Đinh Yên Thảo (Danlambao) - Trong một xã hội mà hiến pháp đã xác định rõ quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và quyền biểu đạt ý kiến của người dân cần được cổ xúy và bảo vệ mà không bị trấn áp, truyền thông Hoa Kỳ đã giữ một vị trí quan trọng trong các hoạt động quốc gia. Không chỉ đóng vai trò cung cấp thông tin đến người dân, truyền thông Hoa Kỳ còn được xem là một "cơ chế chính trị" không chính thức để giám sát và tranh luận với chính phủ về các chính sách quốc gia, điều đã và đang diễn ra hiện nay cùng tân nội các.
Thuật ngữ "Đệ tứ quyền" được học giả người Pháp Alexis De Tocqueville đưa ra từ hơn trăm năm trước, ám chỉ thứ "quyền lực" thứ tư của người dân thông qua báo chí, truyền thông tư nhân - là những tổ chức dân sự không nằm dưới sự quản trị và điều hành của nhà cầm quyền như tại các quốc gia độc tài và cộng sản. Không có quyền lực thật sự như các cơ cấu chính phủ, nhưng nền tự do báo chí đã cho người dân một phương tiện hữu hiệu trong việc thông tin và giám sát các chính sách cùng công việc điều hành quốc gia, từ những các cấp chính quyền dân cử địa phương cho đến liên bang, nội các chính phủ. Có thể xem truyền thông Phương Tây hay Hoa Kỳ nói riêng đã thay mặt người dân để đòi hỏi tính minh bạch và công khai hóa của chính phủ, có quyền phản biện, chỉ trích các chính sách đi ngược lại hiến pháp, các giá trị dân chủ cùng quyền lợi của quốc gia hay người dân. Đạo luật về quyền tự do được minh bạch thông tin FOIA (Freedom of Information Act) ra đời năm 1966 đã cho phép người dân quyền yêu cầu và được cung cấp các hồ sơ, tài liệu của các cơ quan chính phủ trong việc điều hành quốc gia như vậy. Ngoại trừ một số biệt lệ về các thông tin riêng tư cá nhân hay có thể làm phương hại đến kinh tế và an ninh quốc gia, tiết lộ bí mật các hoạt động cơ quan công lực, pháp lý, còn lại thì đại chúng có quyền xem xét hầu hết các hồ sơ, hoạt động của chính phủ. Đây không chỉ là một quyền luật định của người dân mà cho thấy khả năng che giấu, bưng bít thông tin khó lòng xảy ra ở quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ. Với quyền hiến định và luật định, giới truyền thông Hoa Kỳ có trong tay một vũ khí lợi hại để chống lại bất cứ manh nha độc tài, bịt miệng truyền thông nào.
Trên thực tế, cũng cần ghi nhận rằng, tính chất tư nhân và tự do của truyền thông Hoa Kỳ, đã dẫn đến việc có không ít tờ báo hay truyền thanh, truyền hình mang những tôn chỉ, xu hướng và mục đích chính trị khác nhau. Những cơ quan truyền thông này tất nhiên có những giới độc giả hay khán thính giả khác nhau, nhưng tựu trung sẽ tự giới hạn số lượng nếu chúng chỉ nhắm đến việc phục vụ cho một nhóm độc giả, khán thính giả có cùng quan điểm và ủng hộ các vấn đề mà các cơ quan truyền thông này đưa ra một cách quá khích hay một chiều. New Yorker, Slate, Daily Show, Guardian có thể xem là cực tả, trong khi Drudge Reports, Breibart News cùng các chương trình truyền hình như Rush Limbaugh, Sean Hannity là cực hữu, theo như thứ tự về mức độ tấn công phe đối lập. Cực tả hay cực hữu, đều mang tính cực đoan, không đóng vai trò cung cấp thông tin một cách trung thực và mang trách nhiệm chức nghiệp. Cực tả dẫn đến sự hỗn độn, vô kỷ luật, trong khi cực hữu sẽ dẫn đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phát xít. Chúng thỏa mãn cho một số người chỉ hài lòng với các thông tin hay quan điểm phù hợp với họ, bất kể tính chính xác hay trung thực cần có. Còn lại, phải thừa nhận phần lớn những hệ thống truyền thông lâu đời và uy tín, muốn tồn tại và giữ được mức tín nhiệm cao nhất có thể, họ luôn hiểu rằng, để phục vụ và thuyết phục phần đông độc giả hay khán thính giả có những xu hướng chính trị khác nhau hay mang tính độc lập, thông tin mà họ mang đến cần có tính xác thực cao. Dù ít nhiều khuynh tả như CNN, NBC hay khuynh hữu như Fox News, các hệ thống truyền thông này cũng đã đi theo xu hướng nói trên. Người xem CNN ắt dễ nhận ra điều này, khi các cuộc tranh luận về các vấn đề hay chính sách quốc gia gây nhiều tranh cãi, thường có mặt diễn giả từ cả hai bên bênh chống hơn là chỉ một chiều. Phần người dân phi đảng phái, không ngoại trừ từ cả hai phía Cộng Hòa và Dân Chủ, thì có xu hướng nhắm đến các tin tức từ CBS, ABC News, WSJ hay USA Today, được xem là khá trung dung và độc lập. Nếu phân loại dựa trên quan điểm xã hội của độc giả và khán thính giả Mỹ thì phần lớn các hệ thống truyền thông Hoa Kỳ ít nhiều thiên tả (source: Pew Research Center). Nhưng ở đây cũng mở ngoặc để sơ lược về khái niệm chính trị tả hay hữu khuynh này của phương Tây mà một số người đã hiểu hay đánh đồng theo ý nghĩa quốc cộng khác biệt. Đây là thuật ngữ được xem đã ra đời từ cuộc Cách Mạng Pháp, để chỉ những chính trị gia có tư tưởng dân chủ và cấp tiến ngồi bên trái (tả) nghị viện Pháp lúc bấy giờ, so với giới quý tộc và giáo sĩ có quan điểm bảo thủ, truyền thống ngồi bên phải (hữu). Cánh tả thường có xu hướng bảo vệ quyền lợi cho giới nghèo, chú trọng vấn đề dân sinh và cổ xúy dân chủ trong khi cánh hữu thường nhắm đến quyền lợi giới giàu có, đề cao giá trị truyền thống và chủ nghĩa dân tộc. Tại Hoa Kỳ, Dân Chủ được xem là cánh tả và ngược lại, Cộng Hòa là cánh hữu.
Với dăm khái niệm về xu hướng và quan điểm của mỗi hệ thống truyền thông nói trên, cũng như nếu quen thuộc với hoạt động và tôn chỉ, đường hướng của các hệ thống truyền thông chính thống như vậy, người ta có thể tiếp nhận thông tin và nhìn nhận được vấn đề đa chiều với sự chính xác và công tâm hơn, thay vì bịt mắt với những thông tin, dữ liệu khác biệt suy nghĩ cùng sự chờ đợi của mình, cho dù nó có khả tín như thể nào. Hoặc giả, người ta sẽ cẩn trọng hơn khi vội vàng đánh giá hay tấn công họ bằng cảm quan hay thành kiến của mình. Bởi giới truyền thông không miễn nhiễm trách nhiệm pháp luật nếu những chứng cứ, thông tin và dữ liệu đưa ra là bịa đặt, sái luật. Họ có quyền đưa ra các quan điểm đối nghịch, bình luận mang chủ đích, có thể diễu cợt với các nhân vật đại chúng nhưng việc ngụy tạo thông tin, dữ liệu xem ra là con dao hai lưỡi và dễ dàng bị phát hiện trong thế giới có quá nhiều nguồn kiểm chứng như hiện nay. Nội các của Trump và những người ủng hộ ông có thể không hài lòng hay giận dữ với bức ảnh toàn cảnh cho thấy sự trống vắng về số người tham dự lễ nhậm chức của ông mà ký giả ảnh hãng tin Reuters đã chụp từ đỉnh tháp Bút Chì lúc giữa trưa, nhưng họ khó lòng phản bác được tính xác thực của tấm ảnh từ một hãng thông tấn ngoại quốc đã có 165 năm hoạt động như Reuters. Chính những điều như vậy cho thấy những gì Bạch Ốc đưa ra cần được cân nhắc và thận trọng hơn, từ những việc nhỏ nhặt phục vụ tính hiếu thắng cá nhân nào đó cho đến các sách lược quốc gia như một số sắc lịnh hành pháp vừa ban hành trong vài tuần qua.
Nếu xem sắc lịnh cấm cửa công dân bảy nước Hồi Giáo của tân nội các là biện pháp hữu hiệu để ngăn chận nguy cơ khủng bố thì chính phủ cũng cần cân nhắc về nguy cơ mà các tổ chức khủng bố sẽ dùng nó như một công cụ tuyên truyền, khích động một làn sóng khủng bố từ chính những thanh niên Mỹ gốc Hồi giáo thực hiện một cách bộc phát và độc lập, khó lòng ngăn ngừa như đã từng xảy ra. Hoặc giả người ủng hộ sắc lịnh bỏ qua những giá trị lâu đời của một nước Mỹ nhân đạo và cưu mang người tị nạn trốn chạy những đàn áp của bạo quyền, thì họ cũng cần biết đến trách nhiệm và cam kết mà chính phủ Hoa Kỳ đã hứa với những cá nhân đã từng hợp tác với quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố tại các quốc gia Hồi Giáo nằm trong danh sách bị cấm cửa. Đó là những thông dịch viên, điềm chỉ viên, là những viên chức chính phủ hay quân đội đã từng phục vụ đắc lực cho Hoa Kỳ, nay chính họ và gia đình đang đối diện nguy cơ bị trả thù nếu quy chế tị nạn bị hủy bỏ theo sắc lịnh mới. Mặt khác, khi chấp nhận người tị nạn vào Hoa Kỳ không đồng nghĩa với việc mở tung biên giới cho họ ào ạt đổ vào Mỹ, mà trên thực tế chỉ một số rất ít những người tị nạn đã phải trải qua các quá trình thanh lọc đầy khó khăn từ Cao Ủy Người Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và các cơ quan an ninh Hoa Kỳ mới được đặt chân đến nước Mỹ sau vài năm chờ đợi. Khi giới truyền thông đưa ra các thông tin hai mặt và phản biện như vậy, chúng mang tính tích cực và hữu ích cho chính phủ và người dân trong việc nhìn nhận vấn đề, hơn là bị xem như một sự chống đối. Còn lại thì một nền tư pháp minh bạch và công tâm lâu đời sẽ làm công việc phân xử tính chất hợp hiến của sắc lịnh hay bất cứ hành động nào đó của chính phủ.
Vai trò của truyền thông ngày càng quan trọng trong một xã hội dân chủ. Không chỉ cung cấp cho người dân các thông tin về thời sự, chính trị, xã hội trên khắp thế giới, mà nó còn là phương tiện và sự cần thiết để giám sát sự minh bạch của chính phủ và guồng máy điều hành quốc gia, cũng như phản ánh thái độ và phản ứng của người dân để chính phủ có thể điều chỉnh các chính sách một cách thích hợp hơn. Câu chuyện truyền thông không phải là câu chuyện mới mẻ, nhưng hơn lúc nào hết, truyền thông cần chứng tỏ bản lĩnh và sức mạnh của mình một cách trách nhiệm và tích cực để góp phần kiểm soát và cân đối các quyền lực chính phủ theo như hiến pháp đã định.
12.02.2017