Hải Âu (Danlambao) - Trong tháng 1 năm 2017, Bộ tài chính của cộng sản đảng đã bày ra cái trò lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vê mội trường. Trong đó mỗi lít xăng gánh thuế sẽ tăng lên 8000 đồng/lít xăng, dầu diezel tăng 6000 đồng/lít, madut là 4000 đồng/lít. Sau thời gian ủ mưu chờ thông qua đề xuất này, đến ngày 14/2, Bộ Tài chính đã chính thức trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế bảo vệ môi trường sửa đổi. Ngày 10/3, Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình số 78 trình Ủy ban thường vụ quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2017.
Những gì đang diễn ra cho thấy cộng sản đảng quyết tâm thực hiện mưu đồ cướp tiền của nhân dân bằng chiêu trò tăng thuế bảo vệ môi trường. Đây đã là lần thứ 3 cộng sản “đòi” tăng thuế đối với mặt hàng xăng dầu. Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tại Việt nam đã qua 6 lần điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày/lần dựa vào sự giao động của thị trường xăng dầu trên thế giới. Đây là một trong những điều mà người dân ít khi để ý tới, vì thế giá xăng dầu tăng nhiều hơn giảm hoàn toàn nằm trong số liệu tính toán có chủ đích của Bộ Công thương.
Ngày 1/1/2012, Quốc hội cộng sản đảng đã thông qua Luật thuế môi trường, qua đó giá xăng phải gánh thêm 1000 đồng/lít, dầu diezel gánh thêm 500 đồng/lít. Đến ngày 1/5/2015, sau hai năm áp thuế giá xăng dầu, nhà cầm quyền tiếp tục tăng thuế bảo vệ môi trường lên gấp ba, xăng từ 1000 lên 3000 đồng/lít, dầu diezel từ 500 lên 1500 đồng/lít. Đến nay cộng sản một lần nữa muốn “sửa luật” với lý do bảo vệ mội trường để tăng thuế xăng dầu lần thứ 3 chỉ trong vòng 5 năm.
Mặt hàng xăng dầu là thành phần chính để định giá sản phẩm sau khi sản xuất và đưa ra thị trường tiêu thụ. Việc giá xăng dầu tăng, giảm ảnh hưởng lớn trong quá trình kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Chính vì thế việc nhà cầm quyền tiếp tục dùng quyền lực để sửa đổi Luật bảo vệ môi trường nhằm áp dụng tăng mức thuế đối với xăng dầu sẽ dẫn đến những khó khăn cho người dân, đặc biệt những người có thu nhập thấp.
Từ năm 2012 đến 2014, Bộ Tài chính đã thu từ thuế bảo vệ môi trường hơn 11 nghìn tỷ đồng. Năm 2015, sau khi tăng thuế lên gấp ba lần thì số tiền thu được theo báo cáo của Bộ Tài chính là 27.020 tỷ đồng. Trong năm 2016 khoản thu này tăng mạnh, cụ thể Bộ Tài chính của nhà cầm quyền báo cáo thu được 42.393 tỷ đồng từ việc áp thếu xăng dầu theo Luật bảo vệ môi trường.
Điều đáng nói là việc tăng thuế giá xăng dầu thông qua Luật bảo vệ môi trường được xem là một động thái cướp có tính hợp pháp vô cùng đểu cán của nhà nước cộng sản. Trong khi đó môi trường của Việt Nam ngày một trở nên tồi tệ do chính những đề án, những dự án kinh tế, những ký kết thương mại sản xuất do nhà cầm quyền thực hiện đã và đang hủy hoại môi trường một cách khốc liệt.
Hẳn đến giờ này ai cũng biết sự việc Trung cộng đang tàn phá Tây nguyên qua việc khai thác Bauxite. Chính hệ thống đảng cộng sản cũng đã thừa nhận “bị lừa” trong vụ thương vụ làm ăn với “bạn 16 chữ vàng, 4 tốt” này. Cho đến nay thảm họa môi trường biển tại miền Trung do Formosa xả thải vẫn đang gây bao khó khăn cho người dân miền Trung và nhân dân cả nước. Hàng chục vụ xả lũ thủy điện được các cán bộ nhà sản thực hiện trong năm 2016 đã giết chết hơn cả trăm sinh mạng đồng bào và gây ô nhiễm toàn bộ khu vực dân sinh trong suốt nhiều tuần lễ sau khi xả lũ thủy điện.
Tiếp đến những vụ bức tử hàng loạt cây xanh tại Hà Nội, Sài Gòn nhằm phục vụ những dự án mở rộng đô thị, đường sắt. Những vụ chặt phá rừng nghiêm trọng tại địa bàn Trà Mi thuộc tỉnh Quảng Nam. Mới đây là việc cày xới, tàn phá bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng để xây dựng biêt thự trong dự án của công ty Biển Tiên Sa, một công ty thuộc Bộ Quốc Phòng.
Ngoài ra cả nước còn xảy ra 53 trường hợp cá chết hàng loạt một cách bất thường tại các con sông, suối, kênh trên nhiều tỉnh thành trong suốt thời gian song song với thảm họa Formosa cho đến ngày hôm nay. Ngay mới ngày 4/4/2017 vừa qua vẫn còn xảy ra tình trạng cá chết trắng tại đầu nguồn sông Sài Gòn. Thậm chí sáng ngày 5/4/2017 cá vẫn chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối trên sông Âm huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa.
Nếu cộng sản cho rằng việc tăng thuế xăng dầu là để bảo vệ môi trường thì thử hỏi nhà cầm quyền đã dùng tiền thuế ấy ra sao? Ai, cơ quan, tổ chức nào sẽ giám sát việc sử dụng hàng chục ngàn tỷ đồng tiền thuế ấy. Và môi trường hiện nay như thế nào, trong khi mỗi ngày có hàng trăm người chết vì căn bệnh ung thư. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường tại Việt Nam ô nhiễm trầm trọng. Thiết nghĩ những điều cộng sản đảng làm trong quá khứ và hiện tại chỉ đem lại những hệ lụy tồi tệ cho môi trường. Vì thế việc thông qua dự thảo Luật bảo vệ môi trường chính là chiêu thức mà những kẻ lợi ích nhóm trục lợi nhằm gia tăng quyền lực cai trị trong tập đoàn cộng sản đảng.