Chiến lược xoay trục về Châu Á của Obama sẽ đi về đâu? - Dân Làm Báo

Chiến lược xoay trục về Châu Á của Obama sẽ đi về đâu?

Ls Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Tám năm trước đây khi Obama tuyên thệ nhậm chức, cả thế giới vui mừng chào đón tân tổng thống với bao niềm hân hoan và hy vọng. Lần đầu tiên trong lịch sử có một vị tổng thống Mỹ da đen chứng thực Hoa Kỳ là một đất nước phi thường nơi mà mọi người có thể đạt được bất cứ giấc mơ nào nếu họ thực tâm bỏ công theo đuổi.

Sử gia sẽ đánh giá thành công và thất bại của Obama qua hai nhiệm kỳ. Nhưng trước mắt thì di sản chính sách đối nội Obamacare đang bị đe dọa trầm trọng. Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ do Đảng Cộng Hòa kiểm soát đã bắt đầu thông qua một số điều luật chuẩn bị cho tiến trình hủy bỏ Đạo Luật Obamacare. Hoa Kỳ và người Mỹ vẫn có nhiều dấu hiệu chia rẽ đặc biệt là với chiến thắng bất ngờ của Donald Trump. Ước lượng là có hàng trăm ngàn người tụ về thủ đô Washington để tham dự Lễ Nhậm chức của Trump. Nhưng ngay sau đó cũng có hàng triệu người biểu tình phản đối.

Về mặt đối ngoại, thành tựu của Obama xem ra có vẻ khá khiêm nhường. Chưa đầy 8 tháng sau khi nhận chức, Obama nhận giải Nobel cho quyết định chấm dứt hai cuộc chiến tại A phú hãn và Iraq. Obama coi trọng thỏa thuận hạt nhân với Iran nhưng vẫn còn có nhiều câu hỏi về khả năng ngăn chận Iran phát triển vũ khí nguyên tử dưới thỏa thuận này. Đúng là Obama đã thành công nối lại quan hệ với Cuba nhưng quốc gia cộng sản nhỏ bé này hầu như đã bị thế giới (ngoại trừ Việt Nam) quên lãng.

Nhiều người hy vọng là thái độ và phong cách hòa nhã, khiêm tốn của Obama sẽ hóa giải được phần nào mâu thuẫn giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo. Nhưng sự lơ là của Mỹ dưới thời Obama đã tạo cơ hội cho tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) sinh trưởng. Tuy không có tấn công khủng bố thành công tại Mỹ nhưng các quốc gia ở Châu Âu gồm có Pháp, Đức, Bỉ và Thổ Nhĩ kỳ đều là nạn nhân của ISIS. Tranh chấp giữa Do Thái và Palestine mà một số chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng là nguồn gốc của sự mâu thuẫn giữa phương Tây và thế giới Hồi Giáo dẫn đến nạn khủng bố chẳng những không tiến triển mà ngày càng trầm trọng hơn. Một phần là do chính sách diều hâu của Thủ Tướng Do Thái Benjanim Netanyahu nhưng phần lớn là vì sự do dự hoặc thiếu quyết đoán của Obama trong quan hệ song phương với Do Thái. Có thể nói, ngoại trừ quyết định ra lệnh cho biệt kích Mỹ tiến vào Pakistan ám sát Osama Bin Laden thì sự do dự hoặc thiếu quyết đoán là đặc điểm chính trong chính sách ngoại giao Obama. Từ cuộc xâm chiếm Crimea của Nga, bãi cạn Scarbourough của Trung Quốc và việc sử dụng vũ khí hóa học của Assad tại Syria, Obama đã phản ứng một cách quá thận trọng làm cho các đối thủ như Nga và Trung Quốc ngày càng tự tin và dạn dĩ hơn.

Một điểm tích cực trong chính sách ngoại giao của Obama là chiến lược xoay trục (sau này được gọi là tái cân bằng) về Châu Á - Thái Bình Dương được chính thức công bố khi Obama đọc diễn văn trong Quốc Hội Úc vài cuối năm 2011. Trưởng thành từ Hawaii, Obama luôn tự hào là tổng thống đầu tiên xuất thân từ Thái Bình Dương. Cùng lúc với rút quân khỏi Iraq và A Phú Hãn, Obama cam kết chuyển 60% lực lượng hải quân về Thái Bình Dương. Nguyên nhân chính là do sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc làm các nước trong khu vực ngày càng lo ngại và mong muốn Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện để làm thế lực đối trọng. Mặt khác, đây là khu vực có tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược trong bối cảnh Hoa Kỳ đang trải qua tình trạng kinh tế suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới. Nếu Hoa Kỳ không chứng minh quyết tâm sát cánh đối với các quốc gia đồng minh và thân thiện tại châu Á, các nước đó có thể phải xét lại lập trường và chuyển hướng đi vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Chiến lược xoay trục gồm có 3 vế: quân sự, ngoại giao và thương mại. Về mặt quân sự, Hoa Kỳ công bố luân chuyển 2,500 lính thủy quân lục chiến tại căn cứ Darwin của Úc. Ngoài ra, hải quân Mỹ sẽ đưa 4 tàu chiến ven biển (littoral combat ships) vào đậu tại Singapore. Thứ ba, Mỹ đạt thỏa thuận với Phi Luật tân về việc sử dụng các căn cứ quân sự tại những địa điểm chiến lược gần Trường Sa. Mỹ cũng đang thương lượng với Ấn độ về quyền sử dụng các căn cứ và phương tiện hậu cần cho hải quân Mỹ thi hành nhiệm vụ trong khu vực trải dài hai đại dương từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Ngoài các quốc gia đồng minh, Mỹ cũng tiến hành thắt chặt quan hệ quân sự với các nước khác trong vùng gồm có Nam Dương, Mã Lai và Việt Nam cũng như hỗ trợ các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc phương tiện tuần tra và theo dõi gồm có các tàu tuần duyên và hệ thống radar. Tuy ngân sách quốc phòng bị cắt giảm theo yêu cầu của Quốc Hội nhưng ngân sách dành cho an ninh tại Châu Á không bị ảnh hưởng. Kế hoạch xây dựng và duy trì lực lượng hải quân gồm có 313 tàu chiến và 33 tàu đổ bộ cho thủy quân lục chiến vẫn được thi hành. Để chống lại chiến thuật chống tiếp cận (anti access) của Trung Quốc, các nhà quân sự Mỹ đã bắt đầu khai triển khái niệm không-hải chiến (air-sea battle concept) kết hợp các lực lượng không quân và hải quân một cách nhịp nhàng và hiệu quả. Mỗi một bước đi mới xem có tính biểu tượng nhưng tổng hợp lại thì là một sự thay đổi đáng kể.

Về mặt ngoại giao, chính sách xoay trục chú trọng đến hai điểm: tiếp cận và tham gia vào các cơ chế đa phương trong khu vực và xử lý tốt đẹp quan hệ Mỹ-Trung. Trong 3 năm đầu, Ngoại Trưởng Hillary Clinton viếng thăm các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình dương nhiều lần hơn 3 ngoại trưởng Hoa Kỳ trước đó. Từ năm 2009 thì Mỹ đã quyết định ký kết Hiệp Ước Thân Thiện và Hợp Tác với ASEAN mở đường cho Tổng Thống Obama tham dự cuộc họp lãnh tụ thường niên giữa Mỹ và ASEAN đầu tiên và Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á vào năm 2011. Cuộc họp lãnh tụ thường niên được nâng cấp thành Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ - ASEAN vào năm 2013. Vào tháng 11 năm 2015, Mỹ và ASEAN công bố quan hệ đối tác chiến lược. Theo lời mời của Obama, lãnh tụ ASEAN tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh đặc biệt tại Sunnylands California vào tháng 2 năm 2016. Từ năm 2009 tới 2016, Obama thăm viếng tất cả 14 quốc gia trong khu vực, nhiều hơn tất cả so với các vị tổng thống tiền nhiệm. Vào tháng 5 năm 2013, Tổng thống Thein Sein của Miến Điện đến Washington sau 45 năm gián đoạn quan hệ ngoại giao. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “hội đàm sơ-mi" (shirtsleeve summit) với Obama vào năm 2014. Đặc biệt là vào tháng 7 năm 2015, Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng được Obama tiếp đón tại Nhà Trắng mở ra một chương mới trong quan hệ bang giao giữa hai nước cựu thù.

Obama đề ra hai mục tiêu trong quan hệ với Trung Quốc. Một mặt là thắt chặt quan hệ hợp tác nhưng cùng lúc tăng cường lực lượng quân sự và ngoại giao để ngăn cản hành vi lấn lướt của Trung Quốc cũng như tạo niềm tin cho các quốc gia khác trong khu vực. Về mặt này thì mức độ thành công của Obama chỉ có giới hạn. Thật ra, Trung Quốc coi chính sách xoay trục là nhằm để kiềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc và họ đã thi hành những kế sách đáp trả bằng cách lấn chiếm các đảo tại Biển Đông để chi phối và chiếm ưu thế chiến lược trong khu vực. Mỹ đã phản ứng bằng các chuyến tuần tra tự do hàng hải nhưng không ngăn cản được ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Nhìn chung thì quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Obama vẫn còn nhiều thách thức.

Vế thứ ba là về mặt thương mại, vừa là nguyên nhân mà cũng là công cụ của chính sách xoay trục. Sau nhiều năm thương thuyết gian nan, Mỹ đã lèo lái 11 quốc gia khác trong khu vực đạt thỏa thuận TPP bằng cách sử dụng thị trường rộng lớn cũng như đầu tư kỹ thuật làm miếng mồi. Đổi lại, các đối tác (trong đó có Việt Nam) chấp nhận cho Mỹ viết điều luật đặt tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch, cạnh tranh công bằng, quyền lao động và bảo vệ môi sinh. Obama là lãnh tụ thích khai triển quyền lực mềm và coi TPP như là công cụ chính của chiến lược xoay trục. Thượng lượng thành công TPP là một thành tựu đáng kể trong chính sách ngoại giao châu Á nói riêng cũng như chính sách ngoại giao nói chung của Obama.

Như Obamacare, di sản TPP của Obama đã bị Trump khai tử ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Đáng tiếc là Obama đã không dồn mọi nỗ lực kết thúc đàm phán sớm hơn để có thể yêu cầu Quốc Hội thông qua trước khi Mỹ bước vào mùa bầu cử. Đúng là mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên. Không có TPP thì chính sách xoay trục mất một trong cái kiềng ba chân. Thế giới chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng trong đầu năm 2017. Trong khi tân Tổng Thống Mỹ Donald Trump theo đuổi chính sách bảo hộ lỗi thời thì Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn Đàn Kinh tế Thế giới Davos là Trung Quốc sẵn sàng mở cửa thị trường để giúp kinh tế thế giới phát triển. Vai trò lãnh đạo dường như bị đảo ngược. Nếu 2016 là một năm đầy biến cố thì có lẽ sẽ còn có nhiều biến động bất ngờ trong năm 2017.

28.01.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo