Ts. Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Tôi vốn là một nhà hóa học, chuyên về môi trường, vốn liếng lịch sử chỉ ở trình độ trung học thời Việt Nam Cộng Hòa. Do đó, nói về Quang Trung, tôi chỉ muốn nói lên tinh thần Quang Trung qua cái nhìn của một học sinh trung học, để từ đó thử tìm một đối chiếu với tình trạng tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại cũng như ở trong nước.
Từ xa xưa, tiền nhân của chúng ta phải bao phen chống giặc phương Bắc. Sau bao lần thành công trong việc đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, quan vua Việt Nam đều ra sức cầu hòa và tuân phục triều cống Bắc phương. Thái độ đó được nhiều sử gia cho là khôn ngoan và cung cách ứng xử của tiền nhân được xem như là kim chỉ nam trong thuật giữ nước khi nước còn yếu so với phương Bắc.
Nhưng, chúng ta hãy nhìn tình hình chính trị đặc biệt của Đại Việt vào giữa thế kỷ 18 khi đang lâm vào tình trạng bế tắc ở vào giai đoạn cuối của thời Trịnh Nguyễn phân tranh.
Đất nước bị chia đôi:
- Ngoài Bắc, chính quyền vua Lê chúa Trịnh tham nhũng thối nát.
- Trong Nam, chính quyền chúa Nguyễn bị quyền thần Trương Phúc Loan thao túng, dân chúng lầm than đói khổ.
Sự xuất hiện của phong trào Tây Sơn đã mở ra một lối thoát mới cho dân tộc Việt, đột phá tình trạng trì trệ của tình hình, và đặt nền móng căn bản cho sự thống nhất đất nước. Ngoài nhà lãnh đạo đầu tiên của phong trào Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, vị phụ tá của Nguyễn Nhạc, tức Nguyễn Huệ lúc khởi nghĩa mới khoảng 18 tuổi, là một ngôi sao vụt sáng và tỏa chiếu rạng rỡ trong lịch sử Việt Nam.
Tinh thần Nguyễn Huệ là tinh thần dấn thân không ngừng, sẵn sàng chiến đấu liên tục để xây dựng sự ổn định cho đất nước. Nhiều lần vào Nam chẳng những để chống nhau với chúa Nguyễn mà còn để chống ngoại xâm Xiêm La. Nhiều lần ra Bắc cũng không phải để giải quyết chúa Trịnh mà còn để bảo vệ đất nước khỏi cuộc xâm lăng của nhà Thanh. Tôi muốn nhấn mạnh, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, Nguyễn Huệ cũng đã tận lực cống hiến cả tuổi thanh xuân của đời mình vì công cuộc thống nhất đất nước, để phục vụ dân tộc, chỉ tiếc cuối cùng căn bệnh ác nghiệt đã ngăn cản sự nghiệp của Ngài năm 1792, lúc Ngài mới 40 tuổi.
Tôi muốn nói đến tinh thần Quang Trung không là “chống giặc, giữ nước” mà là “đánh giặc, giữ nước”.
Đánh giặc, giữ nước chính là nói lên tinh thần chủ động và không còn xem Bắc phương là một nước lớn cần phải tùng phục.
Vì vậy, đem tinh thần Quang Trung soi chiếu vào tình trạng của tuổi trẻ Việt Nam ngày nay quả là một điều cần thiết.
Nếu ai hỏi rằng “Tương lai Việt Nam 41 năm sau cuộc chiến, và tuổi trẻ Việt Nam đang làm gì trong hiện tại và sẽ làm gì trong tương lai”?
Xin thưa, đây là một câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta tự hỏi nhau hàng ngày, không cứ gì phải đợi sau 41 năm.
Như chúng ta đã biết, yếu tố con người là một trong những yếu tố quyết định trong mọi chuyển dịch của sinh vật trên quả địa cầu nầy, trong đó thế hệ trẻ hiện tại càng là một thành tố quyết định cho tương lai của từng quốc gia. Xin thưa với tất cả nhận xét cá nhân về các chuyển biến tư tưởng và sinh hoạt của người Việt, nhất là tuổi trẻ trong quá trình 41 năm sau cuộc chiến để có một dự phóng về tương lai Việt Nam. Không muốn nhắc đến cuộc chiến Việt Nam đã qua, không phải vì đã quên hay vì mặc cảm, mà chỉ muốn chia sẻ qua trao đổi nầy những thay đổi tâm lý, hành động, cùng các suy nghĩ của thế hệ trẻ hiện tại trong suốt thời gian 41 năm vừa qua.
Trước hết, tại hải ngoại người Việt đã hình thành nhiều cộng đồng hiện diện rải rác trên khắp thế giới, tiếp thu những nền văn minh tiến bộ cùng cung cách tổ chức xã hội từ các quốc gia tạm dung để hội nhập vào môi trường đang sống hiện tại. Đôi khi có những cọ xát vì sự khác biệt chủng tộc, tôn giáo, văn hóa... nhưng tựu trung đa số đã hòa nhập vào các xã hội tây phương tương đối nhịp nhàng và hài hòa trong cuộc sống. Những hiện tượng tiêu cực nơi cá nhân, gia đình, và môi trường chung quanh vì ảnh hưởng của các lề lối cổ xưa, phong cách phong kiến, hủ nho... lần lần được thay thế từng bước bằng những tư tưởng tiến bộ và tinh thần hướng thượng ngày càng in đậm nét trong mỗi chúng ta.
Trọng tâm là tuổi trẻ hôm nay, ở cả quốc nội và hải ngoại, các em đã nhận thức và có nhiều chỉ dấu báo hiệu cho thấy tuổi trẻ đã chuyển mình rất lạc quan.
Tại hải ngoại, tuổi trẻ đã có tầm nhìn khai phóng, can đảm cán đáng việc cộng đồng trong tinh thần vô vị lợi, ví dụ một việc tuy nhỏ nhưng quan trọng là việc tổ chức Hội chợ Tết ở California trong nhiều năm vừa qua. Thật phấn khởi vì nhìn đâu cũng đều thấy sự hiện diện của tuổi trẻ. Nhìn qua các trung tâm dạy tiếng Việt ở rải rác khắp nơi có đông người Việt cư ngụ, tuổi trẻ chiếm đa số, năng động và bền bỉ theo đuổi công cuộc bồi đắp và gìn giữ tiếng Việt tại hải ngoại. Tôn chỉ “Tiếng Việt còn, nước Việt còn” chắc chắn vẫn là một nền tảng bền vững để bảo tồn văn hóa Việt Nam.
Ở quốc nội, mặc dù phải chịu đựng khó khăn muôn vàn về mọi mặt, mất nhiều thì giờ cho sinh kế, tuổi trẻ cũng nêu lên ý chí vươn lên trong học tập, và tinh thần từ bi bác ái trong các công tác từ thiện.
Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay, theo nhận xét của nhiều người từng về Việt Nam, vẫn tiếp tục cố bám lấy việc học và xem đó là cánh cửa đầu tiên và quyết định để bước vào tương lai dù đang sống trong tình trạng kinh tế rất hạn hẹp, nhưng vẫn không quên bổn phận của người con Việt trong nhiệm vụ “Chống Tàu Diệt Việt Cộng”, phản ảnh qua các cuộc biểu tình đòi quyền... được sống qua thảm nạn cá chết và môi trường sống cho biển. Một cuộc cách mạng cách mạng CÁ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Dù sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn trong nước hay đứng trước những cám dỗ của một xã hội thiên về cá nhân và vật chất trên thế giới, tuổi trẻ Việt Nam ở hai nơi đều thể hiện nghị lực phấn đấu với một tinh thần quả cảm và một ý chí tuyệt vời. Tuổi trẻ Việt Nam không ngại và chấp nhận những phiêu lưu trong hành xử dù phải chịu nhiều vấp ngã. Học hỏi trong kinh nghiệm, trong thất bại, tuổi trẻ Việt Nam đã và đang mạnh dạn đi tới tương lai.
Tuổi trẻ Việt Nam trong sáng hội nhập vào xã hội với niềm tin vững mạnh cho tương lai, không mặc cảm, không vướng bận quá khứ, không có những rào cản, vết hằn từ các oan nghiệt của lịch sử như các lứa tuổi cha anh, không ràng buộc vào những thành kiến bảo thủ và ý tưởng cực đoan. Và với tinh thần dân chủ cao độ đã được un đúc do học tập và kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, tuổi trẻ càng cho chúng ta thêm niềm tin khi dự phóng về tương lai.
Có lẽ chúng ta không quên rằng quá trình tiến lên dân chủ của con người là do kết quả của bao thế hệ, kéo dài hàng bao thế kỷ. Những hiện tượng phân hóa trong cộng đồng ở hải ngoại, những hình ảnh tiêu cực thường thấy ở quốc nội... chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp, giai đoạn lột xác của một thế hệ mới để rồi hội nhập vào một xã hội trong đó mọi người đều bình đẳng (tương đối). Để đến hôm nay, tự do cá nhân được mọi người trong chúng ta tương đối được tôn trọng trong tinh thần tương kính.
Từ hơn 25 thế kỷ trước, khái niệm tự do cá nhân mà chúng ta đang hưởng đã được manh nha ở Athens, Hy Lạp. Trước đó chưa có xã hội nào nghĩ đến khái niệm công bằng và tự do! Quan niệm xưa lại cho rằng, nếu có tự do, xã hội sẽ đi đến hỗn loạn. Và qua bao nhiêu thế kỷ, tự do cá nhân và trật tự xã hội vẫn được xem như là hai thực thể đối kháng, không thể hiện diện hài hòa trong cùng một xã hội được.
Người Hy lạp 25 thế kỷ trước đã nhận định sáng suốt rằng sự tự do vô giới hạn sẽ kéo theo những biến loạn cho trật tự xã hội. Nhưng cuối cùng cũng chính người Hy Lạp đã tự soi sáng rằng nếu con người có được tự do cá nhân, họ sẽ tự thích ứng và tự chế để ổn định trật tự mà không cần phải có một quyền uy tối thượng để ban bố và tái lập trật tự xã hội. Từ đó, trong việc hành xử quyền tự do cá nhân, cung cách tự chế của người Hy Lạp lên rất cao. Và thành phố Athens đã là căn cứ địa đầu tiên cho nền tự do trên thế giới, trong đó mọi cá nhân đều được tham gia vào guồng máy của chính phủ từ anh nông dân đến kẻ chăn chiên lẫn các thương gia, phú hào... Pericles đã thốt lên câu nói bất hủ “Mọi cá nhân đều được tin cậy” (The individual can be trusted).
Ngày nay, Đức Dalai Lama, trong diễn văn chào mừng thiên niên kỷ mới đã chia sẻ, tin tưởng và tôn vinh tuổi trẻ trong việc xây dựng và tái lập trật tự xã hội cho tương lai. Với kiến thức thu thập được từ những kinh nghiệm về xây dựng và hủy diệt của các bậc cha anh, cộng thêm niềm tự tin, tính cả quyết cùng nhận thức hướng thượng, tuổi trẻ Việt Nam sẽ biến cải xã hội tương lai thành một môi trường hạnh phúc hơn, hòa bình hơn trong đó con người sống hài hòa với nhau hơn.
Để kết luận, có điều chắc chắn là tuổi trẻ Việt Nam, hậu duệ Vua Quang Trung, ở hải ngoại và quốc nội đã trưởng thành và đang mạnh dạn đi vào cuộc hành trình mới làm cho xã hội Việt Nam ngày càng tốt thêm. Trong tiến trình dân chủ hóa tư tưởng và xã hội, dĩ nhiên tuổi trẻ cũng sẽ gặp phải muôn vàn cản ngại, thất bại vì thiếu kinh nghiệm. Nhưng những điều đó sẽ không làm tuổi trẻ chùng bước mà trái lại các rào cản trên chỉ là những thử thách ban đầu.
Với cung cách tiếp cận lạc quan, tầm nhìn rộng mở và hướng về tương lai, chắc chắn tuổi trẻ có đủ tiềm năng và khả năng để tái lập một xã hội Việt Nam trong đó con người hành xử với nhau với tâm an bình, từ bi và nhân bản hơn.
Vậy, câu hỏi tương lai Việt Nam 41 năm sau cuộc chiến đã được trả lời bằng cái nhìn tích cực hướng về tương lai và rất tin tưởng vào Tuổi Trẻ Việt Nam sẽ làm được việc.
Và tinh thần chiến đấu liên tục của Hoàng Đế Quang Trung đã thấm vào tâm thức của tuổi trẻ, và tuổi trẻ hôm nay không còn ở thế thụ động nữa mà ở thế tấn công. Đó là “đánh đổ cường quyền, xây dựng đất nước”.
Tuổi trẻ Việt Nam đang đi tới với tinh thần Quang Trung như thế, chắc chắn hoa Tự Do, Dân Chủ, và Nhân Quyền sẽ nở rộ trên Quê Hương Việt Nam.
04.11.2016