Phước An Thy (Danlambao) - Đôi lúc anh cứ nghĩ, nếu không sự việc đó hay biến cố kia thì đời mình chắc đã không như thế này, nếu Cộng sản miền Bắc không đưa quân “giải phóng” miền Nam Tự do thì đời sống mỗi gia đình, số phận mỗi con người có thể sẽ khác đi. Từ ngày đất nước “Thống nhất”, anh chưa thấy có một ngày nào mà người dân được “hạnh phúc, ấm no”, chưa thấy điều gì vui, chỉ gặp toàn là những chuyện buồn chồng chất. Sau ngày 30/4/1975, bỏ công danh sự nghiệp dang dở, anh mướn xích lô, vặn vẹo, gượng gạo đạp xe vạn ngả tìm miếng cơm manh áo. Có làm nghề đạp xích lô, tiếp xúc với nhiều người, anh mới thấy người dân miền Nam sau khi “được giải phóng” đã phải sống những tháng ngày no đầy tủi nhục, dư tràn nước mắt như thế nào.
Những công chức, sĩ quan quân đội của Việt Nam Cộng Hòa bị đi tù “học tập cải tạo” không biết ngày về. Những người đang làm trong các ngành khoa học, kỹ thuật, giáo sư, những người liên quan đến tôn giáo, giới văn nghệ sĩ... tất cả đều không được làm việc dưới chế độ mới vì “không đủ tư cách”. Chỉ những người làm nghề nặng nhọc và nhân viên trực tiếp sản xuất là “đủ điều kiện”, vẫn còn được tiếp tục làm việc trong cơ quan nhà nước hoặc xí nghiệp quốc doanh.
Những người trí thức, trước đây là trụ cột của gia đình, nay thật là khốn khổ để kiếm tiền nuôi vợ con. Họ phải làm các nghề lao động chân tay, các nghề lặt vặt như khuân vác, đạp xích lô, xe thồ, rửa chén bát trong các tiệm ăn... mà vẫn không kiếm đủ miếng ăn cho cả gia đình. Họ sống vất vưởng, nhẫn nhục, ngày qua ngày chịu đựng những nụ cười chế giễu, ngạo mạn của những người “thắng cuộc”.
Nhiều gia đình bị cướp nhà, buộc phải đi khai khẩn vùng Kinh tế mới nơi rừng sâu nước độc, bị xua đuổi khỏi thành phố về các vùng nông thôn hẻo lánh, nhưng rồi vì đói khổ, những gia đình ấy lại âm thầm trở về thành phố. Không có chỗ để trú thân, họ sống lê la dưới gầm cầu, lây lất màn trời chiếu đất quanh sân ga, trong các công viên, ở bến xe đò hay các sạp chợ dơ dáy.
Người dân miền Nam phải đem bán tất cả những gì có thể bán được, từ xe cộ, ti vi, tủ lạnh, máy quạt, máy hát, đến giường, tủ, bàn ghế, chén đĩa, áo quần, vải vóc và những thứ linh tinh vụn vặt để giải quyết cái đói. Những người già, trẻ em, những người vợ có chồng đi tù và những người chưa bao giờ làm nghề buôn bán, bỗng chốc họ trở thành xông xáo, cố gắng thích ứng với hoàn cảnh mới, và cũng để tồn tại trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ ấy, đã có những phụ nữ phải làm cái nghề tủi nhục, “buôn phấn bán hương”.
Có lần anh chở một gã thủy thủ và một cô gái trẻ, từ bến cảng đến nhà kho của một công ty nhà nước. Vừa bước lên xích lô, gã thủy thủ đã nham nhở rúc đầu vào ngực cô gái, tiếng khùng khục thoát ra từ cổ họng gã nghe cứ như tiếng gầm gừ của một con thú bị dại. Khi đến nơi, cô gái lo lắng nhìn dáo dác vào cổng công ty tối hù, rồi bảo anh: - “Anh chờ bên ngoài để chở em về, đừng đi đâu nghe”.
Anh ngồi chờ trước cổng công ty đến mấy tiếng đồng hồ, mới thấy cô ta áo quần nhàu nát, liêu xiêu chạy ra. Gặp anh, cô bỗng gục mặt vào vai anh bật khóc tức tưởi. Nước mắt, nước mũi của cô chảy ướt cả vai áo đầy mùi mồ hôi chua nồng của anh.
Chờ cho cô gái bớt khóc, anh hỏi: - “Chuyện gì vậy em?”. Cô uất ức nói: - “Em tưởng chỉ một mình hắn, nhưng khi vào đó, có cả ba người đàn ông chờ sẵn cưỡng bức, hãm hiếp em. Đã không trả tiền, chúng còn lấy luôn tiền của em giấu trong lai áo nữa”. Anh tức tối hỏi: - “Sao em không la lên cầu cứu?”. Giọng cô gái mệt mỏi: - “Em kêu la, nhưng ở đó không có ai ngoài bọn chúng. Khi bọn chúng vừa bước ra khỏi nhà kho, em chưa kịp hoàn hồn thì gã bảo vệ đi vào đòi bắt em giao cho công an. Em sợ quá, vội chạy ra đây”. Trên đường chở cô về, anh hỏi: - “Sao em phải làm nghề này?” Cô buồn bã: - “Từ ngày chồng em qua đời, vì phải nuôi con và mẹ chồng, em không có nghề nghiệp gì, chỉ còn cách này mới kiếm được gạo”.
Khi chưa hết nỗi bàng hoàng vì tin chồng tử trận thì biến cố 30/4/1975 xảy ra, nỗi tuyệt vọng phủ chụp lên đời em. Em ngơ ngác vì tình yêu và tương lai sáng lạng bỗng vỡ vụn trên tay. Em buộc lòng phải vác gánh nặng cơm áo gạo tiền lên đôi vai trẻ, chèo chống cô đơn để sinh tồn, để nuôi mẹ chồng, nuôi con trong hoàn cảnh bế tắc. Em nhẫn nhục, chịu đựng để đi qua những gièm pha độc địa, quên đi những nụ cười khoái chí của mọi người, bỏ lại những tủi nhục của bản thân, để lo cho con, cho sự tồn tại của gia đình mình giữa cuộc sống khó khăn xa lạ này.
Đêm đêm phố xá lên đèn, quán rượu tấp nập người, khách ồn ào khui bia đổ rượu, mà em bụng đói, lòng thấp thỏm lo không kiếm được khách. Nhiều tối mưa rơi, đường khuya vắng bóng người, dưới hàng hiên, em run lẩy bẩy, nước mắt chảy dài theo mưa, tủi phận sinh ra đời con gái, giữa đêm trường chỉ mong sao có “thằng Mán thằng Mường nó leo”.
Anh không hỏi vì sao em không chịu cực khổ buôn gánh bán bưng, làm các nghề lương thiện trong sạch khác mà lại chọn đi làm “gái” để nuôi gia đình, vì anh đã từng thấm thía, nếm trải cái đói quặn thắt ruột, cảm nhận được tâm trạng của người mẹ nhìn đứa con tội nghiệp đói rã, còm cõi vì thiếu ăn.
Về đến nhà, giọng áy náy, cô gái nói: - “Em không còn tiền để trả cho anh. Khi khỏe lại, em đi làm kiếm tiền trả cho anh”. Nén sự tằn tiện của mình, anh lấy ra những tờ tiền nhăn nheo: - “Em cầm tạm ít tiền mua đồ ăn”. Cô gái nhìn anh một thoáng, rồi nói: “Cám ơn anh”. Cô cầm tiền, thất thểu đi vào căn nhà tồi tàn được ghép bằng những tấm tôn ván tạm bợ. Một bà cụ ló khuôn mặt hom hem ra nhìn anh, rồi đưa bàn tay gầy guộc đóng cửa lại.
Đạp xe về dưới ánh đèn đường vàng vọt, lòng anh thấy hận những con người mất nhân tính, có tâm hồn què quặt, không còn một chút lòng trắc ẩn nào. Anh lại buồn cho những người vợ, người chị, người em bất hạnh, cùng đường, không có kế sinh nhai nào khác, nên đêm đêm phải đi bán thân.
Anh không biết gì nhiều về kiếp “người ngựa - ngựa người ” thời xưa, nhưng anh đã thấy cuộc đời khổ nhục của kiếp “người ngựa - ngựa người” hôm nay. Họ như những người nộm bên lề xã hội, rách nát tả tơi, sống lê lết trên đường đời đầy tăm tối. Xem ra thân phận những con người không lối thoát, đành gắn vào kiếp “người ngựa, ngựa người” trong xã hội mới này, cũng không khá hơn với phận “người ngựa, ngựa người” trong đêm cuối năm, dưới chế độ thực dân phong kiến, được nhà văn Nguyễn Công Hoan miêu tả là mấy.
Anh đã “được giải phóng” cho trở nên “ngựa người”, không phải là chú ngựa hiên ngang, hùng dũng phi nước đại trên đồng cỏ ước mơ, mà là chú ngựa gầy gò, đói rã, gối rũ chân mòn rong ruổi giữa đời thường. Em đã “được giải phóng” để phải làm “người ngựa”, đêm trường son phấn, cô đơn dãi dầu sương gió làm món hàng cho khách làng chơi vùi dập. Tuy anh long đong như thế, em nhục nhã là vậy, nhưng vẫn mong mình luôn mạnh khỏe để làm cái công việc đọa đày này mà nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình.
Dù cuộc đời, tương lai tươi sáng của anh và em đã vuột mất, dù đang làm “người” gánh công việc “ngựa” trên thân mình, song chúng ta quyết không để tâm hồn mình hóa đá. Dù chúng ta bất ngờ bị ném vào giữa những đau khổ, ly tan và lây lất ngay trên đất nước mình đang sống, nhưng vẫn luôn tin ở một tương lai tươi sáng và dù lấm lem muôn nghìn tủi nhục, song vẫn luôn nở nụ cười chứa chan niềm hy vọng để đi qua xót xa.
16.03.2017