Mạng Lưới Blogger Việt Nam - Chặng đường đã qua - Dân Làm Báo

Mạng Lưới Blogger Việt Nam - Chặng đường đã qua

Mạng Lưới Blogger Việt Nam không phải tập hợp của những con người dũng cảm nhất. Chúng tôi khởi đi đều là những con người nhỏ bé và đầy sợ hãi. Nhưng khát vọng tự do đã khiến chúng tôi gần lại với nhau để nắm tay nhau đi trong sợ hãi và vượt qua sợ hãi. Chúng tôi hiểu rằng thay vì trông chờ vào lòng can đảm của người khác, thì tự mình phải vượt qua sự sợ hãi để trở thành một con người tự do đích thực. Lần đầu tiên chúng tôi đánh dấu sự ngồi lại với nhau vào tháng 2/2013 với “Lời tuyên bố của các công dân tự do”. Đây được xem là bước khởi đầu cho những người tham gia bước qua sự sợ hãi.

Khi nhận thức rằng thế giới và đặc biệt là các tổ chức quốc tế không quan tâm nhiều đến vấn đề chủ quyền mà họ cho là chuyện tranh chấp giữa hai quốc gia, chúng tôi đã khởi xướng một chiến dịch lâu dài để nối kết hành động bày tỏ lòng yêu nước, bảo vệ độc lập cũng là một QUYỀN CON NGƯỜI.

Những chiến dịch nằm trong chiến dịch lớn này là kêu gọi các cuộc trao đổi công khai về quyền con người tại những điểm công cộng ở các thành phố Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Hải Phòng… Đó là các chiến dịch “Dã ngoại Nhân quyền”, “Cà phê nhân quyền”. Bởi người ta chỉ đứng lên đòi quyền cho mình khi ý thức được mình có quyền gì để mà đòi.

Tháng 7/2013, chúng tôi cho ra đời “Tuyên bố 258”, tấn công vào điều 258, kẻ thù của tự do ngôn luận, là một điều luật mà nhà cầm quyền có thể dùng nó để bắt giam một công dân chỉ cần mặc áo với khẩu hiệu Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Lần đầu tiên những nhà hoạt động, những blogger trong nước đích thân ra nước ngoài để vận động nhân quyền. Song song với việc các Blogger trong nước trao tuyên bố cho các Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Hà Nội, Sài Gòn và tổ chức các cuộc thảo luận nhân quyền, thảo luận về tự do ngôn luận tại nhiều nơi ở Việt Nam. Đã có 17 tổ chức Quốc tế nhận Tuyên bố của MLBVN.

Ngày 10/12/2013, chúng tôi chính thức cho ra mắt MLBVN. MLBVN được thành lập dựa trên một “tiến trình ngược”, tức là đưa ra một số hoạt động công khai, thu hút được sự tham gia của một bộ phận dân chúng nhất định rồi mới tuyên bố thành lập.

Sau khi tuyên bố thành lập, MLBVN tiếp tục cho ra đời các chiến dịch, hoạt động khác như: “Chúng tôi muốn biết”, “Phong trào Không Bán Nước” dựa vào những hoạt động khởi đầu của anh Tuyến Xích Lô, N0-HD981 hay công bố hồ sơ về các công dân chết trong đồn công an, ủng hộ Luật sư Võ An Đôn và nhiều hoạt động khác. Hẳn nhiều người trong số chúng ta không quên những hình ảnh tuyệt thực, thắp nến cho TNLT vào ngày 25/7/2015, một phần trong chiến dịch We Are One mà MLBVN là một trong những thành phần chủ xướng.

Gần đây nhất là hình ảnh của các thành viên MLBVN cùng bạn bè giơ các khẩu hiệu phản đối đường lưỡi bò của Trung cộng hay phản đối Formosa trên đường phố. Cách đánh “hit and run” trong đấu tranh bất bạo động đã được MLBVN áp dụng sau khi nhiều người bị bắt bớ, đánh đập, giam giữ trái phép chỉ vì biểu tình chống Formosa, bảo vệ môi trường. Chúng tôi kiên trì với những việc làm nhỏ bé ấy của mình với mong muốn sự thật được lan tỏa và người dân dần bước qua sự sợ hãi để ý thức được trách nhiệm cũng như giá trị của mình trước vận mệnh của đất nước.

Là những bloggers, ngoài các hoạt động đường phố, chúng tôi không ngừng viết, viết và viết. Chúng tôi mở ra một cuộc chiến truyền thông với “lề đảng” và chúng tôi tự hào rằng những điều luật 79, 88, 258, thậm chí cả bộ máy cầm quyền có thể bỏ tù chúng tôi bất cứ lúc nào, nhưng chưa bao giờ bịt miệng được chúng tôi.

Ngày hôm nay, 10 tháng 12 năm 2016, ngày mà cả thế giới chào mừng Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, chúng tôi thương nhớ đến một trong những thành viên sáng lập của MLBVN đã bị bắt giam vào ngày 10 tháng 10 năm 2016. Đó là blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, là người đã có những đóng góp nhiệt tình và bền bỉ nhất cho những hoạt động của MLBVN. Vào tù để lại sau lưng 2 đứa con còn nhỏ, Quỳnh là hình ảnh rõ rệt nhất của lòng can đảm, sự dấn thân và sự hy sinh cá nhân cho tương lai của dân tộc. Hình ảnh đó cũng là tấm gương, là tâm nguyện của chúng tôi - những thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam.

*

Mạng Lưới Blogger Việt Nam

Tên tiếng Anh: The Network Of Vietnamese Bloggers.

Ngày ra mắt : 10/12/2013.


Email: mangluoiblogger@gmail.com

Thành viên đại diện: Cựu TNLT, Blogger Phạm Thanh Nghiên

Số điện thoại: 0126 599 1374.


Địa chỉ: Số nhà 17 đường liên khu Phương Lưu 8, phường Đông Hải 1, quận Hải An, Hải Phòng.

I. Một số hoạt động tiêu biểu:

- Năm 2013:

Tháng 2/2013: Khởi xướng chiến dịch Lời tuyên bố của các công dân tự do”. Sáng kiến này dựa trên tuyên bố của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên khi ông phản hồi phát biểu của ông TBT Nguyễn Phú Trọng, kết tội những người đòi dân chủ là “suy thoái”. Lần đầu tiên, một Tuyên bố ủng hộ đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội, bỏ điều 4 Hiến pháp để thiết lập một thể chế dân chủ được đông đảo người dân ký tên công khai ủng hộ. Bản TB này chỉ sau ít hôm đã thu nhận được gần 9 ngàn (9 000) chữ ký với đầy đủ họ tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân. Điều đáng mừng là trong số gần 9 000 người ký tên, đa số ở trong nước. Đây được xem là bước khởi đầu cho những người tham gia bước qua sự sợ hãi. 

- Tháng 5: Khởi xướng chiến dịchDã ngoại nhân quyềnđể trao đổi về quyền con người. Buổi dã ngoại đã được tổ chức ở Sài Gòn, Nha Trang, Hà Nội, Hải Phòng và nhiều bạn trẻ đã tham gia. Những người tham gia cuộc dã ngoại này đã công khai thảo luận về nhân quyền cũng như đi phát các bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Có một số người sau này trở thành những người dấn thân, tranh đấu đã chia sẻ rằng họ biết đến phong trào tranh đấu là nhờ tham gia cuộc dã ngoại nhân quyền này.

Tháng 7: Khởi xướng chiến dịch 258, còn gọi là “Tuyên bố 258”. Tuyên bố này “kêu gọi chính quyền Việt Nam và HĐNQ xem xét lại Điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 – “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. 

Đây là một chiến dịch lớn. Lần đầu tiên những nhà hoạt động, những blogger trong nước đích thân ra nước ngoài để vận động nhân quyền. Song song với việc các Blogger trong nước trao tuyên bố cho các Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Hà Nội, Sài Gòn và tổ chức các cuộc thảo luận nhân quyền, thảo luận về tự do ngôn luận tại nhiều nơi ở Việt Nam. Tuyên bố này nhận được sự ủng hộ của nhiều người tranh đấu và cả người dân trong nước. Lần đầu tiên hình thức ký tay được áp dụng cho một tuyên bố công khai đòi hỏi quyền tự do ngôn luận, nhân quyền. Mở ra một tiền lệ cho những tuyên bố sau này của Mạng Lưới Blogger Việt Nam với những chữ ký thật được gửi đi.

Đã có 17 tổ chức Quốc tế nhận Tuyên bố của MLBVN (Xin xem danh sách kèm theo ở đường link đã dẫn)

- Cuối năm: Khởi xướng chiến dịch Cà phê nhân quyền: Công khai mở các cuộc thảo luận về nhân quyền. Các cuộc thảo luận này còn được tổ chức ở nhiều nơi vào năm 2014.



- Mở các cuộc thảo luận công khai về điều 258 trong BLHS, còn gọi là “Cà phê 258”.

- Ngày 10/12: Ra mắt Mạng Lưới Blogger Việt Nam.

- Năm 2014:

- Tháng 3/2014: Tiếp tục mở cuộc thảo luận về Nhân quyền. Cuộc thảo luận thu hút sự quan tâm của nhiều Bloggers và một số trí thức trong nước và cả một số viên chức ngoại giao quốc tế cũng tới dự. Xin tham khảo thêm bài viết của Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Xin tham khảo nhiều thông tin tại đây: cà phê nhân quyền

- Tháng 5/2014: Một trong những thành viên sáng lập ra MLBVN là cựu TNLT, Blogger Phạm Thanh Nghiên đã đưa ra sáng kiến viết chữ trên tường với thông điệp phản đối Giàn khoan HD981, phản đối hành vi xâm lược của Trung cộng. Việc làm này đã có tác dụng không nhỏ về mặt truyền thông. Ở Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng đã xuất hiện một số nơi người ta viết chữ HD 981 gạch chéo trên tường, trên đường phố hoặc những nơi công cộng. 

- MLBVN gửi thư mời đại diện 20 hội/nhóm XHDS độc lập và đưa ra Lời kêu gọi biểu tình yêu nước của 20 tổ chức XHDS VN, chống việc Trung cộng đặt giàn khoan HD981 tại vùng biển Việt Nam. Tham gia tổ chức các cuộc biểu tình phản đối giàn khoan HD981 của Trung cộng tại Hà Nội, Sài Gòn. 



- Các thành viên MLBVN phổ biến thông điệp No-HD981 bằng cách viết chữ No-HD98 trên tường, trên bãi biển, trên áo mặc ra các điểm công cộng, đông người nhằm thu hút sự quan tâm của người dân về họa xâm lăng của Trung cộng, kêu gọi người dân đấu tranh cho vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

- Ngày 21/4/2014: Công bố Hồ sơ những người dân bị chết trong đồn công an. Tập tài liệu này bao gồm lời giới thiệu về Công ước Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc và hồ sơ của người dân bị chết trong đồn công an. Tài liệu đã và vẫn đang được MLBVN tiếp tục cập nhật dựa vào thông tin báo chí, dịch ra tiếng Anh và tiếp tục phổ biến. Tên tiếng Anh của tập tài liệu này là Stop police killing civilians”. Tập tài liệu này thu thập và tổng hợp về 31 nạn nhân chết trong các đồn công an, nơi tạm giam, tạm giữ. Hồ sơ thu thập này cũng chính là một trong những lý do được công an Khánh Hòa dùng làm chứng cứ để cáo buộc tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” đối với Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những sáng lập viên của Mạng Lưới.

- Tháng 8/2014: Khởi xướng và phát động Phong Trào Chúng Tôi Muốn Biết” (We want to know). Mở đầu Tuyên bố về Quyền được biết, viết rằng: “Tự do ngôn luận liên quan chặt chẽ tự do tiếp cận thông tin. Mỗi người dân đều có quyền tiếp cận những thông tin từ nhà nước như chính sách quốc gia, hoạt động của chính khách nhà nước và/hoặc đảng cầm quyền trên mọi lĩnh vực: giáo dục, môi trường, y tế, an sinh xã hội... đến chủ quyền quốc gia. Đó là một trong những quyền hết sức cơ bản của người dân...”

“Hãy bắt đầu từ nội dung Hiệp ước Thành Đô 9-1990.”

- Tháng 12: Vận động và lập ra nhóm gồm 20 thành viên ký tên vào Thư ủng hộ Luật sư Võ An Đôn. Bảo vệ và bênh vực người Luật sư này sau khi anh bị nhà cầm quyền khủng bố, báo chí bôi nhọ chỉ vì anh dũng cảm bênh vực cho người yếu thế. Cái tên Võ An Đôn đã được công luận đặc biệt quan tâm và ủng hộ sau lá thư của “Nhóm ủng hộ Luật sư Võ An Đôn”. Với sức ép từ công luận, Tòa án và Viện kiểm sát thành phố Tuy Hòa đã không thể thu hồi thẻ hành nghề Luật sư của Võ An Đôn như đã thông báo trước đó.

- Năm 2015:

Ngày 10/3: Khởi xướng Chiến dịch Nhân quyền (We Are One). Đây được xem là chiến dịch Nhân quyền lớn nhất từ trước tới nay mà những người đấu tranh phát động. 

Lần đầu tiên một chiến dịch lớn với sự tham gia của đông đảo người Việt trong nước cũng như trên thế giới. MLBVN đã mời được 26 hội nhóm xã hội dân sự độc lập và hơn 100 cá nhân đồng chủ xướng chiến dịch này. Đây là chiến dịch nhân quyền đông người tham gia hưởng ứng nhất, quy mô lớn nhất (cả trong lẫn ngoài nước), và kéo dài nhất (gần trọn năm 2015). Chiến dịch gồm bốn bước và có hàng chục ngàn người ký tên ủng hộ. Một trong những hoạt động đáng chú ý của chiến dịch này là cuộc “tuyệt thực, tọa kháng cho các TNLT”. Lần đầu tiên có một cuộc tọa kháng, tuyệt thực, thắp nến đồng loạt của hàng ngàn người Việt tại nhiều thành phố trên khắp các châu lục với những hình ảnh cảm động và đẹp mắt chưa từng có. Xin xem chi tết buổi Tường trình cuộc tổng tuyệt thực toàn cầu WE ARE ONE 25.07.2015 trên trang Dân Làm Báo. Điển hình là tại các nước Bỉ, Cambodia, Canada, Cộng hoà Séc, Đan Mạch, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Lào, Pháp, Phần Lan, Tân Tây Lan, Úc, Na Uy, Việt Nam. Theo tổ chức Những Người Bảo vệ Quyền Dân sự (Civil Rights Defenders) của Thụy Điển, "đây là một trong những chiến dịch về nhân quyền tinh vi nhất mà Việt Nam chứng kiến, đã được nhìn thấy rộng rãi từ trong nước ra đến hải ngoại".

- Tháng 11: Soạn lời kêu gọi biểu tình ôn hòa phản đối chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình. Cuộc biểu tình ngày 5/11 sau đó đã diễn ra tại Sài Gòn và Hà Nội.

Năm 2016: 

- Tham gia vào cuộc chiến chống lại tập đoàn xả thải Formosa, các hoạt động bảo vệ môi trường: 

Các thành viên MLBVN tham gia biểu tình chống Formosa tại Sài Gòn, Hà Nội. Cuộc biểu tình ngày 1 và 8/5, một số thành viên tham gia biểu tình đã bị đánh đập, đàn áp, bị bắt và câu lưu, đánh đập trong đồn công an như Huỳnh Anh Tú, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Cuối tháng 6/2016: Đưa ra Tâm tình và lời kêu gọi của Mạng Lưới Blogger Việt Nam”, kêu gọi người dân Việt Nam hãy “đồng lòng, đoàn kết đứng lên bảo vệ môi trường, đòi hỏi Formosa rời khỏi Việt Nam và truy tố những thành phần có trách nhiệm”.

* Về truyền thông: Các thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam liên tục cập nhật thông tin, đặc biệt là các bài viết phản biện, phân tích, bày tỏ quan điểm xung quanh vụ Formosa gây ra thảm họa môi trường. Thực hiện một số phóng sự về vấn đề môi trường. Đặc biệt là cuộc phỏng vấn người thân của anh thợ lặn Lê Văn Ngày, người đã tử vong vì nhiễm độc khi làm việc trong khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Cuộc phỏng vấn do thành viên MLBVN là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thực hiện và được xem là cuộc phỏng vấn duy nhất của phe “lề dân” với người thân người thợ lặn xấu số này.

* Hoạt động đường phố: Khi các cuộc biểu tình số đông bị đàn áp nặng nề, MLBVN đã áp dụng hình thức đấu tranh bất bạo động với thuật ngữ quốc tế là “hit and run” (đánh và chạy, đánh nhanh rút lẹ). Các cuộc biểu tình du kích với số lượng chỉ vài người tham gia, địa điểm tại những nơi đông người và giơ biểu ngữ nội dung chống Formosa, yêu cầu những thành phần có trách nhiệm phải từ chức. Hình thức đấu tranh này đã được phổ biến và thực hiện nhiều lần vào tháng 7, tháng 8 tại một số nơi như Sài Gòn, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Nha Trang do chính các thành viên MLB thực hiện cùng với một số người hoạt động khác.

* Thành quả: Đáp lại Lời tâm tình và kêu gọi của MLBVN, ngày 30/7/2016, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết và Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tổ chức một buổi hội thảo với đề tài "Câu chuyện Formosa và âm mưu của Trung cộng trong việc Hán hóa VN" tại trụ sở Cộng đồng Người Việt Quốc Gia thành phố Houston và vùng phụ cận, số 7100 đường Clarewood Dr., Houston TX 77036. 

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết cũng đã tiến hành thành lập một tổ chức chuyên môn Bảo vệ Môi trường Việt Nam.

- Ngoài những chiến dịch cụ thể do chính mình khởi xướng, phát động, MLBVN còn tham gia nhiều hoạt động khác kể từ khi thành lập. Các cuộc vận động nhân quyền, vận động trả tự do cho TNLT, các cuộc gặp gỡ với chính giới nước ngoài, với đại diện các tổ chức nhân quyền và truyền thông quốc tế liên tục được các thành viên MLBVN ở hải ngoại cũng như các thành viên trong nước thực hiện không ngừng suốt mấy năm qua.

II. Đàn áp:

Các thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam nhiều lần bị hành hung, bị bắt bớ, bị câu lưu nhiều giờ đồng hồ, bị tra tấn trong đồn công an khi tham gia các hoạt động đường phố, các chiến dịch do chính MLBVN khởi xướng hay tại các cuộc biểu tình ôn hòa. Những gương mặt bị đánh đập, bị bắt bớ nhiều nhất trong gần 4 năm qua có thể kể đến các Blogger như Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Thanh Nghiên, Dương Đại Triều Lâm, Trịnh Kim Tiến và nhiều thành viên khác.

Vụ đàn áp nặng nề nhất có thể kể đến vụ bắt giam Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày 10/10/2016 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

III. Giải thưởng: (đối với các cá nhân thành viên trước khi thành lập MLBVN)

1. Giải thưởng Nhân quyền do tổ chức Human Rights Watch (HRW) trao tặng năm 2009 cho Phạm Thanh Nghiên khi cô còn đang trong tù. Giải thưởng Nhân quyền của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao tặng cho Phạm Thanh Nghiên vào cuối năm 2012.

2. Giải thưởng Nhân quyền trao cho Nguyễn Hoàng Vi của Tổ chức theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) năm 2013.

3. Giải thưởng Người bảo vệ Dân quyền của năm của tổ chức Civil Right Defender cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh năm 2015.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo