Những vì sao trên con đường chúng ta đi - Dân Làm Báo

Những vì sao trên con đường chúng ta đi

Nguyễn Hoàng Vi (Danlambao) - “Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ” là câu nói nổi tiếng của đại văn hào Victor Hugo ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. 

Trong lịch sử phát triển nhân loại, có thể nói, không có công cuộc tạo dựng và phát triển xã hội nào mà không có sự đóng góp của lực lượng phụ nữ. 

Trong cuộc đấu tranh cho Chủ quyền - Dân chủ - Nhân Quyền - Dân sinh của Việt Nam trong mười năm trở lại đây, sự tham gia của chị em nữ ngày càng đông đảo. Trong 2 năm trở lại đây, với những vấn nạn về môi trường cây xanh, bùng nổ với thảm họa Formosa, sự dấn thân của phụ nữ lại càng gia tăng.

Những bước chân khởi đầu

Vào những năm trước 2007, với chính sách đàn áp mạnh mẽ và sự bưng bít thông tin của nhà cầm quyền CSVN, cùng với việc người dân chưa quen với việc sử dụng các phương tiện công nghệ Internet để theo dõi dòng thông tin lề dân, những người bất đồng chính kiến chỉ thể hiện quan điểm của mình bằng các diễn đàn internet, blog cũng đủ để nhà cầm quyền bắt giam.

Những blogger, những người lên tiếng chống lại những chính sách bất công của nhà cầm quyền CSVN thời bấy giờ còn khá ít, có thể nói chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những cây viết nữ điển hình trong giai đoạn này có thể kể đến: nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Dương Thu Hương, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân... Một số người trong đó xuất thân từ gia đình có liên quan đến chế độ cộng sản. Điều 88 BLHS cáo buộc tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước XHCNVN” đã được nhà cầm quyền áp dụng để giam cầm các chị.

Chỉ với loạt bài viết “Uất ức biển ta ơi” và việc tọa kháng tại gia với mục đích khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, ngày 18.09.2008 chị Phạm Thanh Nghiên bị bắt và bị tuyên án 4 năm tù giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống phá nhà nước XHCNVN”.

Ngày 6.3.2007, Luật sư Lê Thị Công Nhân - thành viên khối 8406, cũng là người sáng lập Đảng Thăng Tiến Việt Nam bị kết án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống phá nhà nước XHCNVN” vì những bài viết chỉ trích nhà cầm quyền CSVN vi phạm nhân quyền, kêu gọi thành lập công đoàn độc lập cho công nhân Việt Nam.

Năm 2007, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy cũng bị cơ quan an ninh điều tra thành phố Hà Nội bắt khẩn cấp với cáo buộc tương tự vì những bài viết của chị.

Giai đoạn 2007-2017: từ đấu tranh trên mạng đến bước chân xuống đường

Internet ngày càng phát triển ở Việt Nam, người dân bắt đầu làm quen với việc sử dụng blog để chia sẻ những suy nghĩ của mình từ chuyện gia đình, con cái đến chuyện xã hội. Cũng vì vậy những người đấu tranh dễ dàng kết nối với nhau, dễ dàng chia sẻ những quan tâm đến tình hình đất nước.

Những gương mặt nữ tiêu biểu xuất hiện trong giai đoạn 2007-2010: Tạ Phong Tần, Song Chi, Diệp Lê, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Đoan Trang… với những hoạt động xuống đường biểu tình chống Trung Quốc hay như Đỗ Thị Minh Hạnh với hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân. Để dập tắt ngọn lửa đấu tranh, một số chị bị sách nhiễu, một số bị bắt giam.

Năm 2009, Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt tạm giam 9 ngày vì in áo khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Nhà báo tự do Tạ Phong Tần bị bắt giam và kết án 10 năm tù với những hoạt động liên quan đến Câu lạc bộ Nhà báo Tự do.

Đỗ Thị Minh Hạnh với bản án bỏ túi 7 năm tù vì giúp công nhân đình công đòi hỏi quyền lợi.

Dù vậy, năm 2011, biểu tình chống sự bành trướng và vi phạm chủ quyền của Việt Nam bởi Bắc Kinh nổ ra trên khắp miền đất nước với số lượng người tham gia lên đến con số hàng ngàn người. Nhiều gương mặt nữ khác xuất hiện từ giới sinh viên đến các viên chức hưu trí: Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Nữ Phương Dung, Đào Trang Loan, ca sĩ Diên An, cô giáo Linh ở Cần Thơ, Lê Thị Thu Hà, Bùi Thị Minh Hằng, Trần Thị Hài, Trần Thị Nga, Đặng Phương Bích, chị Sông Quê

Trước sự bùng nổ về số lượng người tham gia phong trào đấu tranh ngày càng đông đảo, nhà cầm quyền không thể bắt bỏ tù hết ngần ấy. Họ đã chọn ra một số chị có tầm ảnh hưởng, có sức thuyết phục quần chúng để bỏ tù nhằm ngăn chặn sự loan tỏa.

