Tòa án Hình sự Quốc tế - Dân Làm Báo

Tòa án Hình sự Quốc tế

Ls Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Tòa án Hình sự quốc tế (International Criminal Court hoặc ICC) ra đời vào năm 1998 và bắt đầu hoạt động từ năm 2002. ICC có thẩm quyền truy tố bất cứ cá nhân nào bị cáo buộc phạm tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại hoặc tội phạm chiến tranh. ICC có trụ sở tại The Hague Hòa Lan và hiện này có tới 124 quốc gia là thành viên chấp nhận thẩm quyền của Tòa.

Ý tưởng thành lập một tòa án quốc tế thường trực để truy tố tội phạm chiến tranh đã được đề ra tại Hội Nghị Hòa Bình Paris vào năm 1919 sau Đệ Nhất Thế Chiến. Đề tài này được chính thức đưa ra thảo luận vào năm 1937 tại Geneva dưới sự bảo trợ của Liên Đoàn các Quốc Gia (League of Nations) là tổ chức tiền thân của Liên Hiệp Quốc, dẫn đến sự hình thành của Công Ước đầu tiên với mục đích thành lập tòa án thường trực xét xử tội khủng bố có tầm mức quốc tế. Có 13 quốc gia ký kết nhưng Công Ước này không có hiệu lực vì không có quốc gia nào phê chuẩn.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Khối Đồng Minh thành lập hai Tòa án Đặc biệt (ad hoc) để truy tố tội phạm chiến tranh. Giới lãnh đạo của Đức Quốc Xã thì bị xét xử tại Numremberg và Nhật tại Tokyo. Tới năm 1948, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ghi nhận nhu cầu thành lập một tòa án thường trực để xử lý tội phạm chiến tranh tàn bạo như của Phát xít Đức và Nhật và yêu cầu Ủy Hội Luật Quốc Tế (International Law Commission hoặc ILC) soạn thảo hai quy chế về vấn đề này vào thập niên 50. Nhưng mâu thuẫn của cuộc chiến tranh lạnh dập tắt mọi hy vọng thành lập tòa án hình sự thường trực.

Vào năm 1989, Thủ Tướng Robinson của Trinidad & Tobago khơi lại ý tưởng này và đề nghị thành lập tòa án hình sự quốc tế thường trực để xét xử các vụ buôn lậu và tội phạm ma túy xuyên quốc gia. ILC được yêu cầu soạn thảo lại quy chế thành lập tòa thường trực. Trong lúc ILC đang tiến hành công tác này thì Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành nghị quyết thành lập Tòa Đặc biệt xét xử tội phạm chiến tranh xảy ra tại Nam Tư (Yugoslavia) vào năm 1993 và tội ác diệt chủng tại Rawanda vào năm 1994. Hai sự kiện này tiếp hơi cho nỗ lực thành lập tòa thường trực hình sự quốc tế.

Vào năm 1994, ILC đệ trình bản dự thảo quy chế thành lập tòa hình sự quốc tế và đề nghị Đại Hội Đồng LHQ tổ chức hội nghị quốc tế để thương lượng và ký kết Công Ước. Sau nhiều cuộc hội thảo kéo dài hơn 4 năm, hội nghị được tổ chức tại Rome vào ngày 17/6/1998. Quy chế Rome thành lập Tòa Hình sự Quốc tế được biểu quyết với tỷ lệ 120 phiếu thuận và 7 phiếu chống. Có 21 quốc gia không bỏ phiếu. 7 quốc gia bỏ phiếu chống gồm có Hoa kỳ, Trung Quốc, Do Thái, Iraq, Libya, Qatar và Yemen. Quy chế Rome bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/7/2002 khi có đủ 60 quốc gia thành viên phê chuẩn. 18 vị thẩm phán đầu tiên được bầu chọn và tuyên thệ trước LHQ vào ngày 11/3/2003.

Cơ chế

ICC có 4 bộ phận chính: Ban Chủ tịch (the Presidency), Bộ phận Tư pháp (Judicial Division), Văn phòng Công tố viên (the Office of Prosecutor) và Văn phòng thư ký (Registry). Ban Chủ tịch gồm có một Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch có trách nhiệm điều hành và phân công công tác xét xử, thụ lý hồ sơ kháng cáo hoặc phúc thẩm và giao tiếp với các quốc gia thành viên cũng như phổ biến công tác của Tòa trên toàn thế giới. Chủ tịch hiện nay là Thẩm Phán Sylvia Fernandez de Gurmendi (Argentina). Hai vị Phó Chủ tịch là Thẩm Phán Joyce Alouch (Kenya) và Thẩm Phán Kuniko Ozaki (Nhật). Bộ phận tư pháp gồm có 18 thẩm phán được các quốc gia thành viên đề cử với nhiệm kỳ 9 năm (không được tái nhiệm). Họ có trách nhiệm xét xử, ban hành án lệnh, trát tòa lùng bắt nghi phạm hoặc bắt buộc nhân chứng ra trước tòa cung cấp lời khai, cho phép nạn nhân trình bày trước Tòa hoặc ra lệnh bảo vệ nhân chứng. Họ cũng bầu ra Ban Chủ tịch. Bộ phận tư pháp được chia ra 3 đơn vị: tiền sơ thẩm, sơ thẩm và phúc thẩm (kháng cáo). Hội đồng xét xử thường có 3 vị thẩm phán cho giai đoạn tiền sơ thẩm và sơ thẩm. Tòa phúc thẩm có sự tham gia của 5 vị thẩm phán.

Văn phòng công tố viên hoàn toàn độc lập với Tòa. Như các vị thẩm phán, Công tố viên và Phó Công tố viên được LHQ bầu chọn với nhiệm kỳ 9 năm và không được tái nhiệm. Hiện nay, Văn phòng công tố viên có khoảng 380 nhân viên từ hơn 80 quốc gia khác nhau gồm có luật sư, nhân viên an ninh, chuyên viên điều tra, tâm lý gia, chuyên viên ngoại giao và truyền thông. Công tố viên hiện nay là bà Fatou Bensouda (Gambia). Phó Công tố viên là ông James Stewart (Canada). Công tố viên có thể tiến hành điều tra qua một trong ba trường hợp: (1) khi có quốc gia thành viên yêu cầu; (2) khi Hội Đồng Bảo An LHQ yêu cầu; (3) hoặc khi Tòa tiền sơ thẩm yêu cầu dựa trên thông tin cung cấp từ các nguồn khác chẳng hạn như từ những nạn nhân hoặc tổ chức phi chính phủ. Bất cứ cá nhân nào bị điều tra cũng có thể yêu cầu Tòa thay thế công tố viên nếu họ có hành vi thiên vị hoặc định kiến.

Văn phòng thư ký có nhiêm vụ hỗ trợ Tòa về mọi phương diện thủ tục và hành chánh gồm có dàn xếp trợ giúp pháp lý, liên hệ với nạn nhân và nhân chứng, điều hành hệ thống tòa án gồm có ngân sách chi thu, nhân dụng và mọi dịch vụ khác của Tòa.

Nguyên tắc Thẩm quyền và Thừa nhận

Dưới Quy chế Rome, bất cứ người nào cũng có thể bị truy tố. Tuy nhiên, Tòa phải tuân thủ 3 nguyên tắc thẩm quyền (jurisdiction) và 3 nguyên tắc thừa nhận (admissibility). Tất cả 6 nguyên tắc này phải được tuân thủ trước khi Tòa tiến hành xét xử.

3 nguyên tắc thẩm quyền gồm có thẩm quyền chủ đề (hành vi phạm tội), thẩm quyền lãnh thổ hoặc cá nhân (hành vi phạm tội xảy ra ở đâu và người nào vi phạm) và thẩm quyền thời gian (tội phạm xảy ra vào lúc nào). Thẩm quyền chủ đề gồm có 3 phần chính là tội diệt chủng (genocide), tội chống lại nhân loại (crimes against humanity) và tội ác chiến tranh (war crimes).

Tội diệt chủng được định nghĩa dưới Điều 6 của Quy chế Rome là "hành vi cố ý gây phương hại đến một nhóm hoặc cộng đồng sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo". Những người trực tiếp, trợ giúp hoặc công khai khích động người khác thực hiện hành vi diệt chủng cũng phạm tội diệt chủng.

Tội ác chống nhân loại được coi là "hành vi tấn công có chủ ý và có tính quy mô hoặc hệ thống nhắm vào thường dân" (Điều 7). Hành vi tấn công không chỉ giới hạn ở mặt quân sự mà gồm có sát hại, giam giữ hoặc mua bán nô lệ, tra tấn, giam cầm, hãm hiếp, ép buộc bán dâm, ép buộc triệt sản, bắt cóc, cách ly chủng tộc, cưỡng bức di dời chỗ ở và những hành vi ác độc khác. Những hành vi này phải được thực hiện theo chính sách của nhà nước hoặc của một tổ chức nào đó.

Tội ác chiến tranh có thể xảy ra khi có xung đột quân sự giữa các quốc gia hoặc giữa các chủ thể phi quốc gia chẳng hạn như các nhóm phiến quân. Điều 8 của Công Ước liệt kê tổng cộng 74 hành vi tội phạm chiến tranh gồm có sát hại thường dân, thử nghiệm vũ khí hóa học, tra tấn và bắt con tin.

Các nguyên tắc thừa nhận mà Tòa phải tuân thủ là nguyên tắc bổ sung, nghiêm trọng và phục vụ công lý. Dưới nguyên tắc bổ sung, Tòa chỉ xét xử nếu quốc gia liên hệ không muốn hoặc không có khả năng truy tố. Do đó, nếu quốc gia liên hệ đã và đang điều tra vụ việc thì Tòa sẽ không can thiệp.

Tóm lại, ICC chỉ có thẩm quyền xét xử trong trường hợp nghi phạm có hành vi phạm tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại hoạc tội ác chiến tranh và nghi phạm là công dân của một quốc gia thành viên mà quốc gia đó không muốn hoặc không có khả năng truy tố.

Cho tới nay, ICC đã tiến hành truy tố 39 cá nhân và ban hành lệnh truy nã đối với 31 người khác. Có 7 người đang bị giam giữ và Tòa đang trong tiến trình xét xử 22 người khác. Có 17 vụ truy tố đã hoàn tất với kết quả là 4 bị cáo bị buộc tội, 1 trắng án, 8 bị cáo bị ngưng truy tố. Có một vụ không tuân thủ nguyên tắc thừa nhận và 4 bị cáo qua đời trước khi phiên xử kết thúc. Cả 4 tội phạm của ICC đều là những người từ châu Phi. Tội phạm thứ nhất của ICC là Thomas Lubanga Dylio một người Congo bị tuyên án tổng cộng 14 năm tù vào năm 2012 vì phạm tội ác chiến tranh gồm có cưỡng bức trẻ em đi lính. Người thứ hai là Germain Katanga cũng là người Congo bị tuyến án 12 năm tù vào năm 2014 vì phạm tội ác chiến tranh liên quan tớ một vụ thảm sát hơn 200 thường dân trong một ngôi làng tại Bogoro. Người thứ ba là Jean-Pierre Bemba cũng từ Congo bị tuyên án 18 năm tù vào tháng 3 năm 2016 vì phạm tội ác chiến tranh liên quan tới các vụ hãm hiếp tập thể thường dân. Gần đây nhất là vào tháng 8 năm 2016 khi Ahmad Al Faqi Al Mahdi một thánh chiến quân từ Mali đã nhận tội phá hủy di sản văn hóa thế giới vì đã ra lệnh phá hủy 9 lăng mộ và một ngôi đền ở thành phố Timbuktu.

Tội hủy diệt môi trường

Trong tháng 9 vừa qua, ICC công bố là trong thời gian tới, Tòa sẽ chú trọng vào việc truy tố tội hủy diệt môi trường, khai thác tài nguyên bất hợp pháp và cưỡng chiếm đất đai. Thật ra, tuyên bố này không có nghĩa là Tòa nới rộng thẩm quyền vì ICC cũng như bất cứ tòa án nào khác không thể tự mình nới rộng thẩm quyền mà thẩm quyền đã có sẵn và dựa trên tội ác chống nhân loại. Vào năm 2014, luật sư đại diện cho một nhóm người Cam Bốt đã đệ đơn yêu cầu ICC truy tố thành viên của chính phủ Cam Bốt và giám đốc của một số tập đoàn công ty vi phạm tội chống nhân loại qua chính sách cưỡng chiếm đất đai và cưỡng bách di dời chỗ ở của hơn 770,000 thường dân từ năm 2000. Trong số này có hơn 145,000 người bị buộc rời khỏi thủ đô Phnom Penh theo thông tin của tổ chức Nhân Chứng Toàn Cầu (Global Witness). Chỉ trong 3 tháng trong năm 2014 đã có tới hơn 20,000 người Cam Bốt bị đuổi ra khỏi nhà. Một trong những công ty liên can tới tội này là công ty sản xuất cao su Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam. Cam Bốt phê chuẩn Quy chế Rome vào năm 2002 và do đó ICC có đủ thẩm quyền tiến hành điều tra và xét xử vụ án này.

Câu hỏi mà nhiều người quan tâm hiện nay là liệu ICC có thể tiến hành truy tố Formosa về tội hủy diệt môi trường biển ở miền Trung Việt Nam hay không? Để công tố viên có thể tiến hành điều tra thì phải tuân thủ 6 nguyên tắc thẩm quyền và thừa nhận. Có nghĩa là vụ án phải xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia thành viên và nghi phạm là công dân của quốc gia thành viên. Hành vi xả chất độc ra biển của Formosa xảy ra khi cả Việt Nam và Đài Loan đều không phải là thành viên của ICC. Như vậy thì chỉ khi nào Hội Đồng Bảo An LHQ hoặc chính Việt Nam đề nghị thì ICC mới có quyền điều tra. Dựa theo tình trạng thực tế hiện nay thì cả hai tình huống này đều không có nhiều cơ hội xảy ra.

13.11.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo