Phản Động đi du lịch: Xứ Kangaroo - Dân Làm Báo

Phản Động đi du lịch: Xứ Kangaroo


Người bạn năm xưa

Phản Động có một thằng bạn rất thân, tên nó là Lê văn Mác. Có lẽ ông bố nó khi xưa dùng giáo mác đánh nhau với giặc Tây nên đặt tên con là Lê văn Giáo, Lê văn Mác? Thời còn cắp sách đến trường, trong giờ họp đoàn, học chính trị, Phản Động thì ngủ nhưng Lê văn Mác có vẻ chăm chỉ. Nó chăm chú nhìn Bí thư đoàn thao thao chủ nghĩa Mác Lê, như đang uống ừng ực lời giảng huấn. Nhưng tính Lê văn Mác thích cười. Trong khi chú tâm nghe như thế, nó lại hay cười. Có lúc nó cười khẩy. Có lúc nó cười hề hề. Cái cười của người Việt đôi lúc khó hiểu, khó giải thích nên Bí thư đoàn không bận tâm gì cho lắm. Vả lại Bí thư đang bận rộn vật lộn để giải thích Mác Lê cho đúng đường lối đảng. Sai đường lối đảng, không phải phiền toái mà là nguy hiểm chết người.

Nhưng việc đời đâu lúc nào cũng bằng phẳng. Một hôm khi Bí thư đang hừng chí nói về thiên đường CS, Lê văn Mác đột nhiên ôm bụng cười ha hả. Lời giảng hay thế mà bị gián đoạn, nước đang chảy ào ào bổng dưng bị tắt nghẽn, Bí thư nổi giận, mặt xanh trở thành mặt đỏ, hùng hồn trở thành cà lăm: "À, đồng... đồng... chí... Lê... Mác... Mác... Lê, tôi nói sai... sai... sao đ/c cười ha hả là... là.. thế nào?”. Lê văn Mác, được bạn bè chọn ngay cho tên mới là “thằng Mác Lê”, mặt mũi còn cười đỏ gay: "Dạ, báo cáo đ/c Bí thư, thiên đường tuyệt vời quá, vui quá không nhịn được cười thích thú!”. Bí thư không thích “cười thích thú” tí nào nên sau đó thằng Mác Lê, muốn “cười thích thú” phải cúi đầu xuống, lấy hai tay che miệng lại. Bây giờ đám bạn chung quanh thằng M L lại có cơ hội làm ngưng giòng chảy của Bí thư: "Báo cáo đ/c Bí thư, thằng Mờ Lờ lại cười thích thú kia kìa". 

Lê văn Mác không thích được gọi là Mác Lê, và Việt Nam đã mở cửa, qua thời bao cấp. Bạn bè bèn họp nhau lại tặng ngay cho nó biệt danh rất phù hợp thời mở cửa, Mắt Lé: "Ồ, đảng đổi mới, quyết định đi theo con đường tư bản, kinh tế thị trường, nhưng mắt cứ lé nhìn chủ nghĩa Mác Lê để cứ bí bô đảng đang định hướng XHCN". Mác Lê đổi mới thành Mắt Lé, đều là Mờ Lờ cả!

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Mắt Lé quyết định đi du học ở nước Úc, xứ tư bản giẫy chết Kangaroo. Nó đã mặc kệ “đảng Mắt Lé”, cái đảng đi một đàng, mắt cứ lé trợn ngược nhìn hướng ngược lại. Đã niễng lại lé, đảng có té lộn cổ. lộn đầu thì ráng mà chịu!

Tốt nghiệp đại học, Mờ Lờ tìm được việc làm tại Úc, lập gia đình, định cư ở thành phố Melbourne. Nó vẫn thường xuyên liên lạc với Phản Động và được dịp thuận tiện, nó gửi giấy mời Phản Động qua Úc chơi. Nước Úc sợ người Việt qua chơi không chịu về, trốn ở lại, nên du lịch Úc qua thủ tục, giấy tờ chứng minh tài chánh khá phiền toái. Nhưng cuối cùng thì Phản Động cũng được lên đường đi du lịch lần thứ hai, qua xứ chuột túi Kangaroo. 

Nước Úc:

Diện tích nước Úc trên 7 triệu cây số vuông, dân số khoảng 24 triệu người sống rãi ở 6 tiểu bang (NSW, VIC, QLD, SA, TAS và WA) và hai vùng lãnh thổ (NT và ACT). Mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ có chính phủ, quốc hội riêng. Kinh tế lớn hàng thứ 12 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người trên 54 ngàn đô/một năm. Thủ đô liên bang Úc là Canberra, các thành phố lớn cũng là thủ phủ các tiểu bang hay vùng lãnh thổ như Sydney (NSW) với 4. 8 triệu dân, Melbourne (Vic ) với 4. 4 triệu, Brisbane (QLD) 2. 2 triệu…

Chiếc máy bay hãng hàng không Air Vietnam, cất cánh từ Sài Gòn, sau 8 giờ bay, đã hạ cánh xuống phi trường Tullamarine, Melbourne. Tất cả trái cây, hạt giống, hàng thực phẩm tươi... bị nghiêm cấm mang vào Úc, hành khách phải bỏ lại trên máy bay hay vứt vào thùng rác. Nếu hải quan Úc tìm thấy trong hành lý sản phẩm cấm, hành khách sẽ bị phạt cả ngàn đến trăm ngàn đô. 

Sau khi qua mọi thủ tục nhập cảnh, ra khỏi cửa Phản Động nhìn thấy Mờ Lờ vẫy tay chào. 

Đưa bạn ra xe, Mờ Lờ nhìn bạn cười như xin lỗi:

- Chỉ có mình tao ra đón. Hôm nay thứ bẩy, bà xã ở nhà đi chợ, xong đưa đứa thứ hai đi chơi thể thao trong trường. Đứa con trai đầu đã lên đại học, nó có hẹn với bạn đi chơi xa. Tao chở mày đi một vòng thành phố, rồi đi ăn trưa ở khu chợ người Việt Richmond hay Footscray. Chiều hãy về nhà nghĩ ngơi, ăn cơm tối. 

Xe chạy qua trung tâm thành phố. Ngoài xe hơi trên đường, Phản Động còn thấy xe tram, loại xe điện chạy trên đường ray, M L bắt đầu vai trò hướng dẫn viên du lịch:

- Trung tâm thương mại chính (CBD) của Melbourne là đây. Dân Úc gọi là city, Mỹ gọi là downtown. Khu gồm các cao ốc cho cửa hàng, các công ty, khách sạn, phòng ở (apartement), nơi giải trí… Nhà cửa của dân chúng bao quanh CBD, trong phạm vi 10 cây số gọi là nội ô. Nhà khu nội ô thường là nhà liên kết (townhouse) cũ kỹ (thời Victorian hay Edwardian), thường được liệt vào danh sách được bảo tồn. Ngoại ô trong phạm vi 10 đến 20 cây số, nhà lớn hơn, có vườn chung quanh, giá đất tương đối dễ chịu hơn. Qui luật chung, càng xa CBD chừng nào nhà càng mới, đất càng rẻ chừng nấy. 

Vừa lái xe quanh khu vực CBD Melbourne, M L giải thích cho bạn:

- Đây ga xe lửa chính Flinders cho vùng đô thị (Metropolitant) được khánh thành năm 1854. Từ đây xe lửa chạy điện sẽ chạy trong đường hầm cũng như trên mặt đất đến khắp các ga trong CBD và các khu ngoại ô phía đông tây nam bắc. Đa số dân cư ở các ngọai ô lên city làm việc bằng xe lửa điện vì phương tiện chuyên chở công cộng này rẻ, ít tốn kém thời gian. Tiếp đây là quảng trường Federation square mới được xây cất theo kiến trúc hiện đại... 

Tiếp tục chạy thêm mười phút về hướng đông sẽ đến sân vận động MCG, lớn nhất nước Úc, lớn thứ 10 thế giới. Gần đó là trung tâm thể thao Melbourne Park với nhiều sân tennis, lớn nhất là sân Rod Laver, nơi tổ chức giải tennis lớn Australian Open hàng năm…

Nước Úc rộng lớn, thời tiết, thiên tai khác nhau tùy vùng. Phía Bắc khí hậu nóng và ẩm, khá giống Việt nam, nhiệt độ trong ngày chênh lệch ít, hàng năm hay có mưa bảo gây lụt lội. Phía Nam khí hậu khô và mùa đông lạnh hơn. Thiên tai ở đây xẩy ra trong mùa hè người Úc rất sợ là cháy rừng. 

Nước Úc không có động đất nghiêm trọng gây tai hại, không có các dãy núi cao, hay vùng cao nguyên nhiều tuyết phủ nên không có sông lớn. Vùng đất rộng lớn giữa nước Úc đất đai khô cằn như sa mạc. Úc là một đại lục khô, thiếu nước. Chung quanh Melbourne người Úc xây dựng các nơi trữ nước (Reservoir) để cung cấp nước cho sinh hoạt. Năm nào ít mưa chính phủ phải đưa các biện pháp tiết kiệm nước cấp 1, cấp 2... tùy theo mức độ trữ nước ở các hồ chứa. Vì nước mưa được trữ và được lọc, chính phủ đảm bảo nước từ vòi, ở trong nhà hay nơi công cộng, người dân có thể uống mà không sợ bệnh. 

Với kiến trúc cổ kính được bảo tồn, xen kẻ hài hoà các kiến trúc mới, hiện đại, cũng như đầy đủ các cơ sở phục vụ sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần, hệ thống giao thông đa dạng… Melbourne trong 6 năm liên tiếp được tổ chức EIU chọn là thành phố đáng sống nhất trên thế giới (Vienna-Áo, Vancouver-Canada thứ hai và ba…). 

Buổi cơm tối:

Phản Động có buổi cơm tối rất ngon miệng với gia đình M L. Kim, vợ M L, người miền Nam vui vẻ:

- Bên đây tụi này nấu ăn dùng ít muối, không dùng bột nêm, bột ngọt. Em chỉ sợ anh hổng quen, thấy không ngon miệng?

- Ở Việt nam nhà nấu ăn cũng bớt muối, bớt nước mắm nên tôi không thấy nhạt. Ăn uống bên Úc thấy vững bụng. VN hóa chất xử dụng bừa bãi trong thực phẩm, thiếu khả năng kiểm nghiệm, ung thư ngày càng nhiều, vừa ăn uống vừa hồi hộp. 

M L khẽ đập vào vai bạn:

- Ung thư ai cũng sợ. Nước Úc có tỷ lệ cao về ung thư da vì tầng ozone ở Nam bán cầu bị hủy hoại, nên các tia cực tím làm da tổn thương, lâu ngày gây ung thư. Chính phủ khuyến cáo dân Úc, nhất là người có làn da trắng, ra ngoài trời nên đội nón, dùng kem chống nắng. Ngân sách quốc gia cũng chi tốn rất nhiều tiền để nghiên cứu đủ các loại bệnh ung thư, mục đích ngăn ngừa, chuẩn đoán phát hiện sớm. Úc là nước công nghiệp, chủ yếu khai thác khoáng sản nhưng tai nạn trong mỏ, ô nhiễm môi trường, hóa chất dễ tạo ung thư rất hiếm xẩy ra. 

Sau buổi ăn, Phản Động cùng vợ chồng M L tiếp tục hàn huyên, trao đổi chuyện bên đây, bên kia. M L kể lại:

- Lúc mới qua đây tao bỡ ngỡ, khốn khổ lắm. Nghe bọṇ Úc nói tiếng Anh như gió, mình học tiếng Anh bao nhiêu năm ở Việt Nam vẫn ngẫn tò te, hiểu lờ mờ, đôi khi hiểu sai. Gia đình tao ở VN đâu giàu có gì, nên tao vừa đi làm, vừa đi học. Cuối tuần đi làm “farm” hái trái cây, hay khá hơn được mướn đứng rao hàng khu chợ người Việt, hoặc bưng tô, dọn bàn ở các nhà hàng người Việt… Thời đó tao ăn ở rất đơn giản, vừa học lại chịu khó làm thêm, nên sau một năm tao đã tự túc cho mọi chi phí ăn học. Tên tao là Mác, bọn bạn trong trường thấy tao trưa hay vào McDonald mua cây kem mấy chục xu nên tụi nó cứ trêu tao là “Mr Mác Donald”. 