Ngày 27.11.2011, chị Bùi Thị Minh Hằng bị chủ tịch thành phố Hà Nội ký quyết định đưa vào nhà tù trá hình mang tên “Trại phục hồi nhân phẩm” với thời gian là 2 năm. Quyết định đó bị sức ép dư luận trong và ngoài nước lên án mạnh mẽ nên khoảng 6 tháng sau, họ buộc phải thả chị một cách vô điều kiện. Ra khỏi nhà tù trá hình, chị càng hoạt động mạnh mẽ hơn ở tất cả các lĩnh vực khác của xã hội từ đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc đến dân chủ, nhân quyền, đến đồng hành cùng dân oan mất đất. Hình ảnh Bùi Thị Minh Hằng trải dài khắp mọi miền đất nước - nơi nào có bất công, nơi đó lưu lại dấu chân của chị. Nhằm ngăn chặn sự lan tỏa ảnh hưởng của chị, tháng 2.2014, chị cùng 2 người nữa trong đó có Nguyễn Thị Thúy Quỳnh bị phục kích và bắt giam với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” với án từ 2 đến 3 năm tù giam cho mỗi người.

Cũng trong giai đoạn này, chính sách cướp đất người nông dân để bán cho các tập đoàn nước ngoài của nhà cầm quyền CSVN đã dấy lên nhiều cuộc biểu tình phản đối của bà con dân oan. Từ đó, xuất hiện những người phụ nữ tiêu biểu đấu tranh cho quyền tư hữu đất đai: Cấn Thị Thiêu, Trần Ngọc Anh, Phùng Thị Ly... Các chị từ đấu tranh cho quyền tư hữu đất đai, sau đó đã nhanh chóng nhận thức được nguyên nhân sâu xa của vấn nạn dân oan mà chuyển sang đấu tranh trên nhiều lĩnh vực khác: chủ quyền, dân chủ, nhân quyền... Vì các chị là người có tầm ảnh hưởng đối với đông đảo bà con dân oan nên nhà cầm quyền cũng dùng những bản án bỏ túi để giam cầm các chị, hòng dập tắt phong trào đấu tranh của dân oan.

Năm 2016, khi tập đoàn Formosa xả thải gây ra thảm trạng môi trường biển miền Trung, hàng ngàn người dân Việt đã xuống đường phản đối. Trong hàng ngàn người biểu tình đó là nhiều gương mặt nữ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, từ bình dân đến sinh viên đến doanh nhân đến nghệ sĩ: chị Trần Thu Nguyệt, Bùi Thị Diễm Hằng, Nguyễn Nữ Phương Dung, Tôn Nữ Khiêm Cung, Phương My, Nguyễn Thị Bích Ngà, Mai Phương Thảo, Phan Cẩm Hường, Hà Thị Vân, Lê Bảo Nhi, Hoàng Mỹ Uyên, Nguyễn Thiên Kim, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Phạm Thanh Nghiên...

Là phụ nữ bình thường nuôi con ở Việt Nam đã khó. Là phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ còn khó hơn. Thế nhưng chị Quỳnh, chị Nga không những hoàn thành tốt trách nhiệm một người mẹ bình thường mà các chị còn làm tốt vai trò của một người mẹ lo cho tương lai của thế hệ con mình. Các chị dù bận bịu kiếm sống nuôi con nhỏ, chăm con ăn học, các chị vẫn dành thời gian để lên tiếng trước những bất công của xã hội, vẫn hòa mình vào những hoạt động đòi hỏi quyền làm người cho dân tộc.

Xin dành sự tôn vinh và trân trọng cho những người phụ nữ này trong dịp 8.3 - Những người đã không vì sự an toàn của bản thân mà im lặng trước những vấn nạn nào của đất nước như bổn phận của họ phải lên tiếng. Xin cám ơn các chị đã tự đặt ra câu hỏi cho lương tâm “Nếu bạn không lên tiếng thì ai sẽ lên tiếng?” và cũng tự trả lời câu hỏi đó bằng lương tâm của chính mình. Xin ghi ơn các chị, những người đã luôn “sẵn sàng nằm xuống để đất nước này được đứng lên”.



08.03.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo