Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Nhân dịp Xuân Đinh Dậu - 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài khá dài, trả lời phỏng vấn TTXVN. Có lẽ ông vừa muốn lên gân cho toàn đảng của ông, toàn xã hội, nhưng có thể chỉ tự cố lên dây cót cho chính mình, vì hoảng sợ tương lai, giống như người tự hò hét khi đi ngang nghĩa địa một mình.
Ông khẳng địng lập trường trung thành trước sau như một với chủ nghĩa quốc tế vô sản, với chủ nghĩa Mác-Lê nin- Mao Trạch Đông, trước chuyến đi "thăm" do triệu tập đột ngột (gọi là mời) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong bài trả lời phỏng vấn này, có một điều đáng chú mà ông nhấn mạnh, rằng:
"Trước đây, khi nói đến nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ, thường nói đến âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã thẳng thắn chỉ rõ, phân tích sâu sắc tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ" "Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty... có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc".
Đây là một nhận thức hoàn toàn mới của đảng, có nghĩa là của bộ chính trị, trung ương đảng, hay của chính bản thân ông, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Diễn biến hoà bình không phải do âm mưu của thế lực thù địch, cũng không còn phải là suy thoái tư tưởng đạo đức, mà đã thành tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ, và có khả năng đã biểu hiện thành một bộ phận nằm ngay trong các cơ quan trung ương của đảng̣. Không có kẻ địch nào phá từ bên ngoài, chỉ là do "chính ta đánh ta", sự mục ruỗng từ trong ra.
"Cái mới của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là đưa ra nhận diện thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị, thế nào là tự diễn biến, tự chuyển hóa".
"Không phải từ bên ngoài", đây là lực lượng tự chuyển hoá nhận thức, chuyển hóa lập trường, chuyển hoá lòng tin vào chủ nghĩa, là sự xác nhận rằng chủ ngĩa Mác-Lênin, nền tảng tư tưởng chế độ đã không còn giá trị thống soái, đã mất vai trò độc tôn, cũng là thưà nhận đang tồn tại hay bắt đầu xuất hiện tình trạng giành giật chân lý giữa lý thuyết Mác-Lênin và các xu hướng tư tưởng dân chủ khác. Điều mà chưa bao giờ trong lịch sử 30 năm đổi mới, đảng cộng sản chịu thừa nhận: "...Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng.." Hình như ông nói tới hiện tượng đa đảng ngay trong chính nội bộ đảng?!
Nhưng nếu ông đánh giá sự thay đổi bắt đầu có hơi hướng về chất, thì các nhóm giải pháp mà nghị quyết 4 lần này đề ra lại vẫn không có gì mới. Vẫn là bốn nhóm, và vẫn "cơ bản, chủ yếu, quyết định là nhóm công tác tư tưởng".
Nghị quyết 4 viết thế này:
"1- Về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình
1) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh"...
2- Về cơ chế, chính sách
3- Về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng
4- Về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ".
Và vì không có gì mới, khác với bốn nhóm giải pháp cổ điển này, thì đương nhiên là:
- Suốt 30 năm, suốt 6 nhiệm kỳ đại hội liên tiếp nhau"sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết" và "...Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, mức độ "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trầm trọng hơn..."
Và điểm cuối cùng tất yếu sẽ đến là sự tan rã không tránh khỏi của đảng và sụp đổ tan tành của chế độ.
Cứu cánh duy nhất của chế độ, cũng là bấu víu cuối cùng chính danh cầm quyền còn lại của đảng là tăng trưởng kinh tế, là sự tìm kiếm từ tăng trưởng một cách lôi kéo lạc hướng sự tức giận của quần chúng nghèo đói vào sự khốc liệt của cuộc săn tìm sinh kế.
Ông Trọng biết rõ rằng, "Trước hết phải có đời sống no đủ thì người dân mới yên tâm, tin tưởng được, đất nước có bình yên thì mới phát triển được". và "Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa làm cho tổ chức đảng và bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, vừa phát triển được kinh tế; xã hội ổn định; đất nước không ngừng phát triển đi lên."
Nhưng cái khó khăn cũng rất "cơ bản" là tầng lớp lãnh đạo của đảng hiện rất thiếu kiến thức cơ bản về khoa học kinh tế. Bản thân tổng bí thư chỉ biết lý thuyết xây dựng đảng và thực tiễn kinh qua duy nhất của ông là viết và biên soạn lý thuyết xây đựng đảng. Đứng đầu chính phủ là một người, nếu không kể tới 5 năm bổ túc công nông khi tập kết ra Bắc lúc 13 tuổi, thì bằng cử nhân kinh tế của ông chỉ đi lên từ trình độ lớp ba phổ thông. Đứng đầu thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh, người kế cận tổng bí thư đảng, lại là nhân vật leo vào lãnh đạo chỉ vì từng là chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, vào bộ chính trị chỉ nhờ câu trả lời các nhà báo Ấn độ rằng "Việt Nam chưa có nhu cầu và không có nhu cầu đa đảng". Những người này không làm cải cách kinh tế được, vì họ không biết gì nhiều lắm về kinh tế, nhất là kinh tế thị trường. Mà không làm cải cách thì không có tăng trưởng.
Thực tế sẽ không có tăng trưởng và sẽ không còn tăng trưởng nữa.
Ngày 17/10/2016, chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc buộc phải trình QH xin rút chỉ tiêu vì "không thể đạt được mức tăng trưởng 6,7%. Chính phủ sẽ quyết tâm đạt 6,3-6,5%":
Cuối cùng, báo cáo cuối năm cuả bộ tài chính, tăng trưởng chỉ đạt 6,21%, trong khi, sự thật, theo ngân hàng thế giới thì chỉ đạt 6,1%.
Điều này phản ánh nền kinh tế đã không còn động lực, bắt đầu chuỗi suy thoái.
Nhưng, một nghịch lý khó hiểu, là ngày16/12/2016 Chính phủ giao chỉ tiêu năm 2017 tăng trưởng 6,7%. Nó kỳ lạ giống như cái bằng cử nhân kinh tế của ngài Thủ tướng vậy.
Theo tập quán, kế hoạch của năm sau dựa trên các số liệu thống kê vào cuối quý ba của năm trước. Con số 67% này căn cứ trên các tính tóan dựa vào con số các doanh nghiệp mới đăng ký trong năm 2016, và số vốn đăng ký kinh doanh được dự kiến tăng vọt, đặc biệt từ khu vực đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), cùng với các chỉ tiêu đăng ký kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu từ giữa quý ba năm 2016. Những dự kiến kế hoạch này là kết quả tác động bởi chiến lược đón đầu TPP, dự kiến sẽ được phê chuẩn chậm nhất vào quý một năm 2017, đem lại khả năng xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 28%.
Báo VTV điện tử ngày 24/09/2016: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 9 tháng vừa qua, cả nước có gần 81.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đăng ký 630.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước. Dự kiến, năm nay sẽ có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử nước ta".
Tất cả đều là các con số dự kiển và trên thực tế đang trở thành các con số ảo, vì triển vọng sẽ phá sản cùng với sự ra đi của tổng thống OBAMA. Cả Thượng và Hạ viện Mỹ đều đã quyết định không thông qua TPP, và tất cả các hiệp định thương mại song phương cũng sẽ được xem xét lại theo hướng bảo hộ nền kinh tế Mỹ.
Các rào cản kinh tế sẽ có thể thay đổi, thuế nhập khẩu vào Mỹ sẽ tăng vọt, các tiêu chí chống phá giá với các nền kinh tế chưa được gọi là thị trường, như nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam sẽ rất gay gắt. Tất cả những điều này sớm hay muộn sẽ tác động tới khả năng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam không chỉ vào thị trường Mỹ, mà cả trên thị trường châu Âu và tất cả các thị trường tiềm năng khác.
Tại Việt Nam, vốn đầu tư FDI sẽ dừng lại, hoặc ít nhất cũng sẽ chậm lại, nghe ngóng, thăm dò. Vốn huy động của các doanh nghiện nội địa sẽ không có lối thoát vì thiếu hụt ngân sách, và nhất là nếu thị trường xuất kẩu bế tắc, thì sản xuất sẽ buộc phải chậm lại, lao động sẽ dư thưà, kéo theo hàng lọat những hệ luỵ khác, tín dụng giảm, giá thị trường giảm, lạm phát xuống thấp kỷ lục.
Theo báo Dân Trí 24/12/2016: "số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 19.917 DN, tăng 4.268 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước (27,3%). Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không thời hạn hoặc chờ giải thể của cả nước là 40.750 DN, giảm gần 15.000 DN so với cùng kỳ (giảm 26,9%)."
Trung Quốc cũng sẽ chịu ảnh hưởng rất xấu do đối phó với các chính sách kinh tế mang nhiều mầu sắc chủ nghĩa dân tộc của Trump. Dự kiến nền kinh tế Trung Quốc năm 2017 sẽ giảm sâu xuống dưới 5,5-5,7%. Khả năng hấp thụ của nền kinh tế khổng lồ này giảm trầm trọng, ảnh hưởng lớn tới mức tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, khu vực ASEAN và đặc biệt Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam trong khoảng hai quý đầu năm 2017 có thể vẫn giữ đựợc mức sản xuất, nhưng sẽ mất đà và trượt sâu từ giữa quý ba, và sẽ suy giảm vào cuối năm. Chỉ tiêu tăng trưởng có thể chỉ đạt được không quá 5,5%. Những khó khăn bắt đầu từ cuối năm 2017 sẽ tăng mức trầm trọng vào năm 2018, khởi đầu cho chuỗi năm suy giảm, không thể khắc phục vào những năm tiếp theo.
Rõ ràng, duy trì tăng trưởng không thề chờ đợi những cú hích từ bên ngoài. Tính cạnh tranh của nền kinh tế không thể trông chờ vào chính sách can thiệp phản thị trường của Nhà nước thông qua các chỉ thị, các nghị quyết của đảng, dù là cả của bộ chính trị. Tính cạnh tranh phải có xuất xứ từ năng suất lao động, từ trình độ tiên tiến cuả công nghệ, từ hàm lượng chất xám trong sản phẩm, không bằng sự hy sinh môi trường, hy sinh quyền lợi của người lao động, của phúc lợi xã hội.
Giải pháp cấp bách có hiệu quả trực tiếp là giải phóng khối tài sản khổng lồ đang thuộc hệ thống các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty quốc doanh. Gần 70% tổng tài sản quốc gia do hệ thống này nắm giữ từ 30 năm nay không sinh lợi, năng suất lao động không những không tăng mà giảm dần, trong khi tài sản công biến dần vào trong tay các cá nhân, làm giàu bất chính cho các quan chức được đảng giao quyền thay phiên nhau thao túng.
Nếu đảng cộng sản vẫn kiên trì chủ trương kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã phát triển thành lực lượng kinh tế quyết định, không chỉ dừng ở mức nắm giữ trên 70% tổng tài sản quốc gia như hiện nay, thúc đẩy lộ trình hoàn thành thời kỳ qúa độ xây dựng cơ sở vật chất cho một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, bắt đầu vào giữa thế kỷ XXI, thì nguy cơ nền kinh tế phá sản hoàn toàn cùng với sự sụp đổ của chế độ là không thể tránh khỏi.
Mâu thuẫn giữa tính hiệu quả của quản trị kinh tế theo nguyên tắc Chính phủ nhẹ với chủ trương tập trung tuyệt đối hóa quyền lãnh đạo và kiểm soát kinh tế vào trong tay đảng, đang tạo ra sự giẫm đạt, chồng chéo giữa hai hệ thống, khoét sâu vết nứt bắt đầu xuất hiện giữa ông Phúc và ông Trọng. Ông Trương Hoà Bình, một thứ cảnh sát mật vụ của đảng cài vào Chính phủ đang gây rối và hàng lọat khó chịu cho ông Phúc.
Trung Quốc lo sợ ông Trump, và chính phủ của chế độ cộng sản Việt Nam lo sợ trước những gì ông Trump có thể sẽ làm. Cả hai nền kinh tế độc đảng này có một hệ thống Doanh nghiệp quốc doanh chiếm trên dưới 70% tổng tài sản quốc dân, một ngân hàng trung ương không độc lập, trợ giá và in tiền theo lệnh đảng chính trị cầm quyền. Cả hai sẽ phải bị xét lại bởi chính sách kinh tế mang mầu sắc bảo hộ thị trường của Tân tổng thống Mỹ.
Cả hai nền kinh tế có hàm lượng tham nhũng nhất nhì Hành tinh. Cả hai chế độ chính trị có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất. Cả hai hệ thống cai trị mà tỷ lệ tham nhũng và vi phạm nhân quyền trong hàng ngũ̉ các quan chức cao cấp là cao nhất, theo Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu mà Quốc hội Mỹ vừa phê chuẩn ngày 8/12/2016, sẽ là hai quốc gia có số lượng các hàng ngũ lãnh đạo cao cấp rơi vào đối tượng bị Chính phủ Mỹ cấm vận và phong toả tài sản. Sẽ khó có những chuyến thăm cao cấp diễn ra giữa Mỹ và hai quốc gia này. Sẽ không còn những chuyến thăm nhằm "nâng cấp quan hệ " giữa hai quốc gia này với Mỹ, ít nhất trong một vài năm tới. Đây là đòn đánh tệ hại nhất mà chế độ độc đảng cộng sản Việt nam, xưa nay vẫn khư khư giữ chính sách ngoại giao "đi giây", buộc phải ngậm đắng nuốt cay.
Ngày 20/01/2017 tới đây, ngày mà tổng thống mới của Mỹ, ông Donald Trump chính thức chấp chính, có thể bắt đầu chuỗi ngày cay đắng nhất đối với hai cái chế độ, lươn lẹo nhất Hành tinh, chống lại quyền con người.
Một "equipe Obama-Kerry" là cơ hội ngàn năm để thoát Trung cho Việt Nam, nhưng đã bị cái đầu óc tăm tối của ông Trọng và đảng cộng sản bỏ lỡ. Dưới con mắt chiếu yêu của Donald Trump, Trung Quốc và Việt Nam cộng sản trở lại nguyên hình là những con yêu quái. Quy luật ngàn đời, "Quái nhân tất hữu Quái nhân Trị."
Điều có thể dự đoán là Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng sẽ bàn bạc những gì để đối phó với Mỹ, trong chuyến thăm đột ngột của ông Trọng tới Bắc Kinh trong tháng Một này. Sẽ gác lại xung đột và tranh chấp biển Đông, làm ngơ quyền chủ quyền, liên kết chặt chẽ để giữ vững hệ thống ý thức hệ vô sản và chủ nghĩa Mác-Lênin-MaoTrạch Đông "vô địch" chống lại "chủ chĩa đế quốc Mỹ" mới(?!).
Việt Nam sẽ một lần nữa bị trói chặt vào sợi dây ý thức hệ cộng sản để trở thành con rối trong tay Bắc Kinh.
Nhưng ông Trọng sẽ có thể làm được gì, nếu, tới đây, Mỹ sẽ không thừa nhận cái thể chế đảng nằm trên Nhà nước, một thứ thể chế mà bên trên Nguyên thủ, bên trên Lập pháp lại tồn tại một kẻ vô danh không tương ứng với bất cứ ai trong hệ thống chính trị thông thường của Loài người tiến bộ. Nếu loài người có một thứ Hiến Pháp chung, thì cái đảng của ông là một đảng vi hiến, một loại đảng chống lại pháp luật nhân loại. Nếu có thể tồn tại một Toà án toàn cầu, theo Hiến pháp toàn cầu, thì cả 4,5 triệu đảng viên của ông sẽ phải vào tù.
Sẽ không có ai trên thế giới tiếp ông công khai nữa, ngoài Trung Quốc.
John Kerry, trước khi rời khỏi chính trường, giành cho Việt Nam chuyến tâm sự cuối cùng, trong chuyến thăm sắp tới. Ông sẽ nói, "Good By the govemment by political parties".
Jhon McCain là người trình Quốc hội phê chuẩn đạo luật Magnisky, chính là thông điệp cuối cùng với chế độ cộng sản gian trá và lèo lá, đã tước đi của ông những thiện chí cuối cùng.
Hai đạo luật cuối cùng mà ông Obama ký phê chuẩn trước khi rời ghế tổng thống Mỹ (Luật nhân quyền Magnisky ký ngày 8/12/2016 và Luật chống tuyên truyền và thông tin sai lệch ký ngày 23/12/2016) là hai đạo luật chống lại những chế độ và những cá nhân vi phạm nhân quyền, cũng là những thông điệp cuôí cùng đối với chế độc đảng cộng sản, mà trước hết là Việt Nam.
Những người Mỹ cuối cùng hy vọng ở sự tự cải cách lương thiện của đảng cộng sản Việt Nam đã không còn đủ kiên nhẫn. Họ đã buộc phải làm những điều cần làm và đáng lẽ phải làm từ sớm hơn.
Ông Trọng buộc phải đi Trung Quốc ngay từ đầu năm, và ngay trước khi ông Donald Trump cầm quyền là chuyện không khó giải thích. Vì ông còn có thể đi đâu, kiếm những hạt thóc thưà rơi vãi ở chỗ nào. Ông là con Gà què rồi. Quanh quẩn cái cối xay, mà chính nó cũng đã sắp mục ruỗng.
11/01/2017