Bên Úc đâu có học chính trị Mác Lê, họp đoàn, họp đảng quái quỉ gì, tao chỉ chú tâm học cho nghề tương lai nên kết quả thi cử khá tốt. May mắn chọn đúng ngành nghề cần thiết nên ra tường tao xin được việc làm. Rồi lấy vợ…

Vợ M L cười tiếp lời kể:

- Em học chung với ảnh trong cùng trường. Nghe mấy đứa bạn gọi ảnh là “Mr Mác Donald”, em để ý xem là ai? Thấy ảnh cũng hiền, chịu khó. Bửa đầu tiên làm quen em, ảnh mời em đi ăn trưa ở... McDonald. Ba má em người miền Nam, Ba em trong quân đội “Ngụy” ngày xưa. Hồi Ba Má em mới biết ảnh, Ba em la em quá chừng: "Trời ơi, sao mày hết người quen rồi, sao đi quen với thằng Việt cộng? Bỏ trốn Việt cộng, bây giờ có thằng V C sắp sửa vô nhà! Trời đất quỉ thần ơi... ”. Lúc đó em khóc quá chừng chừng: "Ảnh hiền khô, đâu có đảng điếc gì đâu! Ba Má chưa gặp sao nói dậy". Má em thì xen vô: "Ba Má sống với tụi nó chục năm, rành cái dối trá, gạt gẫm người dân của nó quá rồi. Thấy cờ máu, sao vàng là muốn xè ra quần!"... Nhưng ngày tháng qua, nhiều lần tiếp xúc với ảnh, ba má em nguôi ngoai: "Hổng phải ai sau này từ Việt Nam qua cũng là Việt cộng hết. Hãy nghe họ nói, giãi bày ý kiến… rồi sau đó phán xét"…

M L trầm ngâm:

- Người Việt ở Úc là những người tị nạn Cộng sản. Trong tinh thần của họ vẫn còn đó những vết hằn, những dấu tích một thời hãi hùng dưới chế độ độc tài, dối trá, phi nhân nên thường giữ một khoảng cách với người mới từ VN qua, nhất là những người thuộc giai cấp tư sản đỏ, tư sản máu từ Việt Nam. Một số người Việt qua Úc, nhưng có quán tính ca ngợi HCM, cờ máu, chủ nghĩa CS,… khiến nhiều người Úc gốc Việt bực tức: "Úc là nước tư bản giẫy chết đấy! Bọn mày sao không cút về với Việt cộng, với thiên đường cộng sản của Bác chúng mày. Qua đây làm cái quái gì? Muốn làm chuột đánh hơi tìm chổ ở an thân rồi theo thói quen để ba hoa chích choè?”. 

Tao và mày, cũng như nhiều du học sinh qua đây, sinh ra sau 1975, không hiểu nhiều về chiến tranh Việt nam. Sống ở VN, trong xã hội, trường học chỉ được nhồi sọ chủ thuyết Mác Lê., không có quyền lựa chọn nào khác. Không ít người như đã quen môi trường ấy, mắt và đầu không muốn nhìn rõ để so sánh với thế giới bên ngoài. Riêng tao, khi qua đến Úc nhìn thấy tận mắt xã hội tư bản, một xã hội nhân phẩm con người được tôn trọng, được tự do phát biểu ý kiến chính trị, tự do tôn giáo,… Giống như bộ đội CS vào Sài Gòn ngày 30/4/75 đã ngỡ ngàng trước một thành phố tráng lệ, trái ngược hẳn những gì Bác và đảng đã tuyên truyền, tao cũng ngỡ ngàng nhìn xã hội tư bản Úc mà suy ra ngay bản chất dối trá của chế độ cộng sản VN. 

Ngày Kim nói Ba Má có vẻ không thích vì nghĩ tao là Việt cộng. Tao buồn lắm. Tao còn nhớ một buổi tối trong tháng tư, ngồi im lìm trên bãi biển Saint Kilda. Bầu trời tối đen. Ánh sáng lờ mờ chỉ đủ nhìn thấy những nhọn sóng bạc xô nhau vào bờ rồi trườn mình nằm dài ra trên cát. Tao rùng mình. Con người thực nhỏ bé trước thiên nhiên nước trời bao la. Bao nhiêu năm trước đây, gia đình Kim cũng như nhiều người Việt Nam đã nuốt nghẹn nước mắt, rời quê hương trên những con tàu mong manh, cô đơn, bập bồng trên biển cả mênh mông trong đêm tối như tối hôm nay. Hàng trăm ngàn hay cả triệu người Việt đã bỏ mình giữa biển, mẹ ôm con trong tiếng nức nở, nghẹn ngào, chồng nắm tay vợ với tiếng yêu thương cuối trong đời… Tất cả bị dòng nước biển lạnh lùng nhấn chìm xuống. Nhìn biển trời rộng lớn, suy nghĩ đến những con người bất hạnh, không được may mắn như mình, niềm thông cảm dâng lên, tao đột nhiên bật khóc, cái khóc đầu tiên từ khi tao nhận ra là mình đã lớn. Bổng dưng như dưới đáy đại dương sâu thẳm, hàng ngàn thân xác từ từ nhô lên trên mặt biển, bắt đầu vang lên những lời kêu cứu, tiếng van xin, lời cầu khẩn, lời ru con lần cuối cùng mẹ dành cho con thơ... lẫn trong tiếng gió ù ù thổi, tiếng sóng vỗ rạt rào... Những âm thanh quyện lại nghe như trong bản nhạc giao hưởng. Bản giao hưởng bi thương cuả bao nhiêu người Việt tị nạn, vượt trên Mozart, Beethoven, Vivaldi... Bản giao hưởng của nước mắt, của tình thương yêu, của sự đau thương như muốn làm nổ tung trái tim con người, của bao nhiêu người vì tự do đã phải đến gần biên giới của sự sống và cái chết. 

Tao quí gia đình Kim vì họ chân thật. Sau vài tháng, với tình cảm chân thật với nhau, cuối cùng tao và gia đình Kim cũng phá vỡ rào cản do sự ngộ nhận ban đầu. Tốt nghiệp, tao không muốn trở về VN, không phải vì vấn đề kinh tế, mà chính vì tao không muốn theo đảng CS để nói dối, để có chức, có bổng lộc, không muốn mình có mắt nhưng phải nhìn lệch sang hướng khác, quên đi nhân quyền, tự do. Bố mẹ tao cũng buồn khi tao quyết định ở lại Úc, nhưng khi ông bà được qua đây chơi, đã thấy tao quyết định đúng. Càng sống, càng hiểu rõ tao càng thấy yêu quí đất nước Úc tự do mà tao chọn. Tao, mày cũng như nhiều người VN đã không được chọn nơi để sinh ra, nhưng tao được may mắn hơn, cảm thấy hạnh phúc hơn, vì đã chọn cho con mình chỗ nó sinh ra, lớn lên ở một nơi đáng sống…

Những ngày sau, Phản Động được M L hướng dẫn du hành qua những nơi khác trên nước Úc

- Thủ đô Canberra của nước Úc tự do:

Canberra nằm trong vùng lãnh thổ nhỏ ACT, vùng được chọn để bắt đầu xây dựng làm thủ đô vào năm 1908. Vị trí Canberra nằm giữa hai thành phố lớn Sydney và Melbourne. Quốc hội liên bang từ Melbourne được đưa về “Nhà Quốc Hội Cũ”, Canberra từ năm 1927. Đến năm 1988, quốc hội có trụ sở mới toanh, hiện đại và trở thành một điểm thu hút du khách thường đến thăm. Phía ngoài tòa quốc hội trông hiện đại, không giống bất kỳ nhà quốc hội nào trên thế giới. Bên trong mang nét cổ, quí phái như quốc hội nước Anh. 

Nơi hội họp chính là nơi họp Hạ viện với những chiếc ghế màu xanh lá cây khuynh diệp, xếp thành hình chữ U. Chủ Tọa cuộc họp (speaker), dân biểu điều khiển trật tự buổi họp, ngồi ở đầu giữa. Xích xuống là bàn để các dân biểu đứng phát biểu. Các dân biểu thuộc đảng cầm quyền luôn luôn ngồi tay phải của Chủ Tọa. Dân biểu nắm ghế Thủ tướng hay các bộ, ngồi hàng ghế trước, các dân biểu còn lại ngồi hàng ghế sau. Đảng đối lập có thủ lãnh đối lập đứng đầu, dân biểu ngồi hàng ghế trước thuộc nội các đối lập, dân biểu ngồi hàng ghế sau (Bên Việt Nam không gọi là đối lập, mà gọi là phản động), luôn ngồi bên tay trái Chủ Tọa. 

Hôm đó các dân biểu đang trong ngày nghỉ, Phản Động và M L từ trên nhìn xuống, những hàng ghế trống màu xanh chạy dài theo từng hàng thẳng tắp. Thật yên lặng. Nhưng Phản Động tưởng như vẫn nghe được trong không gian những tiếng tranh cãi hăng hái giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập. Đất nước Úc không phải của riêng ai, mọi người đều có quyền phát biểu đúng hay sai. 

Dẫn bạn bước ra ngoài toà quốc hội, M L giải thích thêm:

- Tổ chức quốc hội Úc giống như nước Anh (quốc hội Westminster). Thượng nghị sĩ ở Úc đại diện đồng đều cho các tiểu bang, lãnh thổ, vai trò không quan trọng như ở Mỹ. Hạ viện, dân biểu của đảng hay liên minh chiếm đa số sẽ thành lập nội các. Các dân biểu đối lập thành lập nội các đối lập với đủ các bộ, thường được gọi là nội các “bóng” (shadow cabinet). Nội các “bóng” đối xứng với nội các chính phủ như hình thật, hình ảo qua một tấm kính. Trong cuộc bầu cử, nếu đảng đương quyền thất cử, chính quyền về tay đối lập, nội các "bóng" sẽ trở thành nội chính. Như thế việc thay đổi chính quyền sẽ êm ả, không nhiều xáo trộn vì bộ trưởng "bóng" đã có kinh nghiệm sẵn. Đảng đương quyền sau khi thất cử sẽ có cải tổ sâu rộng, thủ tướng, một số bộ trưởng sẽ phải ra đi, nhường cho các dân biểu mới, trẻ của đảng thành lập nội các "bóng" mới. 

Đối với mọi quốc gia, ngăn chận tham nhũng trong chính quyền là điều tối quan trọng trong phát tiển một đất nước tiến bộ. Tham nhũng lớn thường có ở các hợp đồng, gọi thầu giữa chính quyền và các giới đối tác. Ở nước Úc, bộ trưởng “bóng” được quyền biết về các hợp đồng trong phạm vi của mình. Một hợp đồng có thể kéo dài nhiều năm, qua nhiều chính phủ nên nó phải được mổ xẻ chi ly giữa b̉ộ đương quyền và nhân viên của bộ “bóng”. Việc tham nhũng của các bộ trong chính phủ rất khó xẩy ra vì đơn giản, chính phủ làm gì luôn luôn có cái “bóng” bám theo xem có gì mờ ám không?

Phản Động cười nắc nẻ:

- V N có được đối lập, rồi có nội các "bóng" như ở Úc, mấy ngài bộ trưởng CS VN chắc là khóc thét lên, giãy đành đạch: "Làm bộ trưởng như thế này để cạp đất mà ăn à?". 

M L không cười mà thở dài:

- Biết đến bao giờ VN mới ngóc đầu lên được. Nước Anh có bao nhiêu cái đầu lỗi lạc về khoa học, kỹ thuật… Tổ chức chính quyền họ nghiên cứu cẩn thận và sâu, tránh tiêu cực và chính quyền hoạt động hiệu quả nhất. Nước Anh đã đi đầu, và những nước đã học từ nước Anh cách tổ chức chính quyền, quốc hội như thế đã trở thành những quốc gia phú cường. Cách tổ chức chính quyền CS VN vô cùng lạc hậu, một sao chép CS Tàu, vỏ bề ngoài dân chủ, bên trong là đảng đưa chính sách, đảng thi hành, đảng ra luật và cũng chính đảng xử tội... Buồn buồn, đảng đưa ra phong trào, chiến dịch để thay đổi không khí cho vui. 

- Sydney và người Việt ở Úc:

Thành phố lớn nhất Úc, cách Melbourne khoảng một ngàn cây số. Ngay trung tâm thành phố có Circular Quay với nhà hát opera con sò nổi tiếng cũng như cầu cảng Harbour Bridge. Kế bên là Darling Harbour, vườn Bách Thảo…

Người Việt định cư ở Sydney đông nhất, tập trung chính ở Banktown, Cambramatta. Cambramatta được xem như thủ đô người Việt tị nạn tại Úc. Nơi đây có văn phòng người Việt Tự Do liên bang Úc. Lá cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã bị cha đẻ là Cộng sản Miền Bắc vứt vào thùng rác, ít ai còn nhớ đến. Nhưng cờ vàng ba sọc đỏ của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà vẫn được xử dụng như biểu tượng của người Việt Tự do hải ngoại. Ngày 30/4 hàng năm các cửa hàng khu người Việt vẫn treo cờ, cũng như trong buổi biểu tình hỗ trợ đồng bào VN trong nước. Lá cờ đỏ, sao vàng của CS VN, một bản sao chép của nước Tàu cộng sản, chỉ được xem biểu tượng của một chính phủ độc tài, đảng trị và tham nhũng. 

Người Việt tị nạn ở Úc, sau những ngày tháng khó khăn ở xứ sở xa lạ, nay đã hội nhập vào xã hội mới. Người Việt làm bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên máy tính, cửa hàng thực phẩm… Bản tính cần cù chịu khó, cộng đồng người Việt trở thành khá giả, làm chủ cửa hàng, tiệm ăn, kinh doanh địa ốc... 

Ngày 30 tháng tư sắp đến, người Việt ở Úc, sống tại các thành phố lớn, như thông lệ hàng năm lại rủ nhau, cầm cờ vàng ba sọc đỏ, tụ họp trước sứ quán CSVN ở Canberra, lên án chế độ độc tài, đảng trị, dối trá, đòi hỏi nhân quyền, trả tự do cho các tù nhân lương tâm tại VN, lên án việc phá hoại môi trường... Những người lớn tuổi, những người trẻ lớn lên ở Úc... qua bao năm họ vẫn cần mẫn, không đòi hỏi gì cho riêng họ. Trước sứ quán VN họ chỉ muốn bày tỏ sự ray rứt trong lương tâm của một người tuy đã rời xa nhưng họ vẫn tưởng nhớ và muốn đóng góp phần nhỏ nhoi của mình cho một Việt nam tự do. Cũng như mọi ngày 30 tháng tư trước, sứ quán CS VN vẫn đóng cửa kín mít, viên đại sứ và nhân viên vẫn cố thủ bên trong, không dám bước ra. Yên tâm các ngài trong sứ quán kia ơi! Nước Úc có luật pháp rõ ràng, không có dư luận viên, nên không có ai đến “hỏi thăm sức khoẻ” các ngài đâu, chỉ đến chỉ cho các ngài điều gì đúng, điều gì sai của chế độ độc tài CS mà thôi!

***

Nước Úc có lịch sử lập quốc mới chỉ hơn 100 năm, dân số không đông nhưng là cường quốc kinh tế trong khu vực, dân sống hạnh phúc vì họ có chế độ chính trị đúng đắn. VN lịch sử lập quốc 4000 năm, đến nay xã hội bị cai trị bởi chế độ độc tài, đảng trị, tham nhũng và ngày càng bộc rõ sự lệ thuộc kinh tế, chính trị, văn hóa vào Tàu Lục địa chỉ vì theo một cái khung chính trị lỗi thời, thế giới đã vứt vào sọt rác. Một chế độ cộng sản bao năm vẫn giả như đui mù, không nhìn thấy và không muốn nhìn thấy những chế độ, chính quyền ở các nước văn minh khác để học hỏi, chỉ biết dối trá, tuyên truyền ép người dân theo mình với lý do duy nhất, bảo vệ cho đảng, bảo vệ cho mình. 

4/4/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo