anh sẽ bị 'mời' ra khỏi...” rồi tiếp tục lo công việc. Tôi lui bui móc máy ảnh từ bookback ra thì thấy phóng viên Huyền Trang cũng đang bận rộn, còn cái Nikon của cô thì lủng lẳng ngang bụng... Chúng tôi đưa máy chụp ngược nhau, rồi cười! Cha Phạm Trung Thành lúc đó cũng đang đến từng bàn han hỏi và lắng nghe các bác TPB khi họ đang dùng bữa trưa.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, tại Tổng Y viện Cộng Hòa, là Y viện chính điều trị quân nhân bị thương của Quân lực VNCH, thì thương bệnh binh bị đuổi ngay ra đường với bông băng, dây nhợ... đã nói lên bản chất của cuộc chiến do phe thắng trận gây ra! Thì hôm nay có bàn tay nhân ái của Tôn giáo đang cố làm dịu bớt nỗi đau đó. TPB, họ đã sống từ đáy địa ngục hơn 40 năm qua, cho nên giúp đỡ họ đôi phần trong khốn khó là điều phải làm, nhưng đó không phải là điều để khêu dậy sự bẩn thỉu chính trị, vì như thế có thể gây ra ngộ nhận, vốn đã và đang còn tiềm ẩn, nên rất tai hại. Như thế, có thể tạo ra sự “chia rẽ mới” mà nạn nhân lại là TPB! Mong mọi người đều hiểu đây là việc làm thể hiện bản chất Thiện Lành của dân tộc Việt đã có truyền thống từ ngàn năm.
Do đó khi chế độ hiện tại vẫn còn cắt cử nhân viên an ninh trà trộn vào trong các buổi sinh hoạt thì chẳng những không có bất cứ kết quả nào khác hơn, ngoài việc họ tự nhắc nhở công luận nhớ lại bản chất căm thù trước kia, điều mà họ đang cố tình xóa bỏ mọi dấu vết. Họ làm như thế là đi ngược lại truyền thống tốt lành của dân tộc! Và cũng mong người Việt hải ngoại gây quỹ giúp TPB đều mang Trái Tim Lành chứ không như cộng sản đang nghĩ và lo sợ! Được như thế là sẽ giúp cho chương trình nầy tồn tại lâu dài cũng như những người đang dấn thân phục vụ thiện nguyện mới không gặp cản trở, để mỗi ngày số người tham gia càng đông hơn, càng chia sẻ bớt sự khó khăn và gánh nặng cho tổ chức đang cưu mang. Chỉ mong như thế!
Tôi đến bất ngờ. Bất ngờ được chứng kiến. Nhưng chỉ có tôi “bất ngờ”! Còn Chúa? Thưa, Ngài dành cho tôi có cơ hội được thấy. Được biết. Được suy nghĩ. Suy nghĩ để viết về Thương yêu những người đang cùng khổ. Không phải viết để gây nghi kỵ hay hận thù! Vì Chúa dạy chỉ có Thương yêu và Tha thứ mới tồn tại!
13/11/2016
______________________________
(*) Thưa, tôi không phải là tín đồ đạo Công Giáo